TTCT - Trò chuyện cùng anh Nguyễn Tuấn Khởi (38 tuổi), người sáng lập và giám đốc Ngân hàng Thực phẩm (Foodbank) Việt Nam. Làm thiện nguyện, hoạt động cộng đồng từ năm 2005, nhiều người biết đến Nguyễn Tuấn Khởi với các hoạt động như Hành trình Đỏ - chiến dịch kêu gọi hiến máu cứu người có câu lạc bộ trên toàn quốc. Trong dịch COVID-19, các mô hình Bếp yêu thương, Khách sạn cộng đồng, Tủ lạnh cộng đồng, Cơm di động miễn phí... mà anh làm đã giúp đỡ cho nhiều người. Anh là tổng giám đốc Công ty CP VTVCorp. Foodbank Việt Nam hoạt động như một trung tâm chứa thức ăn cho các tổ chức từ thiện và các nhóm cộng đồng. Trong dịch COVID-19, ngân hàng thực phẩm này đã cung cấp rau, củ, quả, thực phẩm cho hàng loạt mái ấm, viện dưỡng lão và trung tâm bảo trợ xã hội, nơi nuôi dưỡng trẻ em, người già, tàn tật... ở TP.HCM. . Tôi nghĩ, trong thời gian này, có thể có nhiều diễn biến tâm lý khá phức tạp, khó đoán. Mình có đi vào phòng trọ của họ rồi thì mới cảm nhận được những việc đó.- anh Nguyễn Tuấn Khởi Anh Nguyễn Tuấn Khởi, nhà sáng lập và là giám đốc Foodbank Việt NamAnh thấy người dân gặp khó khăn ra sao trong thời gian TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 từ hôm 9-7?- Tôi nghĩ với dịch COVID-19, không chỉ người nghèo khó mới không có khả năng chống đỡ mà cả những người đi làm có thu nhập ổn định, nhà quản lý, người có điều kiện cũng bị sốc. Về thực phẩm, người Việt Nam không có thói quen trữ thực phẩm lâu ngày mà thường mua thực phẩm tươi sống, đi chợ hằng ngày. Khi dịch xảy ra, nếu có điều kiện, cụ thể là có tiền, và có tủ lạnh lớn thì người dân có thể mua và trữ thực phẩm. Nhưng một nhóm công nhân sống ở phòng trọ chỉ vài mét vuông thì làm gì có tủ lạnh lớn để trữ đồ, cũng không có tiền mua thực phẩm. Số lượng công nhân ở trọ như vậy tại TP.HCM vô cùng lớn.Tôi biết nhiều cô chú, anh chị bán vé số mỗi một ngày ra đường đi bán kiếm mấy chục, một trăm ngàn đồng. Số tiền đó vừa hết trong ngày, không còn cho ngày mai. Do đó khi không được đi ra ngoài mưu sinh để có tiền mua thực phẩm, họ sốc lắm. Những người có điều kiện tốt, đầu óc linh hoạt thì có thể nghĩ ra nhiều việc để làm, kết nối bạn bè, đăng một cái status giải khuây... nhưng với người khó thì phòng trọ của họ vô cùng nóng, bức, bí... rồi lại phải nghĩ về bữa ăn. Tôi nghĩ, trong thời gian này, có thể có nhiều diễn biến tâm lý khá phức tạp, khó đoán. Mình có đi vào phòng trọ của họ rồi thì mới cảm nhận được những việc đó.Theo anh thì các lao động tự do, buộc phải ở nhà chống dịch hiện nay có đến mức thiếu đói không?- Dùng từ đói thì hơi quá ở thời điểm này, tuy nhiên thiếu ăn thì có. Thiếu ăn có muôn vạn cảnh khác nhau, như hôm nay vẫn còn được ăn thịt ăn cá, mai ăn gói mì, ăn cơm với trứng, không có rau thì mình cũng có thể phần nào xem họ là bị thiếu ăn. Đói thì không, nhưng lương thực thực phẩm như mọi ngày là điều rất khó nên thiếu ở một mức độ nào đó là có. Trong quá trình tôi đi hỗ trợ, có bạn xin mì gói. Có thể không chỉ ở riêng TP.HCM mà một số nơi khác cũng như vậy.Foodbank Việt Nam đang lấp vào khoảng trống này như thế nào?- Trước dịch COVID-19, chúng tôi đã hỗ trợ cung cấp thực phẩm cố định cho 20 mái ấm, viện dưỡng lão, nhà mở ở TP.HCM. Trong các năm tới, chúng tôi sẽ cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn như vậy trên cả nước. Chúng tôi cũng đa dạng cách làm, chẳng hạn lập “tủ lạnh cộng đồng”. Chỉ trong một tuần, chúng tôi nhận được gần 500 tấn thực phẩm nhiều loại chuyển về để người nào cần cứ tự nhiên đến lấy.Hiện nay nguồn rau củ quả đang bị đứt quãng. Chúng tôi đang tiếp tục làm việc với các tỉnh thành, hội nông dân, tỉnh đoàn... để hình thành các chương trình chia sẻ thực phẩm với quy mô lớn, không chỉ riêng cho chúng tôi mà cả các bếp khác để chuyển về TP.HCM.Foodbank Việt Nam hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận. Chúng tôi chuẩn bị khoảng 6 năm, ra mắt vào 4 năm trước, đúc kết kinh nghiệm hoạt động xã hội và hoạt động cộng đồng của nhiều anh chị em từng hoạt động trong lĩnh vực này, có người đến gần 20 năm. Theo quan sát của tôi, một số nhóm thiện nguyện tự phát tổ chức bếp ăn khoảng 1 - 2 tuần là bị đuối. Do đã thành lập lâu, nguồn thực phẩm của chúng tôi được vận động liên tục từ khắp các nơi, từ các nhà hảo tâm nhỏ lẻ nhưng với số lượng rất đông hoặc các đơn vị doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Chẳng hạn Tập đoàn C.P hỗ trợ chúng tôi trứng gà với số lượng rất lớn. Nhiều công ty, bếp ăn, tập đoàn đa quốc gia có thực phẩm còn vài tháng là hết hạn sử dụng hoặc rau củ quả cũng hỗ trợ chúng tôi. Chúng tôi không chờ đợi người khác đến cho mà chủ động mở rộng mạng lưới. Vì vậy, nguồn cung cấp thực phẩm của chúng tôi không bị đứt gãy. Chuẩn bị thức ăn tại 1 trong 5 bếp ăn Foodbank Việt Nam trong dịch COVID-19 ở TP.HCM. Mỗi ngày, một bếp cung cấp khoảng 400 - 500 phần cơm miễn phí. -Ảnh: Foodbank Việt NamCòn những trường hợp lãng phí thực phẩm không ai muốn như khoai lang, dưa hấu bán không được, phơi ngoài đồng thì sao?- Chúng tôi cũng có những chiến dịch hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Ví dụ khoai lang ở các nơi, giá thị trường lúc thấp điểm chỉ có 500 đồng/kg, nông dân bỏ mặc trên đồng. Chúng tôi huy động nhà hảo tâm, lo chi phí chuyên chở đưa về, mua lại của nông dân với giá 3.000 - 5.000 đồng/kg, bán lại với giá 9.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí, nếu còn thì bỏ vào quỹ để tặng cho các mái ấm, nhà mở. Chúng tôi đã làm khoảng chục đợt như vậy. Mô hình này trên thế giới gọi là Farm to Foodbank. Tôi nghĩ cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm sẽ còn dài hơi và rất không cân sức.Chúng ta thấy có tình trạng thiếu thực phẩm tạm thời trong dịch COVID-19, nhưng liệu có đồng thời xảy ra lãng phí không?- Hiện nay chợ búa khó khăn nhưng do bị đóng cửa nên nhiều nhà hàng, quán ăn có thực phẩm trữ đông bị tồn với số lượng lớn. Mỗi ngày, với các chủ nhà hàng, tiền điện thôi cũng đau đầu. Tôi đang vận động các nhà tài trợ góp tiền mua lại cho họ bằng giá gốc hoặc giá hỗ trợ. Đây cũng sẽ là một chiến dịch chia sẻ thực phẩm thiết thực.Foodbank có hai sứ mệnh lớn, một là chống lãng phí thực phẩm (no food waste) và thứ hai là không để ai bị đói (no hunger). Bếp ăn của chúng tôi là để phục vụ sứ mệnh thứ hai nhưng gắn với sứ mệnh thứ nhất. Ví dụ, với một trái bí bị hư một phần thì chúng ta bỏ đi phần hư và sử dụng phần còn tốt để nấu. Khi ra mắt dự án Foodbank Việt Nam năm 2018, chúng tôi định hướng trong 10 năm, đến năm 2028, sẽ vận động để Việt Nam có luật chống lãng phí thực phẩm. Hiện nay tình hình các bãi rác ở các đô thị bị quá tải. Trong khi đó, các nhà hàng buffet, chợ, siêu thị... một ngày thải ra lượng rác thải vô cùng lớn. Rác thực phẩm từ các hộ gia đình mua dư cũng rất lớn. Những thực phẩm này có khi chỉ hư một chút, vẫn còn có thể sử dụng được. Chúng tôi muốn quyên góp cho Foodbank và đã xin các thủ tục để cho ra đời một ứng dụng chống lãng phí thực phẩm, gọi là Food share, nhưng do bận hỗ trợ trong dịch COVID-19 hiện nay nên chúng tôi chưa triển khai. Chúng tôi cũng tổ chức mạng lưới Foodbank Việt Nam Network, đi sâu vào giáo dục trẻ em không lãng phí, tiết kiệm thực phẩm...Tuy nhiên, mong muốn lớn nhất của chúng tôi là tác động để ra luật chống lãng phí thực phẩm. Nhiều quốc gia đã có luật này. Trung Quốc, nước láng giềng với chúng ta, cũng đã thông qua luật này. Khi có luật thì chúng tôi sẽ càng hoạt động tốt hơn, nhiều người sẽ được hỗ trợ về thực phẩm hơn, giảm thiểu lãng phí thực phẩm và giúp cho khí hậu, môi trường tốt hơn.Khi mang mô hình hoạt động từ nước ngoài về Việt Nam, anh làm sao để mô hình thích ứng với Việt Nam?- Với dự án Foodbank Việt Nam, khi bắt đầu, tôi đã nghiên cứu kỹ và sử dụng kinh nghiệm hoạt động cộng đồng của mình để thực hiện. Tôi bắt đầu từ cái nhỏ nhất là bếp ăn và hệ thống hóa việc nấu ăn, khác với cách làm ở nhiều nước khác. Chẳng hạn, khi Foodbank vào Hàn Quốc, họ làm việc với chính phủ, sau đó hợp tác mở nhà kho lớn để làm ngân hàng thực phẩm. Các công ty lớn sẽ chở các container thực phẩm vào đó. Cách đây 3 tháng, chúng tôi mới xây được nhà kho thực phẩm và thành lập doanh nghiệp xã hội để hoàn thiện tư cách pháp nhân. Bây giờ, tất cả các khoản quyên góp đều được quản lý và chịu trách nhiệm bởi Foodbank Việt Nam nhằm bảo vệ các công ty và cá nhân đã hiến tặng thực phẩm một cách thiện chí.Chúng tôi đặt mục tiêu trong 3 năm thì Foodbank toàn cầu sẽ biết đến hoạt động của dự án, nhưng chỉ hơn 1 năm họ đã liên hệ với chúng tôi để kết nạp, tư vấn và đào tạo làm thành viên. Nếu không có gì thay đổi thì năm 2022 chúng tôi sẽ được kết nạp làm thành viên của Foodbank toàn cầu. Các hoạt động của chúng tôi sát sườn với hơi thở cuộc sống, nhu cầu của cộng đồng chứ không xa xôi. Mô hình Cơm di động miễn phí của Foodbank Việt Nam trong dịch COVID-19 ở TP.HCM. Ảnh: Foodbank Việt NamVai trò của Foodbank không chỉ là một bữa ăn cứu đói; nó có tác động vô cùng lớn, giúp bảo vệ môi trường, làm giảm bớt đáng kể lượng thực phẩm không được sử dụng phải đi tới bãi rác. Khi sản xuất thực phẩm, chúng ta đã sử dụng một nguồn tài nguyên lớn rồi, không nên lãng phí. Chúng tôi ước tính lượng thực phẩm và hàng tạp hóa cần thiết để đáp ứng nhu cầu cứu trợ thực phẩm trên khắp Việt Nam là khoảng 31 triệu kg mỗi năm. Hiện nay, các tổ chức cứu trợ đói nghèo kết hợp của Việt Nam cung cấp khoảng 22 triệu kg, nghĩa là còn khoảng 9 triệu kg chưa đáp ứng được. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với nông dân, các nhà bán sỉ, các nhà sản xuất và các nhà bán lẻ để phát triển các chương trình và sáng kiến mới để chấm dứt thực trạng thiếu đói ở Việt Nam.Xin cảm ơn anh. ■Foodbank là một tổ chức phi lợi nhuận, thu nhận và phân phối thực phẩm để cứu trợ người thiếu, đói. Ý tưởng về ngân hàng thực phẩm do John van Hengel - một nhà kinh doanh về hưu, làm tình nguyện ở các bếp ăn từ thiện ở Phoenix, bang Arizona, Mỹ - khơi mào trong những năm 1960. Van Hengel thành lập St. Mary’s Foodbank ở Phoenix - ngân hàng thực phẩm đầu tiên ở Mỹ. Ngày nay, ở Mỹ, mạng lưới này gồm 200 ngân hàng thực phẩm trên cả nước cung cấp 4,3 tỉ bữa ăn mỗi năm.Mạng lưới Foodbank toàn cầu đã có mặt ở 54 quốc gia với 943 ngân hàng, trong đó có ở Việt Nam. Các foodbank mỗi quốc gia tự phát triển các mô hình hoạt động riêng. Ngoài mục tiêu giảm bớt nạn đói trên toàn cầu qua hệ thống các ngân hàng thực phẩm địa phương, Foodbank toàn cầu hỗ trợ các ngân hàng thực phẩm thành viên hoặc sẽ là thành viên qua tập huấn và trao đổi kiến thức, xây dựng năng lực.Năm 2019, Foodbank toàn cầu phục vụ 9,6 triệu người, cung cấp 503 triệu kg thực phẩm. Foodbank còn gián tiếp tạo sự độc lập trong kinh tế, khuyến khích bữa ăn đa dạng, phòng chống và đẩy lùi suy dinh dưỡng ở trẻ em. Tags: Người nghèoNghèoChia sẻĐại dịchCOVID-19Phong tỏaCộng đồngNgân hàng thực phẩmFood bankFood bank việt nam
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục TTXVN 26/11/2024 Công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp sẽ được nghỉ từ 25-1 đến 2-2-2025 (26 tháng chạp đến hết mùng 5 tháng giêng).
Hot TikToker Thu Nhi đóng cửa thương hiệu thời trang Meo vì 'bán ế quá' NHẬT XUÂN 26/11/2024 Hot TikToker Thu Nhi - Eat Clean Hồng thông báo đóng cửa thương hiệu thời trang Meo, khiến nhiều người hâm mộ tiếc nuối.
Ông Lê Đức Thọ, Đỗ Thắng Hải xin lỗi Đảng và nhân dân TUYẾT MAI 26/11/2024 Chiều 26-11, phiên tòa xét xử 15 bị cáo trong vụ sai phạm tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan kết thúc tranh luận.
Nga tấn công UAV lớn chưa từng có vào Ukraine THANH HIỀN 26/11/2024 Ukraine cáo buộc Nga phóng 188 thiết bị bay không người lái (UAV) vào nước này trong đêm, gây ra thiệt hại nặng nề với lưới điện ở thành phố Ternopil.