TTCT - Hy vọng của chúng ta có lẽ sẽ tốt hơn nếu có một đội ngũ VĐV đỉnh cao đa dạng hơn về xuất thân, để thể thao không chỉ là một lối thoát nghèo. Nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh, người đã tạo ra chút hy vọng đoạt huy chương Olympic 2024 cho thể thao Việt Nam, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.Một nữ ngôi sao khác của thể thao Việt Nam, tay chèo Phạm Thị Huệ (rowing) sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo ở vùng quê Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình.Nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh. Ảnh: ReutersKhi Nguyễn Thị Oanh trở thành cô gái tiêu biểu cho thể thao Việt Nam, báo Tuổi Trẻ đã tổ chức một buổi giao lưu với Oanh và bố mẹ cô từ Bắc Giang vào TP.HCM tham dự. Ngồi trò chuyện với gia đình, tôi nghe kể về những ngày tháng gian khổ nhất của họ. Nguồn thu lớn nhất của gia đình là dựa vào vườn vải. Dù bây giờ vải có giá, nhưng mỗi năm cũng chỉ mang về cho nhà Oanh 20 triệu đồng! Thế là bố mẹ cô phải đi làm thuê làm mướn để nuôi các con. Nhưng giờ thì gia đình đã khởi sắc, có nhà cửa kiên cố… nhờ những khoản tiền thưởng của Oanh.Tương tự, ngôi sao bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Phong Điền, Cần Thơ. Nhờ thành tích thể thao, nay cô đã giúp cho gia đình đổi đời…Có thể nói câu chuyện của Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Ánh Viên là rất chung cho nhiều ngôi sao thể thao Việt Nam, và cũng là tấm gương cho nhiều trẻ em nghèo ở nông thôn Việt Nam.Ở những thành phố lớn, như TP.HCM chẳng hạn, thể thao đỉnh cao giờ đây phần lớn dựa vào tìm kiếm tài năng trẻ từ các vùng quê nghèo khó. Đội tuyển bóng đá nữ TP.HCM vừa đăng quang chức vô địch quốc gia lần thứ 13 là một ví dụ. Đại đa số cầu thủ xuất thân từ các vùng quê nghèo của những địa phương khác. Ông Mai Bá Hùng - nguyên phó giám đốc phụ trách thể thao của Sở Văn hóa & Thể thao TP.HCM - từng than thở: Phụ huynh khá giả ở TP.HCM chỉ cho con em chơi thể thao cho khỏe nhằm phục vụ chuyện học thôi, mấy ai cho con theo nghiệp quần đùi áo số…Hay HLV Thanh Hương, phụ trách huấn luyện cự ly 100m nữ, khi khoe vừa tìm thấy được ngôi sao Nhi Yến ở Long An cũng thừa nhận: Bây giờ phải đi tìm VĐV trẻ tiềm năng ở các vùng quê nghèo, chứ ở TP.HCM làm sao tìm thấy?Nhờ lại hồi năm 1997, tại kỳ SEA Games được xem là bước ngoặt của thể thao Việt Nam với cú đại nhảy vọt đoạt 35 HCV (hai năm trước đó chỉ có 10 HCV), tôi đã rà soát danh sách VĐV và nhận thấy đại đa số là con nhà nghèo, đến từ các vùng quê khó khăn.Giờ đây, gần 30 năm sau, câu chuyện vẫn thế, đại diện cho thể thao nước nhà vẫn cứ là những chàng trai và cô gái sinh ra trong những gia đình nhiều khó khăn.Ơ, nhưng mà con nhà nghèo thì đã sao? Con nhà nghèo có những ưu thế lớn như ý chí vượt khó, tinh thần kỷ luật và khả năng chịu đựng cường độ tập luyện hết sức khắc nghiệt. Nhưng con nhà nghèo lại có điểm yếu cực lớn trong thể thao, đó là thể trạng. Khoa học đã chứng minh thể trạng và thể lực con người dựa vào ba trụ cột: di truyền, chế độ dinh dưỡng, và tập luyện.Những ngôi sao thể thao xuất thân từ nghèo khó, do đó coi như đã chấp trước những đối thủ gia đình có điều kiện hơn. Có thể chúng ta thấy có những ngôi sao nhà nghèo vẫn có thể hình cao lớn nhờ gene của bố mẹ; nhưng về dinh dưỡng, họ thường thiếu thốn ngay từ khi trong bụng mẹ, rồi trải qua một tuổi thơ khó khăn nữa. Những bồi bổ kể từ khi được phát hiện có năng khiếu, tập trung vào các lò đào tạo (chưa kể chuyện dinh dưỡng ở các trung tâm đào tạo cũng chưa phải là đã có thể hài lòng), là đã khá muộn màng.Tất cả chuyên gia thể thao tôi quen biết đều cho rằng thể trạng và tố chất tác động rất lớn, mà người không chuyên hay không theo đuổi thể thao thành tích cao khó thể hiểu hết. Với dân trong nghề, trong những cuộc thi chỉ cách nhau tính bằng giây, thậm chí là phần trăm giây, thì khác biệt này rất rõ ràng, nhất là khi VĐV tới thời điểm quan trọng, mang tính quyết định ở các cuộc thi đấu đỉnh cao. Với trường hợp Thu Vinh, cô đã hụt hơi chính trong những loạt bắn cuối ở vòng chung kết Olympic 2024, khi sức bền thể lực và tinh thần trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, và riêng năng khiếu cùng tập luyện sẽ không đủ bù đắp.Bất cứ màn thi thố nào, dù là hội thi cây trái của người nông dân, ai cũng mang đi những cây trái khỏe nhất, tốt nhất của mình. Thể thao Việt Nam cũng vậy thôi, nhưng hy vọng của chúng ta có lẽ sẽ tốt hơn nếu có một đội ngũ VĐV đỉnh cao đa dạng hơn về xuất thân, để thể thao không chỉ là một lối thoát nghèo!Nói rộng ra thì đó là một vấn đề lớn, liên quan đến đủ thứ chuyện, từ kinh tế, giáo dục đến nhận thức… không thể thay đổi ngày một ngày hai.Vậy nên, tôi vô cùng kính phục những VĐV thể thao con nhà nghèo, nhưng vẫn thấy bất nhẫn không yên... ■ Tags: Olympic 2024Con nhà nghèoThu VinhNguyễn Thị Oanh Ánh Viên
Nhà yêu nước Phạm Hồng Thái (1894-1924): Tài liệu mới về sự kiện Tiếng bom Sa Diện VIỆT ANH 04/09/2024 2185 từ
Hà Nội: Sập nhà trên phố Khâm Thiên, cây đa cổ thụ gần hồ Hoàn Kiếm gãy đổ PHẠM TUẤN 07/09/2024 Chiều 7-9, trước khi bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp tới Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khuyến cáo, kêu gọi người dân TP không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.
4 người chết, 78 người bị thương do bão số 3 DANH TRỌNG 07/09/2024 Tính đến 17h chiều 7-9, bão số 3 đã làm người 4 người chết (Quảng Ninh 3 người và Hải Dương 1 người) và 78 người bị thương.
Bão số 3 đổ bộ Quảng Ninh gây cảnh tượng chưa từng thấy: Cột điện, cây xanh gãy đổ la liệt CHÍ TUỆ 07/09/2024 Dọc tuyến đường nối giữa thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), hàng loạt cột điện, cây xanh gãy đổ ngổn ngang.
Trực tiếp: Bão Yagi càn quét, gió rít liên hồi, xe lật, cây ngã, tàu chìm, cột điện gãy gục 07/09/2024 Bão Yagi càn quét, quật ngã cây cối, nhấn chìm tàu thuyền. Tâm bão đổ vào Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió 149 km/h, cấp 13.