Chỉ Việt Nam mới có thể trả lời

THI CẦM THỰC HIỆN 14/04/2010 18:04 GMT+7

TTCT - Với kết quả nghiên cứu quá trình phân cấp trao quyền của Việt Nam trong hai thập kỷ qua, Báo cáo phát triển Việt Nam (VDR) 2010 (*) do Ngân hàng Thế giới cùng 13 nhà tài trợ khác cho Việt Nam thực hiện cho rằng thay đổi không đến từ các nhà tài trợ mà phải xuất phát từ trong chính hệ thống của Việt Nam. Đó cũng là lý do khiến VDR kết thúc bằng câu hỏi: “Điều gì sẽ chờ đợi Việt Nam trong thập kỷ tới?”. Ông James H. Anderson, trưởng nhóm soạn thảo, trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Ông James H. Anderson - Ảnh do nhân vật cung cấp

* Thưa ông, khái niệm “quản trị nhà nước” mà VDR 2010 nhấn mạnh có gì khác với “quản lý nhà nước”?

- “Quản trị nhà nước” rộng hơn nhiều so với “quản lý nhà nước”. Hệ thống quản trị nhà nước gồm cả người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp và các thành phần khác.

Các thành phần này là khách hàng nhưng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống trách nhiệm giải trình. Ví dụ, các tổ chức xã hội có thể là đối tác và là người cung cấp các dịch vụ, nhưng cũng có vai trò mật thiết trong việc giám sát. Báo chí cũng vậy. Một hệ thống quản trị nhà nước lành mạnh thì tương tác với doanh nghiệp trong quá trình soạn thảo luật và xây dựng chính sách, tạo cơ hội cho người dân tham gia tích cực các quá trình hoạch định chính sách.

Quản lý nhà nước thường gói gọn trong việc xem xét các cơ quan hành chính thực hiện nhiệm vụ của mình ra sao. Quản trị nhà nước thì khác, nó xét đến việc các chủ thể trong bộ máy nhà nước, như quốc hội và tòa án, làm thế nào để củng cố hệ thống hoạt động tốt hơn bằng cách nâng cao trách nhiệm giải trình.

 “VDR chỉ là các ý tưởng để khơi dậy những suy nghĩ về quá trình phát triển của Việt Nam. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ gì và làm thế nào để giải quyết những vấn đề đang phải đối mặt? Hơn tất cả, chỉ Việt Nam mới có thể trả lời câu hỏi này”.


* Trong quản trị nhà nước, vai trò của người dân sẽ thay đổi như thế nào?

- Trong một hệ thống quản trị nhà nước tốt, người dân được xem là khách hàng khi họ thụ hưởng các dịch vụ của chính phủ. Họ có thể tập hợp thành nhóm để chuyển tải mạnh mẽ hơn những băn khoăn, lo ngại tới lãnh đạo nhà nước.

Ở một hệ thống quản trị nhà nước lành mạnh, phản hồi của người dân đối với các cơ quan cung cấp dịch vụ công và đối với các cán bộ nhà nước là không thể thiếu, và việc phản hồi này giúp nâng cao trách nhiệm giải trình cho các nhà cung cấp dịch vụ công. Người dân không chỉ là người thụ hưởng các dịch vụ, họ chính là phần cốt lõi của hệ thống quản trị nhà nước.

* Cần hiểu như thế nào về khái niệm “trách nhiệm giải trình”, thưa ông?

- “Trách nhiệm giải trình” nghĩa là anh làm tốt thì được khen thưởng, nếu làm không tốt thì phải chịu hậu quả. Điều này có ý nghĩa lớn hơn nhiều so với việc phân công trách nhiệm xem ai làm cái gì.

Trong hệ thống dựa vào kiểm soát mang tính hành chính, trách nhiệm giải trình tập trung vào những luật lệ ban hành từ trên xuống và cố làm sao để không mắc lỗi. Song nếu trách nhiệm giải trình dựa vào kết quả, đặc biệt là trong trường hợp cung cấp dịch vụ, lúc đó trọng tâm sẽ chuyển hướng. Người dân và doanh nghiệp trở thành khách hàng, các dịch vụ cho khách hàng sẽ trở nên quan trọng hơn. Thay vì cố gắng để không mắc lỗi, cán bộ và các cơ quan cung cấp dịch vụ công phải luôn nỗ lực và sáng tạo.

Tôi thấy ở Việt Nam các cơ chế nhằm đảm bảo trách nhiệm giải trình hướng xuống dưới chỉ mới xuất hiện, chẳng hạn như việc định kỳ lấy ý kiến người sử dụng dịch vụ ở TP.HCM hay việc tăng cường tính minh bạch trong quá trình soạn thảo luật. Tăng cường cơ chế trách nhiệm giải trình hướng xuống dưới có thể giúp chính phủ đáp ứng kịp thời hơn nhu cầu và nguyện vọng của người dân cũng như doanh nghiệp.

VDR được công bố hằng năm trong vòng gần mười năm qua, mỗi năm tập trung vào một vấn đề khác nhau. Các báo cáo này nhằm đưa ra một phương tiện chung cho nhiều nhà tài trợ làm việc tại Việt Nam phối hợp với nhau, hiểu rõ hơn về những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt. 


* Khi đề cập trách nhiệm giải trình hướng xuống dưới, Ngân hàng Thế giới dựa trên những nhận định cơ bản nào về chính quyền cấp cơ sở ở Việt Nam? Hệ thống này phải thực hiện trách nhiệm giải trình như thế nào để phục vụ người dân tốt hơn?

- Không thể có một hệ thống tạo ra trách nhiệm giải trình thật sự nếu không có đủ thông tin về việc người dân được cán bộ nhà nước và các cơ quan cung cấp dịch vụ công phục vụ như thế nào. Tức là cần hỏi dân thường xuyên về kinh nghiệm của họ khi làm việc với cán bộ nhà nước, cảm nhận và đánh giá của họ đối với việc chính quyền địa phương giải quyết những bức xúc ra sao. 

Khi có một hệ thống kiểm tra ý kiến người dân về những vấn đề nêu trên, chính quyền cấp cơ sở sẽ có động lực để giải quyết những vấn đề này cũng như giải thích các hoạt động của chính quyền cơ sở đối với người dân.

Chẳng hạn, TP.HCM có sáng kiến và ngân sách riêng để lấy ý kiến công dân thường xuyên nhằm kiểm tra mức độ hài lòng của người dân với một số dịch vụ chính. Bệnh viện Nhi T.Ư cũng đang thử nghiệm khảo sát ý kiến cha mẹ bệnh nhi về chất lượng dịch vụ của bệnh viện. Không có lý do gì để những sáng kiến như thế này không được nhân rộng ở các địa phương và các tổ chức cung cấp dịch vụ công khác.

Tuy nhiên, tôi nghĩ đây chỉ là một vế của trách nhiệm giải trình hướng xuống dưới. Đảm bảo rằng những cá nhân, cơ quan thực hiện tốt nhiệm vụ được khen thưởng xứng đáng và các cá nhân, cơ quan không làm tốt nhiệm vụ của mình phải chịu trách nhiệm là vế thứ hai. Đây chính là vấn đề về chế độ trọng dụng nhân tài trong ngành dịch vụ công.

* Khi đẩy mạnh việc phân cấp và giải trình, làm thế nào để tránh được những chuyện kiểu như “Chính phủ quy hoạch tổng thể đến năm 2020 cả nước có 89 sân golf nhưng hiện nay, sau khi giao quyền cho các địa phương, thì con số này đã lên tới hàng trăm”? Phân quyền có mặt trái không?

- Có thể có những tác động phụ của phân cấp và trao quyền nếu hệ thống trách nhiệm giải trình không thay đổi tương ứng với hệ thống phân cấp trao quyền mới. Phân cấp cho chính quyền địa phương giúp địa phương tự chủ hơn khi quyết định những ưu tiên gắn với địa phương đó. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng trong những trường hợp gây ra “tác động lan tỏa” tới các vùng lân cận, khi có những chủ thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các quyết định của chính quyền địa phương nhưng tiếng nói của họ quá nhỏ bé, hay họ không có đủ nguồn lực để có thể chuyển tải những ý kiến của họ.

* Một số ý kiến phản biện cho rằng VDR thiếu vắng những đánh giá quan trọng về vấn đề đất đai và ảnh hưởng từ quá trình thu hồi đền bù giải tỏa đối với người dân các địa phương, trong khi đây là chủ đề dân sinh nóng bỏng nhất hiện nay. Quan điểm của nhóm soạn thảo về vấn đề này ra sao?

- Trong báo cáo nêu rõ có rất nhiều dự án thu hồi chuyển đổi đất đai ở Việt Nam bị cho rằng chỉ phục vụ lợi ích của tư nhân. Một nguyên tắc cơ bản về hiệu quả kinh tế là nếu một nhà đầu tư không sẵn sàng trả cho người nông dân hay chủ sử dụng đất khoản tiền mà người này yêu cầu, mảnh đất đó sẽ ở lại với người nông dân bởi vì nó có giá trị hơn trong mắt của người nông dân.

VDR cũng thảo luận về chuyển đổi đất đai tự nguyện, áp dụng giá thị trường đối với những trường hợp thu hồi đất không tự nguyện cho mục đích chung như xây dựng cầu đường, những gì có thể làm giảm số khiếu kiện về đất đai.

Có một vài câu hỏi cần được đặt ra khi phải cưỡng chế thu hồi đất. Đó là: có phải cho mục đích công cộng không, hay phần lớn lợi ích là cho tư nhân? Việc đền bù có công bằng không, khi xét đến cả giá trị của đất và những ảnh hưởng về sinh kế? Người bị thu hồi đất có quyền khiếu nại về quyết định thu hồi và mức độ bồi thường không? Cơ chế khiếu nại có độc lập và công bằng không? Nếu câu trả lời cho tất cả các câu hỏi trên là “có” thì số lượng xung đột liên quan đến thu hồi đất đai và tái định cư không tự nguyện chắc chắn sẽ ít hơn nhiều.

VDR có các đối tác phát triển đóng góp. Một báo cáo phân tích cho Ngân hàng Thế giới do tiến sĩ Đặng Hùng Võ làm trưởng nhóm nói về “Cải thiện việc thu hồi và chuyển đổi đất tự nguyện ở Việt Nam”. Báo cáo thứ hai nói về “Giải quyết xung đột tại những vùng nông thôn đô thị hóa” do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) thực hiện với sự hỗ trợ của Sứ quán Phần Lan.

Báo cáo phát triển Việt Nam năm sau sẽ rất có thể tập trung vào chủ đề tài nguyên thiên nhiên và đây cũng là cơ hội để xem xét các vấn đề này kỹ lưỡng hơn nữa.

__________

(*) http://siteresources.worldbank.org/INTVIETNAMINVIETNAMESE/Resources/VDR2010Dec17.pdf

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận