Trái tim thật đập theo "nhịp" thế giới ảo

PHƯƠNG L.PHẠM 16/09/2013 22:09 GMT+7

TTCT - LTS: Tham gia chuyên mục Thế giới ảo & thực lần này, tác giả Phương L. Phạm cho rằng thế giới ảo không có lỗi, bởi Internet cũng giống như “đường sá chợ búa ngoài đời thật”, cái cần thiết là sự chọn lựa, biết “đãi vàng trong cát”, biết cách làm giàu cho chính mình từ thế giới ảo này.

Phóng to

Một bà lão đáng thương ngồi bên lề đường bán vài món đồ nhỏ. Một người bạn đi ngang qua, trò chuyện với bà tìm hiểu cảnh ngộ, chụp rồi post tấm ảnh lên Facebook kể lại hoàn cảnh ấy. Sau hàng nghìn cái nhấn like, nhiều bạn trên cộng đồng mạng đã đến và mua hàng ủng hộ bà. Đó chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện khác từ trên mạng xã hội đã biến thành hành động thật ở ngoài đời.

Có lẽ đã đến lúc nhận thấy rằng thế giới ảo trên mạng Internet không chỉ là ảo nữa. Cũng như không còn nữa chia tách khái niệm “ảo” và “thật” một cách quá rõ ràng theo kiểu “thế giới ảo hãy cứ để nó ảo”...

Nở hoa đời thực

Nếu bạn tham gia vào một trang như nhiếp ảnh, đi phượt, chơi xe máy, làm đồ thủ công thì sẽ hiểu hàng trăm thành viên của những trang này đã dành rất nhiều thời gian, thậm chí tiền bạc và một phần công việc cho những cuộc gặp gỡ sau giờ trao đổi, bấm “like”, chỉ dẫn nhau trên mạng. Những bức ảnh đẹp, sợi dây chuyền bằng vải kết khéo léo hay một món đồ chơi như cái “dreamcatcher” được các bạn chuyền tay nhau trên mạng đã trở thành niềm vui thật sự của những con người “ảo” chỉ nhìn thấy nhau qua cái avatar nhỏ xíu trên mỗi tài khoản Facebook hay diễn đàn.

Giờ muốn làm gì, mấy bạn trẻ chỉ cần online, tìm là thấy ngay. Như mấy nhóm chơi xếp giấy, cắt giấy kirigami có hẳn một trang Facebook để tha hồ chỉ nhau cách cắt, chia sẻ mẫu cắt, rồi cũng có khi tụ tập nhau lại để cùng nhau thi... cắt giấy. Cộng đồng những người mê làm đồ thủ công rất quen thuộc với những trang tên Mintown, CLB Xì Gòn Handmade hay Hội những người đam mê đồ chơi giấy đều hoạt động rất sôi nổi với những bạn có cùng đam mê.

Ở trang này, các bạn tha hồ tìm được những mẫu vẽ giày, làm thủ công, đan len, vẽ tranh, mẫu gấp giấy, cắt giấy tuyệt đẹp và lạ mắt, được mọi người cùng làm, chỉ nhau cách làm. Một số trang cũng bán cả sản phẩm của mình cho những người thích.

Có nhóm tình nguyện như nhóm SV07, một mùa hè, nhóm cần 30 tình nguyện viên để giúp các vận động viên khuyết tật cả nước về TP.HCM thi thể thao. Anh trưởng nhóm chỉ cần viết một status lên Facebook, vài ngày sau có tới... 90 bạn trẻ đến xin đi hỗ trợ người khuyết tật. Từ một nhóm tình nguyện khá ít người, trưởng nhóm lúc ấy thậm chí đã phải tổ chức phỏng vấn để chọn những bạn thích hợp nhất cho mùa giải. Coi như năm đó nhóm SV07 thành công mùa tình nguyện nhờ Facebook.

Trước đây, khi xảy ra tai nạn sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, cư dân mạng đã nhờ các tài khoản blog, Yahoo!360, Wordpress mà biết về hoàn cảnh, hình ảnh, tình trạng của các nạn nhân. Những chuyến hàng cứu trợ “qua mạng” rõ ràng là có thật, không ảo chút nào, và đã cùng giúp những gia đình nạn nhân vượt qua phút đau thương đó.

Dân đi du lịch “gà nòi” có thể đã quen với “Diễn đàn ngủ nhờ Couchsurfing” nổi tiếng thế giới. Diễn đàn này có một lượng khủng thành viên là những tay đã “đi bụi” khắp thế giới với số tiền cực kỳ ít ỏi, bởi đây là nơi tụ hội của những người mê đi hoặc đơn giản là... không đi được nên rủ rê mọi người tới ở nhờ để kể chuyện chu du cho nghe. Qua diễn đàn này, hàng nghìn thành viên đã đi chơi khắp nơi, gặp gỡ nhau, ở nhờ, cắm trại cùng nhau hoặc... cho mượn luôn căn nhà một tháng khi đang đi du lịch đâu đó. Nếu ai ít tiền, mê đi du lịch đều có thể tìm thấy những chủ nhà hiếu khách và rất thú vị ở rất nhiều nơi trên thế giới này.

Nhiều nhóm bạn làm phim, tự quay clip, tự biểu diễn, tấu hài rồi post lên mạng “câu like”. Người có tài năng nhanh chóng trở nên nổi tiếng, kiếm được tiền thật, có thể xuất hiện ở các sân khấu ca nhạc, trở thành hình tượng trong giới giải trí.

Lằn ranh của chính bạn

Thế giới ảo trong một cái click like hay một câu comment hỏi han giờ đã dẫn đến hành động của thế giới thật. Những sự hợp tác, điều tốt đẹp, tri thức nhanh chóng được nhân lên nhiều lần.

Một phần của những cuộc hẹn hò ngày hôm nay là những người bạn sẽ chụp ảnh nhau, post lên Facebook và tag nhau vào. Một phần của những đối thoại giữa cha và con trai giờ là cha cũng có tài khoản Facebook, cũng tag con trai mình vào khi cha đang... đi đâu đó với bạn bè.

Hấp dẫn hơn, mẹ của một em gái bỗng trở thành “hot girl lớn tuổi” với các bạn của chính em khi bà là một người bạn rất vui trên Facebook và được nhiều đứa nhỏ hỏi thăm, nhờ tư vấn, trò chuyện như người thân. Qua đó, những con người ở thế giới thực dù rất xa nhau vẫn có thể tìm thấy nhau đang lang thang đâu đó trên thế giới ảo. Cha mẹ cũng quan sát, cũng yêu thương, cũng chăm sóc, nhưng đôi khi chỉ cần một comment là đủ với đứa con nhỏ đang loay hoay trong tuổi nổi loạn của mình.

Thế giới ảo cũng giống như đường sá chợ búa ngoài đời thật. Ở nơi đó, người nào bình tĩnh, chịu khó tìm hiểu, chịu khó suy nghĩ thì sẽ dần tự hiểu giá trị của những status hàng chục nghìn like hay một “tấm ảnh xúc động gây xôn xao”... có phải là thật hay không?

Tại sao bạn lại phải kết luận Internet là lừa đảo khi chính bạn dễ dãi nhấn like cho một “hình ảnh kinh hoàng gây phẫn nộ” chẳng chút căn cứ gì? Tại sao bạn giận dữ quay lưng với thế giới ảo khi lỡ bị kẻ nào đó lừa một số tiền qua email trong khi chính bạn dễ dãi tưởng là mình sẽ được “thừa kế hàng triệu đô” bởi những lời mời mọc có cánh? Tại sao bạn kết tội rằng thế giới ảo xúc phạm bạn trong khi chính bạn đã cư xử bằng lời lẽ thô tục, xúc phạm với những người ảo khác trên mạng?

Cũng từ sự nhanh chóng, vội vàng đến thế, đã có những tội ác ra đời từ thế giới ảo. Nhưng đó lại là một phần khác của lằn ranh hai thế giới này... Một lằn ranh rất buồn và nhiều khi đáng tiếc. Và để cuộc sống của bạn không còn lằn ranh ảo thực đó, phải chăng ta cần có lằn ranh của chính mình: ngay cả trong thế giới ẩn danh, nặc danh đó cũng có những chuẩn mực sống nhất định. Hãy luôn là chính bạn.

Kẻ lừa đảo, chuẩn mực kép, sự bịp bợm có ở tất cả mọi nơi trên cõi đời này, nào có chừa thật hay ảo đâu. Bình tĩnh một chút, biết “đãi cát tìm vàng”, cuộc sống của bạn chẳng phải đã rực rỡ và tự do hơn rất nhiều nhờ những tri thức mà Internet đem lại sao?

Những trang tươi tắn

Trong 25 nhóm vào loại lớn nhất Facebook đã có trên 1 triệu thành viên, có rất nhiều nhóm có tiêu chí mục đích hết sức thú vị, từ hài hước, nhân đạo, cho tới tham vọng, hoặc đơn giản là chỉ để vui.

Những nhóm thiện nguyện như “Feed a child with just a click!” (Nuôi ăn một trẻ bằng một cú kích chuột!) từng có trên 5 triệu thành viên vào năm 2010.

Hình thành từ trang mạng thehungersite.greatergood. com, nhóm này đề nghị các thành viên đóng góp tiền cho rất nhiều mục đích từ thiện, chống đói nghèo, ủng hộ các bệnh nhân ung thư, hỗ trợ động vật, chống phá rừng… Nhóm cũng bán các quà tặng, vật lưu niệm, quần áo trên trang của họ để quyên tiền cho mục đích từ thiện.

Họ không phải là tổ chức từ thiện duy nhất thấy Facebook là một kênh quảng bá cực kỳ hữu hiệu. Handicap International UK, tổ chức hỗ trợ người tàn tật quốc tế có trụ sở tại Anh; Macmillan Cancer Support, hỗ trợ người bị ung thư; Blue Cross UK, Meningtis Research và War Child UK là những tổ chức từ thiện khác đặc biệt thành công trên mạng xã hội.

Bạn có thể dễ dàng tìm thấy trang của họ với hàng chục nghìn thành viên trên Facebook, với nhiều hình ảnh cảm động, sự tương tác liên tục và theo dõi cụ thể những công việc thiện nguyện mà chỉ có thời đại kỹ thuật số và mạng xã hội mới làm được.

L.P.

Đó là lý do khiến công dân mạng thời gian qua đã hình thành bộ quy tắc hành xử trên không gian ảo gọi là Netiquette (ghép từ chữ Net với etiquette - nghi thức giao tiếp).

Bộ quy tắc này có thể tóm gọn như sau: Đừng quên rằng có một con người ở đầu bên kia trong mối giao tiếp trên thế giới ảo của bạn, hãy đối với họ bằng sự tôn trọng, đừng chuyển đi những thông tin nào mà nếu gặp mặt trực tiếp bạn sẽ không nói thế. Một số quy tắc cụ thể:

- Hãy cẩn thận với những gì bạn viết về người khác. Hãy nhớ rằng bất cứ ai mà bạn viết về cuối cùng sẽ đọc được những comment của bạn.

- Hãy trung thực. Đừng giả làm người khác hay điều gì khác không phải bạn.

- Hãy đặt mình vào vị trí cử tọa. Hãy sử dụng từ ngữ thích hợp. Việc lạm dụng, chẳng hạn như biệt ngữ trong một cuộc trò chuyện không có tính kỹ thuật, có thể không tốt, chưa kể trẻ em cũng có thể vào đọc ở những phòng chat này...

- Tránh dùng lời lẽ xúc phạm, đặc biệt những comment có thể diễn giải bạn là kẻ quấy rối tình dục hoặc phân biệt chủng tộc. Đừng quên luật vẫn có thể áp dụng trên không gian ảo. Đừng thực hiện những hành vi phạm luật trên mạng, như phỉ báng hay vu khống kẻ khác, cũng đừng đùa cợt về việc thực hiện những hành vi phạm pháp.

- Cẩn thận với việc hài hước hoặc chế nhạo. Một comment hài hước của người này có thể là bình luận làm bẽ mặt hoặc mất danh giá của người kia...

- Tránh dùng từ in hoa. Trên mạng, từ in hoa được xem như HÉT.

- Đừng gửi đi những thông tin nhằm mục đích lôi kéo người khác vào những cuộc tranh cãi không cần thiết hoặc không quan trọng.

(trích từ trang web của EMC Publishing, trụ sở tại Minnesota - Mỹ, chuyên cung cấp chất liệu và công nghệ học tập cho các nhà giáo dục)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận