TTCT - Loài người đã sản xuất ra khoảng 8,3 tỉ tấn nhựa từ năm 1950 tới nay, và hầu hết lượng nhựa đó vẫn còn nguyên trên Trái đất, tạo ra một “thí nghiệm không kiểm soát” kèm theo những tác hại khôn lường... Trái đất đang biến dần thành một hành tinh nhựa -Ảnh: YouTube.com Những con số giật mìnhNghiên cứu đăng tải trên Science Advances của các nhà khoa học Đại học California, Santa Barbara, Đại học Georgia, và Hiệp hội Giáo dục về biển ở Woods Hole, Massachusetts, Mỹ, đã cảnh báo những tác động của việc thải ra môi trường một lượng nhựa lớn như thế còn chưa được biết tới đầy đủ.Trong 8,3 tỉ tấn nhựa được tạo ra, 6,3 tỉ tấn đã trở thành rác thải, và chỉ 9% được tái chế.Những con số này được nêu ra cùng lúc với chiến dịch của Tổ chức Surfers Against Sewage kêu gọi mọi người chấm dứt việc dùng đồ nhựa một lần.Theo Surfers, trung bình một người vứt bỏ lượng nhựa tương đương với 1.212 chai Coca Cola mỗi năm. Nếu xu hướng đó tiếp tục, tới năm 2050 chúng ta sẽ thải khoảng 12 tỉ tấn nhựa ra môi trường. Chất thải nhựa nguy hiểm vì bản thân chúng chứa các hóa chất độc hại, nhưng còn vì chúng thu hút và tập trung các hóa chất khác.“Sự tăng trưởng sản xuất nhựa trong 65 năm qua đã vượt qua bất cứ loại chất liệu chế tạo nào khác của con người - nghiên cứu nêu trên viết - Chính những đặc điểm đa năng khiến đồ nhựa được sử dụng khắp nơi - bền và không bị biến dạng - cũng là điều khiến các chất liệu này gần như không thể đồng hóa với tự nhiên.Như thế, thiếu một chiến lược quản trị được thiết kế tốt và cụ thể cho các sản phẩm nhựa không còn được sử dụng, con người đang tiến hành một thí nghiệm không được kiểm soát trên quy mô toàn cầu khi hàng tỉ tấn nhựa tích tụ lại ở mọi hệ sinh thái lớn trên mặt đất và dưới nước của hành tinh”.Chất thải nhựa là một dấu hiệu khác cho thấy Trái đất đã bước vào một thời kỳ địa chất mới vẫn được gọi là Nhân loại thế (Anthropocene) sau khi con người xuất hiện.Sự tuyệt chủng của nhiều loài khác, sự lan nhanh của ô nhiễm và rác thải phóng xạ là những dấu hiệu khác của thời kỳ này.“Một thế giới không có nhựa, hay các chất polymer tổng hợp, ngày nay là không tưởng tượng được, nhưng việc sản xuất và sử dụng chúng ở quy mô lớn chỉ bắt đầu từ khoảng năm 1950” - nghiên cứu viết. Chất thải nhựa có thể bị hủy bằng cách đốt hoặc tái chế, nhưng việc tái chế chỉ “trì hoãn chứ không giải quyết dứt điểm” vấn đề.Hugo Tagholm, giám đốc điều hành Surfers Against Sewage, hối thúc tất cả mọi người “tham gia cuộc chiến chống lại việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần”.“Dù đó là việc không vứt đi đồ nhựa khi chúng ta có thể, mang theo một chai nước thay vì mua chai dùng một lần, tái sử dụng túi nhựa khi đi mua sắm hay tái chế nhiều hơn, chúng ta đều có thể góp một tay” - Tagholm nói. Chiến dịch này cho biết một người trung bình vứt bỏ 23kg nhựa mỗi năm.Tiến sĩ Roland Geyer, tác giả đứng đầu nghiên cứu ở Mỹ, nói: “Phương châm của tôi là bạn không thể xử lý những gì bạn không đo đạc được, và nếu không có con số rõ ràng, bạn không biết liệu chúng ta đang gặp vấn đề gì”.Trước đó, một nghiên cứu khác cho thấy từ 5-13 triệu tấn nhựa được thải ra tại các đại dương mỗi năm, và tình trạng nhiễm độc ở các con sông, suối cũng như trên đất liền, đang ngày càng phổ biến, chủ yếu là do ô nhiễm bởi các sản phẩm nhựa tổng hợp, bao gồm sợi từ quần áo con người.Ở châu Âu, 30% nhựa được tái chế, so với 9% ở Mỹ. Châu Âu cũng đốt nhựa nhiều hơn, khoảng 40% so với 16% ở Mỹ. Các tỉ lệ này ở Trung Quốc lần lượt là 25% và 30%.Tiến sĩ Geyer cảnh báo tái chế không phải là liều thuốc thần, và “chúng ta chưa hiểu thật rõ tầm mức mà việc tái chế giúp giảm bớt việc sản xuất thêm nhựa”. Nhưng việc đốt nhựa rất nguy hiểm nếu như khí thải thoát ra từ đó không được lọc cẩn thận, bởi các hóa chất độc hại sẽ gây ra ô nhiễm không khí trầm trọng.Thị trường béo bở nhất của những hãng nhựa là lĩnh vực đóng gói, nhưng nó còn có mặt ở khắp nơi, trong chai nước, hộp đựng đồ ăn, một cái ly uống cà phê, ghế văn phòng, điện thoại, bàn phím máy tính, ống nước...Đồ nhựa thực sự đã có mặt khắp nơi trong cuộc sống con người ở bất kỳ đâu trên thế giới. Tới năm 1960, đồ nhựa chỉ chiếm 1% các bãi rác trên toàn thế giới. Nhưng sự tiện dụng của nó đã khiến con số này là 10% vào năm 2005.Tới năm 2050, theo Quỹ Ellen McArthur, các đại dương dự kiến có nhiều nhựa hơn cá, tính theo cân nặng, và nếu để trong điều kiện tự nhiên, một chai nhựa thông thường cần tới 450 năm mới phân hủy.Những nỗ lực thay đổi thực sự quyết liệt vẫn còn quá ít ỏi. Tháng 9-2016, Pháp trở thành nước đầu tiên trên thế giới cấm sử dụng ly, đĩa và dụng cụ ăn bằng nhựa.Tuy nhiên, quyết định này sẽ chỉ có hiệu lực từ năm 2020, một phần trong một sáng kiến xanh rộng lớn hơn nhằm đối phó biến đổi khí hậu.Pháp cũng cấm việc sử dụng túi nhựa từ tháng 7-2016 và yêu cầu các máy bán cà phê tự động phải cung cấp ly có thể phân hủy tự nhiên.Gần như ngay lập tức, các quyết định này vấp phải sự chống đối. Pack2Go Europe, một tổ chức có trụ sở tại Brussels đại diện cho những hãng đóng gói của châu Âu, nói các quy định của Chính phủ Pháp vi phạm luật lệ của châu Âu về quyền tự do lưu thông hàng hóa.Tác hại chưa lường hếtMột nghiên cứu khác hồi năm 2016 cũng đã cho thấy trong hơn nửa thế kỷ qua, con người tạo ra lượng sản phẩm nhựa đủ để phủ kín toàn bộ bề mặt Trái đất.Nghiên cứu của Đại học Leicester (Anh), đăng tải trên tạp chí chuyên ngành có cái tên rất hợp Anthropocene, cho thấy không còn ngóc ngách nào của hành tinh không có nhựa. Tất cả mọi chốn đã bị ô nhiễm bởi chai nước, túi đi siêu thị, DVD, túi nilông và đủ thứ đồ nhựa khác.“Những kết quả của nghiên cứu này thật sự gây ngạc nhiên - người đứng đầu nghiên cứu, giáo sư Jan Zalasiewicz, nói với báo Anh The Guardian - Chúng ta biết rằng con người đã làm ra đủ loại nhựa, từ bakelite tới túi polyethylene và PVC, trong hơn 70 năm qua nhưng chúng ta không hề biết chúng đã đi xa tới đâu khắp hành tinh này.Chúng không chỉ trôi nổi trên các đại dương, mà còn chìm sâu xuống dưới đáy biển. Hành tinh chúng ta chắc chắn không ở trong tình trạng sức khỏe tốt với ngần ấy rác thải nhựa”.Giống như nghiên cứu mới nhất, các chuyên gia kết luận rằng sự xuất hiện của đồ nhựa phải được coi là cột mốc đánh dấu một thời kỳ địa chất mới.Zalasiewicz là chủ tịch một nhóm các nhà địa chất học chuyên đánh giá liệu các hoạt động của con người đã làm thay đổi các phân kỳ địa chất ra sao. Họ tin rằng Nhân loại thế đã bắt đầu 12.000 năm trước, và thế Holocene đã kết thúc.Zalasiewicz tin rằng những chiếc túi và chai nhựa nhỏ bé đóng một vai trò lớn hơn nhiều trong việc thay đổi hành tinh so với những gì chúng ta nhận ra.“Hãy nghĩ tới loài cá sống ở biển - ông nói - Hầu hết chúng giờ có nhựa trong người. Chúng nghĩ đó là thức ăn và ăn vào, giống như các loài chim biển cho con chúng ăn các mảnh nhựa nhỏ. Sau đó một số được thải ra và chìm xuống đáy biển. Hành tinh chúng ta đang dần bị nhựa bao phủ”.Nghiên cứu nói tổng cộng có hơn 300 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm.“Vào năm 1950, chúng ta hầu như chưa dùng đồ nhựa - Zalasiewicz nói - 300 triệu tấn nhựa sản xuất ra mỗi năm đó gần với trọng lượng của toàn bộ nhân loại. Và con số đó chỉ tăng thêm mà thôi... Ảnh hưởng sẽ là không thể tưởng tượng nổi”.Nghiên cứu chỉ rõ nhựa đã có mặt ở đáy đại dương, những hòn đảo xa xôi, được chôn dưới đất và đi vào chuỗi thức ăn. Ngay cả ở các địa cực giờ cũng bị ảnh hưởng.Năm 2014, các nhà nghiên cứu phát hiện một lượng “rất đáng kể” hạt nhựa đóng băng ở Bắc Băng Dương, dạt tới đó từ Thái Bình Dương.Trong một số trường hợp, tự nhiên thích nghi với cuộc xâm lăng của nhựa. Lấy ví dụ, ở các đảo như Diego Garcia, loài cua ẩn sĩ đã dùng chai nhựa làm nhà.Tuy nhiên, phần lớn tác động với tự nhiên là có hại. Các sinh vật từ chim biển tới rùa mắc kẹt trong những dòng sông nhựa, chết đuối hoặc mắc nghẹn nhựa tới chết. “Vấn đề là nhựa phân hủy rất chậm, nên chúng ta sẽ mắc kẹt trong đống rác này một thời gian rất dài nữa” - Zalasiewicz nói.■10 mẹo vặt sống không cần nhựa1. Xem xét kỹ bao bì để chỉ dùng những loại nhựa đóng gói tái chế được.2. Từ chối túi nhựa khi mua hàng và mang theo túi tái sử dụng khi đi mua sắm.3. Không uống nước đóng chai mà mang theo chai nước tái sử dụng khi ra ngoài.4. Sử dụng các loại đồ đựng không phải bằng nhựa để đựng thức ăn cho bữa trưa, đồ ăn thừa, đồ đông lạnh, đồ ăn mang theo, khi du lịch... Các phương án thay thế rất nhiều: đồ đựng bằng thép không gỉ, bằng thủy tinh, bằng gỗ...5. Mang theo bộ đồ ăn và ống hút không phải bằng nhựa. Cùng với túi nhựa, các bộ đồ ăn bằng nhựa dùng một lần thuộc nhóm rác thải nhựa lớn nhất.6. Mua số lượng lớn để giảm thiểu hoặc loại bỏ việc đóng gói. Có thể áp dụng điều này cho cả thực phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân, đồ gia dụng... bất cứ thứ gì có thể đóng gói trong đồ nhựa.7. Tránh đồ ăn đóng gói quá khổ, đồ ăn đóng hộp, đã qua chế biến và đông lạnh, tất cả đều được bảo quản trong các túi nhựa.8. Nhìn quanh nhà bếp xem bạn có thể thay thế vật dụng bằng nhựa nào. Bạn có thể mua bột giặt gói lớn và cho vào chai thủy tinh dùng dần chẳng hạn, thay vì mua gói nhỏ, vừa tiết kiệm vừa hạn chế dùng nhựa.9. Lặp lại điều 8 với nhà tắm.10. Giải quyết vấn đề tâm lý. Bạn cần phải quyết tâm nói không với đồ nhựa và không để sự tiện dụng (nhưng rất có hại) của nó làm mình lưỡng lự hay nản chí. Tags: Môi trườngHành tinh nhựaChết nghẹn vì nhựa
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đất nước cần những tác phẩm để đời, nghệ thuật phải giản dị, có hồn và độc đáo TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM 30/12/2024 Chiều 30-12 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ. Tổng Bí thư đã đề cao những giá trị cao đẹp mà các văn nghệ sĩ Việt Nam đã sáng tạo, đóng góp cho đất nước, đồng thời thẳng thắn vạch ra những hạn chế.
Thắng nghẹt thở Philippines sau 120 phút, Thái Lan gặp Việt Nam ở chung kết ASEAN Cup 2024 QUỐC THẮNG 30/12/2024 Đội tuyển Thái Lan đã có chiến thắng nghẹt thở 3-1 trước Philippines sau 120 phút ở trận bán kết lượt về (4-3 sau hai loạt trận), để giành quyền vào chung kết gặp Việt Nam.
Một công ty tặng 4.400 công nhân mỗi người một tivi, dân mạng bình luận 'thấy mà ham' TRẦN MAI 30/12/2024 Công ty TNHH Mensa Industries ở Quảng Ngãi đã tặng 4.400 công nhân làm việc tại công ty mỗi người một tivi 40 inch.
Du khách đi dạo ở bãi biển Nha Trang phản ánh nhóm người đòi thu phí 200.000 đồng TRẦN HOÀI 30/12/2024 Du khách phản ánh một số kẻ xấu có hành vi chèo kéo, thu phí trái phép ở bãi biển TP Nha Trang.