Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, người của phe Dân chủ, nói ngày 3-5 rằng Tổng chưởng lý William Barr đã phạm tội hình sự khi điều trần trước Quốc hội về báo cáo Mueller. “Tổng chưởng lý Hoa Kỳ đã không nói sự thật với Quốc hội Hoa Kỳ. Đó là một tội hình sự” – CNN dẫn lời bà Pelosi nói trong cuộc họp báo hằng tuần ở Capitol Hill. Điều tra viên đặc biệt Robert Mueller và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: The Daily Beast Báo cáo Mueller vốn đã được chờ đợi một thời gian dài - bản chính thức đầy đủ (gồm một số phần được kiểm duyệt vì an ninh quốc gia) báo cáo cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller với những nỗ lực của Nga hòng can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, cũng như các cáo buộc hành vi sai trái và cản trở công lý với Tổng thống Mỹ Donald Trump và chiến dịch tranh cử của ông - được công bố cho công chúng, vào ngày thứ năm 18-4 vừa rồi. Bản thân báo cáo dày như một cuốn sách, 448 trang dạng PDF. Diễn giải khác biệt Sự phức tạp và tính chất đầy tranh cãi của cuộc điều tra khiến không có gì ngạc nhiên khi những diễn giải với truyền thông về bản báo cáo, về những gì nó nói hay không nói về ông Trump và chính quyền của ông, rất khác biệt. Với nhiều người ủng hộ phe bảo thủ của ông Trump, tổng thống đã được chứng minh vô tội. Báo cáo không thấy là chiến dịch của ông Trump cố tình hợp tác với Nga để chiến thắng cuộc bầu cử 2016 (hay có bất kỳ hành động nào có thể được định nghĩa là “âm mưu bất chính” theo pháp luật), và báo cáo không kết luận là tổng thống có cản trở công lý hay không. Trong khi đó, những người chỉ trích ông Trump đã tập trung vào kết luận mở của câu hỏi liệu ông Trump có tìm cách phá hoại cuộc điều tra hay không; rốt cuộc, báo cáo ghi nhận cụ thể rằng hành vi của ông Trump khi tại chức “gây ra những vấn đề khó khăn ngăn cản chúng tôi xác quyết là có hành vi tội ác nào đã diễn ra hay không”. Ngay cả trong một ấn bản báo chí thôi, phản ứng với bản báo cáo cũng rất khác biệt. Trong ba ngày đầu sau khi báo cáo công bố, riêng tờ New York Times đăng 17 bài ý kiến và xã luận về nó. Các dòng tít thay đổi từ “Báo cáo kinh khủng của Mueller” tới “Barr [tổng chưởng lý của Trump] đúng hết. Hãy thừa nhận các người đã sai”, tới “Ở một quốc gia bình thường, chúng ta đã bắt đầu thủ tục luận tội rồi”. Nói cách khác, báo cáo Mueller là ví dụ tốt nhất trong nhiều năm về một câu chuyện tin tức giống như một thử nghiệm Rorschach - thử nghiệm “dấu mực” nổi tiếng trong tâm lý học, trong đó người tham gia được quyền thoải mái xác định mình đã nhìn thấy gì từ một vệt mực loang lổ. Với báo cáo Mueller, người Mỹ chúng tôi cùng nhìn vào một văn bản, nhưng không thể nhất trí với nhau ý nghĩa của nó là gì. Điều đáng nói là các hãng tin đã dành ít thời gian hơn hẳn trong việc chỉ ra bối cảnh pháp lý cụ thể của cuộc điều tra của ông Mueller - để trả lời những câu hỏi như vai trò của một điều tra viên đặc biệt là gì, tại sao cuộc điều tra này lại kết luận với một báo cáo thay vì một cuộc xét xử, phải chăng quy trình này cũng giống với quy trình các cuộc điều tra tổng thống thời Richard Nixon và Bill Clinton... Từ Grant tới Trump Một điều tra viên đặc biệt (đôi khi được gọi là công tố viên đặc biệt hay điều tra viên độc lập) là một luật sư được phân công để chỉ huy một cuộc điều tra mà vì lý do nào đó không thể giao cho một công tố viên bình thường. Thường thì điều này là bởi cuộc điều tra sẽ làm nảy sinh vấn đề xung đột lợi ích. Tổng chưởng lý Hoa Kỳ, người đứng đầu bộ tư pháp, là quan chức chấp pháp liên bang cao nhất trong nước - nên bất kỳ công tố viên nào muốn điều tra, lấy ví dụ, bộ tư pháp, tổng chưởng lý, hay tổng thống (là sếp của tổng chưởng lý) sẽ điều tra chính những người cấp trên của mình. Điều này làm nảy sinh xung đột lợi ích - một nhân viên không thể điều tra sòng phẳng sếp của mình - nên một điều tra viên đặc biệt phải được chỉ định. Nhưng trong khi những lý do cơ bản để chỉ định một điều tra viên đặc biệt đã không thay đổi nhiều từ khi tổng thống Ulysses S. Grant chỉ định người đầu tiên vào năm 1875, pháp luật và quy định cụ thể về hành động của một điều tra viên đặc biệt đã thay đổi nhiều lần. Trong hàng thế kỷ sau khi Grant lần đầu viện tới điều tra viên độc lập, việc bổ nhiệm các điều tra viên kiểu này không chịu bất cứ quy định chính thức nào cả. Những cuộc điều tra hiếm hoi xảy ra trong quãng thời gian đó - cuộc điều tra tham nhũng ở Văn phòng Bưu chính trong nhiệm kỳ của tổng thống James Garfield (làm tổng thống từ tháng 3-1881 tới khi bị ám sát vào tháng 9-1881), hay điều tra vụ bê bối hối lộ khét tiếng tên gọi vụ Teapot Dome dưới thời tổng thống Calvin Coolidge (1923-1929), kiểm tra cáo buộc tham nhũng trong khi thu thuế của Tổng cục Thuế thời tổng thống Harry Truman (1945-1953), không dẫn tới những vấn đề nghiêm trọng với tổng thống đương nhiệm. Rồi tới vụ Nixon. Sau bê bối Watergate dẫn tới việc tổng thống Nixon từ chức vào năm 1974 - với một cuộc điều tra trong đó hai công tố viên đặc biệt khiến việc luận tội ông Nixon sẽ là chắc chắn (nếu ông không từ chức) - quốc hội đã bắt tay vào xây dựng những chỉ dẫn cụ thể hơn quanh việc bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt. Năm 1978, Luật đạo đức trong chính quyền được thông qua. Theo luật mới này, tổng chưởng lý vẫn chịu trách nhiệm hoàn toàn với việc bổ nhiệm điều tra viên độc lập (từ mới để gọi công tố viên độc lập), nhưng các nghị sĩ ở cả hai đảng được trao nhiều quyền hơn nếu muốn đòi hỏi việc bổ nhiệm như thế. Bản thân điều tra viên độc lập sẽ được lựa chọn qua một ủy ban ba người, không phải trực tiếp do tổng chưởng lý, và luật cấm việc cách chức điều tra viên độc lập trừ khi trong những tình huống cụ thể, bao gồm việc sai phạm rõ ràng của điều tra viên. Trong hơn 20 năm, Luật đạo đức trong chính quyền này được áp dụng, bao gồm trong cuộc điều tra dẫn tới phiên tòa luận tội tổng thống Clinton (ông được tha bổng) những năm 1990. Nhưng các điều khoản về điều tra viên độc lập hết hạn vào năm 1999, điều giải thích cho sự khác biệt lớn trong việc đón nhận báo cáo của điều tra viên độc lập vụ Clinton, ông Ken Starr, với báo cáo Mueller. Báo cáo của ông Starr năm 1998 được gửi thẳng cho quốc hội, sau đó được bỏ phiếu với một tỉ lệ áp đảo để công bố cho dư luận. Trong khi đó, báo cáo của ông Mueller vào tháng 3 vừa qua được chuyển cho Tổng chưởng lý William Barr. Báo cáo đầy đủ (bị kiểm duyệt) dấy lên cuộc chỉ trích mới. Tiếp theo là gì? Khi ông Barr công bố bản tóm tắt dài 4 trang của báo cáo 448 trang đấy vào ngày 24-3 (mà tổng thống mô tả là “sự miễn tội hoàn toàn và tuyệt đối”), còn chưa rõ khi nào báo cáo Mueller sẽ được công khai cho dư luận. Theo diễn giải của Bộ Tư pháp hiện thời trong các quy định liên quan tới điều tra viên độc lập, ông Barr không bị pháp luật yêu cầu phải công khai bản báo cáo, ngay cả bản đã có kiểm duyệt, dù nếu ông Barr và ông Trump cố tình tìm cách chôn vùi luôn bản báo cáo, hành động đó chắc chắn sẽ bị kiện ra tòa. Kể từ khi báo cáo đầy đủ (bản kiểm duyệt) được công bố, nhiều người đã chỉ trích bản tóm tắt trước đó của ông Barr là gây hiểu lầm. Trong khi ông Mueller và nhóm của ông không tìm thấy bằng chứng có âm mưu bất chính và chưa đưa ra quyết định về việc ông Trump hay các cộng sự của ông có cản trở công lý hay không, báo cáo đầy đủ không cho thấy tổng thống là một người đáng tin. Ông Trump và các nhân viên của ông đã nói dối liên tục về hành động của họ liên quan tới cuộc điều tra của ông Mueller, theo báo cáo. Có rất nhiều ví dụ về việc ông Trump lệnh cho cấp dưới của ông thực hiện những hành động, như sa thải ông Mueller, có thể bị coi là cản trở công lý. Một trong những hành vi khiến ông Nixon thân bại danh liệt bốn mươi năm trước là việc ông định tìm cách sa thải điều tra viên độc lập qua tổng chưởng lý của ông Elliot Richardson. Ông Richardson và người phó từ chức thay vì tuân theo lệnh đó, trong sự kiện ở Mỹ được gọi là Vụ thảm sát tối thứ bảy. Theo báo cáo Mueller, ông Trump đã ra lệnh tương tự nhằm loại ông Mueller, thông qua luật sư Nhà Trắng Donald McGahn, nhưng ông McGahn chống lệnh và dọa sẽ từ chức. Còn tiếp theo giờ sẽ là gì? Quốc hội Mỹ vẫn có thể bắt đầu các phiên điều trần luận tội chống lại tổng thống. Cơ sở pháp lý cho việc bắt đầu những phiên điều trần luận tội mơ hồ một cách có chủ ý, chứ không như các quá trình truy tố thông thường ở một tòa án pháp trị. Nhưng vì các phiên tòa luận tội rốt cuộc sẽ do Thượng viện quyết định - nơi phe Cộng hòa của ông Trump đang nắm đa số, khó có khả năng việc luận tội sẽ đi tới kết tội và buộc thôi chức, ít ra là nếu không có thêm bằng chứng mới về những hành vi sai trái. Nhưng dù cho có chuyện gì xảy ra trong 20 tháng còn lại nhiệm kỳ thứ nhất của Trump, báo cáo Mueller khiến việc chấp nhận những tuyên bố của ông Trump và chính quyền của ông là đáng tin sẽ rất khó khăn. Giờ đã có bằng chứng rành rành, 448 trang bằng chứng, rằng tổng thống sẵn sàng nói dối để bảo vệ bản thân trước cuộc điều tra. Chiến lược này có vẻ ổn cho cuộc điều tra vừa rồi. Vẫn còn phải đợi xem với các cuộc điều tra sắp tới, do quốc hội hay báo chí tiến hành, kết quả sẽ ra sao.■ HẢI MINH (chuyển ngữ) Phe Dân chủ: Barr nói dối Quốc hội Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, người của phe Dân chủ, nói ngày 3-5 rằng Tổng chưởng lý William Barr đã phạm tội hình sự khi điều trần trước Quốc hội về báo cáo Mueller. “Tổng chưởng lý Hoa Kỳ đã không nói sự thật với Quốc hội Hoa Kỳ. Đó là một tội hình sự” – CNN dẫn lời bà Pelosi nói trong cuộc họp báo hằng tuần ở Capitol Hill. Tháng trước, Barr nói với Quốc hội rằng ông không biết liệu điều tra viên đặc biệt Robert Mueller có ủng hộ bản tóm tắt 4 trang của ông với báo cáo Mueller hay không. Gần như ngay lập tức, Bộ Tư pháp đã phản pháo tuyên bố của bà Pelosi. Vài phút sau, người phát ngôn Bộ Tư pháp Kerri Kupec nói tuyên bố của bà Pelosi là “sự tấn công không có cơ sở vào Tổng chưởng lý, một hành vi bất cẩn, vô trách nhiệm và sai trái”. Barr hiện đang chịu sức ép lớn khi nhiều nghị sĩ Dân chủ đòi ông phải từ chức sau vụ công bố một lá thư tuần trước trong đó Mueller bày tỏ “lấy làm tiếc” về cách Barr tóm tắt báo cáo của ông. Bản tóm tắt của Barr được công bố ngày 24-3, thư của Mueller đề ngày 27-3, và Barr trả lời Quốc hội trong hai phiên điều trần vào tháng 4. Vào ngày 10-4, trong phiên điều trần, thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen đã hỏi Barr: “Bob Mueller có ủng hộ kết luận của ông không?”, và Barr đáp: “Tôi không biết Bob Mueller có ủng hộ quyết định của tôi hay không”. Khoảng 1/3 số trang trong 448 trang của báo cáo Mueller có ít nhất một đoạn bị kiểm duyệt. 12 trang bị kiểm duyệt gần như hoàn toàn. Có 4 lý do được đưa ra với các đoạn kiểm duyệt. Mã màu đỏ chỉ thông tin đã được trình cho một đại bồi thẩm đoàn và không thể công khai cho dư luận. Mã màu trắng chỉ thông tin có thể gây hại cho các cuộc điều tra đang diễn ra nếu công khai. Mã màu vàng chỉ thông tin thu thập được bằng các thủ thuật không chính thống hoặc thông tin có tính tình báo có thể gây hại cho người cung cấp thông tin nếu công khai. Cuối cùng là mã màu xanh lá nhằm bảo vệ quyền riêng tư của “bên thứ ba có lợi ích liên quan không đáng kể” được đề cập trong báo cáo. Tags: Tổng thống MỹPhế truấtLuận tộiBáo cáo MuellerHạ viện MỹWilliam Bar
Bầu cử Mỹ: Cử tri Mỹ bắt đầu đến phòng phiếu DUY LINH 05/11/2024 Chiều tối 5-11 (giờ Việt Nam), các điểm bỏ phiếu tại hàng loạt bang miền đông Mỹ đã mở cửa để các cử tri bầu người lèo lái nước Mỹ trong 4 năm tới.
Quốc lộ 51 bỗng nhiên 'vô chủ': Đề nghị Bộ Tài chính xác lập quyền sở hữu toàn dân ĐỨC PHÚ 05/11/2024 Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính sớm xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với dự án BOT quốc lộ 51.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
Nhận tiền giúp hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng quân sự bị bắt LÊ TRUNG 05/11/2024 Nhận tiền của người khác để giúp hoãn gọi khám nghĩa vụ và hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã ở Quảng Nam bị bắt tạm giam.