Chúng ta có thật sự muốn sống ảo hơn?

TRƯỜNG SƠN 04/05/2017 13:05 GMT+7

TTCT- Con người sẽ “trở nên tốt hơn” hay ngày càng “sống ảo” khi ranh giới giữa thật và ảo được xóa nhòa hơn bao giờ hết, khi tầm nhìn mới của Facebook là muốn con người không nhìn đời bằng con mắt của họ, mà qua camera smartphone và kính thực tế ảo (virtual reality - VR)?

Sống ảo
Sống ảo vì muốn thay đổi mùi vị của đời sống thật?

 

Tại hội nghị lập trình viên F8 hôm 18-4, Facebook công bố nhiều dự án táo bạo mang màu sắc viễn tưởng như phần mềm “chuyển ý nghĩ thành văn bản” hay công nghệ augmented reality (AR - thực tại tăng cường), cho phép con người “hòa trộn thế giới thực và ảo theo một cách hoàn toàn mới”.

Nhà tỉ phú công nghệ trẻ tuổi tin rằng khi con người có thể “tăng cường thực tế” chỉ với chiếc camera của smartphone, “đời sống thực của chúng ta sẽ trở nên tốt hơn”.

Quyền năng “tăng cường thực tế”

Việc chụp ảnh hay video và thêm vào đó các hiệu ứng sinh động (hoa rơi, mưa gió), các bộ lọc (filter) hay mặt nạ (thêm cho mình bộ râu hoành tráng, đeo tai thỏ, biến thành mặt mèo) vốn không còn là chuyện lạ với người dùng smartphone.

Đây là ứng dụng của công nghệ AR - hòa trộn phần ảo vào nền thật, mà ứng dụng Snapchat vốn dẫn đầu thị trường cho đến khi Facebook “lấn sân” vào từ đầu năm nay.

Facebook nhận không ít chỉ trích là bắt chước Snapchat khi liên tục cập nhật các tính năng mới cho ứng dụng di động của họ, gồm Facebook Camera, Messenger Day và Facebook Stories, để giúp người dùng thiên biến vạn hóa hình ảnh và video với AR.

Đến hội nghị F8 vừa qua, Mark Zuckerberg mới lên tiếng rằng những bước đi này thật ra chỉ làm nền cho mục tiêu chính của họ: biến camera máy ảnh thành nền tảng chính để trải nghiệm AR, tức tạo và xem các nội dung lẫn lộn ảo - thật với chiếc smartphone, không cần thêm thiết bị phụ trợ nào.

Ông chủ Facebook cho rằng công nghệ AR mà hãng theo đuổi “có thể làm nhiều hơn chuyện ghép bộ ria (ảo) vào mặt người dùng”, một ám chỉ dành cho Snapchat.

Zuckerberg muốn dùng AR để người dùng thỏa thích sáng tạo như hướng camera vào một bức tường trống và vẽ nên các tác phẩm nghệ thuật (ảo).

Để xem được tác phẩm này, bạn cũng phải bật điện thoại lên, hướng camera vào đó để phần tranh ảo hiện lên trên bức tường thật. Người dùng cũng có thể tận dụng AR để lại lời nhắn ảo trên cửa tủ lạnh hay ghi chú cạnh menu các nhà hàng.

Chẳng hạn khi đến ăn tại quán A nào đó, thử bật điện thoại lên và quét qua menu, bạn sẽ thấy lời nhắn (ảo) do bạn mình để lại là hãy nhớ ăn món X, hay chớ đụng đến món Y. Một ứng dụng thiết thực hơn: tạo chỉ dẫn và bảng thông tin ảo cho các địa điểm thật (bảo tàng, khu du lịch).

Những phần thông tin ảo này được thêm vào tương tự cách nhà sản xuất Pokémon Go quy định các con thú của game sẽ xuất hiện ở đâu. Tất cả đều dựa trên địa điểm thật. Người chơi Pokémon Go tận hưởng thực tại được “tăng cường” bởi nhà sản xuất, và Facebook muốn chính chúng ta “tăng cường thực tại” tùy thích.

Cũng tại ngày đầu tiên của hội nghị F8, Facebook giới thiệu Facebook Spaces, ứng dụng có thể coi là “mạng xã hội VR” dành cho kính đeo thực tế ảo Oculus Rift, công ty mà Zuckerberg đã bỏ ra 2 tỉ USD mua lại hồi năm 2014.

Mạng xã hội Facebook đã là ảo, và Facebook Spaces sẽ còn ảo hơn bởi nó cho phép chúng ta “hẹn hò cùng bạn bè hay người thân trong một môi trường ảo vui nhộn” dù mỗi người một nơi.

Để tham gia gặp gỡ ảo, mỗi người chỉ việc đeo kính Oculus Rift và cầm bộ điều khiển Oculus Touch, chọn ứng dụng Facebook Space và sẽ ngay lập tức thấy mình trong không gian ảo trong hình hài nhân vật hoạt hình (người dùng được quyền tùy chỉnh, lựa chọn “dung nhan” cho thế thân (avatar) này).

Nhờ bộ điều khiển Oculus Touch, cử động của người đeo kính VR sẽ được đồng bộ với nhân vật trong không gian ảo. Khi ta giơ tay, nhân vật trong “vũ trụ ảo” cũng sẽ giơ tay.

Facebook Spaces cho phép mỗi người dùng gặp ba người bạn khác cùng lúc, với không gian ba chiều tùy chọn, thực chất là các ảnh chụp hay video 360 độ.

Vì thế, ta có thể cùng đùa vui với bạn bè (cũng hiện thân dưới dạng nhân vật hoạt hình) trong mọi không gian tùy thích, từ vịnh Hạ Long thoắt sang ngoài vũ trụ, ngay cả khi mỗi người đang ngồi tại phòng riêng của mình ở bốn châu lục khác nhau! Chi phí dành cho trải nghiệm tưởng như chỉ có trong phim này là 600 USD để tậu bộ công cụ Oculus.

 

 

Hư hư thực thực

Không thể phủ nhận Facebook đang tận dụng công nghệ để mang đến “phép thuật” trong đời thực, biến những điều không thể thành có thể.

Công nghệ AR qua camera thật sự ấn tượng và hữu ích nếu biết cách khai thác tốt; còn Facebook Spaces, dù chỉ mới phát hành ở bản beta thì cũng thực sự thần kỳ. Song nếu bỏ qua sự choáng ngợp và hào hứng, có thể thấy tầm nhìn trong các năm tiếp theo của Facebook tựu trung lại cũng chỉ là “ảo hóa” đời sống.

Trong bài diễn thuyết, Mark Zuckerberg đặt vấn đề “có bao nhiêu thứ trong đời mà chúng ta thật ra không cần chúng phải là đồ thật (mà chỉ ảo là đủ)”, trong khi màn hình chiếu ảnh bàn cờ vua ảo và tivi ảo hiện lên trên chiếc bàn trong căn phòng thật.

Zuckerberg tin vào tương lai nơi hai cha con có thể cùng đánh cờ bằng cách mỗi người ngồi một bên ghế sofa, huơ tay vào không trung để điều khiển các quân cờ, và rằng chúng ta không cần phải tốn tiền mua tivi, mà chỉ “mất 1 đôla mua ứng dụng tivi ảo trên nền AR”.

Thậm chí, Zuckerberg còn minh họa thêm một ly cà phê ảo vào cạnh ly thật trong một bức hình, để tạo cảm giác bạn đang uống cùng ai đó chứ không phải “cà phê một mình”. Có phải đây là “cái ảo làm thực tế tốt hơn” mà Zuckerberg đã nói?

Theo Mark, trong tương lai, mọi người sẽ xem AR qua mắt kính, thậm chí là kính áp tròng. Song, còn phải mất ít nhất 10 năm nữa mới đạt được điều đó, và Facebook vì thế chọn camera điện thoại làm nền tảng chính.

Điều này có nghĩa chúng ta càng dính chặt hơn vào màn hình điện thoại thay vì nhìn đời qua đôi mắt của mình. Nhưng một khi cặp kính thông thường ta đeo có thể nhìn thế giới như bình thường và thế giới ảo - thật lẫn lộn?

Viễn cảnh đó cũng được nêu ra trong bộ phim ngắn Strange Beasts phát hành hồi tháng 3. Chỉ với 5 phút, Strange Beasts kể câu chuyện đầy ám ảnh về đời sống của CEO một công ty công nghệ, phát minh ra thiết bị cấy vào mắt người, cho phép họ tạo quái vật cưng bằng công nghệ AR và chăm sóc nó.

Vị giám đốc này có một cô con gái, song đến cuối phim người xem mới bàng hoàng vì hóa ra cô bé cũng là sản phẩm AR nốt. Người sáng tạo ra trò chơi ảo đó mỗi ngày đều tìm vui với ảo ảnh, mà thậm chí không cần phải đeo thiết bị gì ngoài đôi mắt xanh biếc nhưng vô hồn, bởi nó thật ra là thiết bị xem AR.

Cảnh báo sự nguy hại của VR qua bộ phim Strange Beasts
Cảnh báo sự nguy hại của VR qua bộ phim Strange Beasts

 

Vui ảo, cô đơn thực

Dù Facebook luôn khẳng định mọi sản phẩm của họ đều nhằm giúp con người kết nối tốt hơn bao giờ hết, những công nghệ “như phim viễn tưởng” mà họ vừa công bố hóa ra lại khiến con người sống xa thế giới thực hơn.

(Facebook Spaces) giống như cách chúng ta sẽ giao tiếp xã hội trong một thế giới hậu tận thế, nơi mà tất cả bị cách ly trong các căn hầm để tránh virút zombie” - John Gruber, chủ blog bình luận công nghệ Daring Fireball, gay gắt.

Trong khi đó, tác giả Mike Murphy viết trên trang Quartz: “Viễn kiến của Facebook về tương lai mà chúng ta gặp gỡ trong không gian thực tế ảo thật buồn và cô đơn”.

Murphy hình dung khi Facebook Spaces thực sự phổ biến, chúng ta sẽ chỉ gặp nhau trên không gian ảo, tha hồ vui vẻ với mọi “phép màu” mà ứng dụng VR này mang lại.

Song, điều đáng sợ chính là bạn bè, người thân sẽ chỉ nhìn thấy ta qua khuôn mặt hoạt hình, luôn luôn rạng rỡ, không tì vết, trong khi sự thực có thể ta đang tóc tai bù xù, râu chưa cạo, áo quần nhàu nhĩ, nhốt mình trong phòng hàng tuần liền vì bận thể hiện cái tôi hoàn hảo trong không gian thực tế ảo.

Mark Zuckerberg đi giữa rừng người đeo kính VR - phải chăng ông chủ Facebook muốn mọi người sống ảo hơn, còn anh ấy tỉnh hơn?-reddit.com
Mark Zuckerberg đi giữa rừng người đeo kính VR - phải chăng ông chủ Facebook muốn mọi người sống ảo hơn, còn anh ấy tỉnh hơn?-reddit.com

 

Đây là kịch bản tệ nhất, song hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai rất gần.

Điều phiền muộn nhất chính là hình thức giao tiếp mà Facebook muốn mang đến người dùng đòi hỏi ta phải buộc đầu vào thiết bị xem VR to cộ và ngồi đâu đó một chỗ, và những người bạn đang “gặp” ta cũng làm như thế - Murphy viết - Nếu thực sự muốn gặp bạn bè, sao không gọi họ thông qua Google Hangout và Skype?”.

Nhưng chẳng phải hai ứng dụng gọi video qua Internet đó cũng là giao tiếp ảo hay sao? Murphy giải thích với Hangout và Skype, bạn có thể giao tiếp với nhiều người một lúc (không bị giới hạn bốn người như Facebook Spaces) và điều quan trọng họ sẽ thấy được gương mặt thật của nhau.

Dĩ nhiên chúng ta chỉ nên cậy đến Hangout trong trường hợp cách trở địa lý, chứ không cách giao tiếp nào tốt hơn là gặp nhau trong không gian thật.

Một mặt tối khác của Facebook Spaces là dù là một ứng dụng để kết nối con người, những người sử dụng dù đang vui đùa trong không gian ảo, nhưng người ngoài nhìn vào sẽ thấy rất kỳ khôi và có phần đáng sợ. Hãy hình dung ai đó bắt gặp bạn ngồi trên giường, nửa trên đầu bị kính VR che kín, huơ tay múa chân, miệng nói nói cười cười.

Có thể bạn đang tiệc tùng hoành tráng trong không gian ảo, còn trong đời thực, mọi người có thể nhìn bạn như... gã điên.

Chưa ai quên bức ảnh Mark Zuckerberg đi hiên ngang giữa một rừng người đeo kính VR hồi tháng 2 năm ngoái. Nhiều người cho rằng hình ảnh đó mô tả CEO Facebook là bá chủ - người duy nhất sáng mắt trong thế giới mà ai cũng tự giam mình vào những điều không thật. Có vẻ Zuckerberg lại vừa làm nỗi sợ đó rõ ràng hơn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận