Wikileaks ai tiết lộ ai?

HỮU NGHỊ 05/12/2010 20:12 GMT+7

TTCT - Hôm chủ nhật 28-11, 251.287 bức điện tín ngoại giao Mỹ từ khắp nơi trên thế giới đã bị Wikileaks khởi sự công bố, sau khi từng “bật mí” mấy trăm ngàn tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ liên quan đến chiến tranh Iraq và Afghanistan. Những ai là mục tiêu của Wikileaks? Đằng sau Wikileaks là ai mà có thể “leaks” (rò rỉ) một cách kinh thiên động địa đến thế?

Julian Assange trong buổi họp báo tại CLB báo chí ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 4-11-2010 - Ảnh: Reuters

Những tin bài tấn công đầu tiên này được chuyển độc quyền cho năm tờ báo hàng đầu của Mỹ và châu Âu: The New York Times (Mỹ), The Guardian (Anh), Der Spiegel (Đức), Le Monde (Pháp) El Pais (Tây Ban Nha) như là năm bệ phóng tên lửa vào dư luận các nước này, rồi từ đó mới lan ra báo chí thế giới.

Bộ ngoại giao Mỹ xử lý khủng hoảng

Trưa thứ hai 29-11, Ngoại trưởng Hillary Clinton phải triệu tập các nhà báo vào phòng họp “Hiệp ước” trong Bộ Ngoại giao để xử lý vụ khủng hoảng này nhằm cứu vãn hình ảnh nền ngoại giao Mỹ. Số nhà báo đông đến nỗi bà phải hỏi: “Liệu có đủ chỗ không đấy?”.

Mở màn cuộc họp báo là Charlie Wolfson của Đài truyền hình CBS với câu hỏi: “Thưa bà bộ trưởng, bản thân bà có bị phiền toái bởi các vụ rò rỉ này hay không, về mặt cá nhân và cả về mặt nghề nghiệp? Các rò rỉ này đã gây phương hại gì cho Mỹ, theo như bà có thể xác định được qua làm việc với các cộng sự của bà?”. 

Một câu hỏi cho thấy sức xuyên phá của “quả bom” Wikileaks đã chọc thủng đến ba tầng: 1/cá nhân nhà ngoại giao bị “bêu danh tính”, 2/công việc của người ấy, 3/cả bộ máy ngoại giao Mỹ và nước Mỹ.

Riêng trường hợp bà Clinton, “quả bom” Wikileaks đã chọc trúng cả ba tầng này. Ngay cả CNN cũng chạy tít: “Bà Clinton lệnh cho các nhà ngoại giao do thám!” (Wikileaks: Hillary Clinton ordered US diplomats around world to spy”).

Đùng một cái, bà Clinton phải hứng hết cả sức công phá lẫn mọi miểng “bom”: bà là một trùm tình báo, công việc của bà là như thế và bộ máy của bà cũng là như thế!

Thấy Charlie Wolfson của CBS đào sâu vào quá khứ và hiện tại, Kim Ghattas của BBC - nhà báo kế tiếp nêu câu hỏi - bèn chuyển đến thì tương lai và là tương lai gần: “...Tôi không rõ bà sẽ hình dung chuyến đi tới đây của bà ra sao. Biết đâu chừng cả lô nhân vật bị “bêu” trong các bức điện rò rỉ đó... sẽ lại phải tiếp kiến bà. Bà có nghĩ rằng vụ rò rỉ này sẽ gây khó cho bà khi nói chuyện với các nhà lãnh đạo ấy vào tuần tới?”.

Ghê gớm quá sức công phá của “quả bom” Wikileaks: không chỉ bôi đen ngày hôm qua mà còn bắt ngày mai làm “con tin”! Quả thật, từ “quả bom” Wikileaks, ai còn dám tiếp xúc, nói chuyện, thỏa thuận gì với các quan chức ngoại giao Mỹ nữa?

Năm tờ báo lớn đồng loạt đưa lên trang nhất sự kiện Wikileaks công bố hơn 250.000 điện tín ngoại giao của Mỹ - Ảnh: Reuters

Hoạt động xưa nhất trái đất

Ngoại trưởng Clinton thành thật tối đa, đúng bài bản xử lý khủng hoảng: “Các nhà ngoại giao Mỹ gặp gỡ các nhà hoạt động nhân quyền địa phương, các nhà báo, các lãnh tụ tôn giáo cùng những người khác không ở trong chính phủ. Các cuộc nói chuyện này dựa trên cơ sở là sự tin cậy và tín cẩn. Tỉ như nếu một nhà đấu tranh chống tham nhũng chia sẻ thông tin về hành vi sai trái của các quan chức hay một nhà hoạt động xã hội có tư liệu về bạo hành tình dục, việc tiết lộ danh tính họ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tù đày, tra tấn, thậm chí chết chóc”.

Những cáo giác ban đầu rằng các nhà ngoại giao Mỹ được lệnh làm do thám bất quá chỉ dẫn đến một sự cảnh giác hơn. Thật ra, có nước nào chẳng sử dụng kênh này hoặc các kênh khác như thông tấn, báo chí, văn hóa, thương vụ... như những “văn phòng” công khai, chưa nói đến các kênh khác như tình nguyện viên, giáo viên, thương gia... Một phòng thông tin đâu chỉ là nơi trưng bày, cung cấp thông tin từ chính quốc mà còn là thu nhận thông tin từ nước chủ nhà.

Bởi thế Ngoại trưởng Clinton không giấu giếm hay úp mở gì. Bà mở bài ngửa: “Mỗi ngày, nhân viên đại diện Chính phủ Mỹ từ cả chính phủ, chứ không của mỗi Bộ Ngoại giao, tiếp xúc với hàng trăm, hàng ngàn đại diện các chính phủ và thành viên xã hội dân sự từ khắp thế giới. Họ đeo đuổi các mục tiêu, các lợi ích cùng các giá trị của Hoa Kỳ. Và nhất định chúng tôi phải có những tường thuật trung thực từ những ai đang hoạt động tại chỗ với các đối tác của họ, nhằm thông tin phản hồi cho bộ máy ra quyết định của chúng tôi tại Washington”.

Và bà kết luận nhằm gầy dựng lại thanh danh: “Các nhà ngoại giao Mỹ đang làm công việc chúng tôi trông mong họ làm. Họ giúp nhận dạng và phòng ngừa các xung đột trước khi chúng nổ ra... Công việc của các nhà ngoại giao chúng tôi không chỉ đem lại lợi ích cho người Mỹ, mà còn cho cả tỉ người trên thế giới”.

Nội bộ Wikileaks

Có thể thấy mục tiêu nhắm bắn đầu tiên của Wikileaks lần này là bà Clinton cùng cả bộ máy ngoại giao và nước Mỹ. Đợt “tác xạ” trước là cuộc chiến tranh Iraq, quan tướng Mỹ và nước Mỹ. Ai đã cung cấp tài liệu cho Wikileaks rò rỉ? (xem “Bradley Manning - kẻ tội đồ?”)

Trên bề nổi, Wikileaks là một tổ chức truyền thông phi lợi nhuận có tôn chỉ là công bố những tài liệu mật. Được ông Julian Assange thành lập năm 2006, sang năm 2008 Wikileaks đã được giải thưởng của tạp chí kinh tế The Economist. Năm ngoái, Wikileaks đã được Tổ chức Ân xá quốc tế trao giải thưởng cho loạt tài liệu về các vụ thảm sát của cảnh sát tại Kenya.

Trên “sơ yếu lý lịch” của mình, Wikileaks cho biết được thành lập bởi một số nhân vật đối lập Trung Quốc cùng một số nhà báo, toán học, doanh nghiệp ở Mỹ, Đài Loan, châu Âu, Úc, Nam Phi. Có thể kể đầu tiên nhóm hai người Úc là Julian Assange và Phillip Adams - một nhà báo truyền thanh. Ngoài ra còn có một chuyên gia an ninh mạng là Ben Laurie, một nhà thần học giải phóng người Brazil là Chico Whitaker.

Trong số các nhà báo hải ngoại Trung Quốc có chân trong ban cố vấn Wikileaks có thể kể tên nhà báo Tiêu Cường, người sáng lập và tổng biên tập tờ China Digital Times, là trợ khảo đại học báo chí Viện đại học California, Mỹ. Do đào tạo căn bản là vật lý ở Viện đại học Khoa học kỹ thuật Trung Quốc trước khi sang Mỹ lấy bằng tiến sĩ, Tiêu Cường còn sáng lập Counter-Power Lab, một phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu chống kiểm duyệt trên mạng. Tiêu Cường có thành tích hoạt động từ sau vụ Thiên An Môn năm 1989, tất nhiên là từ khi ở Mỹ.

Một nhà báo hải ngoại Trung Quốc khác là Vương Đan, nguyên là một nhân vật tên tuổi trong vụ Thiên An Môn, năm 1998 được cho xuất cảnh sang Mỹ theo học tại Đại học Harvard. Một “đồng đội” Thiên An Môn khác của Vương Đan là Vương Hữu Tài, năm 2004 cũng được xuất cảnh sang Mỹ học tại Đại học Harvard. Tất nhiên êkip Wikileaks còn có những người khác, song bộ ba này ít nhất cũng tạo thành một tổ “Hoa kiều”.

Bradley Manning - Ảnh: Wired.com

Theo Newsru (Nga) dẫn tin từ mạng Wired.com, người ta đang nghi một trong những nguồn rò rỉ hơn 250.000 điện tín ngoại giao chính là nhà phân tích tình báo quân sự Mỹ Bradley Manning, 22 tuổi. Manning là người Oklahoma, đồn trú ở một đơn vị Mỹ tại phía đông Baghdad, Iraq đến khi bị bắt vào ngày 20-5.

Ngày 5-7, Manning bị buộc tội “chuyển thông tin mật cho một hệ thống máy tính mật” và “chuyển thông tin quốc phòng cho một nguồn không đáng tin cậy”. Án tù cho các tội này có thể lên tới 52 năm.

Manning bị một hacker tố giác tháng 5-2010 sau các cuộc trò chuyện online, trong đó Manning thừa nhận đã tuồn cho Wikileaks đoạn video quay cảnh trực thăng Mỹ bắn vào một khu vực ở Baghdad năm 2007 làm thường dân tử vong. Đoạn phim được Wikileaks tải lên hồi tháng 4 dưới nhan đề “Án mạng tập thể” đã gây một vụ xìcăngđan không nhỏ.

Trong cuộc nói chuyện trên, Manning khoe tổng cộng đã rò rỉ cho Wikileaks ba thứ: một đoạn video quay cảnh không kích của Mỹ năm 2009 ở Afghanistan (Wikileaks trước đó tuyên bố đang sở hữu đoạn video này), một tài liệu mật của quân đội Mỹ đánh giá Wikileaks như một tổ chức đe dọa an ninh quốc gia Mỹ (đã được tải lên mạng hồi tháng 3) và hơn 250.000 thông tin mật chưa được công bố từ các kênh ngoại giao Mỹ mà Manning mô tả như “những thỏa thuận chính trị sau lưng”.

Manning nói: “Bà Hillary Clinton và nhiều nhà ngoại giao trên thế giới sẽ đau tim khi một buổi sáng thức dậy phát hiện toàn bộ kho chứa những thông tin mật về chính sách ngoại giao sẽ có thể truy cập bằng dạng thức dò tìm, công khai”. Tuy nhiên, theo Wired.com, họ vẫn chưa thể xác nhận có phải Wikileaks đã nhận hơn 250.000 thông tin đó không. Còn theo Wikipedia, Wikileaks nói họ không thể xác nhận thông tin này, nhưng nếu quả thật Bradley Manning là người “thổi còi” như thế thì anh ta đúng là “người hùng”.

Hacker sau khi trò chuyện với Manning đã quyết định báo lại thông tin cho quân đội Mỹ và Hãng tin Wired.com chính là Adrian Lamo. Lamo cho biết rất thường xuyên được các hacker khác tiếp cận để kể cho ông nghe về những cuộc “phiêu lưu” và không bao giờ Lamo báo cáo lại những cuộc trò chuyện này.

Nhưng trong trường hợp của Manning, Lamo cho rằng không thể im lặng vì những hành động của Manning đang đe dọa an ninh Mỹ. Lamo gọi việc mình tố giác Manning là “một hành động của lương tâm”. Từng góp quỹ cho Wikileaks, Lamo nói rất dằn vặt khi quyết định vạch trần Manning, người đã hỏi Lamo: “Anh sẽ làm gì nếu được tiếp cận không hạn chế những hệ thống mật suốt 14 giờ/ngày và suốt 7 ngày/tuần trong tám tháng?”.

Sau khi Lamo báo cáo cho quân đội Mỹ và cho họ xem những đoạn anh ta trò chuyện trên mạng với Manning, Manning đã bị bắt.

Về lý thuyết, luật pháp Mỹ có nhiều điều khoản (đồng lõa tội ác, nắm giữ bất hợp pháp tài liệu đánh cắp) để chống lại Wikileaks về việc công bố các tài liệu mật trước kia và mới đây. Nhưng tấn công trang web này có nghĩa là truy tố cơ quan phát tán thông tin, nói cách khác là cả Wikileaks lẫn báo chí. “Sẽ là một tiền lệ kinh hoàng nếu hành xử như vậy với Wikileaks. Đây chỉ sẽ là vấn đề thời gian trước khi tiến hành tương tự với báo chí truyền thống” - một nhà nghiên cứu về tính bảo mật của chính phủ bày tỏ lo lắng trong một bài báo đăng trên Wall Street Journal.

Thông thường, khi một tờ báo hay một đài truyền hình có những thông tin mật, họ sẽ báo trước cho chính phủ để xác nhận những tiết lộ của mình và đảm bảo không phương hại đến an ninh quốc gia.

Nhưng Wikileaks không phải là một tờ báo. Các nhà điều tra Mỹ cho rằng cần phải chứng minh được Wikileaks đã hành động có chủ ý, chẳng hạn khuyến khích binh sĩ Bradley Manning cung cấp hồ sơ Afghanistan hoặc gây áp lực lên anh ta để có được thông tin, từ đó mới có thể lập luận rằng Wikileaks tham gia vào một âm mưu. Nhưng vấn đề là nhà sáng lập Julian Assange khẳng định chẳng hề bỏ ra xu nào để có thông tin, theo Le Figaro. 

Ngay cả việc truy tố ông Assange cũng không dễ. Ông ta không phải là công dân Mỹ, không bị chi phối bởi những quy định bảo mật áp dụng cho các công dân Mỹ làm việc cho chính phủ và lại hành động ở ngoài nước Mỹ.

Để xét xử, Mỹ cần phải dẫn độ ông Assange. Điều đó đòi hỏi ông ta phải bị thẩm vấn tại một quốc gia sẵn sàng hợp tác với Mỹ. Nhưng công dân Úc này thay đổi thường xuyên nơi ở. Ngày 18-11, Viện Công tố Thụy Điển đã yêu cầu một tòa án ở Stockholm bắt giữ Assange để thẩm vấn vụ cáo buộc liên quan đến tội danh hiếp dâm nhưng không gặp được đương sự.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận