Có một "Góc phố danh vọng" của những người trẻ

TRUONGUY 12/08/2012 19:08 GMT+7

TTCT - Góc phố danh vọng (GPDV) là một dự án nhạc kịch khiêm nhường dưới cái vỏ “ca nhạc - kể chuyện” được thực hiện bởi toàn người trẻ, mà đứng đầu là PPAN tức Nguyễn Phi Phi Anh - cậu sinh viên sinh năm 1991 đang học chuyên ngành đạo diễn sân khấu điện ảnh Đại học Hampshire (Mỹ).

PPAN đã chia sẻ với TTCT trong những ngày gấp rút cho lịch công diễn.

Phóng to
Nhân vật Rudolph - một trong ba nhân vật chính của vở diễn. Rudolph vốn là một con tuần lộc, nhờ phép thuật nó đã biến thành một người có tính cách kỳ quái, đáng thương nhưng cũng đáng sợ - Ảnh: Nguyễn khánh

PAN cho biết: "Nhạc kịch từng được mang về VN rất nhiều lần rồi, nhưng để ý theo dõi tôi thấy những lần thử nghiệm ấy hoàn toàn có thể làm tốt hơn. Nhiều chương trình bê nguyên kịch bản của nước ngoài về, văn hóa trong đó là văn hóa phương Tây, nhiều ca khúc lại hát bằng tiếng nước ngoài nên người Việt không thể liên hệ được. Một số chương trình khác dùng nhạc Việt, câu chuyện Việt, nhưng các yếu tố khác như thiết kế sân khấu, trang phục lại không giống một vở nhạc kịch.

Tóm lại là được cái này thì thiếu cái khác. Tôi tin là nếu chịu khó dành thời gian lên một kế hoạch chi tiết, tính toán kỹ lưỡng thì mình sẽ làm được thôi. Tất nhiên là kế hoạch phải tốt ở mức dù có ít tiền vẫn có thể có một sản phẩm chu toàn được. Nghe thì viển vông nhưng thật ra chúng tôi sắp làm được rồi".

Tôi cũng hướng đến tâm lý sính ngoại...

PPAN từng là tổng đạo diễn, tác giả kịch bản Geek Show (2009) tại Anglo - Chinese School (independent), Singapore. Chương trình được tiến sĩ Ong Teck Chin - hiệu trưởng - đánh giá là tốt nhất trong lịch sử của Trường ACS và được thực hiện lại trong hai năm tiếp theo. PPAN cũng chỉ đạo sân khấu vở Making Nice được huy chương đồng Singapore Youth Festival 2010... PPAN còn là một họa sĩ đã có ba tác phẩm trưng bày ở Viện Bảo tàng mỹ thuật Singapore.

* GPDV đã Việt hóa lời các bài hát Tây cho phù hợp với tai nghe của khán giả. Vậy tại sao bạn không Việt hóa câu chuyện với các nhân vật Việt mà vẫn mượn một câu chuyện khá Tây?

- Nhạc kịch kiểu Broadway là một thể loại rất Tây, và thứ âm nhạc dùng cho nó cũng phải là nhạc Tây thì mới phù hợp. Hơn nữa, tôi sợ mình chưa đủ trình độ để làm cho nhạc Việt phù hợp với một thể loại rất Tây như vậy. Sống ở nước ngoài gần sáu năm nay, lại trong khoảng thời gian đang tuổi lớn, nên tôi quen với văn hóa quốc tế hơn, và cũng chưa hiểu văn hóa VN đủ sâu để viết được một câu chuyện "ít Tây" hơn. Nhưng trong câu chuyện tôi viết, những cá tính, những tham vọng, những suy nghĩ đố kỵ, tự ti, mâu thuẫn thì người Việt sẽ liên hệ được.

Thú thật là tôi cũng hướng đến tâm lý sính ngoại của phần đông khán giả. Tôi nghĩ những nhân vật như Roxanne Trinh, Flint, Rudolph sẽ hấp dẫn hơn là những Lan, Huệ, Hồng... (cười).

* Mất bao lâu để khởi sự từ ý tưởng, liên kết mọi người và hiện thực hóa nó cho bốn đêm diễn sắp tới?

- Ý tưởng làm nhạc kịch đến với tôi từ bốn năm trước khi còn đang học cấp III. Tôi dành thời gian ở trường tham gia các hoạt động ca kịch để lấy kinh nghiệm. Trong thời gian rảnh rỗi, tôi tập viết sách và viết lời Việt cho các bài hát mình thích. Tháng 11-2011 tôi bắt đầu viết kịch bản, mua bản quyền các bài hát, tháng 1-2012 thì xong. Ngay sau đó tôi kêu gọi những người bạn thân thiết từng làm việc chung như Minh Anh Nguyễn, Đỗ Vũ Diệu Linh, Nguyễn Mai Chi... cùng lên kế hoạch dài hơi.

Đầu tháng 4 tôi làm xong dự thảo và đi tìm bảo trợ. Tôi chọn Le Bros vì đó là một công ty thời trang cởi mở, rất sẵn lòng giúp giới trẻ. May mắn là họ đã thích. Giữa tháng 5 tôi về VN, kêu gọi tình nguyện viên, kêu gọi tài trợ... Cuối tháng 6 tôi tổ chức diễn thử, với 200 đơn gửi về cuối cùng chọn được 30 diễn viên, nhạc công, vũ công, ca sĩ. Chúng tôi tập luyện 10 giờ mỗi ngày trong suốt một tháng qua và đã sẵn sàng biểu diễn.

* Ðặt tính giải trí lên hàng đầu, biểu diễn có bán vé nhưng đến hiện tại bạn có lo lắng cho tính giải trí của dự án này không khi dường như nó vẫn không phải dành cho số đông muốn giải trí ở VN?

- Tôi không có nhiều kinh nghiệm về truyền thông nên đang gặp khó khăn trong việc thu hút khán giả, nhưng tôi tin rằng những ai đi xem GPDV sẽ phải công nhận là nó không hề "hàn lâm" - câu chuyện đơn giản, các ca khúc đều rất nổi tiếng, thậm chí có thể nói là thị trường. Điều duy nhất giúp nó trở nên "cao cấp" là ở sự khổ luyện của chúng tôi và tiêu chuẩn cao mà chúng tôi đặt ra cho mỗi màn trình diễn.

Phóng to
Nguyễn Phi Phi Anh - Ảnh nhân vật cung cấp

Ðừng chờ người lớn mang show về mãi

Dự án Góc phố danh vọng là một vở nhạc kịch (có câu chuyện với lời thoại và được kết nối bởi 17 ca khúc nước ngoài được viết lời Việt) do PPAN cùng các bạn mình thực hiện. Vở diễn quy tụ hầu hết những người trẻ này sẽ có bốn đêm diễn tại khán phòng L’Espace 24 Tràng Tiền, Hà Nội từ ngày 13 đến 16-8.

* Sự hỗ trợ của các chuyên gia trong quá trình tập luyện của dự án này cụ thể là từ những ai? Các nghệ sĩ được chọn có thích nghi với cách tư duy của bạn?

- Các chuyên gia giúp tôi chủ yếu là nhân viên của Công ty Le Bros. Nhà thiết kế Kelly Bùi tài trợ gần 50 bộ trang phục biểu diễn cho GPDV. L’Espace đã tài trợ khán phòng biểu diễn. Chúng tôi cũng có được sự đồng ý tư vấn của các đạo diễn Việt Tú và Lê Vũ Long, nhưng quá bận rộn tập luyện với diễn viên của mình nên tôi vẫn chưa có dịp nói chuyện lại với họ...

Các nghệ sĩ mà tôi chọn đã được tuyển rất khắt khe nên rất phù hợp với cách tư duy của tôi. Chỉ có duy nhất một điều tôi luôn muốn diễn viên phải có đó là tinh thần tập thể. Đẳng cấp không phải ở chỗ ai hát hay hơn, ai nhảy giỏi hơn mà là ở chỗ ai cũng giỏi nhưng có chịu làm việc cùng với nhau không, có chịu hi sinh thời gian cho nhau không?

Tất cả diễn viên tôi chọn đều phải trả lời các câu hỏi về tinh thần làm việc, trước khi được lên sân khấu diễn thử để thể hiện khả năng của mình. Trong lúc tập luyện, tôi đã phải cho thôi rất nhiều bạn (và nhiều bạn cũng tự xin rút) vì không thể dành thời gian cho dự án, không chịu hạ cái tôi của bản thân để nhường nhịn bạn diễn... 30 người còn trụ được đến giờ phút này là những bạn không chỉ tài năng mà còn tâm huyết, biết hi sinh, và chính sự biết hi sinh đó mới là cái làm tôi trân trọng, nể phục.

* Trong phần giới thiệu về tiềm năng của GPDV, tôi chú ý đến câu: cổ vũ phong trào sáng tạo nghệ thuật độc lập. Cần hiểu ý của câu này ra sao trong một VN đương đại?

- Độc lập ở đây là trong tư duy. Không có nhiều người đủ dũng cảm và đủ yêu nghề để làm một cái gì đó mới lạ, một cái gì đó rất ít người từng làm. Rất nhiều người khác lại muốn an toàn, tức là phải có người từng thành công rồi mình mới dám làm theo. Tất nhiên là tôi cũng chỉ nói theo tầm nhìn hạn hẹp của mình, nhưng cũng chính từ suy nghĩ hạn hẹp đó mà tôi mới muốn thử sức xem sao. Cũng giống như kiểu "điếc không sợ súng" thôi! Tôi tin cứ dấn thân, cứ thử sức bởi thật sự là mình chẳng mất gì. Có thất bại cũng không sao, vì tôi biết không thể thất bại 100% được.

Đến giờ phút này, có thể tôi chưa bán hết vé, có thể chưa khán giả nào reo hò vì chương trình của tôi, nhưng ít ra tôi đã thành công trong việc gắn kết một tập thể lớn, trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của những người có quyền lực trong nghề. Nên tôi nghĩ rằng cứ "sáng tạo nghệ thuật độc lập" đi, không mất gì cả! Cái mình có được - kinh nghiệm, mối quan hệ, và trên hết là niềm vui được làm thứ mình thích - là quá lớn so với chút công sức mình bỏ ra. Thế nên tôi cũng muốn các bạn trẻ khác mạnh dạn xông lên, tự làm chương trình của mình, chứ đừng chờ "người lớn" mang show về cho mình xem mãi...

* Hình như cái tên GPDV của vở diễn "ca nhạc - kể chuyện" này cũng là cách bạn "âm mưu" cho một đánh dấu của sự hiện diện kiểu Broadway tại Hà Nội. Sau bốn đêm diễn, nếu khả quan, GPDV sẽ đi tiếp thế nào?

- Tôi hi vọng GPDV sẽ được biểu diễn thêm nhiều đêm khác để giúp chúng tôi trang trải các chi phí, và các diễn viên, tình nguyện viên của chúng tôi cũng được thêm tiền bồi dưỡng vì họ đang lao động rất vất vả. Nếu khả quan hơn nữa, tôi muốn GPDV được tổ chức thêm vào thời điểm khác trong năm, ở nhiều nơi khác để thêm nhiều khán giả biết đến tài năng và tâm huyết của dàn diễn viên.

Tôi cũng còn một vài ý tưởng khác, nhạc kịch chỉ là một phần, và tôi hi vọng nhận được sự ủng hộ lần này để có thể mạnh dạn đi tiếp với các ý tưởng của mình. Việc giữ được một tập thể gần 70 người, cả diễn viên lẫn tình nguyện viên, rồi nuôi ngọn lửa đam mê của họ là rất khó, tôi không thể tự làm một mình mà cần rất nhiều sự ủng hộ của công chúng, đặc biệt là truyền thông.

* Cảm ơn Phi Anh và chúc dự án GPDV thành công.

CÁT KHUÊ thực hiện

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận