Bánh gừng: Kẻ đơn giản có lý lịch phức tạp

PHẠM PHONG 23/12/2020 21:00 GMT+7

TTCT - Có bánh gừng rồi, cái câu người ta thường hỏi nhất là sao bánh gừng lại hay cắt thành hình người?

VÀO CHÂU ÂU THEO ĐƯỜNG KHỔ HẠNH

Chuyện kể rằng vào năm 991, tu sĩ Gregory Markar rời thành Nicopolis thuộc vương quốc cổ Pontus (giờ là bán đảo Tiểu Á, Thổ Nhĩ Kỳ) sau khi bị quân Ba Tư rượt đuổi. Kiệt sức và suy sụp, chẳng hiểu có phải nhờ nhai tạm vài miếng bánh gừng không mà ông vẫn qua được châu Âu, đến tận vùng Gâtinais xa xôi của nước Pháp. Với sự cho phép của những người cai quản địa phương, ông trở thành một nhà tu khổ hạnh, sống ngay gần một nhà thờ đã bị bỏ phế. Gregory sống suốt bảy năm trong một căn phòng nhỏ tí xíu, chắc chỉ lớn hơn thân thể ông chút xíu, đủ để ông thực hành việc sám hối và ẩn dật của người tu. Người ta bảo, ông dành nhiều thời gian để suy ngẫm, sống bằng rễ cây (dĩ nhiên là loại ăn được) và mật ong rừng - vốn là thứ nổi tiếng của vùng này suốt từ thời Trung cổ cho tới tận ngày nay.

Theo sách Từ điển của những điều kỳ diệu: Sự bắt chước - thực tế và máy móc của Ebenezer Cobham Brewer, thầy Gregory nhịn ăn hoàn toàn vào thứ hai, tư, sáu, bảy. Còn thứ ba, thứ năm thì sau khi mặt trời lặn, thầy ăn ba ounce đồ ăn (tính ra chưa tới 100gr của ta). Chủ nhật thì thầy không nhịn nhưng ăn rất ít. Thầy không bao giờ ăn thịt ăn bơ, thức ăn chính là đậu lăng ngâm trong nước rồi phơi ra nắng. Nguyên tắc của thầy là bàn tay trái đựng được bao nhiêu thức ăn thì chỉ ăn chừng đó.

Thế rồi tuy không có mạng xã hội, thầy Gregory vẫn nổi như cồn, thu hút cả quý tộc lẫn nông dân trong vùng. Hẳn là có người đã mời thầy đến thăm nhà, hẳn là có người đã nói thầy ở lại dùng bữa, và thái độ của thầy hẳn rất thân tình ấm áp, cùng làm bếp với mọi người, vì trong một ghi chép hồi thế kỷ thứ 10 của tu viện Micy dòng Benedictine của vùng này có nói, “kết thúc bữa ăn thầy mời một món bánh thầy tự làm, thể theo công thức của nước thầy, có mật ong và gia vị, đúng kiểu cách nơi quê nhà Armenia của thầy”.

Nhờ thầy Gregory, người dân vùng quê này của nước Pháp đã học được và giữ được cách làm bánh gừng đậm chất truyền thống… Armenia cho tới ngày nay. Họ gọi thầy là “Thánh Gregory of Nicopolis - Cha đẻ của bánh gừng”. Sau khi dạy người Pháp làm bánh gừng, họ dạy tiếp cho người Đức, rồi người Đức dạy tiếp cho người Thụy Điển. Rồi người Thụy Điển dạy cho ai? Đến đây ta không cần biết nữa, món bánh gừng ấm bụng đã đi khắp châu Âu, mỗi bước đi là một bước sáng chế: nơi cắt thành hình người, nơi vẽ thêm kem đường, nơi dựng thành nhà con con… Thậm chí ở Việt Nam, vài năm trước hễ đến gần Noel là các bà nội trợ mở sách ra chỉ để xem lại công thức bánh kem khúc củi, nay thì xem trên mạng công thức bánh quy gừng “giòn tan thơm ngon lạ miệng”, thấy có vẻ dễ làm hơn, nhiều công dụng hơn (trang trí, làm ấm bụng, làm quà biếu, để ăn dần…).

Món bánh gừng xuất hiện trong truyện cổ tích nổi tiếng thế giới Hansel và Gretel. Ảnh: Pinterest

PHỨC TẠP HÓA DẦN

Bánh gừng là gì, một người đọc Việt Nam ở lứa tuổi “truyền thống” có thể hỏi câu này. Là bánh làm từ ba thành phần chính là bột mì, đường, gừng; còn “râu ria” thêm nào bơ, nào sô-cô-la, mật ong… là tùy nền ẩm thực và sự sáng tạo của người làm bánh. Mềm hay cứng là tùy phong cách và… răng, nhưng bánh gừng phổ biến hiện nay là bánh quy gừng giòn, cắt thành hình người, hình sao, hình cây thông… Vẽ thêm hay không là tùy vào mục đích - vẽ nhiều quá thì có khi chỉ để trang trí chẳng nỡ ăn, như một số bánh gừng “đẹp như đồ mỹ nghệ” của Hungary chẳng hạn.

Vị của bánh gừng nói chung là ngọt, thơm mùi gừng, thoảng mùi bơ. Chất của bánh gừng có người bảo phải giòn, có người nói nên còn chút độ dai, thậm chí khi ta cầm quá mạnh, ngón tay ta còn in dấu trên bánh - nghe khó khăn và như là mẹ Cám làm khó Tấm (Tây). Nhưng nói chung đây là bánh dễ làm: nhồi bột với các nguyên liệu thành khối mềm cán được, dùng khuôn cắt thành hình rồi cho vào lò nướng, thành phẩm phải có vị gừng, mùi gừng và… ngon. Còn thế nào là ngon? Ấy cũng tùy mồm, tùy nhà, tùy quốc gia.

Có truyền thống là ắt sinh câu hỏi “Tại sao? Từ hồi nào?”. Có bánh gừng rồi, cái câu người ta thường hỏi nhất là sao bánh gừng lại hay cắt thành hình người?

Theo một bài viết của Olivia Waxman, truyền thống này ít nhất đã có từ mấy trăm năm. Bài viết dẫn lời Carole Levin, giám đốc chương trình nghiên cứu thời Trung cổ thuộc Đại học Nebraska-Lincoln, nói Nữ hoàng Elizabeth I vào thế kỷ thứ 16 đã khiến các bữa tối cung đình thêm vui mắt khi cho nặn bánh hạnh nhân thành hình trái cây, lâu đài, chim muông. Bà lại còn cho nặn bánh gừng thành hình người: người trong cung, khách quý, người theo đuổi bà… Cái thì bà cho dọn ra trong bữa tiệc, cái thì bà gửi làm quà tặng đáp lại với những món quà đắt giá của kẻ kia. Mỗi hình người như thế được trang trí cẩn thận để mô tả đúng người. Nghe cũng thấy vui rồi, mọi người có thể nhận ra “ai là ai” và có thể tự “ăn thịt” mình một cách vui vẻ.

Tuy nhiên theo Levin, nữ hoàng không phải là người duy nhất nghĩ ra việc ăn bánh gừng hình người. Cùng thời ấy, các thầy lang kiêm phù thủy cũng đã nặn bánh hình người (đàn ông), đưa các cô gái trẻ kèm lời dặn: “Thích lấy anh nào thì cho anh ấy ăn bánh này, anh ấy ắt sẽ yêu con!”.

Ảnh: Desktopbackground.org

ĐƯỜNG NGẮN NHẤT ĐỂ NỔI TIẾNG LÀ ĐI VÀO CỔ TÍCH

Nhưng rồi không ai còn thì giờ mà làm bánh gừng kỳ công thế nữa. Những miếng bánh gừng hình người chỉ là miếng bánh quy dẹt có cái đầu tròn tròn và tay chân dạng ra thô sơ, chấm thêm mắt mũi miệng và siêng thì điểm cho cái khăn đỏ quấn cổ. Cái hình người đơn giản ấy lại càng nổi tiếng vì gắn với cổ tích. Chiếc bánh gừng hình người ấy có hẳn một truyện cổ tích dễ thương và đáng thương: “Cậu bánh gừng”, kể theo thủ pháp mỗi lúc thêm một tầng nhân vật.

Có hai ông bà già sống bên bờ sông. Một hôm ông đói quá nên bà làm bánh gừng. Bà nhồi bột, cắt thành hình người, lấy nho khô làm mắt, tí kẹo quế làm miệng, vụn sô-cô-la làm nút áo, và cho vào lò nướng.

Bánh chín, bà lão mở lò nướng, một chú bánh gừng lao ra kêu to: “Chớ có ăn tôi!” rồi chạy mất.

Tiếp theo dĩ nhiên là bà lão phải đuổi theo mà không bắt được, thêm ông lão cũng không được, thêm heo, thêm bò, thêm cả ngựa cũng không bắt được. Cuối cùng, chú bánh gừng chạy tới bờ sông, lưỡng lự biết mình rơi vào nước là “toang”. Câu chuyện điển hình của cuộc đời bắt đầu ở đây, khi một con cáo xuất hiện. Cáo đề nghị bánh gừng hãy leo lên đuôi để cáo mang qua sông. Bánh gừng bám lên và thầm coi là “ân nhân”. Cáo đề nghị hãy ngồi nhích lên lưng cho khỏi nặng, rồi nhích lên gáy, lên mũi cho gần hơn. Người ta sai lầm là ở việc không giữ khoảng cách với nhau. Bánh gừng nhích lên mũi cáo, và cáo thổi bánh gừng bay lên trời, há miệng ra rồi đớp gọn.

Nhưng xét cho cùng, được ăn chẳng phải là một “kết thúc có hậu” cho mọi loại bánh kẹo sao? Còn hơn là treo lủng lẳng trang trí trên cành thông và bám đầy bụi đến nỗi không ai dám ăn.

Trong khi đó, theo Michael Krondl, tác giả của Sự sáng tạo ngọt ngào: Lịch sử của món tráng miệng, bánh gừng được yêu thích trong mùa lễ phần lớn vì nó… có gừng; nó làm người ta ấm bụng trong tiết đông co ro; mà muốn ấm bụng thì ta phải… ăn vào!

Cho nên đã nói đến truyền thống thì ở đâu cũng vậy, hãy làm sao cho đơn giản nhất, đúng với mục đích ban đầu của nó nhất, như mở đầu truyện cổ tích là vì ông lão đói mà bà lão mới làm bánh gừng chứ không phải vì ông lão thấy cây thông Noel kém vui mắt mà bà lão nướng bánh làm đồ trang trí. Bánh gừng nếu có làm thành hình cái nhà thì cũng chỉ bày một lúc, rồi khuyến khích trẻ con sau đó hãy xử sự như Hansel và Gretel của truyện cổ Grim: đến mà bẻ cửa sổ, dỡ mái, bóc tường ăn vụng; trong lòng trỗi dậy sự hồi hộp một mụ phù thủy hiện ra, người lớn đứng xem nhận ra một triết lý thật hài hòa: bánh gừng có gừng cay mới là bánh gừng, và cổ tích có phù thủy mới đúng là cổ tích.■


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận