World Cup trên thương trường

HUY ĐĂNG 24/09/2022 16:03 GMT+7

TTCT - Năm 2018, Chính phủ Thái Lan chỉ thị "phải mua bằng được" với chiến dịch đàm phán mua bản quyền truyền hình World Cup. Kết quả là dân Thái được xem một kỳ World Cup "miễn phí".

Nhưng đến thời điểm này, khi chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là bóng sẽ lăn ở Qatar, chuyện đàm phán bản quyền truyền hình World Cup ở Thái Lan vẫn đang bế tắc tương tự như Việt Nam

World Cup trên thương trường - Ảnh 1.

Nhu cầu xem World Cup qua truyền hình năm nay sẽ càng cao bởi Qatar không thể đón nhiều du khách đến xem trực tiếp. Ảnh: REUTERS

Cuộc chơi nhiều hiểm nguy

Chữ "miễn phí" ở trên trong ngoặc kép là vì thật ra làm gì có gì miễn phí. Có thể hiểu được cho sự trù trừ của các nhà đài ở Thái Lan hiện giờ. 4 năm trước, họ đã phải cắn răng mua bản quyền phát sóng với giá 44 triệu USD, để rồi năm nay, con số do Infront & Sports - công ty sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2022 của nhiều nước khu vực châu Á - đưa ra lên đến 50 triệu USD. Đại dịch COVID-19 khiến kinh tế toàn cầu lao đao, nhưng FIFA và các đối tác vẫn mặc nhiên tăng giá bản quyền truyền hình, gây ra không ít bức xúc.

Gói thầu bản quyền truyền hình FIFA bán cho các công ty truyền thông đã được chốt từ vài năm trước. Việc thương lượng với từng quốc gia riêng lẻ sau đó là qua những công ty này. Infront & Sports hiện sở hữu bản quyền phát sóng với 26 quốc gia khu vực châu Á. Nhưng phiên chợ càng về cuối, không khác gì cảnh chợ hoa đêm 30 Tết, chính những công ty này càng như ngồi trên đống lửa.

Một ví dụ rất điển hình cho thấy mức độ kịch tính trong thương thảo bản quyền truyền hình World Cup là năm 2017, khi Công ty MP&Silva mãi không đạt được thỏa thuận với các đài truyền hình Ý. Hai bên giằng co đến tận sau khi vòng loại khu vực châu Âu kết thúc, tuyển Ý bị loại, và MP&Silva lãnh đủ.

Không giống các nước không có đội tuyển dự World Cup, bản quyền truyền hình ở các cường quốc bóng đá như Ý thường được chốt sớm, với giá rất cao. Việc tuyển Ý vắng mặt ở World Cup 2018 dễ hiểu khiến dân Ý không còn mặn mà, MP&Silva buộc phải hạ giá. Kết quả là đài Ý Mediaset mua được bản quyền World Cup 2018 "đại hạ giá" - chỉ 93 triệu USD, bằng khoảng một nửa so với 4 năm trước.

Rút kinh nghiệm từ phiên chợ chiều World Cup 2018, đến kỳ World Cup lần này, MP&Silva đã sớm chốt hợp đồng với Đài Rai của Ý từ tận tháng 4-2021. Mức giá không được tiết lộ, nhưng hẳn cao hơn nhiều so với mức 93 triệu USD 4 năm trước, dù có lẽ chưa tới mức 300 triệu USD như MP&Silva đòi. Chỉ có điều, nếu kỳ World Cup trước, Mediaset mua được hàng đại hạ giá vì Ý bị loại thì kỳ này, Rai lại lãnh đủ cũng vì Ý đã… bị loại.

Với những quốc gia ngoài cuộc như VN hay Thái Lan, chuyện đàm phán bản quyền truyền hình World Cup không tiềm ẩn những rủi ro đó. Càng về chót, các nhà đài hiển nhiên càng có lợi, dù việc những đơn vị sở hữu bản quyền cắn răng chịu thiệt nhằm giữ giá cũng là chuyện bình thường trên thương trường.

Cùng gánh "cục nợ"

Giá bản quyền ngày một tăng, trong khi khả năng có lợi nhuận ngày càng khó, phát sóng World Cup dần trở thành gánh nặng với các nhà đài, đặc biệt là ở các nước khu vực Đông Nam Á. 4 năm trước, nhiều quốc gia như Thái Lan đã phải nhờ đến sự chung tay của doanh nghiệp tư nhân.

Phải đến cuối tháng 4-2018, tức chỉ còn hơn một tháng là World Cup khởi tranh, Thái Lan mới chính thức sở hữu bản quyền phát sóng. Đơn vị mua được là Đài True Vision, với mức giá sau cùng 44 triệu USD. Phần lớn khoản tiền này do nhóm 9 doanh nghiệp đóng góp, gồm các tập đoàn lớn của Thái Lan như King Power hay CP. Dân Thái nhờ thế được xem World Cup 2018 miễn phí.

Đổi lại, các doanh nghiệp góp tiền có quyền lợi quảng cáo trên truyền hình. Nhưng lợi ích không dừng ở sự trao đổi đó. Chính phủ Thái Lan cho rằng phát sóng World Cup sẽ tạo ra cú hích về thương mại cho đất nước trong suốt 1 tháng diễn ra giải. 

Theo ước tính của Đại học Phòng Thương mại Thái Lan (UTCC), World Cup trên truyền hình tạo ra dòng tiền khoảng 20 tỉ baht (550 triệu USD) cho nền kinh tế bởi các khoản chi tiêu liên quan đến đồ điện tử, máy móc, Internet, tiệc tùng… Một quốc gia xem trọng du lịch như Thái Lan càng có động cơ để người người nhà nhà được xem World Cup.

Wirawit Jaroencher, biên tập viên kênh Thairath TV, chia sẻ với Tuổi Trẻ Cuối Tuần: "Hiện chưa có thông tin rõ ràng nào về bản quyền World Cup ở Thái Lan. Nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu các doanh nghiệp xuất hiện vào phút chót. Ở Thái Lan, các doanh nghiệp đã quen với đầu tư cho thể thao. Bằng cách này hay cách khác, họ đều sẽ thu được lợi ích. Đây là chính sách đã có từ nhiều năm qua".

Bài học của Singapore

Tương tự, Malaysia trong 2 kỳ World Cup gần nhất đã nhờ đến sự giúp đỡ của các doanh nghiệp. Năm 2018, Đài truyền hình quốc gia Malaysia (RTM) sở hữu bản quyền phát sóng World Cup với giá 13,5 triệu USD (chỉ bao gồm 41/64 trận). 

Số tiền này ban đầu được Chính phủ Malaysia duyệt chi, nhưng sau đó đã thu lại phần lớn nhờ bán quảng cáo và các nhà tài trợ. Kết quả là người dân Malaysia được xem World Cup miễn phí.

Đến năm nay, Malaysia tiếp tục thực thi chính sách cũ. Họ vẫn mua bản quyền phát sóng 41 trận ở World Cup 2022 với mức giá chỉ 10 triệu USD, các trận đấu này sẽ được phát miễn phí trên các kênh truyền hình TV2, TV Okey, Sukan RTM. 

Bộ trưởng Bộ Truyền thông và đa phương tiện Malaysia Annuar Musa cho biết để có được mức giá phải chăng, Đài RTM đã liên tục đấu thầu từ nhiều năm qua. So với các nước trong khu vực, Malaysia chốt bản quyền phát sóng khá sớm, và sau đó mới triển khai việc kêu gọi nhà tài trợ, bán quảng cáo.

Trong khi đó, người dân Singapore không được xem World Cup miễn phí như ở nước láng giềng, một vấn đề bức xúc với CĐV bóng đá đảo quốc sư tử nhiều năm qua. World Cup 2018, Singapore phải trả đến 25 triệu USD để sở hữu bản quyền phát sóng, mức giá bị xem là quá cao nếu so với Malaysia, do dân số Singapore chỉ bằng 1/5. 

Ba công ty truyền hình Singtel, StarHub và Mediacorp của Singapore khi đó đã lần đầu tiên trong lịch sử chung tay mua gói bản quyền, rồi bán lại cho khán giả trong nước. Để coi đầy đủ các trận ở World Cup 2018, người tiêu dùng Singapore phải bỏ ra số tiền tương đương 80 USD. Dù vậy, Mediacorp cũng phát sóng miễn phí 9 trận, bao gồm trận chung kết.

Singapore lại áp dụng chiến thuật tương tự cho kỳ World Cup năm nay, khi 3 nhà đài Singtel, StarHub và Mediacorp chung tay đàm phán. Năm 2006, giá bản quyền phát sóng World Cup ở Singapore chỉ là 6,3 triệu USD. 

Đến năm 2010, StarHub và Singtel cạnh tranh đấu thầu quyết liệt, dẫn đến mức giá bị đội lên đến 21 triệu USD. Sang năm 2014, 2 nhà đài này ban đầu dự định sẽ chung tay mua bản quyền, nhưng rồi Singtel lại tách riêng và mua bản quyền với mức giá 25 triệu USD, dẫn đến những chỉ trích dữ dội từ StarHub. Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng các nhà đài lớn của Singapore đã thống nhất "cùng tiến cùng thoái". Chiến lược này đang cho thấy hiệu quả, ít ra là vào 4 năm trước, khi họ giữ được mức giá của năm 2018 bằng với năm 2014.

Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines và Timor Leste là những quốc gia Đông Nam Á đã có bản quyền phát sóng World Cup 2022, và đa số đã chốt từ kỳ World Cup 2018. Hầu hết các quốc gia không công khai mức giá.■

Kỳ World Cup kỹ thuật số

Thống kê cho thấy lượng khán giả truyền hình của World Cup 2018 khoảng 3,6 tỉ người, gồm 91,3% theo dõi qua các kênh truyền hình truyền thống, còn lại khoảng 300 triệu người theo dõi qua những nền tảng kỹ thuật số.

Theo các chuyên gia phân tích của Singapore, lượng người xem World Cup 2022 qua truyền hình có thể lên đến 5 tỉ, một phần do nước chủ nhà Qatar quá "chật chội" để đáp ứng nhu cầu xem trực tiếp. Đây cũng được dự đoán là kỳ World Cup sẽ số hóa mạnh mẽ nhất từ trước đến nay, với khoảng 70% người hâm mộ được dự đoán sẽ kiểm tra tỉ số qua các trang web, và hơn 50% đọc báo trực tuyến.

Tỉ lệ khán giả theo dõi trận đấu qua những nền tảng kỹ thuật số cũng được dự báo tăng từ 10% lên 30%, đi kèm là các loại hình marketing xoay quanh những nền tảng này (như quảng cáo trên YouTube) được dự đoán sẽ phát triển mạnh.

World Cup 2018 ước tính đã tạo ra 2,4 tỉ USD trên thị trường quảng cáo toàn cầu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận