Bị cách ly Covid-19 ở Pháp

SÁNG ÁNH 26/03/2020 22:03 GMT+7

TTCT - Câu chuyện của một người bệnh tình cờ phải cách ly vì nghi nhiễm COVID-19 trên đất Pháp.

Ảnh: Sáng Ánh
Ảnh: Sáng Ánh

Đám đông đứng dán mắt vào bảng niêm yết các chuyến bay tắt ngóm. Đây là sân bay lớn nhất thế giới, tuy là nếu tin theo phi cảng quốc tế Dubai thì Istanbul chỉ đứng hàng thứ nhì thôi. Nhưng dẫu sao thì nó cũng mênh mông, mới khai trương chưa đầy một năm và khi hoàn tất giai đoạn cuối vào năm 2025 sẽ tiếp 200 triệu lượt khách mỗi năm. 

Giờ, vào lúc 7 giờ sáng thứ bảy 14-3, cũng còn có người, từng đám nhốn nháo dạt hết từ trái lại sang phía phải trong sảnh. Bảng thông tin bật lên được mấy hàng chữ chớp nháy rồi trước sự thất vọng của hầu hết mọi người, những dòng chữ “hủy chuyến” lại dần hiện lên.

Chiều 13-3, lúc 16 giờ, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ bỗng cho biết là hôm sau, từ 8 giờ sáng trở đi, tức là trong 16 tiếng nữa, sẽ cấm tất cả các chuyến bay từ chín nước châu Âu đến và đi khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Cấm người Âu đến thì đã đành, nhưng còn những người Âu thuộc các nước này đang ở tại Thổ Nhĩ Kỳ thì làm sao về nhà? Họ đổ xô lên mạng tìm vé. Vợ tôi ở trong hoàn cảnh đó, tôi không chứng kiến, và đây là những chuyện cô trực tiếp truyền thanh và truyền hình cho tôi theo dõi.

Trên các nhà mạng, giá vé một chiều từ Antalya (miền nam Thổ Nhĩ Kỳ) tăng từ 200 lên đến 1.650, rồi 2.750 đôla, phải vòng qua ngả Thụy Sĩ hay Matxcơva và thay vì 6-7 tiếng thì trở thành 25 hay 30 tiếng, với 10 giờ chuyển tiếp vất vưởng tại Sheremetyevo. Mà muốn mua còn khó, 4 giờ sáng cô ra phi trường, vật lộn ở quầy, tìm ra một vé 330 đô.

Người Thổ vẫn bình tâm như thường lệ, việc gì đâu đến họ, nhưng khách nước ngoài mất hết lịch sự và kỷ cương, xô đẩy nhau như chạy loạn, giẫm lên nhau tìm đường sống, hay đúng hơn là tìm đường về nước.

Chuyến bay của cô cất cánh lúc 7h30, trước lệnh cấm nửa tiếng đồng hồ và trên máy bay không còn một chỗ. Phi cảng Orly (phía nam Paris) vắng tanh lạnh ngắt và cùng lúc hạ cánh chỉ có chuyến này cùng bốn chuyến từ Bắc Phi.

Các chuyến từ Hoa Kỳ và Trung Đông đã bị hủy mấy ngày trước. Thủ tục cửa khẩu vì vắng khách nên nhanh gọn mất có 5 phút và không có biện pháp y tế nào hết, dù là kiểm tra thân nhiệt hay khai báo đi qua những nước nào và địa chỉ tại Pháp ở đâu. Duy có hải quan ngồi trơ một đám nhìn móng tay mình ngắn dài, bèn xét hỏi tất cả hành khách vì chẳng có chuyện gì để làm.

“Thôi, tôi không mặc đâu”

Trong khi vợ tôi thân gái dặm trường tại đất nước của những tay râu ria Hồi giáo thì tôi đang ở Pháp nằm viện. Chú thích nhân thân: vợ tôi tuy không phải người Thổ nhưng là người Ả Rập, tức thuộc dạng dân tộc cũng râu ria và Hồi giáo không kém.

Chú thích nhân thân nữa: lý do tôi nhập viện ở Pháp chẳng ăn nhập gì đến chuyện dịch COVID-19, mà là vấn đề tim mạch tình cờ trùng hợp với dịch. Nói qua cho nó oách: mỗi năm trên thế giới có 18 triệu người chết vì tim mạch nhé, chứ COVID chưa sánh được đâu.

Sau khi cấp cứu và giải phẫu, tôi được một cô bác sĩ nội trú chuyên khoa gốc Algeria phỏng vấn bệnh tình. Cô này là người hiếm hoi tôi thấy đeo khẩu trang. Tôi có mang theo hồ sơ khám nghiệm hồi tháng 12 qua ở Thái Lan và cô hỏi, theo mẫu đơn để điền sẵn, là trong 6 tháng trước tôi có quá cảnh thêm những nước, vùng lãnh thổ nào?

Tôi đi trở ngược lại, mới đến có Oman, Thái Lan, Đài Loan, Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia… Cô tái mặt, giật nảy người, đứng dậy te tái lật bật đi ra trước khi tôi kịp thành khẩn khai báo là có ghé cả… Trung Quốc! “Thế thì ông phải cách ly và xét nghiệm corona” - cô đứng nói với vào ở cửa phòng.

Vậy là buồng tôi có giấy dán lên cửa, giới hạn một ngày chỉ được một người thăm viếng. Nhân viên bệnh viện lê vào một khay quần áo bảo vệ, xà bông khô và bao tay. Bên cạnh là hai thùng rác to đùng, một thùng thải đồ giặt lại và một thùng đựng đồ truyền nhiễm phải tiêu hủy.

Ngoài cô bác sĩ nội trú nhạy cảm ra, trước và sau khi phát hiện chân trời góc bể của tôi, nhân viên, bác sĩ và y tá… rất lơ là với bệnh dịch. Suốt 7 ngày tôi chỉ gặp một bác sĩ đeo khẩu trang, có lẽ ông cảm cúm thì phải.

Từ khi tôi được liệt vào dạng đối tượng tình nghi, những người có bổn phận ra vào phòng có vẻ khổ sở khi phải mặc áo bảo vệ vào và khi đi ra lại phải cởi vất vào thùng rác “truyền nhiễm”. Trưởng khoa tim mạch khi đến thăm bệnh được nhắc nhở phải mặc áo bèn bảo: “Thôi, tôi không mặc đâu”. Gương của sếp lớn được nhiều người bắt chước và thi đua học tập, các bà mang thức ăn hay lau chùi dọn dẹp tuyệt đối không một ai tuân thủ. Nói rõ áo bảo hộ là một cái áo giấy khoác ngoài ngang đến gối và cột ở bụng, không che giày hay che chân và không có nón che tóc.

Tôi không được đi ra khỏi phòng. Đằng nào thì đây cũng là phòng chăm sóc chuyên sâu (ICU) và tôi 24/24 giờ bị dính bởi 10 sợi dây nhợ đo đủ thứ và dài cỡ 3 mét. Tức là phần chăm sóc bệnh tim mạch của tôi đã hạn chế di chuyển của tôi trong bán kính 3 mét này, thành thử ra chuyện cách ly không được ra khỏi phòng là chuyện thừa.

Tôi không được xuống cafeteria hay sạp báo, không được ra hiên ngồi hóng gió mưa sụt sùi của Paris tháng 3. Về COVID thì tôi được xét nghiệm ngay, bằng 3 cây bông gòn. Kết quả, vì phải cấy hay gì đó, nên chỉ rõ sau 2-3 ngày. Kết quả đợt một là âm tính, nhưng cách ly vẫn được duy trì, dù càng lơ là hơn. Trên nguyên tắc, tôi phải xét nghiệm 3 lần, mỗi lần 3 mẫu để xác quyết chắc chắn.

Hết ăn nhà hàng, hết cả du lịch

Cô bạn đến thăm nhíu mày kêu “anh làm em đau chân!”. Vì khi cô vào phòng, tôi có đá vô giày cô một cái, là kiểu chào hỏi mới chống truyền nhiễm của giới teen. Tôi đã qua tuổi teen lâu rồi, cô cũng thế, nhưng con cô thì 17 tuổi và đang lớp chót phổ thông.

Cô kể khi Tổng thống Pháp Macron hôm thứ sáu tuyên bố sẽ đóng cửa tất cả các trường học thì cả con phố nơi cô ở đồng loạt reo mừng vang dội, y như khi Pháp vừa thắng giải World Cup năm nào! (Chú thích: World Cup là vào mùa hè, khi các hộ để cửa sổ mở và hiện thì Paris chưa vào xuân, trời khoảng 10 độ C và tấm tức mưa, nên nhiều nhà vẫn kín mít và bật sưởi, nhưng vẫn không ngăn nổi lời hoan ca của những thanh niên không phải đi học!).

Thứ bảy, theo tin ngoài đưa vào thì hàng quán chật ních, vì sang chủ nhật tất cả các quán nước và hàng ăn, cửa hàng mua sắm không cần thiết sẽ phải đóng cửa. Người Pháp tiêu nhiều tiền vào hai chuyện. Mỗi năm họ có 5 tuần phép và mỗi tuần lao động 35 giờ.

Vì như vậy thường là bất tiện cho công sở, cơ quan, hàng quán nên một số lớn vẫn lao động 40 tiếng một tuần. Số 5 tiếng/tuần dư ra được tích lũy và trở thành thêm 5 tuần phép nữa mỗi năm. Lao động Pháp nghỉ phép vậy là 10 tuần mỗi năm và họ tiêu tiền vào du lịch. Trong năm, sở thích của họ là ra ngoài ăn uống, lê la quán nước, cà phê.

Đại dịch này đánh trúng ngay cả hai sở thích hàng đầu đó. Không được đi du lịch nước ngoài, giờ lại thêm không được đi ăn nhà hàng! Phần tôi thì bị xích vào máy đo tim mạch và ăn xúp rau của bệnh viện, nên không được chia sẻ mất mát này của quần chúng.

Tôi được tin xuất viện vào chiều chủ nhật. Bác sĩ cho biết là cái gì cũng thông suốt cả, mọi việc rất tốt, thứ hai tôi sẽ được “thả”. Ông không có vẻ nghi ngờ kết quả xét nghiệm COVID đợt hai của tôi và có vẻ phiền hộ cho tôi phải ở lại thêm vài ba ngày.

Tôi thì thấy phiền cho hệ thống y tế Pháp. Việc tim của tôi là chuyện giải quyết ổn thỏa tối đa mất 5 ngày. Ba ngày thêm là đợi kết quả COVID và buồng ICU này tại Mỹ giá là 8.000 USD x 3 = 24.000 USD.

Tại Pháp thì miễn phí hoàn toàn nên tôi không rõ giá được, trong khi viện ở Mỹ trên hóa đơn đề giá tính từng hộp khăn lau tay. Nhưng dù miễn phí thì vẫn không phải là lý do để tôi gánh thêm 24.000 đôla cho hệ thống mà Pháp gọi rất hay là “Trợ giúp công cộng” (Assistance publique) để chỉ các dịch vụ y tế và nhà thương.

Sáng thứ hai, ngày 16-3, khi tôi xuất viện, bác sĩ trực nhún vai, việc xét nghiệm COVID hai lần và 6 mẫu thử nghiệm tôi đều âm tính, thì ra cho rồi, không phải thử lần ba theo quy định. Bên ngoài đời, nước Pháp đang sửa soạn đi vào giai đoạn gay gắt, sau đóng trường lớp và hàng quán, nào ai biết, sẽ có giới nghiêm và hạn chế di chuyển như Ý?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận