Sốt xuất huyết: Nghiên cứu cách phòng chống mới

BS TRẦN HOÀI NHÂN 04/10/2011 21:10 GMT+7

TTCT - Gần đây báo chí đề cập đến việc muỗi kháng sốt xuất huyết (SXH). Thực tế đây chỉ mới là nghiên cứu ở Úc với mục tiêu ngăn chặn sự lây lan bệnh SXH bằng cách làm cho muỗi gây bệnh này vô sinh hay giảm tuổi thọ của chúng.

Phóng to
Nghiên cứu mới mở ra hi vọng ngăn chặn sự lây lan bệnh sốt xuất huyết - Ảnh: entomology.ucdavis.edu

Muỗi Aedes Aegypty cái cắn người bị SXH và hút luôn siêu vi trùng Dengue - tác nhân gây ra SXH - lẫn trong máu vào ống tiêu hóa của nó. Khi có điều kiện truyền bệnh ngay, các siêu vi trùng Dengue sẽ xâm nhập vào trong các mạch máu của người lành qua những vết muỗi cắn và làm họ bị SXH. Khi chưa có điều kiện lây ngay, các siêu vi trùng này tiếp tục tồn tại, phát triển trong ống tiêu hóa và tuyến nước bọt của muỗi, chờ cơ hội lây nhiễm.

Làm cho muỗi… vô sinh

Những biện pháp từ trước đến giờ được áp dụng trong nỗ lực phòng chống SXH là tiêu diệt muỗi và lăng quăng. Hiện giờ, song song với những nỗ lực tiêu diệt muỗi đã có vài cách tiếp cận mới để phòng chống SXH. Một trong những cách đó là tạo ra những giống muỗi có ít hoặc không có khả năng truyền virut Dengue từ người này sang người khác.

Các nhà khoa học Úc mới đây đã tìm ra được giống muỗi có khả năng như vậy, tạm gọi là muỗi có tiềm năng ngăn chặn sự lan rộng của bệnh SXH. Muỗi này được tạo ra bằng cách làm cho muỗi Aedes bị nhiễm vi khuẩn ruồi giấm Wolbachia.

Loại vi khuẩn này gây ra cho muỗi Aedes nhiều thay đổi, bao gồm: Một là, giảm một nửa tuổi thọ của muỗi Aedes, nhờ đó giảm khả năng lây truyền bệnh SXH từ muỗi. Chỉ muỗi trưởng thành mới có khả năng lây truyền virut SXH, nên việc rút ngắn tuổi thọ của muỗi làm giảm đáng kể khả năng lây truyền bệnh. Hai là, tăng khả năng miễn nhiễm virut cho muỗi, nhờ đó muỗi không truyền virut sang người khi đốt. Ba là, côn trùng đực mang vi khuẩn ruồi giấm này không có khả năng sinh sản, do vậy sẽ làm giảm số lượng muỗi được sinh ra.

Vi khuẩn Wolbachia có khả năng phát tán nhanh chóng trong quần thể muỗi, chỉ cần đưa một lượng nhỏ muỗi bị nhiễm vi khuẩn này vào tự nhiên sẽ làm cho gần như hầu hết muỗi ở nơi đó nhiễm Wolbachia. Điều này khiến khả năng truyền SXH của quần thể muỗi ở địa phương đó giảm đáng kể.

Sang năm Việt Nam sẽ thử nghiệm

Tuy nhiên đây chỉ là lý thuyết, để được công nhận muỗi nhiễm vi khuẩn ruồi giấm có khả năng đề kháng với SXH cần phải chứng minh bằng hai nghiên cứu thực nghiệm.

Nghiên cứu thứ nhất nhằm chứng minh khả năng phát tán mạnh của vi khuẩn Wolbachia trong quần thể muỗi. Tháng 2-2011, các nhà nghiên cứu Úc đã tiến hành thả khoảng 300.000 muỗi nhiễm Wolbachia vào thị trấn Yorkeys Knob và Gordonvale. Sau bốn tháng, các nhà nghiên cứu phát hiện 100% muỗi mà họ bắt được ở Yorkeys Knob và 90% muỗi ở Gordonvale có mang Wolbachia. Nhưng hai tuần sau, tỉ lệ này chỉ còn 95% ở Yorkeys Knob và 81% tại Gordonvale.

Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này xảy ra là do mùa khô đến đã mang những con muỗi không nhiễm bệnh ở những vùng xung quanh vào hai thị trấn trên. Kết quả này cho thấy vẫn còn muỗi Aedes bình thường trong cộng đồng những nơi thí nghiệm, mà ở đâu có muỗi Aedes thì ở đó còn có nguy cơ bị SXH.

Nghiên cứu thứ hai nhằm chứng minh khả năng làm giảm lây lan bệnh ở những vùng có tần suất bị SXH cao của muỗi nhiễm Wolbachia. Hiện nghiên cứu thứ hai này vẫn chưa được tiến hành. Do vậy, chúng ta chưa biết khả năng thật sự của muỗi nhiễm vi khuẩn ruồi giấm Wolbachia này như thế nào.

Trong y khoa, một khi chưa được chứng minh bằng thực nghiệm thì cho dù hay đến đâu cũng chỉ là lý thuyết thôi, chưa có giá trị. Việt Nam chưa tiến hành thử nghiệm giai đoạn một (đã lên kế hoạch thử nghiệm vào năm 2012), cho nên chưa có thể kết luận điều gì về vai trò của muỗi nhiễm Wolbachia trong phòng chống SXH ở nước ta.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận