TTCT - Và nếu quên thì sao? Ảnh cắt từ video của Cold War Documentary"Chúng tôi rời phòng mổ để nghỉ giữa buổi sáng và đi dạo… Lúc đó tôi vẫn thấy ổn, tới khi về nhà mới thật khủng khiếp vì sốt và tay chân nhức mỏi" - nhà vi trùng học T. H. Pennington nhớ lại một ngày ở trường y. Ed Susman, một cậu bé giao báo ở ngoại ô New York, thì nhớ rõ đã thấy người hâm hấp khi vào một khu dân cư, để rồi khi bước ra ngoài, "tôi thực sự cảm thấy như thể mình vừa bị một bức tường di động va phải. Đầu gối tôi khuỵu xuống, rồi tôi ngã ngửa cả ra".Cả hai hồi ức đều nói về một loại vi rút đường hô hấp bí ẩn, từ Trung Quốc lan ra khắp toàn cầu và hầu như không ai có miễn dịch với nó. Nhưng đó không phải là năm 2020, mà trước đó 63 năm. Pennington và Susman không kể về thời khắc họ bắt đầu cảm nhận được triệu chứng của COVID-19, mà là của H2N2, một loại vi rút cúm A.Đại dịch H2N2 năm 1957 khiến 116.000 người Mỹ thiệt mạng và gây ra 4 triệu ca tử vong toàn cầu. Khi kể lại chuyện mình nhiễm bệnh trong bài báo khoa học trên tập san BMJ năm 2006, Pennington nói lúc đó ông không biết rằng mình đang là nạn nhân của đại dịch cúm lớn thứ hai trong thế kỷ 20. Vậy mà đại dịch này đã gần như biến mất hoàn toàn khỏi ký ức của nhiều người. Khi COVID-19 xảy ra, người ta nói nhiều về đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918 cách đó 100 năm, nhưng rất ít người nhắc đến đại dịch H2N2.Vì sao một đại dịch có thể biến mất trong ký ức tập thể, và điều này liệu có lặp lại với COVID-19 không? Tác giả Steve Keller đặt vấn đề trong bài viết cho tạp chí khoa học Nautilus, xuất bản ngày 7-8, chỉ vài ngày trước khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố đánh giá rủi ro ban đầu về biến thể COVID-19 mới EG.5.Chuyện cũ mà quenGiờ đây nhìn lại, sự khởi đầu của đại dịch H2N2 có một sự quen thuộc đến kỳ lạ: một loại vi rút đường hô hấp mới ở Trung Quốc vào tháng 2-1957, song chính phủ nước này đã không thông báo kịp thời cho cộng đồng quốc tế. Kết quả là chủng cúm mới nhanh chóng lan tràn khắp châu Á. Mãi cho đến tháng 4 cùng năm, khi Hong Kong (khi đó vẫn còn là thuộc địa của Anh) ghi nhận 250.000 ca nhiễm, truyền thông toàn cầu mới bắt đầu chú ý. Tháng 4 và 5, vi rút đã đến các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản, rồi các đợt bùng phát bắt đầu ở bang vào tháng 6, trước khi lan khắp châu Mỹ. Lời kể của cậu bé bán báo Ed Susman được lưu trữ trong hồ sơ "các đại dịch đã qua" của Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC). Nhân chứng sống sót này đã trải qua các triệu chứng chung của loại cúm này: đầu tiên là đột ngột đi loạng choạng và ớn lạnh, sau đó là khuỵu xuống, đau họng; sốt 38-40oC; đau đầu, ngực và lưng; ho khan và mệt mỏi trầm trọng.Trên thực tế, hầu hết bệnh nhân đã hồi phục trong vòng 4-5 ngày, mặc dù một số người tái nhiễm và nặng hơn lần đầu. Nhưng khi đã "ra tay" đoạt mạng, con vi rút này cũng dã man không kém. Hầu hết những người chết đều trải qua tình trạng khó thở cực độ, da đổi màu vì nồng độ oxy trong máu thấp, ho ra máu, hệ hô hấp bị vi rút tàn phá. Cái chết thường đến trong vòng chưa đầy một tuần. 2/3 số người chết đã qua đời trong vòng 48 giờ sau khi nhập viện. Steve Keller lưu ý rằng vào thời điểm đó chưa có các đơn vị chăm sóc đặc biệt và thuốc kháng vi rút, máy thở còn khá thô sơ. Sự hạn chế này, cùng với thực tế là 1/5 người nhiễm không đến được bệnh viện kịp thời, khiến đại dịch thêm chết chóc.Giống như dịch cúm năm 1918, những người trẻ tuổi đặc biệt dễ bị nhiễm H2N2. Một số người lớn tuổi, mặc dù có thể đã có miễn dịch từ dịch cúm đó, hóa ra vẫn chịu thua với khả năng gây chết người của con vi rút này - tỉ lệ tử vong ở người trên 65 tuổi cao gần gấp 20 lần người trẻ.Quảng cáo năm 1957, với đại ý: thấy có triệu chứng của đại dịch khốn khổ này, có thể gọi bác sĩ ngay, hoặc muốn thoải mái tiện lợi hơn thì dùng thuốc xịt mũi trị cúm châu Á và các loại cảm cúm khác của bổn tiệm. Ảnh: Donald A. HendersonTrong suốt mùa hè 1957, các sự kiện "siêu lây nhiễm" của người trẻ - ở các doanh trại, trại hè hay tụ hội - dẫn đến tỉ lệ lây nhiễm từ 30% đến 89%, song chỉ số ít các ca trong đợt bùng phát đầu tiên này tử vong. Điều này, cộng với báo cáo dữ liệu thời đó còn thô sơ, đã che khuất tác động thực sự của H2N2 đối với người dân, đặc biệt là những người lớn tuổi và có nguy cơ cao hơn. Đây là một sai lầm nghiêm trọng. Sau các cuộc vui chơi, giao lưu mùa hè, những người trẻ trở về nhà, và lây lan H2N2 khắp nước Mỹ. Khi trường học trở lại vào mùa thu, tỉ lệ nhiễm tăng lên 40-60%.Làn sóng lây nhiễm mùa thu lớn đến nỗi gần 2/3 học sinh nhiễm bệnh. Trong cao điểm đầu tháng 10, 29% học sinh TP New York vắng mặt cùng một lúc, riêng khu Manhattan, tỉ lệ này lên tới 43%. Chính phủ gần như không làm gì nhiều để giảm thiểu sự lây lan. Trường học vẫn mở, các sự kiện đông người vẫn được diễn ra, không hề có lệnh bắt buộc ở nhà. "Không có nỗ lực nào được thực hiện để cách ly các cá nhân hoặc nhóm… và chủ trương là không hủy bỏ hoặc hoãn các cuộc tụ tập lớn" - một nhà dịch tễ học viết trong bài báo khoa học năm 2009.Không phải là ngành y tế Mỹ thiếu thông tin hay kinh nghiệm. Trong dịch 1918, Mỹ từng ban hành các biện pháp y tế công cộng nghiêm ngặt, gồm cả truy vết tiếp xúc, hạn chế sự kiện công cộng và trong nhà, bắt buộc đeo khẩu trang, thậm chí phong tỏa toàn thành phố. Vậy mà hầu như không có biện pháp nào trong số này được dùng để làm giảm đà lây lan H2N2. Một phần là do người ta tin rằng những nỗ lực như vậy là "vô ích" do vi rút lây quá nhanh và dễ dàng, phần nữa vì việc nghiên cứu vắc xin đã được khởi động sớm và về đích cũng nhanh.Ngay trong tháng 5-1957, Dịch vụ y tế công cộng Hoa Kỳ đã cung cấp vi rút nuôi cấy cho các nhà sản xuất vắc xin. Sang tháng sau, một loại vắc xin ước tính có hiệu quả từ 53 đến 60% đã được thử nghiệm. Tháng 7, các tân binh nhập ngũ được tiêm vắc xin và công dân Mỹ chích mũi đầu tiên vào tháng 8. Tổng cộng khoảng 30-40 triệu liều đã được tiêm, nhưng với nhiều người, như thế vẫn là chưa đủ và quá muộn. Điều quan trọng hơn là đại dịch này đã trôi tuột khỏi ký ức tập thể.Trang nhất báo Schenectady Gazette ngày 22 tháng 10 năm 1957. Ảnh tư liệuVì sao ta không nhớ?Theo bài viết "Lịch sử của một đại dịch bị lãng quên" trên trang Yale Insight tháng 1-2021, đại dịch phần lớn đã phai mờ trong ký ức công chúng ở Mỹ, vì hai lý do chính. Đầu tiên là mặc dù có nhiều người chết, tỉ lệ tử vong của dịch này vẫn thấp. Cúm H2N2 được phân loại là đại dịch cấp 2, chỉ hơn một bậc so với cúm mùa và cúm lợn xét theo độ nghiêm trọng hơn. Đại dịch năm 1918 xếp loại 5.Một lý do khác: đại dịch xảy ra ở thời điểm mà xã hội đã quen với bệnh truyền nhiễm hơn và việc các sự kiện đông người vẫn diễn ra, trường học, trung tâm mua sắm vẫn mở cửa khiến họ không thấy có gì bất thường.Trong bài viết cho Nautilus, Keller bổ sung rằng Mỹ nói riêng và cả thế giới nói chung bất ngờ với COVID-19 vì đã lâu không có căn bệnh truyền nhiễm nào dữ dội và chết chóc đến thế, trong khi nửa đầu thế kỷ 20, tỉ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm cao ngất ngưởng - khoảng 200/100.000 người vào năm 1940, 300 vào năm 1930 và gần 1.000 trong đại dịch năm 1918.Sự quen thuộc với cái chết do bệnh truyền nhiễm cho thấy rằng mặc dù ban đầu công chúng có thể đã lo lắng về sự xuất hiện của một chủng cúm mới, nhưng khi sớm nhận ra H2N2 không phải là sự trở lại của năm 1918, họ thôi không lo nhiều nữa. Điều này được phản ánh qua lượng thông tin trên báo đài, theo Catherine Carstairs - một nhà sử học y tế và sức khỏe tại Đại học Guelph ở Canada. "Có nhiều thông tin khi H2N2 bắt đầu lây lan, nhưng đến năm mới (1958) thì về cơ bản không có gì" - cô viết trong công trình nghiên cứu về truyền thông thời đó.Y tá Bệnh viện Montefiore (New York) tiêm phòng cúm năm 1957. Ảnh: Everett Collection Historical/AlamyCarstairs còn đưa ra một giả thuyết táo bạo hơn về nguyên nhân khiến đại dịch H2N2 bị bỏ quên trong lịch sử: nạn nhân của nó - đa số là người già và ốm yếu hơn, thay vì người trẻ như dịch cúm 1918. "Trong xã hội, chúng ta dường như ít quan tâm hơn rất nhiều khi những người lớn tuổi qua đời. Đặt H2N2 cạnh bại liệt, căn bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em sẽ thấy: chúng ta có xu hướng thương tiếc nhiều hơn về sự mất mát của những người mà chúng ta cảm thấy "chưa tới lúc phải chết"" - cô nói.Ngoài ra, việc H2N2 là một chủng cúm cũng khiến người ta thấy bình thường và quen thuộc - ai rồi cũng mắc và rồi cũng sẽ khỏi; nó không kỳ lạ và "kịch tính" như Ebola hoặc bệnh đậu mùa. "Sự mới lạ có xu hướng khắc sâu trong tâm trí mọi người" - nhà sử học về môi trường George Dehner, tác giả quyển Influenza: A Century of Science and Public Health Response (tạm dịch: Cúm: Một thế kỷ của khoa học và ứng phó với sức khỏe cộng đồng), giải thích. Dehner ví người ta thờ ơ với H2N2 như cách con người ở thế kỷ 19 lo lắng về bệnh tả hơn là bệnh lao, mặc dù bệnh lao có số người chết cao hơn.Trở lại với COVID-19, chúng ta có thể nhớ và đau lòng về những cái chết, nhưng ký ức thường in đậm hơn về sự sự gián đoạn trong cuộc sống hằng ngày: phong tỏa, bắt buộc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội.Nhưng có nhớ về nó đã là tốt rồi. Bài học H2N2 cho thấy cần có nỗ lực để ghi nhớ những bi kịch của COVID trong tâm trí công chúng và các nhà hoạch định chính sách, nhằm chuẩn bị và ứng phó hiệu quả khi đại dịch tiếp theo xảy ra, điều chắc chắn sẽ xảy ra. Nói cách khác là đừng bao giờ quên một đại dịch. Ngày 9-8, WHO cho biết EG.5 - biến thể phụ của Omicron đang lưu hành ở Hoa Kỳ và Trung Quốc - được phân loại vào nhóm "biến thể đáng quan tâm". Đánh giá rủi ro của tổ chức này cho biết "các bằng chứng hiện có không cho thấy rằng EG.5 có rủi ro sức khỏe cộng đồng cao hơn so với các biến thể phụ hiện đang lưu hành khác của Omicron". COVID-19 đã khiến hơn 6,9 triệu người thiệt mạng khắp thế giới, với hơn 768 triệu ca nhiễm được xác nhận kể từ khi vi rút xuất hiện, theo Reuters ngày 10-8. Tags: Đại dịchĐường hô hấpĐại dịch cúmThế kỷ 20Y tế thế giớiDịch cúmĐại dịch H2N2Cúm Tây Ban NhaCovid-19
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sắp có các hoạt động đối ngoại quan trọng tại Mỹ, Cuba THANH HIỀN 19/09/2024 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có các hoạt động đối ngoại quan trọng trong chuyến công tác tại Mỹ và chuyến thăm cấp nhà nước Cuba sau đó.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM: ‘Thu phí ở BOT Phú Hữu còn bất cập’ CHÂU TUẤN 19/09/2024 Từ ngày 17-9, BOT Phú Hữu (TP Thủ Đức) bắt đầu thu phí. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp và người dân khu vực tỏ ra bức xúc, cho rằng việc thu phí chưa hợp lý.
Đua mua hàng gia dụng Tupperware của Mỹ khi hãng 78 tuổi tuyên bố phá sản THẢO THƯƠNG 19/09/2024 Tupperware mới nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau nhiều năm kinh doanh thua lỗ.
Israel không kích Lebanon, ngăn chặn được âm mưu ám sát chính khách NGHI VŨ 19/09/2024 Đây là diễn biến mới nhất sau vụ nhiều bộ đàm của nhóm Hezbollah phát nổ hôm 18-9, tiếp nối vụ hàng ngàn máy nhắn tin bất ngờ phát nổ trên khắp Lebanon trước đó.