Bán sầu riêng qua Trung Quốc: Có cả "liễu hương" và "lai xú"

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG 24/04/2023 08:40 GMT+7

TTCT - Nhìn toàn cảnh, ngoại giao sầu riêng của Trung Quốc chỉ là một phần của bức tranh cạnh tranh ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cơn cuồng si mới của giới trung lưu Trung Quốc

Vào tháng 4-2018, khoảng 80.000 trái sầu riêng được người tiêu dùng Trung Quốc đặt mua hết trong vòng 60 giây sau khi được mở bán trên trang thương mại điện tử của Tập đoàn Alibaba do tỉ phú Jack Ma làm chủ. 

Giá của nó không hề rẻ chút nào: một trái trung bình 4,5 - 5kg có giá khoảng 199 nhân dân tệ (khoảng 32 USD).

Khách hàng xem sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan. Ảnh chụp ở Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) vào tháng 5-2022. Ảnh: VCG

Khách hàng xem sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan. Ảnh chụp ở Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) vào tháng 5-2022. Ảnh: VCG

Cơn cuồng si sầu riêng tăng chóng mặt ở Trung Quốc chỉ trong khoảng 15 năm trở lại đây. Trước đó, trong thời gian sinh sống tại Trung Quốc, tôi rất ít khi thấy sầu riêng được bán tại các cửa hàng trái cây ở các thành phố lớn Trung Quốc.

Cuộc tranh cãi om sòm trên thế giới chia phe người yêu và kẻ ghét sầu riêng cũng xảy ra ở Trung Quốc. Trên các mạng xã hội và diễn đàn Trung Quốc, hầu hết cư dân mạng Trung Quốc yêu sầu riêng nói rằng họ thích hương vị của nó, những người khác ca ngợi loại quả này rất giàu dinh dưỡng, có thể làm giảm nguy cơ ung thư và hạ huyết áp. 

Người Trung Quốc có câu ngạn ngữ nổi tiếng nói về món đậu hủ thối trứ danh của họ: "Vấn khởi lai xú, cật khởi liễu hương" (闻起来臭吃起了香), tạm dịch "[thực phẩm] có thể mùi thì thối nhưng ăn vào vị rất ngon". Bây giờ câu này cũng được dùng để nói về sầu riêng.

Do đặc điểm thổ nhưỡng và khí hậu nên sầu riêng chỉ sinh trưởng được ở đảo Hải Nam của Trung Quốc, nhưng số lượng không nhiều, lại không có mùi và vị đủ hấp dẫn. Nguồn cung chính cho nhu cầu trong nước vẫn là từ nhập khẩu.

Khi trái sầu riêng là thơm ngon khó cưỡng

Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, năm 2017 Trung Quốc nhập khẩu 224.400 tấn sầu riêng, nhưng con số đã tăng lên gần gấp bốn lần chỉ trong vòng bốn năm sau đó khi Trung Quốc nhập khẩu 821.500 tấn sầu riêng tươi vào năm 2021. 

Theo tờ China Daily, kể từ năm 2019, sầu riêng tươi đã vượt qua trái cherry để trở thành loại trái cây được Trung Quốc nhập nhiều nhất về số lượng, củng cố vị trí vua trái cây nhập khẩu.

Theo dữ liệu do tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc JD.com công bố tháng 11-2022, chính những người trẻ tuổi lớn lên cùng với sự thịnh vượng của nền kinh tế Trung Quốc là khách hàng chính của loại quả này. 

Hơn 60% sầu riêng Trung Quốc được mua bởi người tiêu dùng trong độ tuổi từ 16 - 35 và sinh sống ở các thành phố lớn.

Năm 2022, sầu riêng tiếp tục là loại trái cây nhập khẩu số 1 của Trung Quốc với tổng khối lượng nhập khẩu là 825.000 tấn, đạt 4,03 tỉ USD, theo số liệu từ Phòng Thương mại Thực phẩm, Sản phẩm bản địa và Sản phẩm động vật Trung Quốc (CFNA). 

Đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng kéo dài đến chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng không thể làm giảm đi sự yêu thích của người tiêu dùng Trung Quốc đối với loại trái cây này, cũng không hề làm gián đoạn nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc.

Chính vì vậy, không có gì khó hiểu khi Trung Quốc là nước nhập khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới và đóng vai trò quan trọng trong thương mại sầu riêng quốc tế. 

Theo Trade Map, giá trị nhập khẩu sầu riêng vào Trung Quốc đại lục trong năm 2021 chiếm 82% tổng nhập khẩu sầu riêng toàn cầu. Điều này đã tạo cho Trung Quốc sức mạnh của người mua lớn đối với các quốc gia xuất khẩu sầu riêng.

Khi Bắc Kinh cam kết nhập khẩu nhiều nông sản và trái cây hơn trong nỗ lực củng cố mối quan hệ chiến lược với các nước láng giềng Đông Nam Á trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt với Mỹ ở khu vực thì sầu riêng - được người hâm mộ mệnh danh là "vua trái cây" - chiếm vị trí trung tâm trong ngoại giao trái cây của Trung Quốc. 

Ngoại giao sầu riêng nhấn mạnh vai trò của trái cây như một động lực thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại cũng như chuyển dịch an ninh của châu Á. Tất nhiên, đấy là sự chuyển dịch hướng về phía Trung Quốc.

Thái Lan, quốc gia trồng sầu riêng lớn nhất thế giới với hơn 152.000ha, được coi là nước hưởng lợi lớn nhất từ nhu cầu này của Trung Quốc. Năm 2021, Thái Lan là nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất, chiếm 81% sản lượng xuất khẩu toàn cầu. 

Theo CFNA, Thái Lan chiếm 96% kim ngạch nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tính theo giá trị và 95% tổng khối lượng nhập khẩu trong năm qua. Các nguồn ít ỏi khác bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và cả Campuchia. Tuy nhiên, Bắc Kinh muốn thị trường sầu riêng không chỉ dành cho người Thái.

Vào tháng 7-2022, tại thành phố Nam Ninh, miền nam Trung Quốc, Phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cùng nhau công bố một thỏa thuận để sầu riêng tươi của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sau gần bốn năm đàm phán. 

Sầu riêng cũng là loại trái cây thứ 11 của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc thông qua đường chính ngạch. Điều này giúp kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam năm 2022 đạt gần 400 triệu USD, trong đó 300 triệu USD sang Trung Quốc.

Con số này sẽ tăng lên nhanh khi cơ quan chức năng Trung Quốc đã đồng ý cấp phép cho thêm 230 cơ sở của Việt Nam, gồm 163 vườn cây ăn trái và 67 cơ sở đóng gói, đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. 

Các bổ sung mới nhất nâng tổng số cơ sở sầu riêng Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc lên con số 343.

Cuộc cạnh tranh xuất khẩu sầu riêng giữa các quốc gia Đông Nam Á nóng lên khi đầu năm 2023, Trung Quốc và Philippines đã ký thỏa thuận kiểm dịch cho phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr tới Bắc Kinh. 

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc mở cửa đối với sầu riêng tươi của Philippines, cùng với Việt Nam và Thái Lan.

Thành phố Davao, cách thủ đô Manila hơn 900km về phía đông nam, được mệnh danh là "thủ phủ sầu riêng của Philippines" do đặc điểm thổ nhưỡng đất núi lửa Apo được cho là đã mang đến hương vị độc đáo cho sầu riêng của khu vực này, vốn chiếm gần 80% tổng số sầu riêng được trồng trong toàn Philippines. 

Nhưng giờ đây, ngay cả thị trường sầu riêng địa phương ở Davao cũng đang thiếu hụt nguồn cung do một lượng lớn sầu riêng thu hoạch hiện tại đã được dành xuất khẩu cho Trung Quốc.

Còn đối với Malaysia, quê hương của loại sầu riêng nổi tiếng Musang King, thì Ngoại trưởng Vương Nghị đề cập đặc biệt tới sầu riêng trong chuyến thăm của ông đến Kuala Lumpur vào tháng 7 năm ngoái. 

Trong khi sầu riêng từ Malaysia chỉ được xuất khẩu đông lạnh vào Trung Quốc thì các tour du lịch mua và ăn sầu riêng ngày càng trở nên phổ biến đối với khách du lịch Trung Quốc bay đến Malaysia, đặc biệt là để mua số lượng lớn loại trái cây này.

Và khi chỉ còn mùi khó chịu...

Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa thị trường sầu riêng cho các quốc gia láng giềng Đông Nam Á cũng đặt ra câu hỏi về việc liệu Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác có giữ được sự tự chủ chiến lược khi lại thúc đẩy nền nông nghiệp của họ bằng cách tăng sự phụ thuộc vào Trung Quốc. 

Nếu có bất trắc xảy ra, các nhà xuất khẩu sầu riêng Đông Nam Á khó mà kiếm được một khách hàng lớn thay thế khi Trung Quốc chiếm hơn 4/5 nhu cầu nhập khẩu sầu riêng của thế giới.

BÁN SẦU RIÊNG QUA TRUNG QUỐC: CÓ CẢ "LIễU HƯƠNG" VÀ "LAI XÚ" - Ảnh 2.

Tất nhiên là không phải không có tiền lệ. Và cái cớ thường được Trung Quốc sử dụng với các nông sản và thực phẩm là vấn đề vệ sinh thực phẩm. 

Vào năm 2012, khi tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines xảy ra ở bãi cạn Scarborough Shoal, các nhà nhập khẩu Trung Quốc phàn nàn rằng chuối Philippines bị nhiễm sâu bệnh, do đó không thể bán được ở thị trường Trung Quốc. 

Chính quyền Trung Quốc yêu cầu kiểm tra đầy đủ đối với tất cả các lô hàng và không dựa vào giấy phép do cơ quan kiểm dịch Philippines cấp. Trong lúc chờ, chuối đã hỏng.

Tháng 12-2020, Bắc Kinh đình chỉ nhập khẩu thịt bò từ bốn lò mổ lớn ở Úc, sau khi Úc kêu gọi điều tra độc lập về vụ dịch COVID-19 bắt nguồn từ Trung Quốc. 

Lệnh đình chỉ ảnh hưởng tới ngành xuất khẩu thịt bò sang Trung Quốc vốn mang lại cho Úc khoảng 1,1 tỉ USD mỗi năm. Bắc Kinh cho rằng họ đã phát hiện ra những vi phạm về quy định giấy chứng nhận sức khỏe tại nhà máy.

Dù gì thì cũng không thể ngăn cản các nhà xuất khẩu khác nhảy vào thế chân ở thị trường Trung Quốc. Khi giai cấp trung lưu của Trung Quốc ngày càng tăng, nhu cầu sầu riêng của người Trung Quốc cũng tăng theo. 

Đây là một thị trường lớn cho đủ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, nhưng cũng dẫn đến sự lệ thuộc lớn hơn vào thị trường này.

Nhìn rộng ra, ngoại giao sầu riêng của Trung Quốc chỉ là một phần của bức tranh cạnh tranh ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Liệu các quốc gia vừa và nhỏ ở Đông Nam Á sẽ thấy lực hấp dẫn ở phía nào hơn?■

Mặc dù cơn cuồng sầu riêng mới xảy ra gần đây nhưng người Trung Quốc lại có hẳn một câu chuyện về nguồn gốc của cái tên "sầu riêng" trong tiếng Hoa từ lúc xa xưa, tận vào thời đô đốc Trịnh Hòa - một nhà thám hiểm hàng hải người Trung Quốc vào thế kỷ XV (thời nhà Minh).

Theo truyền thuyết, khi Trịnh Hòa đi về phía tây (hạ tây dương) lần thứ ba, ông đã tìm thấy một loại trái cây kỳ lạ trên bờ biển. Nó được bao phủ bởi gai nhọn và vẻ ngoài trông giống như đầu một cái chùy. Khi nếm thử, ông thấy mùi vị thơm ngọt, ngon đến nỗi quên cả nhớ quê. Sau khi ăn loại quả này trong ba ngày, ông không nỡ rời xa nó nên Trịnh Hòa đặt tên cho loại trái cây này là "lựu liên", nghĩa là "nán lại quên đường về".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận