Vì sao châu Á trở thành thị trường vũ khí số 1 thế giới?

ĐỨC HOÀNG 17/03/2016 02:03 GMT+7

TTCT - Những chuyển dịch về địa chính trị, tham vọng của Trung Quốc, cân bằng chiến lược mới và những xung đột lâu năm không được giải quyết đang là nguyên nhân khiến khu vực châu Á - Thái Bình Dương đứng trước nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Tàu ngầm lớp Kilo trong nhà máy tại St. Petersburg, Nga                -Yahoo!
Tàu ngầm lớp Kilo trong nhà máy tại St. Petersburg, Nga -Yahoo!

 

Châu Á - thị trường số 1

Báo cáo “Xu hướng mua bán vũ khí toàn cầu 2015” của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy châu Á - Thái Bình Dương là khu vực tiêu thụ nhiều vũ khí nhất thế giới trong năm năm qua. Giai đoạn 2011-2015, các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm tới 46% thị trường vũ khí toàn cầu. Tỉ lệ này tăng so với giai đoạn năm năm trước đó (2006-2010) 4 điểm phần trăm.

Đáng nói hơn, tỉ lệ tiêu thụ vũ khí của khu vực này gần gấp đôi Trung Đông. Tổng kim ngạch nhập khẩu vũ khí của các quốc gia Trung Đông chiếm 25% thị trường toàn cầu. Trong khi vùng châu Á - Thái Bình Dương đã không trải qua một xung đột quân sự nào kể từ sau chiến tranh Việt - Trung năm 1979, Trung Đông vẫn đang là nơi tập trung những vùng chiến sự ác liệt nhất trên thế giới.

Trong số 10 quốc gia nhập khẩu vũ khí nhiều nhất trên thế giới có 6 nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ đang là nước mua nhiều vũ khí nhất thế giới.

Trong năm năm qua, quốc gia này chiếm 14% tổng lượng mua sắm vũ khí toàn cầu, nhiều hơn cả toàn bộ châu Âu gộp lại (11%) và gấp ba lần quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ với họ là Trung Quốc (4,7%). Theo nhận định của SIPRI, con số này cho thấy nền sản xuất vũ khí nội địa của Ấn Độ đang không theo kịp những đòi hỏi của quân đội.

Mặc dù không có xung đột, nhưng việc châu Á - Thái Bình Dương chiếm gần một nửa thị trường vũ khí thế giới cho thấy mức độ leo thang của những căng thẳng trong khu vực.

Đầu tiên phải kể đến những động thái gây hấn của CHDCND Triều Tiên trong những năm vừa qua, dưới nhiệm kỳ lãnh đạo của ông Kim Jong Un. Liên tục các vụ thử tên lửa, các tuyên bố chế tạo thành công vũ khí hạt nhân và đã có ít nhất hai lần quân đội hai miền Triều Tiên khai hỏa vào nhau các năm 2009 và 2010.

Cạnh đó là các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông và Hoa Đông gây quan ngại cho nhiều nước láng giềng. Các tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc - Ấn Độ và Ấn Độ - Pakistan vẫn dai dẳng cũng khiến những quốc gia lớn của châu Á này có nhu cầu tăng cường sức mạnh quân sự.

Xe tăng M1 Abrams của Mỹ -wikimedia.org
Xe tăng M1 Abrams của Mỹ -wikimedia.org

 

Hải quân tốn kém hơn

Một trong những lý do khiến các căng thẳng ở châu Á “tốn kém” hơn là việc vũ khí dùng cho các xung đột trên biển tiêu tốn nhiều tiền hơn vũ khí bộ binh. Trong giai đoạn từ năm 2011-2015, Việt Nam nhập khẩu bốn tàu ngầm Kilo 636 (trong nhóm sáu chiếc, theo Thông tấn xã Việt Nam), là nước nhập khẩu nhiều tàu ngầm nhất trong năm năm qua trong tổng số 16 chiếc được xuất khẩu trên toàn cầu. Cùng với đó là khoản chi cho hàng loạt chiến đấu cơ Su-30MK, nâng tổng số lượng dự kiến của loại tiêm kích đa năng này trong không quân Việt Nam lên tới 36 chiếc, cũng theo báo cáo này.

4 tàu ngầm Kilo 636 có trị giá khoảng 1,3 tỉ USD, theo SPIRI. Trong khi đó, giá của xe tăng M1 Abrams (loại xe mà Hoa Kỳ trang bị cho quân đội Iraq, hiện là 146 chiếc) tối đa “chỉ” là 8,5 triệu USD/chiếc.

Các vùng xung đột vũ trang lớn nhất trên thế giới trong vòng năm năm qua tập trung ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi - nơi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang hoành hành; nội chiến Ukraine; cuộc chiến chống Boko Haram ở Tây Phi...

Tuy nhiên, chủ yếu đó là các cuộc xung đột trên đất liền. Thêm nữa, nhiều nước trong các cuộc chiến này (các nhà nước Lebanon, Syria, Sudan...) bị Liên Hiệp Quốc hoặc các quốc gia phương Tây áp lệnh cấm vận vũ khí.

Trong số 10 quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới có đến bốn ở khu vực Tây Thái Bình Dương đang tăng cường đầu tư cho hải quân.

Số tiền mua vũ khí của Úc tăng 8,3% trong giai đoạn 2011-2015 so với năm năm trước đó và hứa hẹn tiếp tục tăng khi nước này đang dự định chi 20 tỉ USD cho 8-12 tàu ngầm mới - có thể sẽ được đóng ở Nhật Bản. Ngoài nhập khẩu, Úc tự bỏ ra không dưới 16 tỉ USD đóng 6 khu trục hạm lớp Hobart.

Hàn Quốc đang hướng tới việc trở thành hải quân nước sâu vào năm 2020. Trong vòng năm năm qua, các nhà máy của Daewoo và Hyundai đã lắp ráp 4 tàu ngầm do Đức thiết kế. Tổng cộng Seoul đang có 14 tàu ngầm, là một trong những hạm đội tàu ngầm lớn nhất thế giới. 12 tàu trong số này được thiết kế tại Đức, chỉ 2 chiếc sản xuất trong nước.

Trung Quốc mặc dù là một nước xuất khẩu vũ khí lớn, nhưng trong cuộc hiện đại hóa hải quân với tham vọng không giấu giếm, nước này vẫn phụ thuộc vào Nga trong việc sản xuất các động cơ cho máy bay chiến đấu và tàu chiến. Theo báo cáo, có đến 30% ngân sách mua vũ khí của Bắc Kinh dùng cho các động cơ.

Ngoài ra, hàng loạt quốc gia châu Á không nằm trong “top chi tiêu” cũng tích cực đầu tư cho hải quân. Bangladesh, Singapore và Indonesia trong năm năm qua đều mua 2-3 tàu ngầm.

Nguyên nhân: không chỉ có Trung Quốc

Sự trỗi dậy của Trung Quốc trong thập kỷ qua cùng hàng loạt động thái hiện đại hóa quân đội và gia tăng sự kiểm soát ở nhiều vùng biển lân cận đang khiến căng thẳng trong khu vực lên cao.

Không chỉ có những xung đột trực tiếp với các quốc gia láng giềng như Ấn Độ, Việt Nam, Philippines và Nhật Bản, với lợi ích ngày càng gia tăng, Trung Quốc đang tỏ ý muốn can thiệp cả vào nhiều vấn đề an ninh không liên quan trực tiếp với họ.

Nước này đã có phản ứng ngoại giao khi Seoul đàm phán với Mỹ để lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. “Việc triển khai hệ thống THAAD tới Hàn Quốc vượt xa yêu cầu phòng thủ cần thiết của Mỹ và sẽ làm tổn hại lợi ích an ninh quốc gia Trung Quốc” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố mới đây.

Trung Quốc cũng đã sử dụng máy bay không người lái giám sát các hòn đảo trên biển Hoa Đông, trong đó có cả đảo Ieodo mà Hàn Quốc cho là vùng đặc quyền kinh tế của họ.

“Một trong những khía cạnh của sự quyết liệt này là nó cho thấy Trung Quốc sẵn sàng can thiệp vào chính sách an ninh của các nước khác” - báo The Economist bình luận, liên hệ mối lo ngại với việc các quốc gia trong khu vực tìm mua thêm vũ khí, ngay cả những nước không có xung đột trực tiếp như Úc.

Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng Trung Quốc không phải là động cơ duy nhất cho xu hướng mua vũ khí ráo riết ở khu vực.

Tim Huxley, giám đốc khu vực châu Á của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), cho rằng cần nhìn nhận điều này như một xu hướng phản ánh sự giàu lên của các quốc gia châu Á. Huxley lấy ví dụ Singapore, một trong những nước có ngân sách quốc phòng lớn nhất khu vực Đông Nam Á, tiêu nhiều hơn cả Indonesia với dân số gấp 45 lần và không hề tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Các vấn đề an ninh của châu Á cũng không bắt đầu từ khi Trung Quốc trở thành siêu cường. Nhiều căng thẳng hiện nay có nguồn gốc từ lịch sử. Ấn Độ và Pakistan đã tranh chấp và xung đột vũ trang nhiều lần vì khu vực Kashmir từ năm 1947.

Vấn đề chủ quyền của Đài Loan bắt đầu từ tận năm 1949 và Trung Quốc chưa bao giờ loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để hoàn thành mục tiêu thống nhất. Chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953, nhưng chưa từng có một thỏa ước hòa bình nào được ký kết chính thức và Bình Nhưỡng không ngừng kích động các căng thẳng.

Tranh chấp chủ quyền của Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu từ năm 1967 cũng chưa có lối ra.

Những sự cân bằng mới

Việc mua sắm vũ khí dồn dập vừa là hệ quả, vừa là yếu tố định hình nên một sự cân bằng mới về quyền lực trong khu vực. Chen Xiangyang, phó giám đốc Viện Quan hệ quốc tế đương đại của Trung Quốc, cho rằng những chuyển động của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến từ sự thất bại của Mỹ trong việc duy trì ảnh hưởng tại khu vực này.

Nước Mỹ đang buộc phải dịch chuyển sự ưu tiên quân sự sang khu vực Trung Đông, điều này khiến những mối tương quan mới được hình thành.

Nhật Bản điều chỉnh chính sách quốc phòng theo hướng có thể can dự tích cực hơn; ASEAN tăng cường nội lực; Úc năng động hơn với vai trò một đồng minh của Mỹ trong khu vực; Nga hướng các lợi ích về vùng Viễn Đông; Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy cả về kinh tế, chính trị, quân sự và tìm cách gia tăng ảnh hưởng.

Theo ông Chen, một tam giác bao gồm Mỹ và Nhật; Trung Quốc và Nga; Ấn Độ và ASEAN đang dần định hình. Dù nhận định này có đúng hay không, việc cân bằng chiến lược tại châu Á đang chuyển dịch là điều được nhiều nhà lãnh đạo thừa nhận. Đây là thông điệp chính của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Hội nghị Shangri-La hồi năm ngoái.

Cộng thêm tốc độ phát triển kinh tế nhanh, châu Á sẽ tiếp tục trở thành thị trường vũ khí lớn nhất thế giới.

Điều này có thể nhìn thấy qua các hợp đồng tương lai. Ngoài hợp đồng 20 tỉ USD mua tàu ngầm Úc có thể ký với Nhật, Trung Quốc đang đề nghị mua hệ thống tên lửa S-400 từ Nga và cuối năm ngoái đã ký một hợp đồng mua 24 chiến đấu cơ Su-35; Việt Nam sẽ tiếp tục nhận thêm hộ tống hạm Gepard trong các năm tới; Hàn Quốc vẫn đang chờ ít nhất 2 chiếc tàu ngầm 1.700 tấn trong hai năm nữa...

Theo Thủ tướng Malaysia Najib Razak, “sự chuyển dịch trong phân bổ ảnh hưởng và quyền lực tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương không nhất thiết phải nhìn nhận là một mối đe dọa cố hữu”.

Điều này trùng với nhận định của tờ The Economist khi bàn đến các căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông, bởi các xung đột này vẫn đang là chủ đề của những cuộc đối thoại ngoại giao. Tuy nhiên, tờ báo này cho rằng những mâu thuẫn lâu đời đang không được giải quyết bằng đối thoại vẫn bỏ ngỏ nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận