Áp lực, học hỏi và chuyển hóa

TUỔI TRẺ CUỐI TUẦN 16/11/2015 18:11 GMT+7

TTCT - Việt Nam đang mong chờ những lợi thế kinh tế đáng kể bắt nguồn từ các hiệp định thương mại tự do sắp tới và được đánh giá là nước hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhưng tất cả những con số ước tính lợi ích cần phải được nhìn nhận cả về mặt kinh tế lẫn về cải cách thể chế.

Công nhân làm việc cho một công ty dệt may của Hàn Quốc tại Guatemala đang hoàn tất sản phẩm xuất sang Mỹ -Reuters
Công nhân làm việc cho một công ty dệt may của Hàn Quốc tại Guatemala đang hoàn tất sản phẩm xuất sang Mỹ -Reuters

Bên cạnh hai điểm đáng chú ý tác động đến mối quan hệ và cơ chế quản lý lao động tại Việt Nam (Quy tắc xuất xứ với các thị trường nội khối TPP khắt khe hơn;

Các rủi ro đến từ sức cạnh tranh yếu ớt của doanh nghiệp vừa và nhỏ, sự trì trệ của khu vực nông nghiệp, việc mở cửa thị trường dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khả năng giá Tây dược tăng cao do thời gian bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ bị kéo dài...), nền pháp quyền của Việt Nam sẽ gặp thách thức lớn trong việc hài hòa thể chế pháp lý trong nước với các điều khoản hiệp định, trong khi vẫn phải đảm bảo nhiệm vụ cấp thiết là không ngừng cải thiện khả năng tăng trưởng.

Để thật sự gặt hái được những lợi thế được dự báo, Việt Nam sẽ phải hiện thực hóa hàng loạt cải cách, đáng chú ý là ở khía cạnh luật pháp. Trong ba điểm trên, một thay đổi cách tiếp cận về quyền lập hội và quyền người lao động có lẽ sẽ có tác động đến Việt Nam sâu sắc nhất.

FTA thế hệ mới và quyền người lao động

Cho đến nay, nhiều hiệp định thương mại đã bao hàm các điều khoản về quyền người lao động, hay các quy định toàn diện về bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Hiện EU và Mỹ thậm chí còn đang thảo luận về một “tiêu chuẩn mới” ở những khía cạnh trên.

Trong hiệp định thương mại ký kết với EU có cả chỉ dẫn ràng buộc pháp lý đến Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện EU - Việt Nam (PCA) ký kết năm 2012, trong đó bao gồm các chương mục và điều khoản về nhân quyền, cũng như các quy tắc hợp tác trong việc đảm bảo nhân quyền được thực hiện.

Những thỏa thuận về các vấn đề liên quan đến lao động của Hoa Kỳ và Việt Nam trong TPP:

1. Được phép thành lập công đoàn độc lập với Tổng liên đoàn Lao động, nhưng ràng buộc: (i) Xin trực thuộc Tổng liên đoàn hoặc (i) Đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm.

2. Cho phép tổ chức đình công và đình công có tổ chức giữa công nhân thuộc cùng các nhóm ngành.

3. Hủy bỏ việc sử dụng “lao động cải tạo” đối với các trại cai nghiện và việc cưỡng bức người nghiện vào trại mà không có quyết định từ tòa án hoặc tự nguyện từ phía đương sự.

4. Công khai ngân sách dành cho Bộ LĐ-TB&XH, bao gồm cả chi phí nhân sự.

5. Quá trình thực hiện sẽ kéo dài 10 năm, công tác đánh giá được thực hiện thường xuyên và có khả năng hoãn việc dỡ bỏ thuế quan trong trường hợp không thực hiện.

Đề cập điều này, EU hướng đến một cách tiếp cận nhằm thúc đẩy cải thiện quyền lợi người lao động thay vì sử dụng các chế tài. Điều này có nghĩa là trợ cấp tài chính sẽ được cung cấp nhằm giúp Việt Nam phê chuẩn các điều ước còn lại, đồng thời áp dụng chúng vào luật lao động nội địa. Chỉ khi điều này không xảy ra, hiệp định mới bị hủy bỏ, dù tất nhiên khả năng này là cực thấp.

Các điều kiện được Mỹ đưa ra trong khuôn khổ TPP rõ ràng là khắt khe hơn (xem box trái). Trong chương 19 về lao động, Việt Nam đã có những nhượng bộ, chẳng hạn cam kết phê chuẩn quy ước số 87 (tự do lập hội) và số 98 (quyền thương thuyết tập thể), và sẽ điều chỉnh luật lao động tương ứng.

Tổng thống Obama rất quyết tâm trong nỗ lực đảm bảo là Mỹ chứ không phải Trung Quốc sẽ viết nên các quy tắc cho thương mại thế giới. Ông mô tả TPP là hiệp định “tiến bộ nhất” trong lịch sử khi nó giúp đảm bảo quyền lợi cho công nhân ở các quốc gia như Việt Nam một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Việc thực thi các điều ước quốc tế về bảo tồn động vật bị đe dọa và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa đánh bắt cá quá mức ở biển cũng được gắn với các biện pháp chế tài thương mại trong khuôn khổ hiệp định này.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, TPP có thể cải thiện tăng trưởng GDP của Việt Nam thêm 8% và xuất khẩu ròng ở mức 17% trong vòng 20 năm. 

Ở khía cạnh sản xuất và nguồn lao động sẽ có chuyển dịch từ những lĩnh vực kinh tế đang thu hẹp dần, hoặc mất đi tính cạnh tranh, tiêu biểu là khu vực nông nghiệp, sang những lĩnh vực có sức cạnh tranh lớn như hàng điện tử và may mặc, khi mà lợi thế nhân công giá rẻ vẫn được duy trì (tiền công của công nhân Việt Nam thấp hơn khoảng hai phần ba so với ở Trung Quốc).

 Ở những ngành này, Việt Nam còn có lợi thế về vị trí địa lý khi so sánh với các đối thủ khác như Campuchia và Bangladesh. Khi các hiệp định trên chính thức được luật hóa, Việt Nam sẽ vượt lên nhóm đầu các quốc gia châu Á về mức độ hội nhập toàn cầu. 

Lộ trình và những thay đổi có thể làm ngay

Quá trình phê chuẩn các thỏa thuận tại Việt Nam có lẽ sẽ không gặp trở ngại gì. Các hiệp định thương mại nói chung không chỉ quan trọng về mặt chính sách kinh tế nói riêng, mà còn có ảnh hưởng lớn đến chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam.

Mục tiêu được xác định trong các hiệp định này nhằm tạo ra môi trường bình đẳng cho doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, lẫn doanh nghiệp nước ngoài trong tương lai sẽ đẩy nhanh áp lực đổi mới và ở chừng mực nào đó là quá trình tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước.

Đây là một hiệu ứng được chờ đợi. Ngoài ra, các hiệp định này sẽ tiếp tục đưa Việt Nam hội nhập vào các cơ chế hợp tác của phương Tây ở một tầng nấc sâu hơn.

 Câu hỏi lớn nhất cần đặt ra là liệu bao nhiêu phần trăm trong số 400 triệu đôla Mỹ tiền thuế các hãng thời trang Mỹ phải trả hằng năm thật sự đến được tay của những công nhân cặm cụi trong nhà máy sản xuất.

ERWIN SCHWEISSHELM (Trưởng đại diện Viện FRIEDRICH-EBERT (FES) tại Việt Nam)

Đổi lại, Việt Nam có đủ ý chí chính trị nhằm đáp ứng các điều kiện ngặt nghèo, mà cụ thể là việc giảm dần sự quản lý duy nhất của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Mặc dù vậy, có vẻ như các nước đã thỏa thuận để quá trình chuyển đổi này diễn ra có lộ trình và sẽ có những điểm có thể thay đổi trong khung pháp lý của Việt Nam hiện nay.

Việc thành lập các tổ chức công đoàn ở cấp độ doanh nghiệp, vốn từ giờ sẽ không còn phải tham gia vào Tổng liên đoàn, sẽ trở thành vấn đề cấp bách nhất khi TPP có hiệu lực. Để các tổ chức công đoàn độc lập này liên kết thành các liên đoàn ở cấp độ ngành, rồi sau đó là quốc gia để cạnh tranh với Tổng liên đoàn, Việt Nam có tổng cộng bảy năm để hoàn thiện các điều kiện về pháp luật sở tại.

Điều này tạo áp lực khổng lồ lên Tổng liên đoàn, nhưng giới lãnh đạo đã nhiều lần tuyên bố về sự ủng hộ tích cực với các nhượng bộ trong khuôn khổ đàm phán TPP. Chuyên viên và lãnh đạo của Tổng liên đoàn hiện đã đi nhiều nơi học tập kinh nghiệm, từ Nga, Đông Âu đến cả Indonesia và Singapore, nhằm củng cố vai trò dẫn dắt của Tổng liên đoàn trước sự chuyển biến của môi trường lao động tại Việt Nam. 

Trong giai đoạn quá độ, có khả năng vẫn tồn tại những nỗ lực nhằm duy trì hay chuyển hóa hoạt động của Tổng liên đoàn, và trên hết là những cơ chế gắn kết về tài chính có liên quan.■

Khả năng Hoa Kỳ áp đặt trừng phạt - nhìn từ lịch sử

Việc liệu Hoa Kỳ có siết chặt các tiêu chuẩn về quyền người lao động được nêu trong bộ tiêu chuẩn lao động của Tổ chức Lao động thế giới hay không luôn bị các chuyên gia đặt nghi vấn. Không chỉ riêng với các chuyên gia, Liên đoàn Thương mại quốc tế (ITUC) cũng đặt dấu hỏi cho việc này.

Từ góc độ của tổng thư ký ITUC, bà Sharan Burrow cho rằng các hiệp định thương mại chủ yếu phục vụ lợi ích của các tập đoàn. Bà cho biết các đề xuất của ITUC nhằm khiến TPP dân chủ hơn và đảm bảo công bằng xã hội hơn hầu hết bị phớt lờ, và rằng thực chất các điều khoản tương ứng liên quan đến lao động đều chỉ mang tính danh nghĩa.

Dù trải qua nhiều năm với những hứa hẹn tương tự nhau, Mỹ nhiều lần thất bại trong việc buộc nước khác thực thi hay tự mình thực thi các tiêu chuẩn lao động khắt khe trong các hiệp định. Lần này đến lần khác, những người ủng hộ các hiệp định thương mại tự do đều khăng khăng rằng đây sẽ là lúc các điều khoản bảo hộ được thực thi nghiêm túc; cũng hết lần này đến lần khác, các biện pháp đó tỏ ra bất lực trong việc ngăn chặn những hành vi vi phạm tồi tệ nhất.

Sự thiếu cam kết trong nỗ lực thực thi đến từ tổng thống lưỡng đảng tại Mỹ, cùng những bất cập khác trong các thỏa thuận đã tạo điều kiện cho các quốc gia có luật pháp và tiêu chuẩn lỏng lẻo và những hành vi lạm dụng lao động rộng khắp tiếp tục làm xói mòn các điều khoản hiệp định.

Đảm bảo việc thực hiện quyền lợi với công nhân bằng các biện pháp chế tài thương mại cho đến nay mới chỉ có một trường hợp, trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Trung Mỹ (CAFTA) nhằm vào Guatemala. Các biện pháp chế tài đã kéo dài được bảy năm nhưng cho đến nay vẫn không có dấu hiệu cho thấy Chính phủ Guatemala có những điều chỉnh phù hợp.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận