TTCT - Có hai cách để đọc con số tăng trưởng GDP năm 2020 ở mức 2,91% của Việt Nam: thuộc nhóm cao nhất thế giới trong bối cảnh COVID-19, và là mức thấp nhất trong hơn 30 năm qua. Sau một năm chống dịch phải nói là thành công, cộng thêm những tác động vĩ mô của thương chiến Trung - Mỹ, sự dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc và các hiệp định thương mại tự do lớn được ký liên tiếp vào cuối năm, những dự báo với nền kinh tế VN nói chung đều đậm màu lạc quan.Bức tranh chungHôm 10-12, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) nói nền kinh tế VN nhiều khả năng sẽ vượt Đài Loan về mặt quy mô vào năm 2035, nếu, và đây là một chữ “nếu” rất quan trọng, duy trì được mức tăng trưởng 6%/năm cho tới 2035. Đài Loan hiện có GDP 635 tỉ đôla (ước tính cho năm 2020), đồng thời trở thành nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.Nhà máy Samsung trong Khu công nghệ cao, quận 9, TP.HCM. Ảnh: QUANG ĐỊNHBáo kinh tế, tài chính Nhật Bản Nikkei Asian Review ngày 29-12 cũng nhận định VN sẽ dẫn đầu Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng trong năm 2021. Tổng hợp dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lấy năm 2019 làm năm cơ sở, Nikkei thấy rằng ở Đông Nam Á sẽ có sự phân kỳ trong năm nay, với VN, Indonesia và Malaysia trở lại mức tăng trưởng trước dịch, còn Singapore, Philippines và Thái Lan sẽ gặp khó khăn.Tuy nhiên, thực tế cho thấy để trở thành quốc gia có thu nhập cao thật sự - khoảng 25.000 đôla/người - vào một mốc khá xa là năm 2045, VN cần duy trì mức tăng trưởng liên tục 7% mỗi năm (nghiên cứu “Bằng cách nào VN thoát được bẫy thu nhập trung bình” của Viện Brookings, tháng 5-2019). Nếu mục tiêu đó trước khi đại dịch xảy ra đã là rất khó, thì nay với COVID-19, trở nên gần như bất khả. Những tín hiệu tích cực nhất thời không thể thay thế cho cải cách dài hạn bắt buộc để đối phó các khó khăn cố hữu sẽ còn trở đi trở lại với nền kinh tế. Với một dân số đang già hóa nhanh chóng, năng suất thấp và tăng chậm chạp, cùng đầu tư chưa đủ cho hạ tầng, triển vọng tăng trưởng cho trung hạn của VN vẫn là không chắc chắn. Nhiều động lực tăng trưởng dự báo sẽ suy giảm trong những năm tới, bao gồm mức lương thấp, sự chuyển đổi cấu trúc kinh tế (dịch chuyển của lao động từ lĩnh vực nông nghiệp năng suất thấp sang sản xuất - chế tạo năng suất cao hơn), lẫn các tác động của những hiệp định thương mại tự do.Bài học PhilippinesNăm 2020 vừa qua, IMF thông báo VN lần đầu tiên vượt qua Philippines về thu nhập bình quân đầu người, diễn biến được coi là hệ quả trực tiếp của dịch COVID-19 và hệ quả lâu dài của những đường lối phát triển kinh tế. Nhưng phải thấy đó là một tin xấu với Philippines nhiều hơn là một tin tốt với VN.“Nhờ tăng trưởng kinh tế liên tục, GDP bình quân đầu người của VN sẽ đạt mức 3.497,51 đôla và vượt qua Philippines - 3.372,53 đôla”, báo Philippines Philstar đưa tin vào giữa tháng 10 sau khi IMF công bố Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu 2020. “Tệ hơn, nếu dự báo của IMF đúng, thu nhập của người Philippines nhiều khả năng sẽ càng thua sút so với VN trong 5 năm tới. Đến năm 2025, mức dự báo 4.805,84 đôla/người của Philippines sẽ kém hẳn mức 5.211,90 đôla/người của VN, điều phản ánh những hậu quả tai hại của tình trạng nghèo đói gia tăng, mà chính quyền cho là vì cuộc khủng hoảng [COVID-19]”.Tin tức về sự đổi ngôi trong trật tự kinh tế ở hai nước đông dân thứ hai và ba Đông Nam Á, trong khi khá lặng lẽ ở VN, làm dấy lên cả một cuộc tự vấn lương tâm ở Philippines. Giới phân tích cho rằng nguyên nhân trực tiếp là đại dịch toàn cầu. “VN đã phản ứng rất tốt với đại dịch và có thể duy trì tăng trưởng dù ở mức chậm hơn”, Philstar dẫn lời Sonny Africa - giám đốc điều hành IBON Foundation. Ông Africa bình luận việc VN vượt qua Philippines “không có gì ngạc nhiên” vì đã được dự báo nhiều năm, trong khi IMF ước tính kinh tế Philippines năm nay sẽ ở mức -8,6%, trong khi VN tăng trưởng khoảng 2,9%.Ruben Carlo Asuncion, kinh tế gia trưởng Ngân hàng UnionBank of the Philippines, nói virus corona là một chuyện, nhưng vấn đề khác là “ngay cả trước COVID-19, tôi tin rằng VN cũng đã có quỹ đạo tăng trưởng cao hơn Philippines”. Calixto Chikiamco, chủ tịch Quỹ Tự do kinh tế - một nhóm gồm các cựu bộ trưởng tài chính của Philippines, nói đất nước ông tụt lại vì chậm chạp trong cải cách và mở cửa nền kinh tế với đầu tư nước ngoài. “VN có những định chế mạnh hơn, quyết liệt hơn trong việc giải phóng quy định cho đầu tư nước ngoài, và đã áp dụng chính sách đúng để tập trung vào cải thiện năng suất nông nghiệp, công nghiệp nhẹ và xuất khẩu… Xuất khẩu của họ là 100% GDP, trong khi của chúng ta chỉ khoảng 1/3. Thực phẩm giá rẻ cũng giúp họ duy trì mức lương hợp lý với sức mua cao, thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực chế tạo”.Hai mô hìnhCuộc tự vấn đó diễn ra trong mọi giới, mọi ngành, từ báo chí, giới chức đã nghỉ hưu, đến các chuyên gia kinh tế. “Bài học sâu sắc hơn là tìm hiểu tại sao VN có thể bắt kịp [Philippines]. Kinh tế tăng trưởng nhanh và lâu bền không thể chỉ đơn giản nhờ mở cửa nền kinh tế và đón nhận thị trường tự do”, Africa viết trên IBON. Theo ông, VN đã triển khai các chính sách phát triển do nhà nước dẫn dắt, mô hình “không phải kiểu tân tự do mà giới quản lý kinh tế chúng ta vì mù quáng nên chẳng thèm đoái hoài”.Trong góc nhìn này, VN đã làm đúng khi “không tự do hóa và tư nhân hóa nền kinh tế một cách vô tổ chức và không tuân theo giáo điều thị trường tự do một cách mù quáng”. Vì Philippines đã làm như thế, “[các chính sách đó] gây xói mòn cho lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp trong nước, khiến đất nước quá phụ thuộc vào những nguồn lực bên ngoài như kiều hối, chi tiêu công, đầu tư nước ngoài, và vay nợ”, theo Africa.Thật ra, đó cũng là những vấn đề quen thuộc của nền kinh tế VN, và các nhà bình luận Philippines, có lẽ trong sự sốt ruột vì tình trạng đất nước hiện tại, đã ca ngợi láng giềng Đông Nam Á của họ quá lời. Chẳng hạn, nhận định VN sở hữu “những định chế mạnh hơn” chắc chắn là gây tranh cãi. “Các di sản định chế [của VN], bao gồm lĩnh vực thuộc sở hữu nhà nước vẫn còn lớn, các định chế thị trường thiếu hoàn chỉnh, và môi trường đầu tư còn nhiều cản trở tiếp tục ngáng đường phát triển của lĩnh vực tư nhân trong nước”, báo cáo đã dẫn của Viện Brookings viết về VN. “Khi nhà nước vẫn còn tham gia nhiều hoạt động sản xuất và phân bổ nguồn lực, nhiều câu hỏi được đặt ra với việc tạo lập sân chơi bình đẳng, các quy định thị trường độc lập, và một bộ khung cạnh tranh thực sự hiệu quả. Đi kèm là sự phân mảng ở nhiều cấp chính quyền, độ trễ triển khai, và trách nhiệm giải trình yếu kém… đã kéo lùi sự tăng trưởng tương lai và những kết quả thực sự cho xã hội”.Thử thách phía trướcLĩnh vực tư nhân của VN cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ COVID-19. Báo cáo “Những điểm yếu của doanh nghiệp ở VN và các ngụ ý của COVID-19” do chính IMF công bố ngày 20-11 viết: “Các SME [doanh nghiệp vừa và nhỏ] ở VN bước vào cuộc khủng hoảng với bản cân đối kế toán vốn đã tương đối yếu so với các nước châu Á khác và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cú sốc COVID-19. Sự mong manh của các doanh nghiệp đấy… thể hiện qua sự suy giảm nghiêm trọng doanh thu và lợi nhuận vì đại dịch. Các doanh nghiệp lớn có lợi nhuận tốt hơn, nhưng cũng vay nợ cực cao tới mức bên bờ vực khủng hoảng… So sánh các loại hình sở hữu, chúng tôi thấy rằng doanh nghiệp tư nhân [trong nước] dễ tổn thương hơn với thanh khoản yếu hơn và năng lực trả nợ kém hơn các công ty FDI…”.Thật ra, cuộc tự vấn lương tâm diễn ra ở Philippines vừa rồi nên là một lời cảnh báo, hơn là một tín hiệu đáng mừng, với VN. Như bài xã luận của tác giả Richard Heydarian trên tờ Inquirer 27-10 khởi đầu: “Mọi quốc gia có xu hướng huyền thoại hóa thành công của mình và tương ứng là cố gắng che mờ thất bại”, những quốc gia muốn thịnh vượng nhất thiết phải biết cách đối diện với mọi vấn đề của mình. Tác giả Heydarian soi chiếu hai đất nước ít nhiều tương đồng trong chiều dài lịch sử, để kết luận về thời hiện đại: “Trong khi Philippines vật lộn với gánh nặng nợ nần và một nền nông nghiệp rỗng ruột vì các chính sách tân tự do thời Marcos, giới lãnh đạo VN đã xây dựng một nhà nước hướng tới phát triển hiện đại qua cuộc cải cách Đổi mới, nhắm tới “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”… Trong vòng một thế hệ, đất nước đấy đã chuyển mình từ một quốc gia bị tàn phá thành điều thần kỳ kinh tế mới nhất. Ngày nay, VN là một siêu cường nông nghiệp, xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn gạo tới những nơi như Philippines, trong khi lĩnh vực chế tạo cực lớn của họ làm ra xe hơi điện, màn hình LED độ phân giải cao, và các sản phẩm hàng hiệu”.Một lần nữa, những lời ca ngợi cần được đọc cẩn thận. Một phản biện cần thiết cho giới điều hành kinh tế là bài viết của chuyên gia kinh tế cấp cao David Dapice của Trường Quản lý nhà nước John F. Kennedy, Đại học Harvard, đăng trên East Asia Forum 10-11. Trong khi giải thích về vấn đề tỉ giá của tiền đồng so với đôla, ông Dapice đưa ra một số cảnh báo đáng lưu ý, bao gồm việc dù giá trị xuất khẩu danh nghĩa của VN tăng mạnh, khu vực này vẫn có giá trị gia tăng thấp: “Ước tính với hàng điện thoại thông minh xuất khẩu, giá trị gia tăng lao động chỉ là 2% giá trị doanh thu, còn hoạt động lắp ráp chip chỉ tạo giá trị gia tăng ở mức một con số”, do đó, sự gia tăng xuất khẩu rất có thể “phản chiếu hoạt động sản xuất ở nơi khác”.Những thách thức của nền kinh tế VN sẽ chỉ càng lớn hơn một khi quy mô kinh tế phình ra, và cuộc tự vấn như kiểu Philippines là cần thiết với mọi nhà cầm quyền ở mọi quốc gia.■Mô hình dựa vào xuất khẩu của VN đang và sẽ còn phải đối mặt những vấn đề mang tính cơ cấu rộng hơn, đặc biệt là về lao động, theo lời giáo sư Dapice, bao gồm “các yếu tố cấu thành xuất khẩu đã chạm ngưỡng tới hạn, lực lượng lao động muốn làm việc ở nhà máy đang cạn dần, trong khi số lao động nông nghiệp còn lại muốn và có thể chuyển dịch sang công nghiệp cũng hạn chế. Mặt khác, phần lớn lực lượng lao động nông nghiệp vừa ít lại vừa già hóa. Lao động trẻ có trình độ thì không muốn làm công nhân. Điều này có nghĩa là tổng cung lao động chế tạo sản xuất có thể sẽ trì trệ hoặc thậm chí giảm trong thập niên này”. Tags: PhilippinesCOVID-19Kinh tế Việt NamThị trường tự doTăng trưởng
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
'Sức hấp dẫn của du lịch Đà Lạt là không thể nghi ngờ, khách quốc tế cũng trở lại lần 2, lần 3' MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.