Con tôi và sự hằn học với thầy cô

VÕ VĂN TẠO 25/04/2004 01:04 GMT+7

TTCN - Mặc dù có đôi chút năng khiếu, con gái tôi phải học thêm cô giáo chủ nhiệm từ năm lớp 3. Chúng tôi buộc phải cho con học thêm vì cháu bị cô giáo “đì” khá trắng trợn và nhiều lần cháu tức tưởi kể lại cách cho điểm và thái độ hết sức ngang trái của cô ở lớp, chỉ vì nhiều bạn của cháu học thêm cô mà cháu thì không.

Phóng to
Vòng tay cô giáo - Ảnh: Tam Mỹ
TTCN - Mặc dù có đôi chút năng khiếu, con gái tôi phải học thêm cô giáo chủ nhiệm từ năm lớp 3. Chúng tôi buộc phải cho con học thêm vì cháu bị cô giáo “đì” khá trắng trợn và nhiều lần cháu tức tưởi kể lại cách cho điểm và thái độ hết sức ngang trái của cô ở lớp, chỉ vì nhiều bạn của cháu học thêm cô mà cháu thì không.

Có lần tôi đến thẳng nhà cô hiệu phó để thẳng thắn góp ý. Cô hiệu phó là người tốt bụng và trong sáng. Cô thông cảm với tôi, bất bình trước hiện tượng trên nhưng cũng thành thật thổ lộ tình tiết tế nhị: cô chủ nhiệm thân với hiệu trưởng, hiệu trưởng lại thân với lãnh đạo phòng giáo dục và lãnh đạo phường. Bản thân cô hiệu phó cũng từng đấu tranh với hiện tượng này nhưng vô hiệu.

Từ lớp 3 đến hết lớp 12, mặc dù luôn là học sinh giỏi nhưng con tôi suốt ngày cứ như cái máy học chạy trên các ngả đường đến các lớp dạy thêm. Cuối lớp 12, lẽ ra ở tuổi dậy thì cháu phải khỏe mạnh nhưng lại ốm yếu, xanh xao và mắt bắt đầu cận. Lúc nào cháu cũng có vẻ tất bật, bơ phờ. Nhiều khi cháu ngơ ngơ như người từ trên cung trăng rớt xuống.

Tôi biết tác hại của việc dạy thêm, học thêm nhưng không thể không cho cháu theo. Hiện tượng giấu kiến thức trên lớp chính thức để về dạy ở nhà đã không còn là cá biệt. Các bộ đề thi, các sách tham khảo được các cơ quan xuất bản của ngành giáo dục phát hành đáp ứng cho kiểu học và thi tuyển đại học những năm qua là động lực buộc phụ huynh phải cho con cái học thêm. Trong “cuộc chơi” này, các cháu có năng khiếu nhưng con nhà nghèo hay ở vùng sâu, vùng xa là kẻ ngoài cuộc, đất nước mất đi không ít những tiềm năng lẽ ra có cơ hội được phát huy.

Tai hại hơn, chúng ta thường nói: nghề giáo là nghề của những “kỹ sư tâm hồn” hay thậm chí giáo dục không chỉ là một nghề thông thường mà là một sự nghiệp cao cả, nhưng “quốc nạn” dạy thêm, học thêm đã làm nhiều thế hệ học sinh sớm thất vọng ở những điều cao đẹp, bởi hằng ngày trước học sinh là các hình ảnh méo mó của không ít thầy cô chạy theo dạy thêm, kiếm tiền, thậm chí làm giàu một cách tàn nhẫn thông qua quyền lực giáo viên.

Năm 1998, con tôi thi vào khoa báo chí Đại học KHXH&NV, Đại học Luật TP.HCM, khoa văn Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Cháu đạt kết quả cao: thủ khoa ban C cao đẳng, á khoa báo chí, đỗ thứ 14 trong 1.500 thí sinh đỗ Đại học Luật. Cả ba nơi điểm môn văn đều từ 8 trở lên. Tôi rất phấn khởi vì cháu thi tốt nhưng tê tái lòng khi nghe cháu nói: con muốn đem phiếu báo điểm thi đến “gí” vào mặt thầy chủ nhiệm.

Tôi bàng hoàng cảm thấy mình và nhà trường đã thất bại trong sự nghiệp đào tạo và giáo dục một con người toàn diện cho tương lai của đất nước, của gia đình. Cháu có thể trở thành một luật sư, một nhà báo giỏi, năng động, nhưng tâm cháu bị mờ mất rồi. Cháu học văn mà chẳng thấm “văn học là nhân học”. Ở thời chúng tôi, không ai dùng từ “gí” đối với thầy cô. Nguyên nhân của thái độ hằn học trên là do cháu chỉ nhận được điểm 6 môn văn trong suốt năm học. Cháu học thêm môn văn ở một thầy giáo khác. Lẽ ra cháu được tuyển thẳng vào đại học vì kết quả thi tốt nghiệp đạt cao, điểm trung bình các môn học trong năm chỉ vì điểm môn văn mà không đạt.

Tuổi thơ phải được học hành, vui chơi, lao động một cách hài hòa, cân đối mới mong trong tương lai có được những công dân phát triển bình thường, toàn diện, khỏe mạnh, thông minh và giàu lòng nhân ái. Học thêm không tạo điều kiện cho trí thông minh phát triển mà tạo thói quen lao động trí óc không theo cách tìm tòi sáng tạo, chỉ dựa vào thời gian nhiều, tiền bạc lắm, dựa vào bộ đề, bài tủ. Học thêm suốt ngày làm thể lực học sinh suy thoái, không còn thời gian phụ giúp gia đình (ngoài thiết thực đỡ đần cha mẹ còn để có được quan điểm lao động đúng đắn và hoạt động thể lực làm cho cơ thể khỏe mạnh, trí óc minh mẫn).

Đáng sợ nhất là học thêm bù đầu bù óc, học sinh chẳng còn thời gian quan tâm đến những người thân trong gia đình, ngoài xã hội. Suốt ngày bận bịu, quay cuồng với học thêm, học sinh sẽ hình thành thói quen thờ ơ, vô cảm với những người thân, bạn bè và xã hội. Nguy hại của dạy thêm, học thêm là hết sức đáng sợ. Hãy nói “không!” với dạy thêm, học thêm như nói “không!” với ma túy... liệu đó có phải là một tiếng kêu trong rừng vắng?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận