TTCT - Hàng trăm năm nay, cư dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) luôn giữ ấm lửa hương đơm kỵ giỗ quải cho những người trong đội hải binh Hoàng Sa - Trường Sa đã bỏ mình vì nước bằng lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Mới đây lại phát hiện Trường Sa khoa - một sách hướng dẫn lễ khao lề thế lính Trường Sa - được lưu giữ sâu trong vùng đất liền của tỉnh Quảng Ngãi... Phóng to Ông Diệp Công Thang (trái) và tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ với tập Trường Sa khoa ở nhà ông Thang - Ảnh: Nguyễn Đăng Vũ Thiện Người lưu giữ Trường Sa khoa là ông Diệp Công Thang, 88 tuổi, ở thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, cách cảng Sa Kỳ chừng 12km về hướng tây. Là cư sĩ Phật giáo, tinh thông Nho học, ông Thang vẫn minh mẫn, nhớ được nhiều chuyện xưa tích cũ. Những lễ cúng từ trong đất liền Ông Thang kể: “Ông nội tui rồi đến cha tui đều là thầy cúng, được gọi là thầy pháp, thường được mời đi cúng lính Trường Sa, Hoàng Sa ở các nơi. Tui lúc 14-15 tuổi đã theo mang gói cho cha, tập tành chuyện cúng tế, đến năm 18 tuổi tui đã đứng cúng như một thầy phụ. Tui theo cha cùng các vị thầy khác đi cúng lính Trường Sa, Hoàng Sa được chừng 7-8 năm, đến thời Việt Minh, năm 1945, thì nghỉ vì thời đó chuyện cúng tế như thế không còn hợp. Cha tui mất năm 1955, thọ 82 tuổi. Tập Trường Sa khoa này do ông nội tui để lại, lâu ngày quá nên sờn rách, cha tui phải chép lại, lưu được đến bây giờ, tính ra nó cũng đã trên 80 năm. * Thưa, ông cùng cụ thân sinh đã đi cúng lính Trường Sa - Hoàng Sa ở những nơi nào? - Đi nhiều nơi, ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Đức Phổ, từ vùng gần biển đến nơi xa biển. Hồi đó người ta coi trọng việc tế lính Trường Sa, Hoàng Sa lắm, năm nào cũng tổ chức cúng tế trọng vọng. Cũng bởi thời đó người ta coi trọng người vâng lệnh vua đi canh giữ Trường Sa, Hoàng Sa, thương cảm họ đã bỏ mình vì nước ngoài đảo xa. Bởi vậy nên dù không có thi thể cũng phải đắp cái mộ chiêu hồn, phải cúng tế đàng hoàng để ấm lòng người khuất. Một đám cúng thường có 5-6 thầy, kéo dài đến hai ngày, trong chay ngoài bội, tức là bên trong thì cầu kinh Phật, bên ngoài thì thầy pháp cúng, cầu cho người bỏ mình vì nước được siêu độ. * Vậy ông có biết ít nhiều về các đội hải binh này? - Cúng lính Trường Sa, Hoàng Sa có hai cách. Một là cúng trước khi người trong làng hay trong dòng tộc, gia đình theo lệnh vua lên thuyền ra ngoài ấy làm nhiệm vụ. Lễ cúng như vậy gọi là cúng thế lính, dâng lễ vật lên tiên tổ, thần linh cầu mong phù hộ cho người ra đi được bình yên trở về khi xong thời hạn. Còn sau một năm mà người ra đi không trở về thì coi như họ đã bỏ mình vì nước, nên có cách cúng thứ hai gọi là tế lính, cúng để cầu xin cho họ được siêu thoát, cũng là cúng giỗ họ. Nhưng dù cúng thế lính hay tế lính thì vật cúng quan trọng vẫn là chiếc thuyền làm bằng khung tre dán giấy cùng với hình người tượng trưng cho người lính. Hễ làng nào có nhiều người đi lính Trường Sa, Hoàng Sa thì làng phải đứng ra lo lễ tế lính, phải làm chiếc thuyền giấy dài đến một sải rưỡi, số hình nhân sắp vô thuyền cũng nhiều. Còn lễ tế lính được gia đình làm thì chiếc thuyền chỉ dài chừng 1m, số hình nhân sắp vô thuyền cũng ít hơn. Phóng to Trang 2-3 Trường Sa khoa - Ảnh: Nguyễn Đăng Vũ chụp lại Những thông tin quý báu Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - người đã phát hiện tập Trường Sa khoa này, cũng là người đã dày công sưu tầm tư liệu về hải đội Hoàng Sa, Trường Sa - cho rằng Trường Sa khoa được ông Diệp Công Thang lưu giữ là một tư liệu quý, giúp hiểu thêm nhiều về đội Hoàng Sa, Trường Sa và công cuộc quản lý, khai thác một cách bền bỉ, hệ thống hai quần đảo này của cha ông ta. Tiến sĩ Vũ nói: Trường Sa khoa tuy là bản sao nhưng có độ tin cậy cao bởi đây là bản được chép lại chừng 80 năm trước trên một tập giấy vốn là biểu kê khai hàng hóa trên tàu biển của người Pháp mà ông cụ kiếm được thời đó. Ngoài phần nội dung có phần tương ứng với các văn tế trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa mà chúng tôi đã sưu tầm được, đây là tư liệu đầu tiên về lễ tế này được tìm thấy ở đất liền, trong khi bốn tư liệu trước mà tôi sưu tầm được đều ở đảo Lý Sơn. Qua điền dã, khảo sát nhiều nơi trong đất liền ở Quảng Ngãi nhiều năm qua và tìm trong chính sử của triều Nguyễn, chúng tôi từng cho rằng số dân binh tham gia trong phiên chế các đội Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ có người ở các làng An Vĩnh, An Hải ở cửa Sa Kỳ (huyện Sơn Tịnh) và An Vĩnh, An Hải ở đảo Lý Sơn mà còn có khá nhiều người ở các địa phương nằm sâu trong đất liền ở Quảng Ngãi, thậm chí ở Bình Định cũng như nhiều nơi khác nữa, như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú từng ghi chép. Với Trường Sa khoa, qua các lễ cúng lính Trường Sa, Hoàng Sa diễn ra ở các địa phương trong đất liền Quảng Ngãi, những suy luận của chúng tôi trước đây giờ đã có cơ sở. Điều này cũng phù hợp với chính sử, bởi quốc hiệu được ghi trong Trường Sa khoa là Đại Nam, thời vua Minh Mạng, những năm 1834-1836 triều đình Huế mở rộng việc huy động dân binh ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định đi cùng các đội thủy binh triều đình ra tuần giữ các đảo Hoàng Sa, Trường Sa. * So với các tư liệu về lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tìm thấy, Trường Sa khoa có gì khác? - Các bài văn tế ở lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tìm thấy ở đảo Lý Sơn cũng tương tự Trường Sa khoa vừa sưu tầm được. Nhưng nếu so với bài văn tế ở Âm Linh Tự và ở đình làng An Vĩnh thì các bài văn tế thế lính Trường Sa, Hoàng Sa ở Lý Sơn thiên về kể lể công lao của người lính nhiều hơn, lời than vãn bi ai, thống thiết; còn trong Trường Sa khoa mà họ Diệp ở Tịnh Long còn lưu giữ thì lời kể công người khuất ít hơn, nặng về việc tôn xưng thần linh, cầu xin sự che chở độ trì cho người sắp đăng lính. Có thể nói Trường Sa khoa được dùng cho lễ khao lề thế lính vốn là lễ khao cúng cầu tốt lành cho người sắp ra khơi làm việc nước nhiều hơn là dùng để tế người lính đã khuất. * Từ việc phát hiện Trường Sa khoa, ông nghĩ gì về công tác sưu tầm tư liệu về đội Hoàng Sa, Trường Sa? - Trước hết, cần có một dự án điều tra toàn bộ di tích liên quan đến đội Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ trên đất Quảng Ngãi mà còn ở nhiều nơi khác dọc miền Trung. Có kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình văn hóa phi vật thể trên đảo Lý Sơn cũng như dọc biển đảo miền Trung, đặc biệt là lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Tiếp đến cũng cần có một sự hỗ trợ cần thiết để đánh giá trữ lượng di sản Hán - Nôm còn trên đất Quảng Ngãi và miền Trung. Chắc chắn trong số đó sẽ còn có những tài liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này. “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vốn đã là một lễ hội đặc trưng của huyện đảo Lý Sơn cũng như của Quảng Ngãi nhiều năm qua. Dù đây là lễ cúng tưởng nhớ công lao những người trong đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa đã bỏ mình vì nước, nhưng từ “thế lính” vẫn được dùng thay cho từ “tế lính” là bởi lễ khao lề thế lính là lễ cúng trọng vọng, được cử hành trước khi người dân binh lên thuyền làm nhiệm vụ. Trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa có cả nội dung “tế lính”. Việc giữ gìn, khai thác Trường Sa trước đây vẫn do đội Hoàng Sa kiêm quản nên chỉ gọi lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là đủ, là đã có phần của người lính thú Trường Sa trong đó”. Tags: Hoàng SaTrường SaQuảng NgãiĐảo Lý SơnTrường Sa khoa
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.