TTCT - Giờ thì mỗi người chúng ta phải nói ít nhất ba lần từ “cúm” mỗi ngày. Cúm đang là thời sự. Virus được gọi bằng “con”. Nhưng đã từ lâu các nhà khoa học, trong đó có Edward Emmott của Đại học Cambridge, đã đặt câu hỏi: “Chính xác thì virus là gì? Và chúng có “sống” không?”. Cấu trúc và vòng đời của virus influenza. Ảnh: scientificanimations.com Emmott nhắc lại, bên ngoài một tế bào vật chủ, virus chỉ là virion (hạt của virus), tức các phân tử tí tẹo teo chứa một mẩu cũng tẹo teo thông tin di truyền, có một vỏ protein hoặc một vỏ lipid, nhưng có khả năng lây nhiễm. Nếu căn cứ vào các tiêu chuẩn thông thường của sự sống là có khả năng tự tái tạo, biết thích nghi với môi trường, biết đáp ứng với kích thích và biết dùng năng lượng thì virion không đủ chuẩn, không thể gọi là “con”, nhưng chính vì thế chúng đã khiến lắm người phải cãi nhau nảy lửa. Rất khó xử, như bản thân Emmott thú nhận, nếu coi virion là virus thì không khác gì coi tinh trùng hay trứng là một người. Rõ ràng tinh trùng hay trứng là bước thiết yếu để tạo nên một con người, nhưng không thể đối xử với trứng hay tinh trùng như một “sản phẩm hoàn chỉnh”. Cũng giống tinh trùng, virion được tạo ra có đến hàng triệu triệu, nhưng nhiều virion không bao giờ tới được đích mà đi lạc hoặc tiêu tùng trong môi trường. Chỉ khi nó bám được, chui vào được một tế bào đích, khi ấy vòng sinh sôi của nó mới có thể bắt đầu, và khi ấy ta có thể gọi nó là “con” - con virus. Bên cạnh đó, một virion lại còn không chứa phần lớn các phân tử mà một con virus có thể tạo ra. Thí dụ, một virion của norovirus chuyên gây bệnh dạ dày - ruột chỉ gồm ba loại protein và một loại RNA. Tuy nhiên, đến khi vào được tế bào, làm tế bào bị bệnh, chính norovirus ấy có thể tạo ra cho nó ít nhất tám loại protein và nhiều loại RNA khác nhau. Bản thân các virion, tức các phần tử của virus, khi còn “trôi nổi” thường không gây triệu chứng bệnh. Các triệu chứng chỉ xuất hiện khi tế bào nhiễm virion chết đi hoặc hệ miễn dịch đáp ứng lại với các tế bào chết ấy. Vì các lý do trên, theo Emmott, một số nhà siêu vi học coi tế bào nhiễm virion (chứ không phải bản thân virion) mới là virus! “Tôi, virus” Từ lúc được thụ thai cho tới lúc xuống mồ, các tế bào của ta gắn liền với virus trong “một mối quan hệ phức tạp”. Cho dù có bị cúm và viêm dạ dày hay không, cơ thể ta vẫn là một phần của virus (cách nói quen thuộc là virus là một phần của cơ thể ta, nhưng chiều ngược lại cũng đúng không kém, do DNA của người đóng vai trò “chứa chấp” nhiều loại virus khác nhau). Lấy ví dụ một chủng của retrovirus là HIV. Bản thân HIV mới gây họa cho con người gần đây thôi, nhưng những con virus đồng loại của nó đã có hơn 30 triệu năm, đã “sống chung” với con người ngay khi con người xuất hiện trên Trái đất, thậm chí có thể còn từ rất lâu trước đó, với các sinh vật khác sau này tiến hóa thành con người. Trong khi HIV ngày nay chọn các tế bào miễn dịch để tấn công, những retrovirus thuở ấy chọn các tế bào tạo trứng hoặc tinh trùng mà chui vào và chèn DNA của nó vào bộ gien của đứa bé được sinh ra. Trải qua hàng triệu năm, những con virus ấy mất khả năng tạo các phân tử virion độc hại, trong một số trường hợp lại “tự chuyển hóa” biến thành các chức năng không thể thiếu đối với đời sống con người. Một ví dụ tiêu biểu là Syncytin-1, một protein cần thiết cho sự phát triển của nhau thai. Gốc gác của nó là protein của một retrovirus từng chui vào cơ thể khỉ - tổ tiên loài người - 24 triệu năm trước. Nếu giờ mở bản đồ gien của mình ra, ta nghĩ nó là “có hại” do xuất thân từ virus, mà xóa đi thì loài người cũng theo đó mà bị xóa sổ, do nhau thai không thể phát triển. Ta gọi những virus thế này là retrovirus nội sinh, biết chèn DNA của chúng vào DNA của chúng ta. Ở người, chúng đã được “thuần hóa”, không tạo ra các virion gây bệnh nữa, nhưng ở động vật khác thì không. Chẳng hạn ở heo, chúng vẫn tạo ra các phân tử truyền nhiễm, nên viễn cảnh dùng nội tạng heo để ghép cho người là việc phải rất cân nhắc, không khéo virus trong tế bào heo lại nhiễm sang tế bào người, theo đường rất hợp pháp! Lằn ranh mờ mịt Nếu gọi một tế bào nhiễm bệnh (thay vì một virion trôi nổi) là một virus, bạn có thể lập luận thế chẳng khác nào bảo những con virus có thể nhiễm bệnh cho ta chính là… người! Cũng đúng phần nào, do virus cần dùng nhiều protein hoặc các phân tử khác có trong tế bào người, “xào nấu” lại để tạo thêm nhiều virion và virus mới, để sinh sôi và di truyền. Với virus, mỗi tế bào người là một kho nguyên liệu mênh mông. Nó sẽ tận dụng nguồn lực này để bù đắp cho sự giản đơn trong cấu tạo của nó. Virus cần tạo được RNA, protein, các lipid. Các tế bào vật chủ (là ta đây) chứa đầy nguyên liệu thô đấy cho đám virus mặc tình “sáng tạo”. Con virus chỉ cần chìa ra cấu trúc gien của nó như một bản hướng dẫn, và tế bào cứ thế cung cúc làm nốt phần việc còn lại. Một thí dụ là virus Influenza gây cúm thường, với virion có một màng lipid. Khi vào tế bào vật chủ, Influenza sẽ “chỉ dẫn” cho tế bào làm một việc “dại dột” với người nhưng rất hợp tình hợp lý với virus: lấy chính màng của tế bào trộn với vài protein của virus và hóa thành màng bao cho đám virion! Tình trạng “công tư lẫn lộn” này - dùng nguyên liệu của tế bào để giúp virus sinh sôi - là trở ngại cho việc bào chế thuốc chống virus. Khó phân biệt được tế bào nhiễm với tế bào khỏe, hòng tạo ra một thứ thuốc chỉ tấn công chuyên biệt lên tế bào bị nhiễm. Muốn thuốc hiệu quả mà không hại tế bào, phải nhắm tới những phần tí ti “thuần virus” bám trên tế bào nhiễm bệnh. Quay lại với vấn đề đặt ra ở đầu bài, tác giả hỏi thế thì virus có “sống” không (một cách độc lập, tự thân, như một sinh vật?). Ông trả lời lấp lửng, cái đó còn tùy theo bạn nghĩ virus là gì. Bởi rõ ràng trong đời sống bình thường đây, nhiều kẻ tinh khôn nhưng thuần ăn bám, đúng kiểu virus đấy, mà ta vẫn coi là người, thậm chí là đối tác, bạn đời. Tuy nhiên, một điều rõ ràng là những con virus một khi đã vào cơ thể người, đã lẫn lộn nguyên liệu cấu thành rồi, thì có thể coi chúng phần nào là “người”, và ta phần nào đã trở thành virus!■ Tags: DNAVirusVirionEdward Emmott
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Tin tức sáng 22-11: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu TUỔI TRẺ ONLINE 22/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu; Quốc hội thảo luận 2 dự luật thuế quan trọng; Năm 2025, ngành y tế TP.HCM ưu tiên nâng cấp và xây mới ba bệnh viện xuống cấp...