"Đừng chỉ sống trong một cửa sổ hiển thị"

QUẾ VIÊN 28/01/2013 23:01 GMT+7

TTCT - Thông điệp chào năm mới của nữ hoàng Đan Mạch phát đi trên truyền hình vào đúng 18g ngày 31-12-2012 đã có tới 15 phút nhắc nhở giới trẻ về những mặt lợi - hại của truyền thông xã hội.

Nữ hoàng Margrethe rất được thần dân yêu mến và kính trọng nên nhận xét của bà nhanh chóng trở thành đề tài tranh luận sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân, từ sinh viên học sinh, báo chí cho tới những nhà hoạt động xã hội, các chuyên gia xã hội học...

Theo nữ hoàng Margrethe, 72 tuổi, thì: “Các hình thức truyền thông hiện đại, với mạng Internet và Facebook, có nhiều cơ hội lớn nhưng cũng có những nguy hiểm liên kết với nó”. Và những người trẻ tuổi có thể trở nên quá mải mê trong đó “như thể họ đang sống trong không gian mạng trong khi thực tế là (họ) sống trong một loại cửa sổ hiển thị, nơi mà bề ngoài được chú trọng hơn là bản ngã”.

Đan Mạch là quốc gia có tỉ lệ phổ cập Internet rất cao. 55,51% dân số có tài khoản trên Facebook (cao hơn Anh, Mỹ, Canada, Thụy Điển) và con số này tăng đều đặn khoảng 2,5% mỗi quý. Trong năm qua, các doanh nghiệp, tổ chức công và tư tại đây đã phải áp dụng những biện pháp hầu hạn chế việc cán bộ công nhân viên vào Facebook trong giờ làm việc vì tình trạng này đã gây thiệt hại nhiều tỉ kroner trong năm 2011.

Nhiều trường học cũng than phiền chuyện học sinh, học viên vào Facebook tán chuyện trong giờ học. Đó là chưa kể tới trường hợp những kẻ ẩn danh dùng mạng xã hội làm phương tiện để dụ dỗ trẻ em, quấy rối, hăm dọa, hạ nhục người khác.

Chia sẻ trên Twitter, nhiều thanh niên cho rằng nữ hoàng Margrethe, cũng như những người cùng thế hệ, không hiểu hết những tiện ích của Facebook, Twitter, Instagram nên thường e sợ khi thấy những người trẻ ngồi hàng giờ trước máy tính. Cũng có người như nữ sinh Vera Rosenbeck, chủ tịch Hội Học sinh Đan Mạch, cho rằng nữ hoàng có lý vì những người kết nối trên mạng cũng phải biết bảo vệ mình trước kẻ xấu.

Trong xã luận ngày 4-1, Jesper Beinov, biên tập viên văn hóa của nhật báo Berlingske, nhận xét là cùng với báo chí, mạng và các mạng xã hội hiện nay đang đóng vai trò các diễn đàn dân chủ của công chúng, tương tự các “salon” của giới trí thức trong thế kỷ 18. Tuy vậy những thế hệ lớn tuổi sẽ có phản ứng khác với thế hệ sinh ra và lớn lên cùng với mạng xã hội.

Trong khi đó nhiều chuyên gia tâm lý, xã hội học tán đồng quan điểm của nữ hoàng Margrethe. Theo chuyên gia tâm lý Henrik Day Poulsen trên tờ Berlingske ngày 3-1, hành vi giao tiếp qua màn hình máy tính sẽ khiến người ta có nguy cơ trở nên “chai sạn và tự cho mình là trung tâm” vì “một phần lớn trí thông minh xã hội của con người có được là do giao tiếp trực tiếp cùng với những quy luật bất thành văn của nó về ngôn từ, ngữ điệu”.

Nhà văn nữ Pernille Tranberg thì cảnh báo giới trẻ về chuyện đưa lên mạng những hình ảnh nhạy cảm của mình vì những dữ liệu này sẽ theo họ suốt cuộc đời (Berlingske 5-1-2013). Ngay cả Eric Schmidt, chủ tịch điều hành của Google, khi trả lời phỏng vấn của Reuters cũng lưu ý các bậc phụ huynh phải dạy con cái cách tự bảo vệ sự riêng tư của mình trong thế giới số trước khi dạy chúng về tình dục an toàn!

Cá nhân tôi cũng hay vào mạng để nối kết với thân nhân, bạn bè, đồng nghiệp nên nhất trí với quan điểm của nhà báo Jesper Beinov là cuộc sống, dù trong thế giới ảo, thế giới số, song hành với cuộc sống thực, vẫn cần yếu tố văn hóa và những gì có thể giúp không gian công cộng này trở nên nhân bản hơn. Đó là điều mà nhiều người trong chúng ta dễ dàng quên đi khi đối diện với màn hình tuy không vô tri nhưng vô giác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận