Bù đắp carbon: Vì môi trường hay thanh thản bản thân?

TRẦN PHƯƠNG 19/12/2019 23:12 GMT+7

TTCT - Nếu các ngành công nghiệp phải giải bài toán “bắt và giữ” CO2 thì ở góc độ cá nhân, cắt giảm dấu chân carbon (carbon footprint) hay tham gia các chương trình bù đắp carbon (carbon offset) đang là xu hướng để mỗi người đóng góp vào nỗ lực chung nhằm chống biến đổi khí hậu.

Chi tiền cho các dự án bù đắp carbon chỉ là để mua lấy cảm giác yên tâm? Ảnh: FT
Chi tiền cho các dự án bù đắp carbon chỉ là để mua lấy cảm giác yên tâm? Ảnh: FT

Dấu chân carbon có thể hiểu là lượng CO2 gây hại cho môi trường mà mỗi người phát thải ra. Chỉ cần tìm kiếm một chút trên Google, người ta có thể tìm thấy nhiều mẹo, hướng dẫn để mỗi cá nhân cắt giảm dấu chân carbon: ăn ít thịt đỏ, mua bóng đèn, thiết bị tiết kiệm điện, bớt tiêu thụ sản phẩm gây ô nhiễm, sử dụng xe điện...

Theo một số nghiên cứu, từ bỏ máy bay là một trong những hành động hiệu quả nhất giảm khí thải ô nhiễm môi trường của mỗi cá nhân. Một trong những người cổ vũ mạnh mẽ phong trào này bằng hành động thực chất là Greta Thunberg, nữ sinh 16 tuổi người Thụy Điển nổi tiếng với các hoạt động vì môi trường.

Hồi tháng 8-2019, Thunberg gây xôn xao khi đi du thuyền sử dụng năng lượng mặt trời và tuôcbin phát điện dưới nước trong 14 ngày từ Anh đến Mỹ để dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc, và mới đây tiếp tục dong thuyền đến COP25.

Tuy nhiên, việc từ bỏ những tiện nghi, đặc biệt là máy bay, không phải là điều dễ dàng, nếu muốn nói là không tưởng. Với những người quan tâm đến môi trường nhưng không muốn từ bỏ những tiện nghi trong cuộc sống hay không thể không sử dụng máy bay, có một cách dễ dàng hơn việc dong tàu xuyên Đại Tây Dương: chi tiền cho các dự án bù đắp carbon.

Các dự án này sẽ bán tín dụng carbon (carbon credit), tương đương 1 tấn CO2 cam kết được loại bỏ, cho người mua và số tiền thu được sẽ chuyển cho các chương trình trực tiếp hành động để giảm phát thải (chẳng hạn trồng rừng, phát triển năng lượng sạch). Mức giá của dạng tín dụng carbon này có thể thay đổi tùy theo dự án sử dụng.

Chi tiền “vì môi trường”

Không khó để tìm hiểu những chương trình giúp giảm dấu chân carbon cá nhân với chi phí không quá đắt đỏ như nhiều người nghĩ. “Bạn có thể bù đắp toàn bộ dấu chân carbon của mình chỉ với 20 USD mỗi tháng” - tác giả Devin Thorpe khẳng định trên tờ Forbes.

Rất đơn giản, người dùng Internet chỉ cần tìm kiếm các công cụ đo dấu chân carbon trên mạng, điền vào các thông tin như nơi ở, phương tiện đi lại, thiết bị sử dụng, phong cách sống, ăn uống… để xác định mình thải ra môi trường bao nhiêu khí thải và tìm các trang bù đắp carbon, chẳng hạn như Cool Effect, để góp tiền.

Cool Effect đưa ra nhiều dự án hỗ trợ môi trường, từ trồng cây, xây bếp sạch đến chế tạo máy biến khí thải thành năng lượng, để những người yêu môi trường có thể rót tiền với chi phí chỉ từ 3,3 USD nhằm “bù đắp” cho mỗi tấn carbon mà họ phát thải, hoặc 129,98 USD/năm.

Tương tự, trang Terrapass cũng đưa ra gói 179,64 USD/năm để giúp người dùng giảm dấu chân carbon, và số tiền được cam kết sẽ dùng cho các dự án thân thiện với môi trường như phát triển năng lượng sạch.

Nhiều hãng hàng không cũng đang tham gia mạnh vào việc cắt giảm khí thải trước bối cảnh số người sử dụng máy bay trên toàn cầu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040, khiến lượng khí thải mà ngành hàng không “đóng góp” cho môi trường sẽ tăng mạnh.

Bên cạnh các ý tưởng thu thuế sinh học, cải tiến máy bay hay thậm chí phát triển máy bay điện, nhiều hãng hàng không dự kiến mở rộng chương trình để hành khách đóng tiền “bù đắp” lượng khí thải sinh ra từ chuyến bay. ICAO cũng phát triển Cơ chế giảm và bù đắp carbon đối với hàng không quốc tế (CORSIA) nhằm ổn định lượng phát thải carbon từ năm 2020, và giảm dần trong những thập niên sao đó.

Tuy nhiên, việc chi tiền cho các dự án bù đắp carbon liệu có hiệu quả? Câu trả lời còn khá mơ hồ và người mua có nhiều điều cần cân nhắc. “Để đảm bảo tiền của bạn đến được với dự án xứng đáng, hãy tìm các chứng nhận từ phía kiểm toán hay các tổ chức tiêu chuẩn như Gold Standard hay Green-e trên website của các công ty và tổ chức phi lợi nhuận liên quan đến việc bù đắp carbon” - The New York Times khuyên.

Chỉ để thanh thản lương tâm?

Đã có ý kiến hoài nghi tính hiệu quả của các chương trình bù đắp carbon, và các hệ thống bù đắp carbon cũng còn nhiều kẽ hở. Phóng viên Lisa Song của tờ ProPublica trong bài viết hồi tháng 5 cũng chứng minh rằng nhiều dự án kêu gọi đóng góp của những người muốn cắt giảm dấu chân carbon thật ra hoạt động không hiệu quả, và chỉ tồn tại như công cụ để tăng khoản tiền đóng góp. Do không có bên thứ ba chứng nhận, hiệu quả của các dự án này có thể bị thổi phồng.

Chưa kể một số công ty như Công ty năng lượng WGL Energy vừa bán tín dụng carbon vừa bán khí đốt và năng lượng gây ô nhiễm môi trường. “Nói chung, rõ ràng là trả tiền cho tín dụng carbon không giúp người mua giảm dấu chân carbon, mà chỉ khỏa lấp cảm giác tội lỗi của người tiêu thụ” - Paulina Enck của tờ The Federalist viết.

Theo các chuyên gia, việc quá tập trung vào các hành động cá nhân có thể ảnh hưởng đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu và gây mất tập trung vào các giải pháp quy mô lớn như chính sách của chính phủ, hành động của các doanh nghiệp.

“Tập trung vào sự lựa chọn trong đi lại và tiêu thụ thịt của các cá nhân sẽ làm tăng nguy cơ giảm bớt sự chú ý cần có vào các vấn đề lớn hơn như sự phụ thuộc quá lớn vào năng lượng hóa thạch trong vận tải và năng lượng, vốn chiếm gần 2/3 phát thải toàn cầu” - nhà khoa học môi trường Michael Mann viết trên tờ Times.

Tương tự, nhà khoa học Mỹ Katharine Hayhoe đặt câu hỏi rằng nếu nhìn vào các con số như ngành hàng không chiếm 3% phát thải khí nhà kính toàn cầu, còn ngành chăn nuôi chiếm 14% thì liệu hành động cá nhân có quan trọng? “Câu trả lời là có, nhưng các lựa chọn cá nhân nên là động lực hướng đến thúc đẩy thay đổi có tính hệ thống” - Hayhoe tự trả lời.

Liên quan đến vấn đề nên tập trung vào thay đổi cá nhân hay cấp vĩ mô trong việc hành động vì môi trường, cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore từng phát biểu: “Việc đổi loại bóng đèn cũng rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là thay đổi các chính sách và luật ở các quốc gia và nơi mà chúng ta sống”.■

Giảm dấu chân carbon sẽ hạnh phúc hơn?

Những cá nhân tích cực tham gia bảo vệ môi trường không chỉ giảm dấu chân carbon mà còn sống hạnh phúc hơn, một nghiên cứu nhỏ ở châu Âu cho biết. Nghiên cứu đăng ở tạp chí Energy Research & Social Science thực hiện trên 141 người tại nhiều nước châu Âu.

Những người này thường giảm ăn thịt, mặc quần áo cũ, giảm tiêu thụ điện và sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Điều quan trọng là những việc này không ảnh hưởng đến hạnh phúc của họ, mà ngược lại phần lớn đều cảm thấy hài lòng với cuộc sống hơn những người khác.

“Thông thường khi giàu hơn, người ta có khuynh hướng nâng các tiêu chuẩn sống vật chất, tiêu thụ nhiều hơn và thải ra nhiều khí hại môi trường hơn. Nhưng nhóm này giảm tiêu thụ dù thu nhập của họ tăng. Việc tiêu thụ ít đi không khiến họ bớt vui” - nhà sinh thái học người Hà Lan Gibran Vita, một trong các tác giả nghiên cứu, nói.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng thừa nhận rằng việc trông đợi mọi người tự nguyện bảo vệ môi trường là “phi thực tế”, mà “chúng ta cần xã hội, thành phố và cộng đồng đưa ra những lựa chọn sống ít carbon như một điều mặc định”.

Tại Việt Nam, hành khách của Hãng Jetstar cũng có thể tự nguyện “bù đắp” phát thải thông qua chương trình Trung hòa khí carbon khi mua vé máy bay. Hãng cam kết toàn bộ số tiền thu được sẽ sử dụng để hỗ trợ các dự án trong và ngoài nước với mục tiêu giảm thiểu tác động của hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường sống cho động vật có nguy cơ tuyệt chủng, hoặc hỗ trợ các trường học ở các nước đang phát triển.

Chương trình được chứng nhận trong Tiêu chuẩn đền bù khí carbon quốc gia (NCOS) của Chính phủ Úc. Theo trang của Bộ Môi trường và năng lượng Úc, chứng nhận này nhằm hướng tới các mục đích nâng cao ý thức khách hàng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tiết kiệm năng lượng…

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận