Các không gian sáng tạo tại Việt Nam: Tỏa rộng và bừng nở

KHỔNG LOAN 19/03/2019 02:03 GMT+7

TTCT - Hơn 140 không gian sáng tạo và nghệ thuật hiện có ở Việt Nam đang tạo thành một khung cảnh nghệ thuật phong phú cho những tiếng nói đa chiều.

 

Một buổi trao đổi giữa  nghệ sĩ và cộng đồng tại The Factory.
Một buổi trao đổi giữa nghệ sĩ và cộng đồng tại The Factory.

Trong một buổi nói chuyện về ánh sáng, nghệ thuật và kiến trúc cuối năm 2018, khoảng 200 người đến The Factory - không gian nghệ thuật được xây dựng và vận hành dành riêng cho nghệ thuật đương đại tại TP.HCM. Họ ngồi dưới chiếu trên nền nhà, giữa không gian của vài ba triển lãm cá nhân diễn ra cùng lúc.

Thử hình dung về quang cảnh đó, với “Cao/Độ/Chiều” - triển lãm đôi của VN-A và Trương Quế Chi tầng trệt, tầng lửng là không gian trưng bày “The Box” - nơi người xem thưởng lãm các tác phẩm chất lượng, bên cạnh đó là triển lãm “Phấn hoa” của nghệ sĩ Kenny Ng, với những hình hài trong trí tưởng tượng của anh về các sinh vật biển. Một phòng nhỏ bên ngoài trưng bày các tác phẩm tranh Hàng Trống của Lê Đình Nghiên - người được xem là nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh này.

Ba năm kể từ khi thành lập, các cuộc trò chuyện với một nhân vật đang thực hành nghệ thuật hay hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo diễn ra hầu như hằng tuần tại The Factory, là cách nơi này tiếp cận nhiều tầng lớp để tham gia xây dựng những trụ cột quan trọng giúp một nền nghệ thuật và kinh tế sáng tạo có thể phát triển.

Ngoài cộng đồng nghệ sĩ, những người thưởng lãm nghệ thuật, các nhà sưu tập, các không gian nghệ thuật - nơi nghệ sĩ có thể trưng bày tác phẩm, chia sẻ hành trình sáng tác, gặp gỡ khán giả hay các nghệ sĩ khác - đang trở nên đông đúc hơn về mặt số lượng, được vận hành chất lượng hơn, có nhiều cơ sở do doanh nhân sáng lập và cam kết lâu dài tại Việt Nam.

Câu chuyện của Sandrine Llouquet

Đó là khi số lượng người thưởng thức, những người yêu thích nghệ thuật còn rất ít, chủ yếu là các nghệ sĩ, nhà thiết kế và một vài gương mặt quen thuộc trong cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam. 

Tại TP.HCM, Galerie Quynh chuyên về nghệ thuật đương đại xuất hiện, đóng vai trò tiên phong không thể phủ nhận trong việc tạo dựng môi trường để nghệ sĩ đương đại có thể kết nối với thị trường nước ngoài.

Là họa sĩ người Pháp có các sáng tác do Galerie Quynh đại diện, Sandrine đến Việt Nam năm 2005, thời điểm có rất ít sáng kiến nghệ thuật đương đại tại TP.HCM, trong khi ở Hà Nội đã có, nhưng chủ yếu là nhờ những cơ quan có dấu ấn nước ngoài như Alliance Française, Viện Goethe, một số nơi do nghệ sĩ điều hành như Nhà Sàn, Ryllega hay các gallery nhỏ như Art Vietnam, Salon Natasha. Những nơi này có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển ban đầu của nghệ thuật đương đại tại Việt Nam.

Cùng đối tác của mình, Sandrine mở một không gian nhỏ về nghệ thuật alternative (mang tính thử nghiệm, thay thế các loại hình truyền thống như nghệ thuật giá vẽ) ngay tại nơi ở, đặt là Atelier Wonderful.

Trong 5 tháng sau đó, hằng tuần họ đều giới thiệu một nghệ sĩ mới, dù không có tài trợ, tài chính eo hẹp. Các địa điểm nghệ thuật alternative khác sớm được hình thành, từ Himiko Café, SanArt hay Zero Station... Giờ đây, có những nơi không còn hoạt động nữa, có những nơi phải tìm và phụ thuộc vào nguồn tài trợ để có thể tiếp tục.

Sandrine Llouquet

Một không gian đa dạng đã mở ra

Zoe Butt, giám đốc nghệ thuật của The Factory, người có gần 20 năm tham gia cộng đồng nghệ thuật tại Việt Nam, nhận thấy các thành phố lớn, trong đó có TP.HCM, đang chứng kiến bối cảnh nghệ thuật nở rộ, đặc biệt là những không gian nghệ thuật độc lập, với những sản phẩm và không gian triển lãm nhiều tiềm năng. 

Bối cảnh nghệ thuật càng đa dạng thì chất lượng và sự kết nối càng tốt, và cung cấp các tác phẩm phù hợp với thị hiếu của tất cả” - Zoe nói.

Các không gian nghệ thuật tư nhân đang ngày càng nhiều, hầu hết do những người yêu nghệ thuật hay văn hóa địa phương đầu tư phát triển, như The Factory, Mot +++, Salon Saigon. 

Ngoài ra, có nhiều không gian nhỏ khác để thảo luận và hội thảo nhiều chủ đề đa dạng, như Salon văn hóa Cà phê thứ bảy, Old Compass Café... Sandrine hi vọng sự ra đời và hoạt động tích cực của các không gian mới sẽ khiến chính phủ nhận ra tầm quan trọng của việc khuyến khích “sự phát triển của nghệ thuật đương đại, lĩnh vực thể hiện sức mạnh của tri thức và kinh tế của một quốc gia”.

Zoe Butt
Zoe Butt

 “Vai trò và giá trị của các không gian nghệ thuật là giúp cho những đối tượng khác nhau tiếp cận những góc nhìn khác nhau về định nghĩa và mục đích của nghệ thuật và văn hóa. Tại Việt Nam, môi trường nghệ thuật nhỏ nhưng khá hiệu quả. Bất kỳ ai cũng có thể giúp bằng cách tham gia các sự kiện, đặt câu hỏi, thậm chí tài trợ dù rất nhỏ cho các hoạt động của các không gian này. Cách tốt nhất để ủng hộ là mua tác phẩm nghệ thuật. Để mua tác phẩm, cũng như bất kỳ một ngành nào khác và mua một món đồ gì, bạn nên tham gia các hoạt động trong ngành đó để tăng cường sự hiểu biết của mình”.

Zoe Butt (giám đốc nghệ thuật của The Factory)

Salon Saigon - một biệt thự cổ ở Q.3 (TP.HCM) - trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật của một doanh nhân kín tiếng. Khán giả của nơi này hồi đầu chủ yếu là nghệ sĩ, những người hoạt động sáng tạo hay nhà nghiên cứu. 

Tập trung vào các hoạt động kết nối giữa truyền thống và các sáng tạo đương đại, những chương trình tại đây đang dần thu hút các đối tượng đa dạng hơn thông qua các chương trình miễn phí cho sinh viên, hay giảm giá vé.

Không gian triển lãm tại Salon Saigon
Không gian triển lãm tại Salon Saigon

The Factory cũng ráo riết thực hiện các chương trình để trở thành điểm đến quan trọng của những người quan tâm tới nghệ thuật đương đại tại Việt Nam. Nơi này còn có các sự kiện được thiết kế dành riêng cho cộng đồng những nhà sưu tập đang còn rất ít tại Việt Nam. Họ tổ chức các chương trình dành cho nghệ sĩ thay vì cho thuê không gian trưng bày tác phẩm.

Tác phẩm của Lê Hoàng Bích Phượng và Nguyễn Văn Đủ tại The Factory.
Tác phẩm của Lê Hoàng Bích Phượng và Nguyễn Văn Đủ tại The Factory.

Đối tượng đến các không gian nghệ thuật tại Việt Nam thường là các nhóm nhỏ, đến thường xuyên, và chủ yếu là người có liên quan tới nghệ thuật hay có sở thích, hiểu biết về nghệ thuật. Một phần do mạng lưới của các nghệ sĩ và các cơ sở còn nhỏ, trong khi ngân sách để quảng bá và khả năng đều hạn chế, bên cạnh hệ thống pháp lý phức tạp của Việt Nam liên quan đến giấy phép để quảng bá hoạt động văn hóa. 

Sandrine không cho biết cụ thể chi phí để vận hành một không gian như Salon Saigon, nhưng tiết lộ là “rất cao” và hoàn toàn phụ thuộc vào người bảo trợ. Họ cũng có nguồn thu khác từ những sự kiện có tính phí, như chiếu phim, âm nhạc, hay cho thuê vị trí để tổ chức sự kiện. Những người đến Salon Saigon và The Factory dự các sự kiện ngày một trẻ hơn, và nhiều người Việt Nam hơn người nước ngoài.

 

 "Tôi tin rằng nhu cầu kết nối cộng đồng là rất lớn, đặc biệt trong thời buổi của công nghệ với sự đứt gãy của các mối quan hệ xã hội. Nghệ thuật với sự phong phú đa dạng các loại hình là phương tiện trực tiếp nhất và dễ dàng đưa cộng đồng đến gần nhau nhất". 

Nghệ sĩ Lê Giang

Kết nối cộng đồng là quan trọng 

Chúng tôi đang hướng đến xây dựng cộng đồng quan tâm đến nghệ thuật đông đảo hơn. Các sự kiện nghệ thuật hướng đến nhiều khía cạnh khác nhau của xã hội, đời sống và ngày càng gần gũi hơn với công chúng” - Lê Giang, người được biết đến gần đây với triển lãm “Tàn Chỉ” có tác phẩm liên quan tới đình làng Bắc Bộ Việt Nam và chu kỳ dòng chảy sông Hồng, cho biết.

Six Space chú trọng tới việc kết hợp với các trung tâm nghệ thuật nước ngoài để đưa nghệ sĩ Việt Nam ra nước ngoài và nghệ sĩ nước ngoài đến Việt Nam qua những dự án trao đổi văn hóa. Họ tìm đến những nghệ sĩ với chuyên môn đa dạng và khác biệt, không giới hạn phương thức thực hành nghệ thuật.

Tại Hà Nội, Six Space do nghệ sĩ Lê Giang đồng sáng lập và điều hành, không tập trung nhiều vào tổ chức triển lãm như thời gian đầu nữa. Lê Giang lý giải, khi lượng khán giả đi xem nghệ thuật tại Việt Nam chưa lớn, thời gian mỗi người xem dành cho một tác phẩm nghệ thuật thị giác trung bình là 3 phút, và ngày càng có nhiều không gian được mở ra cho các nghệ sĩ làm triển lãm, cô muốn phát triển các hoạt động có tính giáo dục và kết nối với cộng đồng hơn.

le giang
Nghệ sĩ Lê Giang (Ảnh: NVCC)

Nguyễn Bảo Trâm, từng phụ trách mảng nghệ thuật tại Hội đồng Anh, mở không gian nghệ thuật độc lập Manzi tại Hà Nội năm 2012, từ ước mơ ấp ủ sau chuyến công tác tới London vào năm 2001 sau khi ghé thăm ICA (một trung tâm nghệ thuật nổi tiếng ở London - Institute of Contemporary Arts) qua lời giới thiệu của bạn.

Manzi - vận hành theo mô hình của ICA - gồm một quán cà phê/bar, một phòng triển lãm và cửa hàng bán đồ nghệ thuật. Trâm mong muốn nơi đây sẽ là nơi tụ hội của trí thức và nghệ sĩ, nơi diễn ra nhiều cuộc tranh luận về văn hóa và nghệ thuật, nơi giới thiệu tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ đương đại, phát triển khán giả cho nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật đương đại, tạo không gian cho các biểu đạt tự do về văn hóa và xã hội.

Kết hợp với các nghệ sĩ và trí thức Việt Nam, các tổ chức văn hóa - nghệ thuật tại Việt Nam, Manzi tổ chức những triển lãm thị giác, tọa đàm, giới thiệu sách, chiếu phim, trình diễn âm nhạc. Thu nhập có được từ quán cà phê và cửa hàng nghệ thuật được dùng để chi trả các chi phí vận hành, đồng thời hỗ trợ các hoạt động nghệ thuật ở Manzi.

Tuy nhiên, đối với những dự án lớn hoặc triển lãm quy mô lớn, Trâm vẫn phải xin tài trợ từ các quỹ văn hóa trong và ngoài nước. Trung bình một năm, Manzi tổ chức/giám tuyển và hỗ trợ 8-10 triển lãm nghệ thuật thị giác, 10-12 cuộc tọa đàm về các chủ đề văn hóa, xã hội và lịch sử, 15-20 buổi hòa nhạc đương đại/cổ điển/truyền thống, khoảng 10 buổi trình chiếu các tác phẩm điện ảnh, video art, chưa kể các hội thảo về nghệ thuật do nghệ sĩ thực hiện.

Hằng năm, phối hợp cùng Work Room Four, một không gian nghệ thuật khác của Hà Nội, Manzi tổ chức “Art For You” (Nghệ thuật cho mọi người) - một dạng hội chợ nghệ thuật giá hợp lý tại Hà Nội và Sài Gòn. Trâm cho biết trung bình lượng khán giả của mỗi Art For You là khoảng 5.000 người. 

Từ năm 2014 tới nay, Manzi đã tổ chức được 8 lần Art For You, với lượng khán giả hơn 30.000 người và gửi lại các nghệ sĩ gần 2 tỉ tiền bán tác phẩm.

Trưng bày tác phẩm tại chương trình bày bán tác phẩm giá hợp lý Art For You.
Trưng bày tác phẩm tại chương trình bày bán tác phẩm giá hợp lý Art For You.

Có nhiều yếu tố để đánh giá một không gian nghệ thuật có giá trị. Cũng như một tác phẩm nghệ thuật giá trị, không gian nghệ thuật phải thể hiện được môi trường nghệ thuật và cung cấp những hiểu biết mới và rộng rãi hơn về nghệ thuật. 

Không gian nghệ thuật có thể để giải trí, nhìn đẹp mắt, nghe hay, nhưng quan điểm của tôi là nó cũng cần phải khiến con người suy nghĩ và thách thức cái nhìn của chúng ta về thế giới” - Sandrine đúc kết.

Các không gian nghệ thuật ở Việt Nam đang giúp người bản địa hiểu hơn về thế giới và xã hội, một số dự án đang kết nối các cộng đồng. Các nhà đầu tư cá nhân hay người yêu nghệ thuật tiên phong, các nghệ sĩ đều đang thực hiện một vai trò quan trọng là “giáo dục về nghệ thuật đương đại”, điều đang vắng bóng tại các trường học. ■

Theo Báo cáo về các không gian sáng tạo của Việt Nam năm 2018 của tác giả Trương Uyên Ly (theo đặt hàng của Hội đồng Anh), có hơn 140 không gian sáng tạo tại Việt Nam, với tổng số hơn 2 triệu lượt “like” trên các trang Facebook. Năm 2014, cũng theo nghiên cứu của Trương Uyên Ly, số không gian sáng tạo chỉ là 40.

Thừa đam mê, tầm nhìn và cam kết nhưng thiếu kỹ năng kinh doanh là đặc điểm chung của các chủ không gian trong khối nghệ thuật và văn hóa. Giấy phép tổ chức sự kiện và kiểm duyệt cũng là khó khăn lớn đối với các không gian sáng tạo. Đối với những không gian về công nghệ, các thách thức đến từ hệ thống pháp lý, đây thực ra cũng là yếu tố ảnh hưởng đến tất cả không gian sáng tạo tại Việt Nam” - tác giả báo cáo nhận xét.

Di sản nghệ thuật và văn hóa đã được chứng minh là động lực của một nền kinh tế mạnh, giúp đất nước đi lên trong chuỗi giá trị. Có lẽ đã đến lúc Nhà nước cần xem xét lại các quy định về cấp phép và kiểm duyệt” (trích Báo cáo về các không gian sáng tạo 2018).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận