Nước Đức lỡ nhịp công nghệ cao ?

LÊ QUANG 10/07/2018 22:07 GMT+7

TTCT - Cỗ xe tăng Đức vì khói đen quay đầu về nhà ngay tại vòng đấu loại World Cup, một nỗi thất vọng lịch sử. Nhưng nước Đức không chỉ lỡ chuyến du hành tương lai trên sân cỏ Kazan, mà cường quốc công nghiệp và khoa học ngày nào đã ngủ quá lâu trên vinh quang dĩ vãng và đang đứng trước mối đe dọa tụt hậu ngay trong cuộc cách mạng 4.0 nếu không kịp thời thức tỉnh, bắt đầu từ công việc đi chợ hằng ngày.

Nước Đức vẫn bị ám ảnh bởi tiền mặt - Ảnh: Depositphoto.com
Nước Đức vẫn bị ám ảnh bởi tiền mặt - Ảnh: Depositphoto.com

Thanh toán di động: câu thần chú lạ lẫm

Người Đức cười rất nhạt khi nói về chính mình: Đức là đất nước của tiền mặt. Cả thế giới này đã chuyển sang tiền nhựa (thẻ) hoặc tiền ảo, thậm chí bằng điện thoại thông minh mà không cần dừng lại quá một phút ở quầy thu ngân, trong khi chỉ khoảng 27% giới trẻ ở Đức - tức người dưới 35 tuổi, vốn thạo kỹ thuật và ham công nghệ mới - dám hình dung ra cuộc sống không có tiền mặt.

Tiền mặt hay thẻ? Đó là câu hỏi mà mỗi ngày hàng triệu nhân viên thu ngân siêu thị hay phục vụ bàn hoặc bán hàng Đức đưa ra cho “thượng đế”. Và câu trả lời chiếm số đông là: tiền mặt. Tiền giấy và tiền xu sau mấy thập kỷ, từ khi có đồng tiền euro, vẫn là lựa chọn số một.

Không quốc gia nào trong cộng đồng tiêu đồng tiền chung Eurozone lại thấy người tiêu dùng giắt lưng nhiều tiền mặt như Đức: bình quân 100 euro (1 euro khoảng 27.000 đồng) trong ví!

Đã đành người Đức không hề cô đơn trong vị thế lạc hậu này; một cuộc thăm dò của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hồi năm 2016 cho biết 92% các cuộc mua bán ở Malta dùng tiền mặt, 88% trên đảo Síp, 87% ở Tây ban Nha, và 86% ở Ý.

Tuy nhiên, đó đều là các nước có chỉ số phát triển khoa học và công nghệ kém xa Đức. Nêu tên Đức cùng với các nước ấy trong cùng một câu là chuyện khó hình dung, tựa như tin đương kim vô địch túc cầu thế giới bị một đội châu Á đá văng khỏi cuộc thi World Cup ở vòng gửi xe, ấy nhưng chuyện đó, như ta đã chứng kiến, có thật mười mươi.

Cứu tinh hiện lên ở đường chân trời và mang tên Google với kỹ nghệ mới mang tên “thanh toán di động” (mobile payment). Kỹ thuật Google Pay bao gồm các tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, thẻ tích điểm… và người tiêu dùng chỉ việc gí điện thoại di động vào cái máy đọc to bằng nắm tay là tiền tự động nhảy sang túi chủ mới.

Nhưng lời mời ngọt ngào của Mark Zuckerberg có vẻ không được người Đức mặn mà chào đón. Vô số siêu thị Đức, kể cả nhà hàng và nơi gửi xe, kiên quyết không chịu sử dụng Google Pay. Rất nhiều người Đức không có thẻ tín dụng mà chỉ dùng thẻ ghi nợ vì đó cũng là phương tiện rút tiền ở cây ATM toàn Liên minh châu Âu (EU).

Thống kê năm 2017 cho thấy 74% các cuộc mua bán dùng tiền mặt, với số tiền dưới 5 euro, thậm chí đến 96%. Chỉ khi phải trả trên 50 euro, người Đức mới chịu rút thẻ nhựa.

Thử nhìn qua bên kia cái ao to Đại Tây Dương. Dân Hoa Kỳ từ nhiều thập kỷ nay trả tiền một tách cà phê vỉa hè cũng bằng thẻ tín dụng. Cả châu Âu cũng chuyển mình từ lâu, trừ mấy nước nghèo như Malta hay Síp. Bắc Âu và châu Á thậm chí còn giữ vị trí tiên phong và rất phổ biến giao dịch bằng điện thoại thông minh và mã QR.

Mỹ có một đơn vị cạnh tranh gay gắt với Google Pay là Apple Pay. Hai hệ thống có nền tảng kỹ thuật khá giống nhau: khách hàng Mỹ được nhà băng của mình cấp cho thẻ ảo để trả tiền qua kỹ thuật số và có thể thanh toán cả ở châu Âu.

Nhưng người Đức vẫn “kiên cường” lắm: Công ty tư vấn Oliver Wyman vừa thăm dò ý người Đức trong tháng 4 mới đây cho thấy chỉ 33% người Đức sẵn sàng dùng điện thoại thông minh để trả tiền, và 44% từ chối thẳng thừng. Hi vọng Google Pay thay đổi quan điểm đó là khá mỏng manh.

Hiện chỉ có hai nhà băng truyền thống và một ngân hàng trực tuyến đưa kỹ thuật mới vào sử dụng. Mùa thu này, nghe đồn Apple Pay bắt đầu mời khách Đức, trong khi ở xứ cờ hoa nó là thành công vũ bão với máy đọc ở hơn 50% cửa hàng, thậm chí người dân New York trả tiền tàu điện ngầm cũng bằng iPhone. Apple Pay đã chiếm lĩnh thị trường ở 20 quốc gia, gần đây nhất là Ba Lan và Ukraine. Chỉ có Đức là vẫn khó nhằn.

Vì sao người Đức ưa tiền mặt?

Các nhà nghiên cứu xã hội học tương đối đồng thuận ở một nhận xét: quá khứ bị dò la vào tận buồng ngủ và ví tiền thời Quốc xã và Stasi (cơ quan mật vụ Đông Đức) khiến dân Đức có thói quen nghi ngại, họ không muốn các giao dịch bằng thẻ để lại dấu vết điện tử, cho dù đa phần vô hại.

Người Đức có khái niệm cửa miệng “người tiêu dùng thủy tinh”, tức là nhà nước hay các thế lực nào đó có thể nhìn xuyên thấu và biết hết về họ. Đó chính là lý do cho niềm ác cảm hay lo ngại, không muốn nhà nước theo dõi được dòng tiền và sở thích mua bán của mình.

Họ lo ngại cũng đúng: Google vừa phải thú nhận đã bán dữ liệu khách hàng cho Alibaba. Thêm vào đó là tâm lý sợ mất kiểm soát khi vô tư quẹt thẻ, người ta sẽ không ý thức được là mình đã chi bao nhiêu, khác với động tác đếm từng tờ giấy hay nhặt nhạnh từng đồng xu kim loại mang tới cảm nhận rõ ràng là đồng tiền vẫn liền khúc ruột. Hiện tại các cửa hàng nhỏ ở Đức cũng chỉ nhận số tiền lớn qua thẻ, vì phần trăm phải trả cho đơn vị phát hành thẻ khá cao.

Cho dù thẻ tín dụng hay ghi nợ đã có chỗ đứng ngày càng vững hơn, người Đức còn lâu mới từ bỏ thói quen của mình. “Tôi có niềm tin sắt đá là tiền mặt còn tồn tại rất lâu nữa” - ông Carl-Ludwig Thiele nhận định, và ở cương vị chủ tịch hội đồng quản trị của Ngân hàng Liên bang Đức, ông Thiele biết mình nói gì! Người nào cũng biết những đồng 1 hay 2 xu euro không đắt bằng vật liệu làm ra nó, song chẳng ai chịu thiếu nó trong ví.

Không biết bao lần giới thương mại Đức hô hào làm tròn giá hàng để khỏi dùng xu lẻ, nhưng tình hình không mảy may thay đổi. Trung tâm bảo vệ người tiêu dùng của bang Sachsen mới đây nhòm vào 1.000 tài khoản thanh toán và nhận ra chỉ 3% trả tiền đi chợ bằng điện thoại thông minh.

Thái độ bảo thủ của dân Đức còn đem lại hệ quả tiêu cực khác. Tính đến cuối năm 2017, trong toàn bộ Eurozone có chừng 21,4 tỉ tờ tiền euro được lưu hành, nhiều hơn năm 2016 hơn 1 tỉ tờ, và gấp ba số lượng của năm 2002 là thời điểm bắt đầu sử dụng đồng euro. Công nghiệp in tiền không lo thiếu việc. “Lượng tiền mặt không giảm đi mà ngày càng tăng” - giám đốc nhà máy in tiền Giesecke & Devrient lớn nhất thế giới, ông Ralf Wintergerst, cho biết.

Tiền tươi thóc thật

Nước Đức sau Thế chiến II có ngành đường sắt dẫn đầu châu Âu, do đó họ không có kế hoạch trung và dài hạn nhằm hiện đại hóa đường sắt. Nhà nước cũng nhiều năm không chịu nhả độc quyền ở một số lĩnh vực quan trọng khác, ví dụ bưu điện. Quá trình tư nhân hóa và cổ phần hóa các lĩnh vực đó diễn ra quá muộn và chậm chạp, để hôm nay dịch vụ bưu điện và đường sắt bị người tiêu dùng kêu ca nhiều nhất.

Người Đức có quyền yên tâm là thư bỏ vào hòm trước 12 giờ sẽ đến bất cứ địa chỉ nào trên đất Đức, song hễ mất thư bảo đảm thì đôi khi không biết hỏi ai, mặc dù thư có in mã vạch và được theo dõi đường đi qua máy tính. Bên cạnh con tàu tốc hành ICE4 với 250km/h và trang bị hiện đại là ngót 1 triệu đơn khiếu nại đủ kiểu mỗi năm từ khách hàng…

Tâm lý ngờ vực, hay than phiền, cầu toàn và không bao giờ chịu bằng lòng cố hữu đó cũng một phần lan sang lĩnh vực tiền mặt. Sự tự mãn bởi thành tích đỉnh cao và thành công (hoàn toàn có thật) ở nhiều lĩnh vực đã ru ngủ người Đức trên vòng nguyệt quế của quá khứ, biến nhiều thế mạnh thành quả tạ buộc chân. Cũng tính kiêu căng ấy biến thành sức ì, khiến họ kém cởi mở với các thành tựu khoa học kỹ thuật, nếu chúng không phải do người Đức tạo ra.

Giá mà Mark Zuckerberg lập nghiệp ở Đức thì Google Pay đã lan tỏa đến tận hang cùng ngõ hẻm ở Đức! Hi vọng cú trượt chân đau đớn ở World Cup là một lời cảnh báo, tuy có thể cũng chỉ là một lời gió thoảng: khác với phần còn lại của cả thế giới này, Liên đoàn Bóng đá Đức gia hạn hợp đồng với huấn luyện viên đội tuyển quốc gia Joachim Löw với mức lương cao kỷ lục thế giới là 3,8 triệu euro trước cả khi đội nhà bay sang Nga, không cần biết kết quả thi đấu ra sao!■

Ăn xin cũng đeo thẻ QR ở Trung Quốc. Ảnh: Business Insider
Ăn xin cũng đeo thẻ QR ở Trung Quốc. Ảnh: Business Insider

Cho tiền ăn xin cũng phải quẹt thẻ

Đức sẽ càng thấy mình tụt hậu nếu biết rằng ở Trung Quốc, giờ người ăn xin cũng mang theo mã QR. Theo China Daily, nhiều người trong giới cái bang ở quốc gia đông dân nhất hành tinh giờ đã trang bị các mã QR kèm theo dụng cụ hành nghề để tăng cơ hội và tăng thu nhập. Những lời từ chối lịch sự với họ như “xin lỗi, không có tiền lẻ” giờ sẽ không hiệu nghiệm nữa, nhờ các mã QR mà người xin tiền đeo trên thẻ.

Cảnh tượng này đã xuất hiện ở thành phố Tế Nam, Sơn Đông, và nhiều nơi khác trong thời gian qua. Đáng nói hơn, công ty tiếp thị số của Trung Quốc China Channel nói nhiều nhân vật trưởng lão tám - chín túi này thực ra là “nhân viên tiếp thị” trá hình của các công ty khởi nghiệp thanh toán điện tử Trung Quốc, theo International Business Times.

Trung Quốc là một trong những nước có công nghệ thanh toán điện tử phát triển nhanh và mạnh nhất thế giới, với hai đại gia mang tham vọng toàn cầu là Alipay của Alibaba và WeChat Wallet của Tencent. Bản tin của China Daily cũng cho biết trung bình một người ăn xin kiếm được 0,7 tới 1,5 nhân dân tệ cho một lần quẹt mã, và với 45 giờ làm việc mỗi tuần, họ kiếm được hơn 4.500 nhân dân tệ (hơn 15 triệu đồng)!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận