Vẫn là “Trung Quốc + 1”

NGỌC ẨN 23/12/2020 03:12 GMT+7

TTCT - Sự dịch chuyển của các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia trên thế giới nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng đã rục rịch diễn ra được một thời gian, dịch COVID-19 chỉ là chất xúc tác để dòng vốn chuyển dịch nhanh hơn. Tuy vậy, không ít thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp và Việt Nam để đầu tư và đón nhận dòng vốn này hiệu quả hơn.



Là một trong những doanh nghiệp nhận hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản để thực hiện chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, Công ty TNHH Yokowo Việt Nam chuyên sản xuất linh kiện ôtô tại Khu công nghiệp Đồng Văn II (Duy Tiên, Hà Nam) đang tính toán dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam với quy mô lớn. Mục tiêu là đảm bảo kinh doanh liên tục và tăng sức cạnh tranh về chi phí.


Lựa chọn ưu tiên

Ông Hiraoka Seiichi, tổng giám đốc Yokowo Việt Nam, nói rằng kế hoạch này của công ty phù hợp với mục tiêu “đa dạng hóa cơ sở sản xuất sản phẩm và vật liệu, linh kiện tại nước ngoài” mà Chính phủ Nhật Bản đang hướng đến. Hiện Yokowo đã được công nhận là “dự án thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hưởng chính sách ưu đãi”. Nay công ty đang thúc đẩy chuyển dịch dây chuyền sản xuất và thiết bị để hoàn tất kế hoạch vào năm 2024.

Tuy vậy, ông Hiraoka Seiichi cho biết do phải nhập khẩu khoảng 60% linh kiện cần thiết để sản xuất từ Nhật Bản và Trung Quốc, công ty ông đang gặp phải các vấn đề về chi phí và thời gian để tăng cường sức cạnh tranh cho sản phẩm. Giá nhân công tại Trung Quốc tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá mua linh kiện. Rồi để đáp ứng yêu cầu của thị trường và khách hàng biến động mạnh, trong không ít trường hợp, công ty phải sử dụng phương tiện vận chuyển hàng không chi phí cao. Tất cả những điều này làm gia tăng chi phí, là vấn đề lớn trong hoạt động kinh doanh. Rất muốn thúc đẩy mua sắm tại chỗ để tối ưu hóa cung ứng linh kiện, giảm chi phí, nhưng doanh nghiệp ông vẫn gặp rắc rối với chất lượng, giá thành, công tác giao nhận... của các sản phẩm sở tại, chưa thể tìm được nhà cung cấp phù hợp.

“Hiện tại, ngay cả linh kiện chính có thể mua sắm tại chỗ thì công ty tôi vẫn chủ yếu giao dịch với doanh nghiệp Nhật Bản. Để tạo được lợi thế về giá thành thì cần giao dịch với nhà cung cấp Việt Nam đủ sức cạnh tranh” - ông Hiraoka Seiichi giãi bày. Doanh nhân Nhật Bản này cho rằng việc phát triển công nghiệp phụ trợ như chế tạo linh kiện trong nước là nhiệm vụ cấp bách và mong đợi phía Việt Nam nhanh chóng triển khai các giải pháp như hoàn thiện hệ thống luật, cho vay vốn, xây dựng chính sách thuế, đào tạo nhân lực, nâng cao kỹ năng... Ông cũng mong đợi thúc đẩy dự án thông qua sự liên kết của hai Chính phủ Nhật - Việt để giảm chi phí, cải thiện thời gian thực, mở rộng hơn nữa sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc, đồng thời phát triển doanh nghiệp và công nghiệp phụ trợ Việt Nam, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Ông Yamada Takio, đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, nhận xét trong bối cảnh nhiều nước đang chật vật chống dịch và lâm vào suy thoái kinh tế, Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương 2-3% với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gần 500 tỉ đôla - một điều tích cực. Nhờ đó, Việt Nam có lợi thế để thu hút dòng vốn đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản - vốn hết sức quan tâm tới Việt Nam như một điểm đến duy trì được tình trạng “bình thường mới” trong bối cảnh COVID-19.

Ông dẫn chứng trong số 81 doanh nghiệp được nhận hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản qua gói chính sách 2,3 tỉ đôla, 37 doanh nghiệp đã quyết định chọn Việt Nam đầu tư, chiếm tỉ lệ lớn nhất, thể hiện kỳ vọng của giới kinh doanh Nhật Bản ở thị trường này. Tuy nhiên, ông đại sứ vẫn nhắc tới những nút thắt, rào cản với các doanh nghiệp và hi vọng nó sớm được sớm tháo gỡ để cả hai phía có thể tận dụng hiệu quả việc chuyển dịch dòng vốn đầu tư.

Đa dạng chuỗi cung ứng

Theo đại diện Bộ KH&ĐT, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và tái cơ cấu đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng mạnh mẽ hơn thời gian qua vì các tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn, mong muốn giảm rủi ro phụ thuộc chuỗi cung ứng vào một đối tác và đại dịch COVID-19. 

Ba xu hướng dịch chuyển chính là: (1) tái định vị dây chuyền sản xuất, đa dạng hóa đối tác cung ứng tại nhiều nước để tránh sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng khi có sự cố xảy ra; (2) tái cơ cấu đầu tư theo xu hướng “Trung Quốc + 1” để tránh phụ thuộc chuỗi cung ứng; và (3) quay về đầu tư, sản xuất trong nước, thúc đẩy phát triển nền kinh tế tự chủ.

Hiện chiến lược được lựa chọn phổ biến nhất có lẽ là “Trung Quốc + 1”, không hoàn toàn rút ra khỏi Trung Quốc nhưng cũng không bỏ tất cả trứng vào một giỏ nữa. 

Thực tế Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục là công xưởng của thế giới trong một thời gian dài nữa với những lợi thế không thể phủ nhận của hệ thống chính trị ổn định, nguồn nhân lực dồi dào có chất lượng cao và thị trường tiêu thụ 1,4 tỉ dân. 

Về mặt chính sách, Trung Quốc cũng có mức thuế quan thấp và hệ thống hạ tầng, kho vận tích hợp sâu rộng với chuỗi cung ứng toàn cầu, “phản ứng chính sách” nhanh và hiệu quả. 

Lợi thế nổi bật của Trung Quốc - so với những nền kinh tế còn đang chật vật xây dựng kết cấu sản xuất như Việt Nam - là mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng có tính gắn kết cao độ, khiến mọi nhà đầu tư phải tính toán rất kỹ rủi ro và chi phí cơ hội khi quyết định dịch chuyển sản xuất.

“Dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển khỏi một số nền kinh tế lớn như Trung Quốc là điều khó xảy ra ồ ạt trong ngắn hạn. Vì vậy, chúng ta cần nhận thức đầy đủ về các cơ hội và thách thức để không bỏ lỡ làn sóng dịch chuyển đầu tư do tái cơ cấu chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; không lạc quan tô hồng chỉ thấy cơ hội, dù vẫn có thể coi đây là cơ hội “ngàn năm có một” của Việt Nam nhằm thu hút dòng vốn chuyển dịch để đạt được các mục tiêu nội địa hóa sản xuất, phát triển kinh tế tư nhân, thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực” - đại diện Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Thực tế thời gian qua cho thấy các địa điểm được lựa chọn để xây dựng làm chuỗi cung ứng sản xuất mới trong ngắn hạn sẽ được các tập đoàn đa quốc gia kiểm chứng về năng lực qua việc nâng các số lượng đơn đặt hàng thông qua các hãng sản xuất phụ tùng gốc (originial equipment manufacturer - OEM). 

Tại Việt Nam, các OEM lớn của những tập đoàn đa quốc gia như Samsung, LG, Foxconn... khi trao đổi với Bộ KH&ĐT đều cho biết đã nhận được nhiều đơn đặt hàng với số lượng lớn hơn so với các năm trước. ■

“Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn là nòng cốt”

Ông PHAN HỮU THẮNG - nguyên cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT - trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần về thời cơ cho Việt Nam trong thu hút FDI.

Ông nhìn nhận thế nào về xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào Việt Nam thời gian gần đây?

- Có tới 70% FDI đầu tư vào Việt Nam theo thống kê có quy mô dưới 10 triệu USD, nên vẫn chưa tạo được liên kết. Vấn đề đặt ra là làm sao để doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam nâng cao năng lực, tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia toàn cầu. Do đó, thu hút dòng vốn chuyển dịch đầu tư cần phải lựa chọn phù hợp điều kiện Việt Nam, ưu tiên những dự án công nghệ cao, không tạo ra cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp trong nước về công nghiệp phụ trợ, chế biến, chế tạo.

Lý do nào khiến những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới vẫn chưa thực sự đặt cả hai chân ở Việt Nam?

- Vì họ có quyền lựa chọn - ở đâu tốt thì họ đến, đó là lợi thế so sánh, quy luật cạnh tranh. Một phần nữa, công nghiệp hỗ trợ bao nhiêu năm qua còn hạn chế, doanh nghiệp cần nguồn cung ứng đầu vào đủ lớn, nguồn nhân lực chất lượng cao… nhưng Việt Nam chưa đáp ứng được. Thêm yếu kém nữa là quản lý nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu. Tôi dẫn chứng từng có dự án lớn vào đây mất 2 năm, họ mất đi cơ hội, nhất là dự án cần đất rộng, lại phải bổ sung thay đổi quy hoạch, thủ tục.

Với tổ công tác đặc biệt về thu hút, hợp tác đầu tư FDI, ông kỳ vọng gì?

- Cần phải giao nhiệm vụ cụ thể, làm gì, đến đâu, rõ ràng cho hoạt động của tổ công tác. Đảm bảo nhất quán chủ trương đầu tư, tức muốn thu hút phải tính tới việc lựa chọn dự án đúng và lựa chọn nhà đầu tư. Đặc biệt, cần lưu ý tới việc xây dựng nền kinh tế tự cường, bởi phụ thuộc là hỏng. Định hướng trong nghị quyết 50 về hợp tác đầu tư nước ngoài cũng đã nêu rõ cần tăng cường giá trị trong chuỗi sản xuất và kinh doanh toàn cầu. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn là nòng cốt tạo công ăn việc làm. Do đó để xây dựng nền kinh tế tự cường cần tạo điều kiện hết sức cho khối này, xây dựng khu công nghiệp cho thuê giá rẻ, có hướng dẫn, đào tạo nguồn nhân lực, tự chủ công nghệ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận