Dám làm, dám chịu: Nhìn từ y tế và đăng kiểm

DANH ĐỨC 08/05/2023 09:19 GMT+7

TTCT - Từ sau những vụ bắt giữ hậu Covid trong ngành y tế rồi thì một số ngành khác, bỗng dưng xuất hiện tình hình chưa từng thấy: cán bộ không làm gì nữa ráo trọi, bắt đầu từ các bệnh viện, rồi lan ra khắp nơi.

Câu chuyện về hai ông giám đốc bệnh viện Bạch Mai và Chợ Rẫy, số phận có khác nhau, song phản ánh những bất cập của ngành này nói riêng, và các ngành khác nói chung.

Ảnh: MINH HÒA

Ảnh: MINH HÒA

Trước hết, phải nhắc lại rằng trước đó tất cả đã hoạt động ít nhiều trơn tru. Trơn tru chớ không hoàn hảo, tức không phải tất cả đều hợp lệ, thậm chí là hợp pháp; song cũng không có nghĩa tất cả đều "sai trái". 

Những vụ bắt giữ hậu Covid đã để lại di chứng tinh thần kỳ dị: tất cả quyết định trong lĩnh vực công giờ đều trở thành nguy cơ cho người ra quyết định.

Nhà nước không làm, tư nhân cũng rén

Móc ngoặc trong vụ kit xét nghiệm đúng là tội lỗi, là một rủi ro đã được cảnh báo liên tục trong hoàn cảnh chụp giựt, thúc bách từ tình hình y tế công cộng bị uy hiếp nặng nề, làm nảy sinh những xảo thuật nâng giá, thông đồng nâng giá, chia chác khi mua sắm thiết bị. 

Nhưng cũng chính trong tình hình đại dịch bùng phát, đã có những giải pháp nhất thời mà cả nhà cung cấp lẫn bên mua sắm thiết bị phải "ngộ biến tòng quyền" với nhau, tỉ như cho mượn thiết bị hoặc có khi bệnh viện địa phương "tự bơi" trong biển giá vật tư thiết bị y tế.

Chính Thanh tra Chính phủ đã nhận xét về vai trò của Bộ Y tế trong giai đoạn đó: 

"Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước duy nhất cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế cho các doanh nghiệp nhưng chưa kịp thời có các biện pháp, giải pháp công khai minh bạch thông tin về các doanh nghiệp được cấp giấy phép nhập khẩu, giá nhập khẩu trang thiết bị y tế nên các địa phương không có thông tin hoặc tiếp cận được thông tin doanh nghiệp được nhập khẩu trang thiết bị y tế để gửi báo giá phục vụ xây dựng giá kế hoạch mua sắm". (Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ).

Hậu quả là các cơ sở y tế địa phương không biết công ty nào nhập trực tiếp trang thiết bị họ cần, mà hầu như chỉ tiếp xúc được các công ty thứ cấp - giá được báo, đấu thầu, mua, vì thế, là giá đã thêm nhiều nấc. 

Thực tế khách quan đó đầy cám dỗ, cho nên nếu coi tất cả những "ngộ biến tòng quyền" là sai sót, thì tất nhiên đố ai dám cho mượn hay mượn, dám bán, dám mua nữa. Sự đình trệ từ khách hàng, các cơ sở y tế, dễ hiểu là lan ra nhà cung ứng, giờ không dám bán vì sợ ách thanh toán hay thậm chí bị khép tội sau này.

Vấn đề không chỉ ở công chức không dám làm, mà tư nhân cũng không dám làm ăn. Sự bất động của quản lý nhà nước dẫn đến sự tê liệt các lĩnh vực liên quan. Hậu quả là thị trường và xã hội "đứng hình".

Năng lực của đội ngũ

Đó cũng là vấn nạn nửa năm qua với hàng mấy trăm ngàn chủ xe tư nhân, cứ tuần tự nhi tiến hết hạn đăng kiểm lại thêm những người mới phải ăn chực nằm chờ.

Tình hình bùng nổ sau những vụ bắt bớ trước và sau Tết ở mấy chục trung tâm đăng kiểm. Tất nhiên, không có lửa sao có khói. 

Nhưng vấn đề là ở cái tảng băng chìm dưới nước, tỉ như chuyện nhắm mắt thông qua đăng kiểm xe kinh doanh dịch vụ vận tải, hơn là phần nổi, như tờ 200.000 đồng để dưới táp-lô khi đăng kiểm của một chủ xe thường dân chỉ chuyên đi chợ, đón con (mà nhiều khi lưu hành chưa đầy hai năm hoặc thậm chí "trùm mền" đăng ký 4-5 năm chưa chạy).

Chống tiêu cực là cần thiết, nhưng chống tiêu cực dẫn tới quá nhiều "thiệt hại ngoài dự kiến" (collateral damage) cho xã hội, thì nhà chức trách khó thể nói là đã làm tròn nhiệm vụ. 

Từ chỗ lúc nào mang xe đi xét cũng được, giờ có khi một, hai tuần chưa xong, chen chúc hàng ngàn người mỗi nơi. Trong khủng hoảng đăng kiểm, nhân viên các trung tâm phản ứng phòng vệ bằng cách xét xe "tuyệt đối" để không vi phạm. 

Ở đây, sự bất động của nhà chức trách biến thành phản kháng thụ động - và hàng triệu chủ xe cứ thế mà đợi tới phiên "ăn hành".

Đã đến lúc nhớ rằng căn bản của chống tham nhũng là phân biệt "petty corruption" (tham nhũng vặt) và "grand corruption" (tham nhũng lớn), vì xã hội vẫn có nhu cầu phải hoạt động trơn tru. Trơn tru thôi, chớ không hoàn hảo.

Thí dụ từ hai ngành trên có thể ít nhiều phóng chiếu cho các lĩnh vực khác. Ngoài ra, còn một nguyên do cốt tử dẫn tới vấn nạn "không dám làm": năng lực của giới viên chức - mà chính các trung tâm đăng kiểm lại là nơi tiêu biểu. 

Năng lực yếu, không "rét việc" mới lạ. Giải quyết chứng bất động này, như vậy, không thể bằng mệnh lệnh hành chánh hay hô hào, mà phải bắt đầu từ năng lực chuyên môn của đội ngũ "công bộc cho dân". ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận