Với Patrick Leahy, cuộc chiến Việt Nam cuối cùng cũng dần khép lại

GEORGE BLACK 30/04/2023 05:20 GMT+7

TTCT - Bài viết trên trang New Republic ngày 19-12-2022 của tác giả sách - nhà báo George Black tổng kết về những nỗ lực hàn gắn hậu chiến của hai bên Mỹ và Việt Nam qua hành trình của thượng nghị sĩ Mỹ Patrick Leahy.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính gặp Thượng nghị sĩ Patrick Leahy ở Mỹ tháng 5-2022. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính gặp Thượng nghị sĩ Patrick Leahy ở Mỹ tháng 5-2022. Ảnh: Nhật Bắc

Tuổi Trẻ Cuối Tuần lược dịch và đăng lại với sự cho phép của New Republic và tác giả. Tít và tít phụ do Tuổi Trẻ Cuối Tuần đặt.

Chiều muộn một ngày giữa tháng 11-2022, khi hơi lạnh đầu đông đã tỏa trong không gian, tôi ghé tòa nhà văn phòng Thượng viện Mỹ để gặp thượng nghị sĩ tiểu bang Vermont, Patrick Leahy, trong văn phòng rộng rãi nhưng ấm cúng của ông, một chiếc sofa, vài cái ghế đặt cạnh lò sưởi. 

Người vợ đã sống với ông được 60 năm, Marcelle, cũng có mặt, bà mang theo một lẵng hoa lớn. Hai vợ chồng họ vẫn y như ngày mới cưới, khi ông còn là luật sư ở một thị trấn nhỏ, còn bà làm y tá cho bệnh viện địa phương. 

Leahy khoe với tôi tấm hình chụp ba người con và năm đứa cháu. "Tôi không phải kiểu người treo trên tường phòng làm việc ảnh 50 người vĩ đại và nổi tiếng mà tôi từng gặp - ông nói - Tôi muốn quanh mình là hình ảnh gia đình".

Leahy trở thành thượng nghị sĩ Mỹ năm 1975 và đã có 48 năm phụng sự tới khi nghỉ hưu vào tháng 1-2023. Với hầu hết người Mỹ, ông có lẽ nổi tiếng bởi nhiều thập niên nắm giữ cương vị chủ chốt ở Ủy ban Tư pháp Thượng viện và những cuộc tranh đấu liên quan đến Tối cao Pháp viện. 

Nhưng hôm nay tôi tới gặp ông vì chuyện khác, chuyện ít khi lên được bản tin chính của truyền thông ở Mỹ: cuộc chiến tranh Việt Nam, những vết thương còn lại, và vai trò hàn gắn của Leahy cùng những người như ông.

Không phải là chuyện đảng phái

Với Leahy, hàn gắn vết thương cuộc chiến nửa thế kỷ trước chưa bao giờ là vấn đề đảng phái. Đó đơn giản là tư cách và thái độ làm người. 

Những gì ông làm liên quan tới Việt Nam luôn xuất phát từ tầm nhìn đó, và tôi muốn gặp ông để hỏi xem, trong tình trạng nước Mỹ chia rẽ như hiện giờ, ông có thể tiếp tục công việc đấy sau khi nghỉ hưu, ở tuổi 82, hay không.

Từ năm 1989, khi Hoa Kỳ và Việt Nam bước những bước chập chững đầu tiên của hành trình hàn gắn, Leahy và nhiều người khác đã nỗ lực tranh thủ được hàng trăm triệu đô la viện trợ cho Việt Nam, cũng như buộc nước Mỹ phải chịu trách nhiệm với điều mà cựu chủ tịch Thượng viện Mike Mansfield từng gọi là "cuộc tàn phá kinh hoàng" ở Việt Nam: những cơ thể tật nguyền vì các quả bom còn sót lại, những cuộc đời bi thảm vì chất độc da cam, những nơi hiểm họa nhiễm dioxin vẫn chực chờ, và di hài rất nhiều người Việt Nam - binh lính hay thường dân - vẫn còn chưa được tìm thấy.

Nhưng ở Washington, chỉ có tầm nhìn là không đủ. Tầm nhìn đấy phải được biến thành đạo luật, rồi đạo luật thành tiền tươi thóc thật. Leahy cũng từng là chủ tịch Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện, nơi nắm hầu bao của nước Mỹ. 

Ông đã phải đối mặt không ít trở ngại. Nhiều năm trời, giới cựu binh Mỹ còn cay đắng vì cuộc chiến và những thành phần chống cộng quyết liệt trong Quốc hội phản đối mọi ý định hòa giải với Việt Nam. Lúc đầu, bên phía Việt Nam cũng có những nghi kỵ. 

Đó là chưa kể tình trạng quan liêu của chính quyền cả hai bên, trong khi các luật sư cố vấn của Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc lo ngại hòa giải hay nỗ lực nhân đạo sẽ bị hiểu là thừa nhận trách nhiệm chính thức của Nhà nước Mỹ với cuộc chiến.

Cuộc chiến đã để lại không biết bao nhiêu di chứng cần phải giải quyết lần lượt. Hoa Kỳ, dù là bên thua trận, hiện có trong tay nguồn lực để giải quyết những di chứng đó. 

Cuộc tìm kiếm 2.646 thi thể lính Mỹ mất tích trong cuộc chiến trở thành cơ sở đầu tiên để xây dựng lại lòng tin giữa hai phía. Năm 1989, Leahy trở thành chủ tịch Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện. 

Cùng năm đó, ông lập quỹ nạn nhân chiến tranh mang tên mình, nơi sẽ điều hướng viện trợ nhân đạo cho 30 quốc gia là nạn nhân chiến tranh, bắt đầu với Việt Nam.

"Những gì chúng ta đã gây ra ở đó thật kinh hoàng - Tim Rieser, trợ lý lâu năm của Leahy, nói với tôi - Người Việt Nam chẳng hề làm gì chúng ta, còn chúng ta trên thực tế đã hủy diệt đất nước họ, đã dối trá về chuyện đó, đã giết chết không biết bao nhiêu người, và không một ai phải chịu trách nhiệm. Làm được chút gì cho đất nước đấy thật sự là điều may mắn cho tôi".

Từ những gì đơn giản nhất

"Chút gì" đó của Leahy, Rieser và nhiều người Mỹ khác quan tâm đến cuộc chiến và những hậu quả của nó, bắt đầu với hai câu hỏi đơn giản: "Các bạn cần gì?" và "Chúng tôi có thể làm được gì?". 

Một trong những người tìm cách trả lời các câu hỏi đó là nhân vật phản chiến nổi tiếng ở Mỹ, Bobby Muller, cựu lính thủy đánh bộ và phải ngồi xe lăn vì trúng đạn vào xương sống ở gần khu giới tuyến phi quân sự chia cắt hai miền Nam - Bắc Việt Nam. 

Vào những năm tháng đầu tiên của quá trình hòa giải, Muller hiểu rằng do cảm xúc vẫn còn dữ dội ở Mỹ, mọi cử chỉ thiện chí từ Mỹ phải tuyệt đối chỉ có tính nhân đạo, chứ không có tính chính trị, nhất là khi Washington và Hà Nội còn chưa có quan hệ ngoại giao chính thức.

Muller tới gặp Leahy. "Ngài thượng nghị sĩ, chúng ta phải chấm dứt sự tồn tại của những bãi mìn đấy!". "Lúc đầu, Bộ Ngoại giao không mặn mà - Leahy nhớ lại - Nên tôi tới gặp thẳng [tổng thống Mỹ lúc bấy giờ] George H. W. Bush, và ông ấy ủng hộ". 1 triệu đô la đầu tiên được chuyển cho Quỹ Việt Nam của cựu chiến binh Hoa Kỳ của Muller để lập một trung tâm chân tay giả tại Viện Olof Palme, Hà Nội (Bệnh viện Bạch Mai).

Bản thân Leahy tới Việt Nam lần đầu năm 1996, sau khi hai nước đã bình thường hóa quan hệ. Trong đoàn của ông có mặt cựu phi hành gia John Glenn. 

"Tôi cao gần mét chín, nặng cả tạ, và khi đến đấy, tôi đã giúp bế một anh bạn Việt Nam nhỏ bé lên xe lăn, anh ấy ghì lấy cổ và hôn tôi thắm thiết. John Glenn - từng bay vào vũ trụ và tâm lý lúc nào cũng sẵn sàng là phi thuyền của anh sẽ nổ tung, người vốn không bao giờ để lộ cảm xúc cá nhân - đã rơi lệ".

Nhưng Leahy hiểu ông không thể chỉ giúp Việt Nam chi nhân tạo và xe lăn, ông phải giải quyết rốt ráo những gì đã gây ra nhu cầu đó. Thiết thực nhất là dọn dẹp những nơi còn lại nhiều bom mìn, bắt đầu với tỉnh Quảng Trị. 

Tổng số bom mìn Mỹ rải xuống Đông Nam Á là khó tưởng tượng: gấp ba lần mọi mặt trận trong Thế chiến II. Tỉnh Quảng Trị là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất: hứng chịu nhiều bom đạn hơn toàn bộ nước Đức trong Thế chiến II, cũng là nơi diễn ra những trận đánh và chiến dịch dữ dội nhất.

Giống như các chương trình trước đó, nỗ lực ở Quảng Trị bắt đầu với các hoạt động cá nhân của người dân Mỹ. Đầu tiên nhất là một nhóm nhỏ của tiểu bang Washington, PeaceTrees (Cây Hòa bình), đi cùng có cựu chiến binh Chuck Searcy, người đang điều hành chương trình của Muller ở Hà Nội. 

Tới khi Bill Clinton, trong chuyến thăm Việt Nam năm 2000, cam kết "sẽ hợp tác với Việt Nam cho tới khi mọi quả bom được dọn dẹp, dù có mất bao lâu", nhiều nhóm tư nhân châu Âu và Mỹ đã làm việc cật lực ở Quảng Trị được một thời gian. Năm 2001, Searcy, hợp tác với giới chức địa phương, lập ra tổ chức nổi tiếng nhất trong hoạt động này: Project RENEW.

Không quân Mỹ đã cung cấp bản đồ mọi cuộc ném bom của họ ở tỉnh này, giúp xác định chính xác những khu vực còn nhiều nguy cơ, và năm 1996, Bộ Ngoại giao Mỹ có khoản viện trợ chính thức đầu tiên để rà phá bom mìn, dù chỉ là 3 triệu đô la ít ỏi. 

Phía Việt Nam vẫn còn những lo lắng nhất định, nhưng Searcy cam đoan khoản viện trợ không kèm bất cứ điều kiện gì. Từ đó đến nay, Washington đã bỏ ra gần nửa tỉ đô la cho các chiến dịch rà phá bom mìn ở miền Trung Việt Nam và Lào. 

Tới năm 2022, các nhóm công tác ở Quảng Trị đã rà phá được hơn 3/4 số lượng bom mìn còn sót lại của cuộc chiến, trở thành hình mẫu toàn cầu về công tác giải quyết hậu quả chiến tranh.

Còn nhiều thách thức

Vấn đề vướng mắc nhất còn lại hiện giờ là chất độc da cam. Ngay cả các cựu binh Mỹ cũng phải tranh đấu nhiều năm trời trước khi chính quyền Mỹ thừa nhận hậu quả và bồi thường, với đạo luật chất da cam 1991. 

"Sau khi Bộ Cựu chiến binh bắt đầu chi trả phúc lợi cho cựu binh Mỹ, tình trạng tiêu chuẩn kép [về chất độc da cam] trở nên rõ ràng", Leahy nói. Ted Osius, cựu đại sứ Mỹ tại Hà Nội thời Obama, kể với tôi rằng trong một hội thảo tận năm 2002, khi đang làm quan chức phụ trách mảng khoa học cho khu vực Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao, ông vẫn được chỉ đạo không được phép sử dụng những từ "chất độc da cam" hay "dioxin" ở nơi công khai.

Một trong những thách thức lớn nhất là quy mô của diện tích cần được giải độc. 75,7 triệu lít thuốc trừ sâu đã được rải xuống miền Nam Việt Nam; ước tính 1/6 diện tích miền Nam nhiễm độc và 4,8 triệu người đã tiếp xúc với chất độc; hàng trăm nghìn người Việt Nam mắc nhiều khuyết tật khác nhau do chất độc da cam.

Đầu năm 2000, một nhóm nhà khoa học Canada - Việt Nam đưa ra những câu trả lời đầu tiên cho các câu hỏi còn chưa được giải đáp lúc bấy giờ về quy mô của sự tàn phá: một nghiên cứu điển hình ở vùng A Lưới gần biên giới với Lào, nơi đã bị rải chất da cam dày đặc. 

Báo cáo chứng minh rõ ràng dioxin trong chất da cam đi vào cơ thể người ra sao, di truyền lại cho thế hệ sau thế nào, và có thể gây ra những hậu quả gì. 

Cũng nhóm nhà khoa học đó, nhờ ngân quỹ từ Quỹ Ford ở Hà Nội, đã xác định khu vực nhiễm độc tồi tệ nhất là các căn cứ không quân lớn của Mỹ ngày trước ở Đà Nẵng và Biên Hòa - ngày nay đều là những vùng dân cư đông đúc.

Trong chuyến đi thứ hai tới Việt Nam năm 2014, Leahy đã ghé Đà Nẵng và tận mắt chứng kiến các nỗ lực tẩy độc. Nhưng với ông, như vậy là chưa đủ, ông muốn có thể hỗ trợ trực tiếp cho những nạn nhân da cam - về mặt chính trị, đó là rào cản lớn hơn nhiều. 

Phải tới tháng 11-2006, ở Hà Nội, Tổng thống George W. Bush mới ký tuyên bố chung với Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết nhắc đến nghĩa vụ của Mỹ hỗ trợ Việt Nam vượt qua những di chứng tồi tệ nhất của cuộc chiến. 

Ngay sau khi Bush rời Việt Nam, Rieser tới Hà Nội, đi cùng Bobby Muller, để công bố khoản viện trợ nhân đạo mới của Cơ quan Viện trợ phát triển Mỹ (USAID) trị giá 3 triệu đô la cho "những chương trình thí điểm giảm nhẹ thiệt hại cho các khu vực xung đột ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi hóa chất, và hỗ trợ nhu cầu sức khỏe của các cộng đồng lân cận".

Phái đoàn USAID và đại diện phía Việt Nam bên cạnh bia kỷ niệm xử lý xong dioxin ở khu vực 3ha thuộc sân bay Biên Hòa cũ, tháng 3-2023. Ảnh: A Lộc

Phái đoàn USAID và đại diện phía Việt Nam bên cạnh bia kỷ niệm xử lý xong dioxin ở khu vực 3ha thuộc sân bay Biên Hòa cũ, tháng 3-2023. Ảnh: A Lộc

Từ ngữ là rất quan trọng, với cả hai phía. Đến năm 2016, cuối cùng Rieser cũng tìm được công thức khả dĩ nhất: khoản tiền viện trợ giờ đã là 7 triệu đô la mỗi năm, dành cho "các chương trình y tế và hỗ trợ người khuyết tật ở những vùng bị rải chất da cam hoặc nhiễm độc dioxin, nhằm hỗ trợ các cá nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khó khăn hay không thể chuyển động phần thượng và hạ thể và/hoặc các khuyết tật nhận thức và phát triển khác".

Hiện tại và tương lai

Thật trớ trêu, cũng bắt đầu từ chính vấn đề chất da cam, mối quan hệ quân sự song phương dần được vun đắp: Những hoạt động nhân đạo ở Đà Nẵng và Biên Hòa cần sự hỗ trợ của cả Bộ Quốc phòng Việt Nam lẫn Lầu Năm Góc.

Chuyện này không hề đơn giản. Leahy nói yếu tố then chốt là tình bạn của ông với tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam. "Chúng tôi ngay lập tức thấy hợp nhau - Leahy nói - Chúng tôi cho xem hình chụp gia đình của nhau, và anh ấy luôn nắm tay Marcelle, gọi cô là 'chị Leahy', và tôi là 'bác Leahy', một cử chỉ rất thân tình với người Việt".

Rốt cuộc, khu vực Đà Nẵng được dọn dẹp xong năm 2017, với tổng chi phí khoảng 116 triệu đô la. Ở Biên Hòa, tình hình phức tạp hơn, không chỉ vì nơi đó rộng gấp năm lần và chi phí có thể vượt 1 tỉ đô la. 

Thời đại sứ Ted Osius, phía Mỹ đã nhất trí khoản cam kết ban đầu 300 triệu đô la. Dù sau đó ông Osius, do không hợp với chính sách thời Donald Trump, đã phải rời ghế đại sứ mùa hè năm 2017, nỗ lực đấy vẫn được Leahy và Rieser tiếp tục.

Tháng 4-2019, Leahy sang Việt Nam lần thứ ba để dự buổi khởi động dự án ở Biên Hòa. "Tôi đã cẩn thận chọn những người biết việc cho chuyến đi đấy", ông kể với tôi - chuyến đi cũng được coi là cuộc xem mắt không chính thức người sẽ kế tục sứ mệnh của ông. 

Leahy khăng khăng rằng trong đoàn phải có người bên phía Cộng hòa. Rốt cuộc đã có hai nghị sĩ Cộng hòa và bảy nghị sĩ Dân chủ đi cùng. Hai bên đã ký các thỏa thuận về một gói viện trợ mới có thời hạn năm năm, trị giá 65 triệu đô la, dành cho tám tỉnh Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chất độc da cam.

Leahy đã định đi chuyến nữa tới Việt Nam trước cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ năm 2022, như một lời chia tay. Nhưng chỉ chín ngày trước khi lên đường, Rieser gửi mail cho tôi nói Leahy phải nhập viện và chuyến đi bị hủy. 

Tuy nhiên các dự án mới của họ vẫn sẽ được triển khai, gồm gói viện trợ cho nạn nhân chất da cam đầu tiên ở Lào, ngân quỹ từ USAID để hỗ trợ thiết kế lại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh Việt Nam - bao gồm khu vực trưng bày cố định về những nỗ lực hàn gắn hậu chiến của hai bên.

Nhưng quan trọng nhất sẽ là cam kết mà Leahy đã nghĩ tới từ rất lâu rồi: giúp phía Việt Nam tìm kiếm và xác minh di hài những người Việt còn chưa tìm thấy. Khó thể có con số chính xác, nhưng theo ước tính của Andrew Wells-Dang, chuyên gia cấp cao về Việt Nam ở Viện Hòa bình Mỹ, khoảng 200.000 thi thể vẫn còn chưa được tìm thấy, chưa kể 300.000 thi thể đã được chôn cất dưới những bia mộ ghi dòng chữ "Chưa biết tên".

Sáng kiến Tìm kiếm thời chiến là kết quả của thỏa thuận được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ký ở Hà Nội tháng 8-2021. Chương trình dự kiến kéo dài năm năm, có ngân sách 15 triệu đô la, với sự tham gia của nhiều tổ chức Mỹ và Việt Nam, cùng Ủy ban Tìm kiếm người mất tích quốc tế, The Hague. 

Dự án bao gồm huấn luyện kỹ thuật, tuyên truyền cho công chúng và xây dựng các mạng lưới kết nối cá nhân. Trước hết, Trung tâm Ash về quản trị và cách tân dân chủ, Đại học Harvard, sẽ tìm cách hệ thống hóa lượng dữ liệu khổng lồ nhằm đẩy nhanh cuộc tìm kiếm, hiện đã trở thành vấn đề khẩn thiết do các nhân chứng còn sống dần qua đời. 

Thứ hai, USAID sẽ giúp phía Việt Nam bằng các công nghệ sinh học tân tiến nhất, như kỹ thuật phân tích gen trên cơ sở đa hình nucleotide đơn, thay vì công nghệ ADN ty thể truyền thống.

Hơn 1.000 lính Mỹ mất tích ở Đông Nam Á đã được tìm thấy, và mỗi người đều có hồ sơ chi tiết, được cập nhật thường xuyên. Nhưng về phía Việt Nam, những người thân còn lại chủ yếu phải dựa vào nguồn lực hạn hẹp của riêng họ. 

Mất đi người thân yêu và không tìm lại được di hài là nỗi đau dài rất khó giải thích, dù với người Mỹ hay người Việt. Ở Việt Nam, thi thể người chết phải được tìm thấy, để họ yên nghỉ cùng tổ tiên, cùng những nghi thức chôn cất và tưởng niệm hết sức tỉ mỉ, để họ không phải mãi làm những hồn ma lang thang.

Những người như Leahy và Rieser đã nỗ lực hết sức cho mục tiêu đó. Dù lúc này họ đã rời sân khấu chính trị Mỹ, có thể tin rằng những cố gắng đấy sẽ còn được tiếp tục lâu dài, khi quan hệ song phương giờ đã ở một tầm cao mới.■

Trẻ em ở Lào chơi đùa bên cạnh những quả bom còn sót lại thời chiến. Ảnh: Getty Images

Trẻ em ở Lào chơi đùa bên cạnh những quả bom còn sót lại thời chiến. Ảnh: Getty Images

Thượng nghị sĩ Patrick Leahy thuộc lứa chính trị gia "những đứa trẻ Watergate". Ông đắc cử vào Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 1974, khi quần chúng Mỹ nổi giận với giới chính trị gia chóp bu đầy tai tiếng và tìm kiếm những gương mặt mới hoàn toàn. Leahy, năm đó 34 tuổi, cũng đã luôn là người phản đối chiến tranh Việt Nam.

Tháng 5-1970, ông từng xuống đường phản đối chiến dịch ném bom bí mật của Nixon ở Campuchia và vụ sát hại bốn sinh viên ở Đại học Kent State, Ohio. Sau khi đắc cử, Leahy trở thành thành viên trẻ nhất trong Ủy ban Quân lực Thượng viện.

15 thành viên ủy ban này có cuộc bỏ phiếu tối quan trọng vào ngày 17-4-1975, khi Tổng thống Gerald Ford yêu cầu Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ quân sự mới trị giá 215 triệu đô la nhằm "ổn định lại" chính quyền Sài Gòn.

Leahy kể ông đã chịu không ít áp lực cá nhân trước quyết định đó, bao gồm một cuộc gọi trực tiếp từ đích thân tổng thống, rồi một chuyến ghé thăm văn phòng của Bộ trưởng Ngoại giao Henry Kissinger, nhưng ông đã giữ nguyên chính kiến. Ủy ban bác bỏ yêu cầu của Ford với tỉ lệ phiếu 8-7. 13 ngày sau, chính quyền Sài Gòn sụp đổ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận