Hai nỗi lo mang tên thiên thạch

TTCT - Chỉ trong vòng một tuần của tháng 2, các nhà thiên văn học đã cảnh báo về hai thiên thạch có khả năng đâm vào Trái đất.

Phóng to

Minh họa trên space.com về những thiên thạch gần Trái đất để nhấn mạnh nhu cầu cần có hệ thống nhận thức tình huống vũ trụ - Ảnh: ESA

2011 AG5, sau 28 năm?

Gần đây nhất là thông tin được Nhóm hành động Liên Hiệp Quốc về các vật thể gần Trái đất (NEO) đưa ra ngày 27-2, cho biết thiên thạch có tên 2011 AG5, đường kính 140m, đang trên một quỹ đạo ngày càng gần và có thể va vào Trái đất sau 28 năm nữa, tức vào năm 2040. Đề tài về thiên thạch 2011 AG5 đã được đưa vào thảo luận trong khóa họp thứ 49 của tiểu ban khoa học kỹ thuật thuộc Ủy ban Sử dụng hòa bình khoảng không vũ trụ Liên Hiệp Quốc (COPUOS), theo space.com.

Thiên thạch này được các nhà quan sát ở Tucson, Arizona (Mỹ) phát hiện vào tháng 1-2011. Tuy đã đo được kích cỡ của thiên thạch, nhưng khối lượng cũng như thành phần của nó vẫn chưa được biết. Tin tốt là đến nay các nhà khoa học chỉ mới quan sát được một nửa quỹ đạo của thiên thạch này, nên 2011 AG5 chưa phải là mối đe dọa thật sự, theo lời của khoa học gia Hà Lan Detlef Koschny thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu.

Theo ông, hiện mức quan tâm của các nhà khoa học chỉ mới ở chỗ báo cho Đài thiên văn Nam Âu để mắt sao cho các kính viễn vọng dành thời gian nhiều hơn cho việc định vị được tảng đá vũ trụ này. Còn theo Donald Yeomans - người đứng đầu chương trình quan sát các vật thể cận Trái đất của NASA ở California, xác suất 2011 AG5 va vào Trái đất ngày 5-2-2040 là 1/625! Sự dè dặt của các nhà khoa học là do họ chỉ mới quan sát được 2011 AG5 trong thời gian ngắn: chín tháng đầu của năm 2011.

Các chỉ số hoàn toàn có thể bị thay đổi một khi họ nghiên cứu chi tiết hơn. Các nhà khoa học sẽ tiếp tục dõi theo thiên thạch này trong quãng từ năm 2013-2016. Nếu họ nhận thấy nguy cơ va vào Trái đất không giảm, một chương trình để thay đổi đường đi của thiên thạch sẽ được đưa ra trước thời điểm “lỗ khóa” (tạm dịch từ keyhole) năm 2023. “Lỗ khóa” trong thiên văn là những vùng nhỏ trong khoảng không gần Trái đất mà qua đó quỹ đạo của một vật thể gần Trái đất có thể bị gây nhiễu nhờ hiệu ứng của lực hấp dẫn.

Thiên thạch 2012 DA14 và năm 2013?

Chưa đầy một tuần trước đó, các nhà thiên văn học của trạm thiên văn de La Sagra (Tây Ban Nha) ngày 23-2 đã phát hiện một thiên thạch với quỹ đạo bay gần như giống quỹ đạo quay của Trái đất quanh Mặt trời. Thiên thạch này được đặt tên là 2012 DA14, có đường kính 40-95m, thuộc nhóm Apollo của các thiên thạch gần Trái đất (nhiều trong số các thiên thạch này có khả năng va vào hành tinh chúng ta).

Nghiên cứu đường bay của 2012 DA14, các nhà khoa học dự báo đến năm 2013 tiểu hành tinh này sẽ dần tiếp cận và còn cách Trái đất chỉ 26.900km vào ngày 15-2-2013, tức gần Trái đất còn hơn các vệ tinh trên quỹ đạo địa tĩnh vốn nằm cách Trái đất 35.700km. Họ vẽ ra hai phương án: 1) hoặc tiểu hành tinh này sẽ bay vào vũ trụ và không đe dọa Trái đất; 2) hoặc 2012 DA14 sẽ va vào Trái đất.

Nếu điều này xảy ra, hậu quả sẽ sánh ngang vụ thiên thạch Tungusk rơi xuống tây Siberia (Nga) năm 1908. Sức mạnh của vụ nổ ước tính tương đương 10-15 triệu tấn TNT hay 1.000 lần khối lượng bom nguyên tử đã hủy diệt thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945 (*).

“Hiện tượng” Tungusk

Thật ra cho đến nay, một số nhà khoa học vẫn sử dụng cụm từ “hiện tượng” Tungusk thay vì xác định có một thiên thạch va vào Trái đất năm 1908. Trên trang wikipedia, cụm từ “thiên thạch Tungusk” được định nghĩa là một “vật thể giả định có nguồn gốc sao chổi, được cho là nguyên nhân gây ra vụ nổ trong không trung trên sông Podkamennaya của Tungusk ngày 17-6-1908.

Vụ nổ mạnh tới 40-50 megatonn, với năng lượng phóng ra tương đương một quả bom khinh khí mạnh nhất”.

Theo lời kể của các nhân chứng được ghi lại, vào 7g trên vùng lòng chảo Yenisei của Siberia, một quả cầu lửa lớn bay từ phía đông nam về hướng tây bắc, kết thúc bằng một tiếng nổ lớn ở độ cao 7-10km trên vùng rừng Taiga không có người ở.

Làn sóng do vụ nổ gây ra đã được các đài thiên văn khắp thế giới ghi nhận được, trong đó có cả những đài thiên văn ở tây bán cầu. Kết quả, cây cối bị đổ rạp trong phạm vi hơn 2.000km2, kính của các căn nhà cách xa trung tâm vụ nổ hàng trăm cây số cũng bị vỡ. Trong vài ngày sau đó, trên một lãnh thổ rộng lớn từ Đại Tây Dương tới trung tâm Siberia, người ta nhận thấy bầu trời và những đám mây sáng hơn bình thường.

Các nhóm nghiên cứu được cử tới hiện trường, bắt đầu từ chuyến thám hiểm năm 1927 do nhà nghiên cứu L. A. Kulik dẫn đầu. Tuy các vật thể chứng minh sự hiện diện của hành tinh Tungusk không được tìm thấy ở số lượng đáng kể, nhưng đã phát hiện thấy những viên tròn li ti bằng silicate, có từ tính, đồng thời có những thành phần hóa chất chỉ ra khả năng xuất hiện của thiên thể.

Nhóm nghiên cứu của Kulik đã thực hiện sáu chuyến nghiên cứu hiện trường, tuy nhiên những gì họ tìm thấy phần lớn là thu thập thông tin từ các nhân chứng và nơi xảy ra vụ việc. Thí dụ, tại nơi được cho là thiên thạch rơi xuống, trung tâm vụ nổ, rừng vẫn tồn tại và không có hố sâu do thiên thạch rơi xuống gây ra.

Tuy nhiên, chuyến thám hiểm tiếp theo của nhóm Kulik không thể tiếp tục vào năm 1942 do bùng nổ cuộc chiến tranh vệ quốc. Kết quả các công trình nghiên cứu của L. A. Kulik đã được học trò ông (do Kulik đã hi sinh trong chiến tranh) tổng kết năm 1949 trong quyển Thiên thạch Tungusk.

__________

(*): http://spacefellowship.com/news/art27803/tunguska-sized-asteroid-homing-on-earth.html.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận