Đằng sau hàng triệu mũi tiêm mỗi ngày

TỊNH ANH 22/07/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Khi cuộc phòng chống dịch COVID-19 bước sang giai đoạn tiêm vaccine diện rộng, các giải pháp số có thể được sử dụng để hỗ trợ nhiều khâu trong việc triển khai tiêm chủng, từ lên kế hoạch và quản trị, cung ứng và phân phối, cho đến tiêm và theo dõi sau tiêm, theo nhận định của Ngân hàng Thế giới.

 Ảnh: Market Watch

Việt Nam đang triển khai các giải pháp như sổ sức khỏe điện tử, xe tiêm chủng lưu động trong giai đoạn tiêm chủng toàn quốc mới - là cách mà những quốc gia tỉ dân như Trung Quốc và Ấn Độ, nơi đã hoàn tất hàng trăm triệu mũi tiêm, áp dụng. Có thể rút ra bài học kinh nghiệm gì từ đây, cũng như từ một nước ứng dụng công nghệ cao là Mỹ?

Ấn Độ xuất khẩu hệ thống

Ngày 5-7, Thủ tướng Modi chủ trì hội nghị trực tuyến với đại diện hơn 140 quốc gia về việc cung cấp miễn phí nền tảng “đã giúp Ấn Độ triển khai 350 triệu liều vaccine COVID-19... và người dân được chứng nhận đã tiêm chủng mà không cần mang theo các thứ giấy tờ mỏng manh” cho bất kỳ nước nào cần.

Ông Modi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có giải pháp số trước các nhu cầu như để người dân “có bản ghi thông tin về việc họ đã chích vaccine ở đâu, khi nào và bởi ai”, trong khi Chính phủ “có thể đảm bảo việc theo dõi mỗi liều (trong kho) và giảm thiểu lãng phí”. 

Giải pháp của Ấn Độ là CoWin - nền tảng giúp người dân đăng ký lịch tiêm, nhắc lịch tiêm mũi thứ 2 và cấp giấy chứng nhận đã tiêm. Với các cơ sở y tế, CoWin giúp họ theo dõi tình hình kho vaccine của Chính phủ và các công tác quản trị khác.

Ông Modi tuyên bố Ấn Độ đang chuyển đổi CoWin thành mã mở, và khi hoàn tất, quốc gia nào cần thì cứ mang về chỉnh sửa, tùy biến với điều kiện, tình hình nước sở tại. Trước đó, ngày 28-6 Ram Sewak Sharma, giám đốc điều hành Cơ quan y tế quốc gia Ấn Độ, hồ hởi đăng bài trên Twitter tuyên bố hơn 50 quốc gia ở khắp Trung Á, Mỹ Latin đến châu Phi đang quan tâm đến CoWin.

Thật ra, việc áp dụng CoWin ở Ấn Độ ban đầu gặp khá nhiều vấn đề. Đúng 4h chiều 28-4, Chính phủ mở cổng CoWin cho dân từ 18 - 45 tuổi đặt lịch chích ngừa. Hơn 10 triệu người đã truy cập trong vòng 8 tiếng tính từ thời điểm đó và làm sập luôn hệ thống, theo Medical News Today.

Lúc hệ thống được khôi phục thì lại có nhiều trục trặc khác: người đã tiêm không nhận được tin nhắn thông báo, việc đặt lịch chích ngừa thì “trần ai khoai củ” y hệt săn vé máy bay 0 đồng: các slot cứ vừa mở cho đặt chỗ thì lập tức có người giành ngay vì nhu cầu quá lớn. “Bạn thấy một slot tô vàng, nghĩa là còn trống để đặt, và sau khoảng 5 giây dành để nhập mã bảo mật, hệ thống sẽ nói rằng cả điểm tiêm chủng đó đã kín chỗ” - Rumela Basu, một biên tập viên tự do ở Kolkata, nói với Medical News Today.

Sau những trục trặc ban đầu, CoWin được cập nhật, chỉnh sửa và đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, trước khi Chính phủ Ấn Độ thay đổi chính sách từ ngày 15-6 cho phép người đủ điều kiện đến thẳng các điểm chích ngừa mà không cần đăng ký trước.

Nền tảng này cũng đạt được một số thành tích ấn tượng, đủ để ông Sharma tự hào là thu hút được sự quan tâm của các nước: hơn 100.000 nhân viên phụ trách các điểm tiêm chủng toàn quốc đã đăng nhập vào CoWin và thực hiện tiêm cho hơn 8,4 triệu người chỉ trong ngày 21-6, theo báo India Today.

 
 Nhân viên tiêm chủng thao tác trên CoWIN tại một điểm tiêm ở Ấn Độ. Ảnh: Getty Images

Trung Quốc: Xe buýt

Thật bất ngờ khi “công nghệ cao” được nhắc đến trong bài viết với dòng tít “Công nghệ cao giúp đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng” của tờ Thời báo Trung Quốc ngày 13-3 lại là những chiếc xe buýt tiêm chủng lưu động.

Song song với các chính sách khuyến khích tiêm chủng bằng quà tặng hay thưởng tiền, cùng huy động lực lượng vận động nhân dân từ cấp cơ sở thấp nhất, những điểm tiêm chủng lưu động, đến tận nơi thu hút người đến tiêm, nhất là dân văn phòng, vì tiết kiệm được thời gian. Những chiếc xe buýt này cũng phục vụ người tàn tật, người già vốn gặp khó khăn trong đi lại.

Theo Tân Hoa xã, mỗi chiếc xe buýt được thiết kế như một điểm tiêm chủng “một cửa”: tất cả các khâu từ đăng ký, khử trùng và tiêm đều diễn ra trong xe, trong các khoang riêng biệt. Mỗi xe có tủ đông để trữ 1.200 liều vaccine, kèm dụng cụ sơ cấp cứu cần thiết, kết nối WiFi hoặc 5G để báo cáo dữ liệu tiêm chủng theo thời gian thật về các trung tâm quản lý và phòng ngừa bệnh tật địa phương.

Liang Xiaofeng, phó chủ tịch Hiệp hội Y tế dự phòng Trung Quốc, cho biết các xe tiêm chủng lưu động là sự hỗ trợ công nghệ cao cần thiết cho chiến dịch tiêm chủng diện rộng quốc gia. Tính đến ngày 5-7, Trung Quốc đã tiêm hơn 1,31 tỉ liều vaccine ngừa COVID-19, theo Ủy ban Y tế quốc gia. Trong tháng 6, nước này tiêm được trung bình trên 18 triệu liều mỗi ngày, với ngày kỷ lục là hơn 23 triệu (18-6).

 
 Ảnh: CFP

 

 Không tiêm cũng được cấp chứng nhận

Theo báo Hindustan Times ngày 28-6, nữ sinh 18 tuổi Sweety Priya (quận Supaul, bang Bihar) bỗng dưng nhận được tin nhắn báo đã có giấy xác nhận tiêm chủng dù cô có đến trung tâm tiêm chủng nhưng phải quay về vì không được tiêm. Priya phản ảnh thì có nhân viên y tế đến thuyết phục cô đi tiêm để “hợp thức hóa” giấy chứng nhận, nhưng nữ sinh này không đồng ý mà yêu cầu phải coi lại hệ thống lỗi chỗ nào thì sửa.

Tương tự, hồi tháng 5, anh Dinesh Bhatia (TP Cuttack, bang Odisha) đăng ký cho mẹ tiêm qua CoWin nhưng cuối cùng bận việc không thể đưa mẹ đến điểm hẹn. Vậy nhưng cuối ngày Bhatia vẫn nhận được tin nhắn SMS chúc mừng mẹ anh đã tiêm mũi đầu tiên, kèm đường link để tải giấy chứng nhận online, theo New Indian Express. Điều đáng nói là mọi thông tin cá nhân, ngày giờ đều chính xác, và giấy xác nhận cũng có đủ thông tin về loại vaccine, số lô và tên người đã chích cho mẹ anh. Một quan chức y tế địa phương cho rằng có thể có lỗi ở phía CoWin và hứa sẽ xem xét.

Trang tin The Federal của Ấn dẫn lời một nhà khoa học dữ liệu cho biết việc hệ thống bị lỗi và tự tạo giấy chứng nhận với thông tin chính xác của một người là hoàn toàn khả thi, bởi vì dữ liệu đó đã có sẵn trên hệ thống và do chính người dùng nhập vào khi đăng ký đặt chỗ.

Hiện tượng này cũng xảy ra với Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 của Việt Nam. Nhiều người đã thử vào phần “Tra cứu thông tin tiêm chủng” và bất ngờ khi thấy có “Giấy chứng nhận tiêm chủng COVID-19” cấp cho mình với thông tin cá nhân chính xác kèm thời gian, loại vaccine, lô vaccine được tiêm, dù họ chưa từng đi tiêm.

Cần “đám mây” đủ lớn

Cổng đăng ký tiêm chủng online hay xe buýt tiêm chủng lưu động đều đòi hỏi hạ tầng Internet đủ mạnh để lưu trữ, xử lý dữ liệu và duy trì kết nối, trao đổi thông tin thông suốt. Vì thế, các chiến dịch tiêm chủng đại trà đều cần có thêm các công cụ thiết yếu như “điện toán đám mây và các nền tảng quản trị trên nền đám mây, hạ tầng mạng và kết nối đáng tin cậy để sẵn sàng tiếp nhận dữ liệu đăng ký từ người dân, nhận dạng và xác minh thông tin, tính hợp lệ của người đăng ký cũng như cập nhật dữ liệu tiêm chủng”, theo báo Wall Street Journal.

Các hạ tầng Internet này cần phải hoạt động thông suốt giữa các điểm tiêm chủng và giữa các máy móc thiết bị ngay tại mỗi điểm tiêm. Thực tế cho thấy trong những tháng đầu năm ở Mỹ, các dịch vụ công trực tuyến đã chật vật xử lý lưu lượng truy cập tăng đột biến vì nhu cầu đặt lịch hẹn chích ngừa của người dân nhảy vọt, khiến các trang web “sập nguồn” còn đường dây điện thoại thì nghẽn mạng.

Mỹ bắt đầu triển khai chích vắc xin ngừa COVID-19 vào cuối năm 2020, tính đến ngày 9-7 đã tiêm 332 triệu mũi với trên 158 triệu người (47,7% dân số) chích đủ các liều, theo Đài NPR.

Tỉ lệ tiêm chủng ở Mỹ đạt đỉnh vào tháng 4-2021, với hơn 3 triệu mũi tiêm mỗi ngày. Điều này đồng nghĩa với các hệ thống tiếp nhận đăng ký phải có năng lực xử lý hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn, yêu cầu đặt chỗ và có các phần mềm, hệ thống chuyên biệt để xử lý các khâu khác nhau của quy trình này, theo Todd Schroeder - giám đốc chiến lược số trong lĩnh vực công của Google Cloud.

Điện toán đám mây - nơi mọi dữ liệu được xử lý trên các máy chủ cực mạnh do Google hay các hãng công nghệ khác cung cấp - chính là chìa khóa. “Chúng tôi có kinh nghiệm độc nhất trong việc xử lý lưu lượng truy cập web cao” - Schroeder nói.

Đa số các trang web và tổng đài điện thoại quá tải khi người Mỹ đổ xô đăng ký lịch tiêm hồi tháng 4 là do các cơ quan y tế hay chính quyền địa phương phát triển. Trước tình hình sập web, nghẽn mạng rộng khắp, các đại gia công nghệ gồm Microsoft, Amazon và Google đã triển khai các nền tảng và ứng dụng đám mây để giúp xử lý số lượng lớn người Mỹ đủ tiêu chuẩn tiêm chủng đổ xô đăng ký.

Các hãng này cũng không phải vất vả gì nhiều, bởi vì các công cụ này đều được chỉnh sửa lại trên nền các hệ thống dùng để đặt lịch xét nghiệm COVID-19 từng đưa vào sử dụng hồi cuối năm ngoái. Theo Wall Street Journal, các đại gia công nghệ nói trên cũng không thiếu các ứng dụng sẵn có chuyên cho mục đích quản lý, truyền thông và vận hành tổng đài tự động với các trợ lý ảo quen thuộc như Alexa.

Tháng 2, Google ra mắt hệ thống đặt lịch tiêm chủng, bao gồm một tổng đài tự động sử dụng trí tuệ nhân tạo làm tổng đài viên - có khả năng xác thực người gọi đến có đủ tiêu chuẩn được tiêm không, sau đó mới nhận đăng ký và xếp lịch. Điểm đặc biệt, theo Google, là tổng đài viên AI này có thể nói 27 thứ tiếng và thổ ngữ khác nhau.

Theo Schroeder, do toàn bộ quy trình được xử lý trên đám mây của Google nên chuyện tiếp nhận dữ liệu cho từng khâu, với hàng triệu người dùng, là không thành vấn đề. Chỉ tính riêng bang New York, đến hạ tuần tháng 4, tức chưa đầy 2 tháng đưa vào sử dụng, hệ thống của Google đã xác thực tiêu chuẩn và đặt lịch cho hơn 37 triệu người. “Chúng tôi sẽ không bao giờ làm được vậy nếu sử dụng hạ tầng cũ, có lúc chúng tôi phải xử lý số dữ liệu tính bằng terabyte với tốc độ cực nhanh” - Sandra Beattie, thành viên tổ tác chiến COVID-19 của New York, kể với Wall Street Journal.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận