TTCT - Nhóm Sài Gòn Xanh thành lập tháng 12-2022 do hai bạn trẻ Nguyễn Lương Ngọc và Hồ Văn Vĩ khởi xướng. Đến nay, nhóm có 50 thành viên thường trực và hơn 1.400 tình nguyện viên. Đoạn rạch dưới chân cầu Rạch Lăng sau khi vớt rác. Ảnh: YẾN TRINHHọ đã bắt đầu đi dọn rác trên kênh từ tháng 12-2022. Họ đã dọn được hơn 2.000 tấn rác từ 150 dòng kênh ở nhiều tỉnh thành. Nhưng "Một nhóm Sài Gòn Xanh dọn không hết rác, 1.000 nhóm dọn cũng không hết rác, chỉ khi mỗi người không xả rác thì mới hết rác" - lời của nhóm Sài Gòn Xanh. Sáng sớm, Nguyễn Vũ Hùng - sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - chạy xe từ TP Thủ Đức đến gửi gần cầu Rạch Lăng (quận Bình Thạnh) để tham gia vớt rác với các bạn mình trong nhóm Sài Gòn Xanh. Mặc đồ bảo hộ (gồm áo phao, quần yếm, ủng, ba loại găng tay), Hùng lội xuống dòng kênh bùn sình đen kịt, gỡ từng giề lục bình ra khỏi phao chắn rác rồi chuyển lên bờ.Dọn rác để nhắc bản thân đừng xả rácXung quanh Hùng, hơn 20 thanh niên khác trong nhóm vớt từng bọc rác, chai nhựa, bao ni lông, áo quần cũ và vô số loại rác khác từ dòng nước đen ngòm, chuyền nhau đưa lên bờ. Chỉ non buổi sáng, 80 thanh niên gom được một đống rác to dưới chân cầu Rạch Lăng. Người đi qua tò mò nhìn họ.Hùng không nhớ đây là lần thứ mấy anh tham hoạt động của nhóm nhưng với Nguyễn Dũng, một nhân viên kinh doanh 27 tuổi, đây là lần đầu anh tham gia vớt rác. Dũng được phân công kéo rác từ kênh lên bờ, bỏ vô bao. "Tôi đọc được thông tin của nhóm vớt rác này qua mạng xã hội, ngưỡng mộ việc làm của các bạn nên đăng ký tham gia thành viên qua app. Đây là lần đầu tôi lội kênh, nước sâu tới ngực nên tôi cũng hơi sợ. Nhưng dưới kênh có quá nhiều rác nên khi bắt đầu kéo rác là tôi quên sợ" - Dũng nói. Nhưng ở đây, anh gặp nhiều người cùng lý tưởng… vớt rác nên ai cũng thấy như quen biết lâu rồi. Dũng nói anh sẽ tham gia tiếp và một lần đi vớt rác như vậy, với anh, mới có sự chiêm nghiệm thực tế mà điều chỉnh hành vi của mình. "Mỗi khi định bỏ bừa miếng rác, tôi sẽ nhớ lại những vất vả khi đi dọn rác, nhớ công việc của nhóm vớt rác để ngừng lại", anh nói.Phạm Hoàng Phương Vy, sinh viên năm 2 Trường ĐH Tài chính - Marketing, là tình nguyện viên mới tham gia vài buổi. Sáng nay, Vy được phân công gom rác vô bao. "Nước kênh bẩn, mùi hôi kinh khủng, rác quá nhiều, tôi rất mệt. Nhưng khi nhìn lại đoạn kênh đã được nhóm mình làm sạch, tôi thấy buổi sáng của mình có ích thực sự", Vy chia sẻ.Đoạn rạch dưới chân cầu Rạch Lăng trước khi được vớt rác.Bà Năm Lành, một người dân ở đường Phan Chu Trinh, kể bà sống gần cầu Rạch Lăng - nơi rác đọng mấy năm nay. "Thấy các thanh niên ở chỗ khác tới dọn rác gần nhà mình mà nể tụi nhỏ ghê, tụi nó còn trẻ mà không sợ dơ, không thấy gớm, đi dọn rác dưới rạch, lòng tôi thấy hổ thẹn vì có khi mình cũng bỏ rác xuống đó. Tôi đã dặn con cháu trong nhà là từ nay đừng bỏ rác xuống rạch nữa. Người ta từ nơi khác tới vớt rác mà mình sống gần đó lại bỏ rác xuống rạch coi sao được".Nhóm Sài Gòn Xanh thành lập tháng 12-2022 do hai bạn trẻ Nguyễn Lương Ngọc và Hồ Văn Vĩ khởi xướng. Đến nay, nhóm có 50 thành viên thường trực và hơn 1.400 tình nguyện viên ở khắp các quận huyện thuộc TP.HCM và các tỉnh lân cận.Chỉn chu từ A tới ZNguyễn Lương Ngọc (28 tuổi, trưởng nhóm), cho biết với mỗi buổi vớt rác, nhóm lên kế hoạch trước từ hai tuần đến một tháng. Ban đầu họ khảo sát địa điểm, xếp lịch, liên hệ địa phương hỗ trợ về kế hoạch, công tác tổ chức, xử lý rác… Nơi nào có dự án đặt phao chắn rác thì nhóm liên hệ để chính quyền quản lý và bảo vệ hệ thống phao này.Để tổ chức một buổi vớt rác, họ cần các nhóm nhỏ, gồm đội cơ động, đội hậu cần, đội truyền thông. Đội cơ động làm những công việc tương đối phức tạp, cần kỹ năng thành thục. Nguyễn Vũ Hùng, thành viên đội cơ động, được phân công ra giữa dòng nước gỡ rác và lục bình từ phao chắn rác. Đội truyền thông phụ trách quay phim chụp hình, livestream… đưa lên các nền tảng online để lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường và "tuyển" thêm tình nguyện viên.Sau khi "chốt" kế hoạch, đội truyền thông sẽ đăng lịch vớt rác trên app hoặc các tài khoản mạng xã hội của nhóm thông báo về hoạt động, mời các tình nguyện viên tham gia. Các tình nguyện viên sẽ được họp online để được tập huấn, cảnh báo ứng phó các loại rác nguy hiểm như kim tiêm, mảnh chai, rắn rết… và hạn chế tiếp xúc vật sắc nhọn. Đó là nơi họ cùng nhau luyện những kiến thức về phân loại, xử lý rác và cách tự bảo vệ, nhận thông tin về giờ giấc, địa chỉ, hướng dẫn đường đi đến địa điểm tập trung vớt rác, chỗ để xe…Trước khi "xông trận", các tình nguyện viên được hướng dẫn cách sử dụng đồ bảo hộ. Ai lội kênh thì mang quần yếm, áo phao, găng tay ba lớp (chống cắt, chống nước và bao tay y tế); người trên bờ mang ủng, găng tay hai lớp.Phần lớn các tình nguyện viên của nhóm Sài Gòn Xanh là sinh viên, thanh niên. Ảnh: YẾN TRINHTrần Văn Phú (sinh viên năm 3 Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, thuộc đội hậu cần) kể: khoảng 5h sáng, đội trưởng đội hậu cần gọi điện cho cửa hàng tạp hóa gần kênh để đặt nước uống. Đội này cũng lo thức ăn nhẹ và dụng cụ bảo hộ cho các tình nguyện viên trong buổi vớt rác. Ai khát nước, cần khăn lau mặt, lau kính, găng tay, quần áo bảo hộ, khẩu trang… sẽ được các anh/chị nuôi của đội hậu cần phục vụ tận tay.Gần đây, nhóm Sài Gòn Xanh ra mắt app để cộng đồng tiện theo dõi thông tin, đăng ký làm tình nguyện viên cho mỗi hoạt động. Hơn nửa năm nay, ngoài hoạt động vớt rác làm sạch kênh rạch, nhóm còn đặt phao chắn rác ở nhiều đoạn kênh nhằm giữ cho rác không trôi về cuối nguồn. Phao chắn rác còn giúp việc thu gom rác dễ hơn, giảm thời gian.Trăn trở về rácTrưởng nhóm Nguyễn Lương Ngọc nói nhờ mạng xã hội và truyền thông mà công việc dọn rác của nhóm Sài Gòn Xanh được biết đến nhiều hơn, tình nguyện viên tham gia đông và các địa phương hỗ trợ nhiệt tình. Nhóm muốn hướng tới một mục đích rộng hơn: mọi người cùng ý thức sâu sắc hơn về việc bảo vệ môi trường, trước hết là đối với cộng đồng quanh khu vực được dọn rác, sau đó là tất cả những người biết, nghe, thấy công việc mà nhóm làm.Mỗi tình nguyện viên tự tay dọn rác cũng sẽ có những suy nghiệm riêng về bốn chữ "bảo vệ môi trường". Với những người lãnh đạo nhóm, họ mong muốn gieo một ý thức chung: bảo vệ môi trường có khi đơn giản chỉ là không bỏ rác bừa bãi. Bởi, như họ hiểu "Một mình nhóm Sài Gòn Xanh không dọn hết rác, 1.000 nhóm như Sài Gòn Xanh cũng không dọn hết rác nếu những người xung quanh cứ tiếp tục xả rác. Chỉ khi cộng đồng ý thức được việc xả rác là làm ô nhiễm môi trường, mỗi người Việt Nam tự ngừng xả rác thì đất nước mới hết rác".Sau gần hai năm hoạt động, các thành viên Sài Gòn Xanh trăn trở nhiều về việc tận dụng và tái chế rác thải. "Mỗi lần tổ chức, nhóm vớt được từ 5 - 10 tấn rác, trong đó khoảng 10% là rác thải nhựa. Nhưng tất cả đều đem tới bãi rác, chưa được phân loại để tái chế. Tôi đang tìm cách phân loại và tái chế rác nhựa để tạo nguồn thu làm kinh phí hoạt động lâu dài cho nhóm", anh Ngọc chia sẻ.Tuy nhiên, những nơi anh gặp gỡ để bàn về khả năng tái chế, tất cả đều lắc đầu vì tái chế các loại rác nhựa này chi phí cao, lãi suất thấp. Nhóm Sài Gòn Xanh được thành lập vào tháng 12-2022, với cảm hứng một phần từ nhóm tình nguyện Padawara ở Indonesia.Đến nay, Sài Gòn Xanh đã thu hơn 2.000 tấn rác trên hơn 150 kênh rạch ở TP.HCM và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương…80% tình nguyện viên của nhóm là sinh viên, thanh niên đến từ nhiều tỉnh thành, có cả các tình nguyện viên người nước ngoài. Giữa tháng 5 vừa qua, nhóm gom rác ở núi Chứa Chan (Đồng Nai) nhằm cổ xúy việc du lịch không xả rác. Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Việt Nam xanh Tiếp theo Tags: Tình nguyện viênÝ thức bảo vệ môi trườngQuận Bình ThạnhViệt Nam xanhThu gom rác
Nhà yêu nước Phạm Hồng Thái (1894-1924): Tài liệu mới về sự kiện Tiếng bom Sa Diện VIỆT ANH 04/09/2024 2185 từ
Hà Nội: Sập nhà trên phố Khâm Thiên, cây đa cổ thụ gần hồ Hoàn Kiếm gãy đổ PHẠM TUẤN 07/09/2024 Chiều 7-9, trước khi bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp tới Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khuyến cáo, kêu gọi người dân TP không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.
4 người chết, 78 người bị thương do bão số 3 DANH TRỌNG 07/09/2024 Tính đến 17h chiều 7-9, bão số 3 đã làm người 4 người chết (Quảng Ninh 3 người và Hải Dương 1 người) và 78 người bị thương.
Bão số 3 đổ bộ Quảng Ninh gây cảnh tượng chưa từng thấy: Cột điện, cây xanh gãy đổ la liệt CHÍ TUỆ 07/09/2024 Dọc tuyến đường nối giữa thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), hàng loạt cột điện, cây xanh gãy đổ ngổn ngang.
Trực tiếp: Bão Yagi càn quét, gió rít liên hồi, xe lật, cây ngã, tàu chìm, cột điện gãy gục 07/09/2024 Bão Yagi càn quét, quật ngã cây cối, nhấn chìm tàu thuyền. Tâm bão đổ vào Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió 149 km/h, cấp 13.