"Việt Nam trong quá khứ" dưới mắt người nước ngoài

LAM ĐIỀN THỰC HIỆN 25/07/2011 19:07 GMT+7

TTCT - Lần đầu tiên toàn bộ bảy tập sách với tên gọi Việt Nam trong quá khứ: tư liệu nước ngoài được xuất bản đồng loạt nhờ vào nỗ lực của Từ Văn Books liên kết với NXB Thế Giới.

Ông Nguyễn Trung Dũng - giám đốc Công ty cổ phần Từ Văn (Từ Văn Books), đồng thời là cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam (thuộc Unesco Việt Nam) - nói về hành trình tổ chức bản thảo của loạt sách này.

Phóng to

Khởi đầu là sự hợp tác của khoa lịch sử (Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) với NXB Thế Giới trong việc công bố những tài liệu và bản dịch quý báu được lưu giữ tại thư viện khoa. Tái bản lần này, Từ Văn Books bổ sung cuốn Vùng đất Nam bộ dưới triều Minh Mạng của tác giả Choi Byung Wook.

* Khi quyết định đầu tư tái bản loạt sách Việt Nam trong quá khứ: tư liệu nước ngoài, Từ Văn có tìm hiểu sức mua của độc giả Việt Nam từ lần xuất bản trước đây không? Theo ông, những đối tượng độc giả nào sẽ tìm đến loại sách này?

- Từ Văn Books đặt trọng tâm vào mảng sách khoa học xã hội và nhân văn nhằm phục vụ độc giả là các nhà nghiên cứu ở cơ quan nghiên cứu, các nhà nghiên cứu tự do, các bạn sinh viên - học sinh và những người quan tâm đến mảng sách này.

Đối với các bạn đọc nước ngoài, chúng tôi quan tâm tới việc truyền bá những tri thức của người Việt tới họ. Vì vậy, chúng tôi không đặt quá cao việc tìm hiểu sức mua mà cố gắng tối đa để nắm bắt được những chủ đề độc giả quan tâm, xem họ cần tìm hiểu về vấn đề gì. Từ đó, chúng tôi muốn xây dựng một bộ sách tư liệu về văn hóa, lịch sử và xã hội Việt Nam thời tiền thuộc địa và thuộc địa. Cụ thể, Từ Văn Books đã hợp tác với khoa lịch sử và NXB Thế Giới để tái bản bộ sách Việt Nam trong quá khứ: tư liệu nước ngoài.

Đây là một bộ sách quý giá, chứa đựng nhiều thông tin lịch sử, văn hóa, tôn giáo, xã hội của đất nước và con người Việt Nam trong giai đoạn tiền thực dân và thực dân. Cũng cần nói thêm rằng bộ sách này được người phương Tây viết, vì vậy những quan điểm thể hiện trong sách có thể không đồng nhất với quan điểm của các sử gia chính thống.

Tuy nhiên, những quan điểm này phản ánh một cách nhìn khác, nhất là việc phản ánh đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội, tôn giáo tín ngưỡng, cá tính dân tộc của tầng lớp bình dân người Việt thời bấy giờ. Những tư liệu này thật sự quý giá với cá nhân tôi, cho tôi thấy tổ tiên tôi, đất nước tôi, dân tộc tôi... trong một giai đoạn lịch sử cụ thể đã diễn ra như thế nào. Những tư liệu đó ít được nhắc tới trong sử Việt.

Phóng to
Bộ sách Việt Nam trong quá khứ: tư liệu nước ngoài đang bày bán tại nhà sách Hà Nội - Ảnh: Lam Điền

* Thật sự có những quyển biết là cần thiết nhưng cũng khó đọc do đề tài và tính đặc thù của nội dung, như quyển Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông của G. E. Coedès chẳng hạn. Ông có kinh nghiệm gì về việc đọc các sách này sao cho có hiệu quả?

- Thông thường tôi phân luồng sách ngay từ trước khi mua. Nếu cần tìm kiếm tài liệu, dữ liệu và quan điểm nghiên cứu về vấn đề mình đang quan tâm, tôi sẽ tập trung tìm và mua sách về chủ đề đó.

Bước thứ hai, tôi sẽ đọc lướt rất nhanh xem cuốn sách nói gì và những phần nào cần thiết cho công việc của tôi đang cần rồi đánh dấu lại.

Bước thứ ba, tôi đọc kỹ cuốn sách, đặc biệt đọc kỹ hơn ở những phần đánh dấu. Đấy là đọc sách để lấy dữ liệu phục vục công tác nghiên cứu tức thời. Còn với việc đọc sách để tích lũy kiến thức (không phục vụ công việc nghiên cứu tức thời) tôi cũng vẫn tuân thủ ba bước trên, tuy có khác là đọc kỹ cả cuốn sách từ đầu đến cuối.

Do vậy, với những cuốn sách khó đọc như Cổ sử các quốc gia ấn độ hóa ở Viễn Đông, bạn đọc hãy cố gắng kiên nhẫn đọc lại nhiều lần cuốn sách, đồng thời cố gắng tra cứu các tài liệu khác, khi đó bạn sẽ tìm thấy thật nhiều thứ quý giá để cập nhật, bổ sung cho kiến thức của mình.

* Được biết nguồn bản thảo các sách loại này vẫn còn chưa khai thác được nhiều. Từ Văn có dự định theo đuổi dòng sách này trong tương lai?

- Từ nay đến cuối năm chúng tôi sẽ xuất bản một số đầu sách khác của các học giả trong và ngoài nước có liên quan như: Hoạt động ngoại giao của nước Pháp nhằm củng cố cơ sở tại Nam Kỳ (giai đoạn 1862-1874) của LM.TS Trương Bá Cần, Lịch sử vùng cao Quảng Ngãi qua Vũ Man tạp lục thư của tác giả Nguyễn Đức Cung.

Ngoài những mảng sách trên, chúng tôi sẽ cho ra mắt một số ấn phẩm về lý thuyết nhân học, lý thuyết quan hệ quốc tế như: Nhân học - một quan điểm về tình trạng nhân sinh của tác giả Emily A.Schultz và Rebert H.Lavenda, Quốc gia và siêu quốc gia: nghiên cứu so sánh lý luận nhất thể hóa châu Âu của tác giả Trần Ngọc Cương...

Cùng trong loạt Việt Nam trong quá khứ: tư liệu nước ngoài, sắp tới Từ Văn Books sẽ gửi đến độc giả một số ấn phẩm mới như các cuốn Những kẻ săn máu... của tác giả Le Pichon, Nghi thức tang lễ của người An Nam của G. Dumountier, Tiểu luận về người dân Bắc Kỳ của G. Dumountier và một số cuốn khác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận