TTCT - Xác lập một sân chơi công bằng và hài hòa quyền lợi của các bên liên quan tiếp tục là bài toán khó cho các cơ quan quản lý. Nền kinh tế chia sẻ, mô hình kinh doanh dựa vào chia sẻ tài nguyên giữa người tiêu dùng và người tiêu dùng, kết nối bằng các nền tảng công nghệ. Nhưng giải bài toán xây dựng các quy định pháp luật và chính sách thuế cho Uber, Grab cũng chính là giải bài toán cho nền kinh tế chia sẻ - xu hướng kinh tế mới mà Việt Nam cần nắm bắt và khuyến khích phát triển trong tương lai. Câu chuyện một công ty taxi tên tuổi “dọa” sẽ kiện bộ trưởng Bộ GTVT nhằm đòi lại công bằng cho taxi truyền thống là diễn biến mới nhất trong cuộc cạnh tranh nóng bỏng giữa taxi truyền thống và các mô hình kinh doanh mới như Uber và Grab. Hiểu về kinh tế chia sẻ Nền kinh tế chia sẻ, được định nghĩa là mô hình kinh doanh dựa vào chia sẻ tài nguyên giữa người tiêu dùng và người tiêu dùng, kết nối bằng các nền tảng công nghệ. Trong nền kinh tế truyền thống, ranh giới giữa “người bán” và “người mua” rất rõ ràng. Nhưng giờ đây, công nghệ đã xóa nhòa những ranh giới đó và một mô thức kinh doanh mới đã ra đời. Với một chiếc smartphone có kết nối Internet trên tay và các phần mềm ứng dụng, giờ đây ai cũng có thể là người kinh doanh nếu như có một tài sản nào đó có thể dùng chung với người dùng khác. Không cần văn phòng, không cần cửa hàng cửa hiệu, không cần những chiến dịch marketing tốn kém - những nền tảng công nghệ kết nối người tiêu dùng đã làm thay việc đó. Giờ đây, chỉ cần có xe và phần mềm Uber, Grab, hay Lyft trên điện thoại, bạn có thể trở thành một người kinh doanh vận tải không chuyên. Cũng như chỉ cần có phòng trống trong căn hộ và ứng dụng phần mềm Aibnb của bạn là bạn có thể là một “chủ khách sạn”. Hiệu quả của “kinh tế chia sẻ” rất rõ ràng: tăng hiệu suất sử dụng tài nguyên. Tài sản thay vì bỏ không sẽ được huy động để sinh lời nhiều hơn. Nhiều người sử dụng tài sản hơn khiến cho chi phí của mỗi lần sử dụng giảm xuống. Người tiêu dùng là những người đầu tiên được lợi: nhu cầu đi lại vẫn thế, nhưng nguồn cung tăng lên thì giá cả sẽ giảm xuống. Người sở hữu tài sản cũng được lợi, bởi bất kỳ lúc nào cũng có thể kiếm thêm chút đỉnh từ “chia sẻ” tài sản của mình. Và sau cùng, xét trên khía cạnh vĩ mô, sử dụng tài sản hiệu quả hơn cũng là giúp bảo vệ tài nguyên tốt hơn, giảm tác động đến môi trường trên bình diện toàn cầu. Sự cởi mở và gắn kết giữa con người và con người - những người xa lạ - sẽ có thể tăng lên trong một nền kinh tế chia sẻ. Tranh cãi pháp lý và chính sách thuế Nhưng chính sự sáng tạo và tính mới mẻ của mô hình kinh tế này đặt Nhà nước vào thế khó, trước nhất là chuyện “thu thuế”. Trong “nền kinh tế truyền thống” như hiện nay, ranh giới giữa “người bán” và người mua là rất rõ ràng. Các giao dịch kinh tế theo đó chỉ có hai chủ thể tham gia: người bán và người mua. Người bán cung cấp hàng hóa, dịch vụ và trả tiền trực tiếp cho người mua. Nhà nước thu hai loại thuế chính: thuế giá trị gia tăng trên mỗi lần giao dịch, và thuế thu nhập của người cung cấp hàng hóa dịch vụ. Cả hai loại thuế này cơ quan thuế đều thu từ người bán. Việc giám sát tuân thủ quy định thuế cũng tập trung vào chủ thể bán hàng hóa, dịch vụ. Quy trình bình thường này không còn đúng trong mô hình kinh tế chia sẻ, với sự xuất hiện một bên thứ ba trung gian giữa người bán và người mua. Việc đặt hàng và thanh toán không diễn tra trực tiếp giữa người bán và khách hàng, mà thông qua các nền tảng kết nối của bên thứ ba. Nếu bạn đi taxi truyền thống, bạn sẽ gọi trực tiếp đến hãng taxi, yêu cầu dịch vụ, sử dụng dịch vụ xong bạn trả tiền trực tiếp... Nhưng nếu bạn sử dụng dịch vụ Uber, người lái xe - cung cấp dịch vụ cho bạn; Uber, và bạn là ba chủ thể khác nhau. Bạn yêu cầu dịch vụ thông qua Uber, trả tiền vào tài khoản của Uber. Nhưng người lái xe không phải nhân viên của Uber. Và trên thực tế, số lượng rất lớn người cung cấp dịch vụ là cá nhân, không phải là doanh nghiệp để Nhà nước dễ dàng quản lý. Toàn cầu hóa làm phức tạp thêm vấn đề, khi một công ty cung cấp nền tảng ứng dụng giao dịch có thể ở Hà Lan (như Uber), còn người cung cấp dịch vụ lẫn địa điểm phát sinh dịch vụ lại ở Việt Nam. Hơn thế nữa, từ góc độ hoạt động của cơ quan thuế, cần phải xác định một hành vi mang tính kinh doanh, có phát sinh thu nhập, và từ đó mới thu thuế, cũng như giám sát việc tuân thủ các quy định về thuế (để tránh trốn thuế). Với những chiếc xe cá nhân Uber - vốn không có dấu hiệu nhận diện như taxi - việc nhận biết khi nào lái xe đang chạy một cuốc cho Uber hay đơn thuần chỉ là đón bạn bè, người thân đi chơi là không hề dễ dàng. Vì thông tin giao dịch diễn ra qua phần mềm ứng dụng trên điện thoại, và khách hàng cũng không thanh toán trực tiếp cho lái xe. Tương tự như vậy, trong dịch vụ cho thuê phòng ở nhà riêng ngắn hạn, nếu người cho thuê cố tình gian lận, thông báo với cơ quan thuế, người sử dụng phòng là bạn bè, người thân để tránh phải nộp thuế, thì việc phát hiện và xử lý cũng khó khăn không kém. Thêm vào đó, đối với cơ quan thuế, xét trên khía cạnh hiệu quả thực thi việc giám sát tuân thủ cũng là vấn đề lớn. Chi phí giám sát tuân thủ chính sách từ phía cơ quan thuế là không hề nhỏ bởi có thể có hàng nghìn, hàng triệu cá nhân cung cấp dịch vụ. Tiền phạt từ những vụ việc vi phạm “cò con” như thế khó có thể bù đắp chi phí mà cơ quan giám sát bỏ ra. Rõ ràng hệ thống thuế khóa hiện tại ở hầu hết các quốc gia được thiết kế cho việc kinh doanh truyền thống, chứ chưa sẵn sàng để phục vụ và quản lý những tay chơi mới thông minh và đầy “mưu mẹo” trong nền kinh tế chia sẻ. Bài học nào cho xử lý tranh chấp thuế? Các lập luận đòi hỏi khung pháp lý cho Uber, Grab cũng cần phải “đồng phục” với taxi truyền thống là không hợp lý. Bản chất của kinh tế chia sẻ là hợp tác - sử dụng chung nguồn lực để tiết kiệm chi phí. Việc sử dụng các nền tảng quản lý bằng công nghệ (kết nối khách hàng), quản lý giá cước, thanh toán... là những sáng tạo tạo ra giá trị, giảm chi phí kinh doanh của các chủ thể kinh tế chia sẻ. Yêu cầu xe nhà tham gia kinh doanh vận tải cũng phải phù hiệu, phải có máy in hóa đơn... chẳng khác nào hành động bóp chết các đặc tính tiến bộ của kinh tế chia sẻ. Ngoài những ưu điểm không thể bàn cãi về việc cắt giảm chi phí kinh doanh, khiến giá thành dịch vụ giảm xuống như đã phân tích ở trên, việc lợi dụng sự phức tạp của việc thu thuế để né tránh chi phí thuế là một lợi thế không nhỏ của các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ. Vượt qua những tranh cãi và kiện tụng ban đầu, các quốc gia đã bắt đầu thích ứng và điều chỉnh hệ thống quản lý thuế để đưa mô hình kinh tế mới vào khuôn khổ và khắc phục những điểm bất công bằng về thuế khóa giữa các công ty truyền thống và “tay chơi mới”. Rõ ràng, những điểm tiến bộ của nền kinh tế chia sẻ là không thể phủ nhận, và hệ thống thuế cần được thay đổi để làm sao vừa không thất thu vừa không làm “nản lòng” và thui chột những sáng tạo và cách tân vốn mang lại lợi ích toàn diện cho cả người tiêu dùng và nền kinh tế. Nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý thuế, tăng cường hợp tác - chia sẻ thông tin và phối hợp hoạt động giữa cơ quan thuế và các công ty cung cấp nền tảng kết nối là kim chỉ nam cho việc đề ra các cải cách thuế. Mọi dữ liệu liên quan đến dịch vụ, suy cho cùng, là cái gốc để kiểm soát và tính toán thuế. Và mức thuế suất: từ thuế thu nhập đến thuế giá trị gia tăng cần áp dụng như nhau cho mọi chủ thể: dù là doanh nghiệp truyền thống hay doanh nghiệp mới. Hợp tác - tiếp cận phù hợp vào dữ liệu giao dịch là chìa khóa giải bài toán khúc mắc lâu nay. Ủy ban châu Âu, Úc và các quốc gia khác đều lựa chọn cách tiếp cận này. Trong các “tay chơi” mới nổi, Aibnb cũng tiên phong trong hợp tác với các chính phủ, chia sẻ dữ liệu và hỗ trợ cơ quan thuế thực thi chức năng thu thuế và giám sát tuân thủ thuế. Yêu cầu ‘công bằng thuế’ của Taxi truyền thống hợp lý ở chỗ: dù cả cả 2 loại hình đang cùng cung cấp 1 dịch vụ, (1 món hàng như nhau), nhưng cách tính thuế mà bộ tài chính đang áp dụng dựa trên 2 phương pháp khác nhau: với Taxi truyền thống là thuế kê khai, còn với Uber là thuế khoán. Mà điều này đến từ hạn chế của cơ quan quản lý là chưa kiểm tra và tính toán được doanh thu và chi phí thực tế của Uber, do đó chưa áp dụng được phương pháp tính thuế kê khai, mà phải tính theo phương pháp ‘khoán’. Nhưng mặt khác, nếu xét trên số tiền thuế thực tế phải nộp vào ngân sách, chính taxi truyền thống đang sử dụng những con số để đánh vào tâm lý công chúng và đòi hỏi vô lý với bộ tài chính về chuyện thuế khóa. Thoạt nhìn, trong khi các doanh nghiệp taxi phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất lên đến 20% theo thông tư 78/2014/TT-BTC, Grab và Uber chỉ phải đóng vói mức thuế suất khoán chỉ là 2% . Các hãng taxi truyền thống cũng phải nộp 10% thuế giá trị gia tăng, và Grab hay Uber chỉ phải đóng với mức khoán là 3%, thì có vẻ không công bằng cho taxi truyền thống. Nhưng con số nộp thuế trên thực tế của cả 2 loại hình doanh nghiệp là xấp xỉ nhau. Ví dụ, Vinasun, tỷ lệ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu là 1,97% doanh thu, tương đương mức thuế Thu nhập doanh nghiệp khoán cho Uber (2%). Còn đối với thuế giá trị gia tăng, sau khi khấu trừ, 10 doanh nghiệp taxi truyền thống thì có 2 DN là Mai Linh và Thành Bưởi không phát sinh số thuế giá trị gia tăng phải nộp. Nhóm còn lại có 3 DN có số thuế giá trị gia tăng thực tế nộp thấp hơn mức thuế khoán cho Uber (3%) . Việc điều chỉnh để nhanh chóng áp dụng phương pháp tính thuế như nhau là cần thiết để tránh các tranh cãi. Thêm vào đó, việc yêu cầu Uber phối hợp để cơ quan thuế có thể thu được thuế thu nhập cá nhân của chủ xe nhỏ lẻ tham gia cung cấp dịch vụ cũng là cần thiết và là đòi hỏi công bằng. Tuy nhiên, các lập luận đòi hỏi khung pháp lý cho Uber, Grab cũng cần phải ‘đồng phục’ với Taxi truyền thống là không hợp lý. Bản chất của kinh tế chia sẻ là hợp tác – sử dụng chung nguồn lực để tiết kiệm chi phí. Việc sử dụng các nền tảng quản lý bằng công nghệ (kết nối khách hàng), quản lý giá cước, thanh toán .. là những ‘sáng tạo’ tạo ra giá trị, giảm chi phí kinh doanh của các chủ thể kinh tế chia sẻ. Yêu cầu, xe nhà tham gia kinh doanh vận tải cũng phải phù hiệu, phải có máy in hóa đơn … chẳng khác nào hành động bóp chết các đặc tính tiến bộ của kinh tế chia sẻ. Công bằng không có nghĩa là “cào bằng”, là “đồng phục” chính sách cho các chủ thể khác nhau. Chính sách cần được thiết kế cân bằng giữa việc bảo vệ lợi ích hợp lý của các chủ thể kinh doanh. Nhưng đồng thời, chính sách không thể cào bằng mà cần thừa nhận những lợi thế và giá trị xuất phát từ sáng tạo và đổi mới của mọi chủ thể. Việc xây dựng chính sách thuế lẫn thiết kế các quy định hành chính cho kinh tế chia sẻ cần đáp ứng được những yêu cầu này. Bài toán khó nhưng lời giải hoàn toàn có thể tham khảo từ các quốc gia khác. ■ Tags: UberNền kinh tế chia sẻGrabĐồng phục chính sách
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả tại TP.HCM: Giải pháp thiết thực cho giai đoạn mới CẨM NƯƠNG 22/11/2024 TP.HCM tổ chức hội thảo trọng điểm, tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn bộ máy, hướng tới kỷ nguyên mới quản lý hiệu quả và phát triển bền vững.
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?