TTCT - Trong nhiều ngày qua, các báo liên tục đưa tin về các vụ việc liên quan đến thống đốc ngân hàng nhà nước Lê Đức Thúy. Người phát hiện và làm nóng vụ này tại diễn đàn Quốc hội trước đó là nữ đại biểu Nguyễn Thị Việt Nhân, 58 tuổi, phó đoÀn đại biểu quốc hội tỉnh Kiên Giang. Bà Nguyễn Thị Việt Nhân đang làm việc với cử triTrụ sở văn phòng Quốc hội Kiên Giang nằm ven sông Kiên thơ mộng. Trong những ngày này có khá đông người dân và báo chí đến chờ đợi để gặp nữ đại biểu Nguyễn Thị Việt Nhân. Các nhân viên ở đây bảo lịch làm việc của chị Nhân rất bận rộn và hiện chị đang đi tiếp xúc cử tri để chuẩn bị cho kỳ họp tới. Hóc búa nhất trong hàng loạt chất vấn của bà đối với các thành viên của Chính phủ trong các kỳ họp Quốc hội có lẽ là vụ bà “điểm trúng huyệt” đối với thống đốc ngân hàng Lê Đức Thúy, về tính hiệu quả của việc chuyển đổi in tiền từ cotton sang tiền polymer gây lãng phí và công ty gia đình của thống đốc có liên quan đến việc in tiền.Vụ này khiến một đại biểu nữ thuộc ngành ngân hàng phải thốt lên: “Bà này là ai mà biết có rận trong chăn?”. Ngoài ra, không chỉ chất vấn trong hội trường, bà đã không ít lần gửi văn bản đến chất vấn các bộ trưởng và thành viên Chính phủ. Đáng kể nhất là việc bà phát hiện và cất công đi tìm hiểu xung quanh việc thống đốc mua căn biệt thự số 6 Lý Thái Tổ. Tôi tìm đến nhà chị. Nhà đóng cửa nhưng vẫn có mấy người dân chờ đợi ở ngoài. “Các cháu vô đây chơi, đến tối Việt Nhân mới về” - một ông cụ trạc 70 tuổi ở căn nhà bên cạnh nói. Ông chính là nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Dũng Liêm - cha của chị Nhân. Khi biết tôi là nhà báo, ông Liêm cho biết: “Con nhỏ Nhân nhà tôi thẳng lắm. Tánh nó như thế từ nhỏ đến giờ, không chỉ chuyện ngoài đời mà trong nhà cũng vậy...Từ khi nó làm ở Quốc hội, bà con tìm đến đông lắm. Tôi bảo nó cố mà giúp bà con”. Nói xong ông lại nhắc về quá khứ: “Tôi đi kháng chiến nên nó phải theo tôi vô rừng từ nhỏ, lúc 12 tuổi, và bây giờ tối về nó cũng chỉ một mình một bóng vì không chồng không con” - ông Liêm nói. Năm 1960 ông Liêm là phó bí thư Thị ủy Rạch Giá, bố trí cho con gái mình ở Rạch Giá để học làm giao liên, đưa thư từ cho thị ủy. Ngay trong tuần đầu tiên học việc, không may cơ sở bị lộ, ông quyết định gửi chị cho một gánh hát Sài Gòn. Thế nhưng chị quyết vô rừng U Minh theo cách mạng. Sau 1975, người phụ nữ can trường này tham gia nhiều công việc khác nhau rồi lần lượt giữ các chức vụ quan trọng ở tỉnh như chánh văn phòng Hội Liên hiệp phụ nữ, chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, ban chấp hành Tỉnh ủy liên tục trong nhiều nhiệm kỳ và là đại biểu Quốc hội ba khóa liên tiếp cho đến nay. Trong các phiên họp Quốc hội khóa 9, 10, 11, ngoài những đại biểu nam giới gây sự chú ý cho công luận bằng những chất vấn sắc sảo và “nhạy cảm” như Dương Trung Quốc, Đỗ Trọng Ngoạn, Nguyễn Văn Thuyết... thì nữ đại biểu Nguyễn Thị Việt Nhân cũng được xem là một trong ít vị đại biểu thuộc phái yếu có khả năng “hâm nóng” nghị trường bằng hàng loạt câu hỏi đột thẳng vào những vấn đề nóng của đất nước. Những chất vấn của bà khiến nhiều bộ trưởng toát mồ hôi, lúng túng tránh né... Bà cho biết: “Trước khi chất vấn về một vấn đề nào đó tôi thường nghiên cứu, tìm hiểu lắng nghe cử tri, dư luận, thậm chí phải tự mình điều tra kỹ lưỡng”. Những ai theo dõi phiên họp Quốc hội khóa 10 cũng nhớ bà Nhân đã “đột thẳng” vào trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc, trong vấn đề bảo hộ thương hiệu nước mắm Phú Quốc khi thương hiệu này bị nước ngoài lạm dụng. Cả nghị trường lúc ấy như nóng lên khi bà nói: “Dân kêu, Thủ tướng đã chỉ đạo nhưng sao bộ trưởng im lặng... Có phải là bộ trưởng quá vô cảm?”. Bộ trưởng Ngọc và một số đại biểu sau đó có gặp bà và cho rằng dùng chữ vô cảm là quá nặng. Nhưng theo bà thì không nặng, thờ ơ trước mong mỏi của người dân chính là vô cảm. Không chỉ vậy bà còn đi thẳng vào những vấn đề “nhạy cảm” mà nhiều người muốn né tránh. Điển hình như vụ án Nguyễn Thái Nguyên, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ông này trong lúc đương quyền dựa thế, cậy thần làm nhiều điều vi phạm luật, trong đó có trọng tội bán tài liệu mật... nhưng chỉ bị xử 4 năm tù giam. Bản án quá nhẹ khiến người dân bức xúc và không đồng tình. Nói về bà Nhân, ông Trần Minh Tâm - chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang, người đã có gần 20 năm sống, công tác chung với bà - cho biết: “Chị Nhân không chỉ cương trực, hết mình vì công việc mà còn là người liêm khiết. Có lần cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh (khi đó chị Nhân là chủ tịch) mua máy vi tính cho cơ quan, lãnh đạo công ty bán máy vi tính đến hỏi để chi hoa hồng cho chị, chị bảo:“Cậu không làm thế được, hãy đưa toàn bộ hoa hồng đó vào để giảm giá thành, tiết kiệm cho Nhà nước”. Từ đó, cơ quan tôi noi gương chị trong việc mua sắm tài sản cho đến nay. Mới đây một cử tri đưa vàng đến gặp chị nhờ phản ảnh vụ việc của họ lên trung ương, chị liền nhắc nhở cử tri này không nên làm như vậy, còn nếu oan ức thật sự thì chị sẽ bảo vệ tới cùng. Trong một phiên họp Quốc hội, bà Nhân đã mang bức xúc trên chất vấn thẳng thắn nguyên chánh án Tòa án tối cao Trịnh Hồng Dương: “Nhân dân Kiên Giang không đồng tình với bản án nhẹ như vậy. Họ mong muốn phải xử đúng tội...”. Rồi như vụ Lã Thị Kim Oanh, bà Nhân cũng là một trong số ít đại biểu đầu tiên chất vấn nguyên bộ trưởng Lê Huy Ngọ về trách nhiệm của ông này khi để bà Oanh lấy tiền của Nhà nước... Như vụ Bộ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông Đỗ Trung Tá trong hợp đồng đấu thầu điện thoại của Hãng Simen và Sonye... (gói thầu có lợi cho Nhà nước không được chọn mà đi chọn gói thầu không đạt chất lượng)... Trả lời chất vấn của bà về việc bổ nhiệm cán bộ liên quan vụ PMU18, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung ví von: “Tôi đâu phải là người đưa đò để các cán bộ xuôi dòng tổ chức, mà còn qua các khâu từ cơ sở chuyển lên và còn bàn bạc xem xét của cấp trên”. Tuy nhiên, bà Nhân không phải vừa khi cho rằng trách nhiệm lớn thuộc về bộ trưởng vì Bộ Nội vụ là cơ quan cao nhất tham mưu cho Chính phủ trong việc đề bạt cán bộ. “Tôi biết những chất vấn thẳng của tôi khiến một số người phật ý. Thế nhưng những hiệu quả sau đó lại đạt được rất nhiều”. Khác với tính cách đầy “nam tính” khi làm mướt mồ hôi nhiều thành viên Chính phủ trong nghị trường, khi trở về địa phương người ta lại thấy bà bình dị lạ thường. Ngoài các buổi tiếp xúc cử tri chính thức, bà liên tục xuất hiện ở các vùng nông thôn nghèo khó, khi thì cắt băng khánh thành trường học, cầu bêtông, khoan cây nước, khi thì với bộ bà ba quen thuộc bà đi phát gạo, tặng xe lăn cho người nghèo và khuyết tật. Các nhân viên của bà ở Văn phòng Quốc hội Kiên Giang cho biết: khi thấy con em của người dân hai huyện Vĩnh Thuận và An Minh phải học trong những ngôi trường dột nát, bà đã cùng các đại biểu trong đoàn Quốc hội Kiên Giang trực tiếp vận động xin được trên 1 tỉ đồng để xây dựng mười phòng học cho hai huyện vùng sâu này. Cá nhân bà đã trực tiếp vận động các nhà hảo tâm được trên 200 triệu đồng giúp đỡ các huyện xây dựng hàng chục cây nước sạch phục vụ dân nghèo.Và trở về gia đình, bà Nhân là người chị cả mẫu mực, đảm đang, hết lòng chăm lo cha mẹ, các em và các cháu. Gia đình bà cũng là một đại gia đình hiếm có ở Rạch Giá bởi cả bốn thế hệ đều chung sống hòa thuận dưới một mái nhà. “Tôi không ngại sức ép nào mà chỉ sợ mất uy tín với cử tri”. Là người được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu trong suốt ba khóa Quốc hội, bà Nhân đã thoát ra khỏi khuôn khổ một “đại biểu tỉnh lẻ” để tranh đấu cho những vấn đề mang tầm quốc gia. * Liệu cái tính thẳng thắn của bà có làm ai phật ý gây khó dễ hay tạo sức ép? - Tôi cũng lường trước các vấn đề này khi chất vấn, tuy nhiên không hề có ai gây khó dễ hay tạo sức ép với tôi cả. Chỉ có một vài trường hợp phật ý, rầy rà nhắc khéo sau nghị trường. * Thưa bà, đó là ai và trong trường hợp nào? - Có một vài lần. Lần gần nhất khi tôi gửi văn bản chất vấn thống đốc ngân hàng Lê Đức Thúy. Sau khi gửi văn bản tôi cũng dự định chất vấn trên nghị trường, tuy nhiên ông Thúy đã tìm gặp anh Sáu Tuấn (Trương Quốc Tuấn, bí thư tỉnh Kiên Giang) “méc lại” rằng: “Chị Nhân có ghét gì tôi không mà cứ chất vấn tôi hoài”. Anh Sáu Tuấn chỉ truyền đạt lại ý trên cho tôi chứ không có ý kiến gì thêm! * Nếu đặt trường hợp có sức ép nào đó thì bà sẽ làm gì? - Là đại biểu của nhân dân, do dân tín nhiệm bầu ra, tôi phải có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ mà dân giao phó. Nếu hành động vì lợi ích của dân, của Nhà nước thì có gì mà phải ngại. Tôi chỉ sợ mất uy tín trước cử tri chứ không ngại bất cứ sức ép nào. “Cô Nhân là người dám nhìn thẳng vào sự thật và đấu tranh với những sai trái, mà những sai trái này, theo tôi, là một căn bệnh của xã hội, rất nhiều người ngại không dám nói ra...”.Bùi Thanh Liêm (tổ trưởng tổ dân phố 205A, khu phố 11, phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM)“... Tôi thấy chị chất vấn rất hay, chính xác, trong đó điển hình là vụ việc ông Lê Đức Thúy. Tôi đề nghị chị nên tiếp tục chất vấn về vụ việc này. Qua nhiều lần theo dõi các phiên họp Quốc hội, tôi thấy phần lớn các đại biểu miền Nam ít phát biểu thẳng trước Quốc hội. Phần lớn người nói nhiều trước Quốc hội là “già”, ít có chức quyền, chức vụ, còn các vị “chức sắc” thì sợ. Chị phải dũng khí, kiên định vì chân lý, lẽ phải và vì dân...”. PGS - TS Hồ Sĩ Hiệp Tags: Tiền polymerChất vấnKỳ họp Quốc hộiNữ đại biểu Nguyễn Thị Việt Nhân
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Sao nhập tịch tỏa sáng, tuyển Việt Nam giành ngôi đầu bảng B gặp Singapore ở bán kết QUỐC THẮNG 21/12/2024 Lần đầu tiên ra mắt, tiền đạo nhập tịch Nguyễn Xuân Son đã tỏa sáng với 2 bàn thắng và 2 pha kiến tạo giúp Việt Nam đè bẹp Myanmar 5-0 trên sân Việt Trì ở loạt trận cuối cùng bảng B ASEAN Cup 2024.
HLV Myanmar: 'Chỉ Thái Lan mới là đối thủ của tuyển Việt Nam' NGUYÊN KHÔI 21/12/2024 Phát biểu sau trận thua 0-5 ở ASEAN Cup 2024, HLV Myo Hlaing Win chúc đội tuyển Việt Nam may mắn trong cuộc đua vô địch với Thái Lan.
Video: Nguyễn Xuân Son kiến tạo, ghi bàn trong ngày ra mắt tuyển Việt Nam THANH ĐỊNH 21/12/2024 Nguyễn Xuân Son tỏa sáng rực rỡ khi ghi bàn, kiến tạo trong ngày ra mắt đội tuyển Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Cung cấp cho mỗi công chức một trợ lý ảo, người kém cũng thành khá giỏi THÀNH CHUNG 21/12/2024 Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, với cách làm mới hiện nay, hãy cung cấp trợ lý ảo cho công chức và mỗi khi làm việc gì, cần thông tin gì hãy “hỏi trợ lý ảo”.