Đầu tàu kinh tế châu Âu trật bánh?

LÊ QUANG 08/06/2023 06:07 GMT+7

TTCT - Nền kinh tế Đức ghi nhận hai quý âm liên tiếp. Khi một nền kinh tế suy thoái trong 6 tháng liền, thuật ngữ chuyên ngành là suy thoái kỹ thuật.

Tháng 4 năm ngoái, Chính phủ Đức quyết định hỗ trợ khoảng 2,1 triệu người dân tiền đốt lò sưởi bằng trợ cấp một lần, đặc biệt là cho các hộ gia đình đang được nhà nước bù tiền nhà và sinh viên đang vay tiền để học. 

Chiến sự ở Ukraine khiến chi phí dầu khí tăng mạnh và tăng gấp đôi khoản trợ cấp so với dự kiến ban đầu. Đợt hỗ trợ thứ hai diễn ra vào cuối năm, không chỉ cho người dân mà cho cả doanh nghiệp, nhằm cân bằng đôi chút mức lạm phát phi mã.

Người dân của đất nước có nền an sinh xã hội tương đối ổn định ở giữa Liên minh châu Âu này thậm chí không cần đệ đơn xin xỏ hay đăng ký, mà cứ thế thấy tiền chảy vào tài khoản. Dĩ nhiên là họ vui mừng. Song sau phút hân hoan đầu tiên thì mỗi người có suy nghĩ đều mường tượng được rằng chẳng có túi tiền nào là không đáy.

Và quả thật, hôm nay có thêm một hóa đơn nữa bay vào thùng thư mỗi nhà: 300 tỉ euro hỗ trợ ngân sách thâm hụt vì Covid-19, 100 tỉ euro chi đột xuất cho quân đội để ứng phó với tình hình Ukraine và ống dẫn dầu khí giá rẻ từ Nga bị bóp nghẹt - những thứ đã chính thức đẩy nền kinh tế quốc dân đứng top đầu EU vào tình trạng suy thoái.

Đầu tàu kinh tế châu Âu trật bánh? - Ảnh 1.


Thời ảm đạm báo trước

Nền kinh tế Đức suy giảm trong quý đầu tiên năm 2023. Thoạt tiên người ta cho rằng tình hình chưa đến nỗi tệ khi tăng trưởng bằng 0. Nhưng hôm thứ năm trước, Cục thống kê liên bang đã điều chỉnh ước tính của cuối tháng 4 từ 0% xuống âm 0,3% so với quý trước. Qua đó nền kinh tế Đức ghi nhận hai quý âm liên tiếp, sau khi sản lượng kinh tế đã giảm 0,5% trong quý 4-2022.

Khi một nền kinh tế suy thoái trong 6 tháng liền, thuật ngữ chuyên ngành là suy thoái kỹ thuật. Người ta định nghĩa kinh tế suy thoái là khi sản lượng kinh tế giảm, tức là không tăng trưởng cũng không đình trệ. Theo nhận định của các học giả kinh tế Đức, bước phát triển này không hề bất ngờ, mặc dù cho đến phút cuối cùng, Chính phủ Đức không hề công khai nói đến tình trạng suy yếu kinh tế thê thảm như vậy. 

Năm ngoái giá cả sinh hoạt đã tăng hơn 10%, đi đôi với mức lạm phát cao nhất trong 40 năm qua, do đó phần lớn các chuyên gia kinh tế đã tính đến một cuộc suy thoái trong năm nay.

Người Đức có tính bi quan bẩm sinh, khi cùng lúc có tin vui tin buồn thì họ đòi nghe tin buồn trước. Ta cũng bắt chước họ để báo tin buồn rồi, bây giờ mới nói tin vui, hay đúng hơn là tin ít buồn hơn: cái thông báo của Cục thống kê liên bang không làm mấy ai giật mình, vì gọi suy thoái là cơm bữa trong kinh tế tư bản thì hơi quá, nhưng nó cũng không phải sự kiện hy hữu lắm đâu!


Có đáng lo lắm không?

Con người lo lắng cả đời, người Đức sau 7 thập niên hòa bình và phồn vinh lại càng có cớ để lo hơn, nhất là đang cầm lái cho con tàu EU. Nhưng ta hãy tìm hiểu đôi chút lịch sử để có cái nhìn tỉnh táo hơn.

Từ sau Thế chiến II Tây Đức đã kinh qua 10 cuộc suy thoái, chẳng hạn cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào thập niên 1970 và cả những năm 1980. Hồi đó, kinh tế Đức chỉ thỉnh thoảng bị giảm tốc độ tăng trưởng.

Cấm ô tô vào ngày chủ nhật trong khủng hoảng dầu mỏ 1973 ở Đức

Cấm ô tô vào ngày chủ nhật trong khủng hoảng dầu mỏ 1973 ở Đức

Hai cú sốc nghiêm trọng gần đây nhất là cuộc khủng hoảng thị trường tài chính năm 2007 và do đại dịch Covid năm 2020. Tổng sản phẩm quốc nội của Đức giảm 5,7% trong cuộc khủng hoảng tài chính và 4,6% vì đại dịch.

Cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ việc thị trường tài chính được cởi trói vô tội vạ và sự tập trung ồ ạt của cải tư nhân. Kế đó, nước Đức chia sẻ hậu quả đại dịch với cả thế giới vì phải tiến hành các biện pháp phong tỏa.

Tuy nhiên, cả hai cuộc khủng hoảng đều nhanh chóng được khắc phục nhờ các chương trình kinh tế sâu rộng và chính sách hạ lãi suất của nhà nước. Một may mắn lớn của dân Đức là thoái trào kinh tế không ảnh hưởng đến thị trường lao động. 

Chính phủ Đức, với sự ủng hộ của giới công đoàn vô cùng mạnh mẽ, khá mát tay khi đề ra một loạt quy định hữu hiệu giảm thời gian làm việc đồng loạt, nhờ đó ngăn chặn được tình trạng thất nghiệp tràn lan bởi Covid.

Le lói cuối đường hầm

Những nhận định mới nhất về hoạt động kinh tế của Đức thu hút sự quan tâm của nhiều chủ thể liên quan như doanh nghiệp và nhà đầu tư là những người cần đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu kinh tế. Họ tin rằng mặc dù nền kinh tế đang đương đầu với một số thách thức, nhưng vẫn có tiềm năng tăng trưởng.

Nên nhớ rằng vai trò nhà nước ở đây rất quan trọng: trong nền kinh tế thị trường xã hội, nếu đã không tránh được suy thoái thì nhà nước phải cố gắng làm giảm nhẹ tác động và rút ngắn suy thoái, và trên hết là giảm thiểu hậu quả cho những người bị ảnh hưởng bằng nhiều dạng trợ cấp xã hội như bù tiền nhà, tiền dầu sưởi, bù lương hao hụt vì giảm giờ làm.

Một khu phố mua sắm ở TP Stralsund (Đức). Ảnh: Getty Images

Một khu phố mua sắm ở TP Stralsund (Đức). Ảnh: Getty Images

Về cơ bản, có hai cách tiếp cận chính để nhà nước phá vỡ vòng xoáy tiêu cực của suy thoái kinh tế: thúc đẩy nguồn cung hoặc hỗ trợ nhu cầu.

Trường phái "thúc đẩy cung" nỗ lực cố gắng tăng cường khả năng của những người tham gia hoạt động kinh tế để họ chủ động đầu tư và sản xuất nhiều hơn. Muốn vậy, nhà nước phải cắt giảm thuế, đơn giản hóa thủ tục quan liêu, hoặc tăng tư nhân hóa. Nói cách khác, nhà nước phải lui một bước và trao quyền cho người dân. Cách tiếp cận này phổ biến trong giới kinh tế tự do và trong phe giới chủ.

Đại diện nổi tiếng nhất của lý thuyết "hướng về cầu" là nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes. Lý thuyết của ông, nói một cách dễ hiểu, là trong thời kỳ suy thoái, nhà nước nên hỗ trợ nhu cầu bằng các đầu tư bổ sung, ví dụ như cho cơ sở hạ tầng. 

Nhà nước nên tăng nợ công cho những khoản đầu tư này, để khi nền kinh tế mạnh mẽ trở lại sẽ có hướng giảm nợ. Trường phái này chủ yếu phổ biến với các nhà kinh tế cánh tả, dân chủ xã hội và công đoàn đang chiếm thế thượng phong ở Đức.

Ở đây, Đức là một nước có thế mạnh trong so sánh nội bộ EU, vì có một liên minh truyền thống giữa các công ty, người lao động và nhà nước. Mọi người đều làm phần việc của mình để đảm bảo cho các công ty không sa thải người làm. Các công ty chấp nhận ít lãi hoặc lỗ, bằng cách trả lương cao hơn so với những gì họ nhận được khi rút ngắn giờ làm việc. Qua đó, không ai bị sa thải. Nhà nước trợ cấp cho chủ lao động, nhưng tránh được chi phí cao hơn do trợ cấp thất nghiệp.

Một mâu thuẫn... tích cực?

Lạm phát - hiện quanh mức 8% ở Đức - là một trong những chỉ dấu quan trọng nhất của suy thoái kinh tế. Nó là thước đo tốc độ tăng giá của hàng hóa và dịch vụ nói chung và do đó cũng trực tiếp thể hiện chi phí sinh hoạt hằng ngày.

Khi tỉ lệ lạm phát tăng lên, trước hết mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn: thực phẩm và dịch vụ, chi phí sản xuất và giá năng lượng cho các công ty. Để chống lại điều này và tái cân bằng cung cầu, các ngân hàng trung ương đang tăng lãi suất. 

Bởi vì, theo lý thuyết, lãi suất tăng làm giảm nhu cầu. Lập tức các khoản đầu tư trở nên đắt đỏ hơn đối với các doanh nghiệp và sức tiêu dùng tư nhân suy giảm bởi các khoản vay tín dụng đắt đỏ hơn. Dễ hiểu là người dân phải thắt chặt hầu bao.

Lúc đó, các công ty vừa phải hoãn đầu tư lại vừa bị mắc kẹt với núi hàng hóa của họ và buộc phải giảm sản xuất, đồng nghĩa với việc các công ty ít thèm khát năng lượng hơn. Kết quả là giá dầu, than và khí đốt đang giảm. Vì vậy, giá cả tăng khi vừa bắt đầu lạm phát, nhưng lại giảm trong tiến trình suy thoái.

Theo dõi thị trường chứng khoán, sẽ không thấy biến động gì lớn ở các chủ thể kinh tế lớn, dường như họ vẫn có lòng tin vào chính sách của chính phủ đương nhiệm. Clemens Fuest, chủ tịch Viện IFO, một trong những thinktank lớn nhất Đức, tuyên bố khá bình tĩnh: "Trong thời kỳ suy thoái, nhà nước có thể tung ra các chương trình kích thích kinh tế. Các chính trị gia có thể cải thiện điều kiện kinh doanh bằng cách giảm bớt thủ tục quan liêu và thuế. Chúng ta chắc chắn có nhiều lựa chọn để khắc phục khó khăn, chỉ cần nhà nước hãy nhìn nhận những khó khăn một cách nghiêm túc".

Ngay cả trong những ngày khá ảm đạm này, Chính phủ Đức vẫn dự kiến tăng trưởng GDP 0,4% trong năm nay. Sang năm 2024 sẽ có mức tăng mạnh hơn là 1,6%. Để so sánh: năm 2022 Đức đã có mức tăng trưởng 1,8%.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dè dặt đoán rằng tăng trưởng kinh tế Đức có khả năng dao động quanh mức số 0, tức là bi quan hơn chính phủ liên bang, tương tự như Ủy ban EU dự kiến tăng trưởng kinh tế của Đức là 0,2%. Nhưng ít nhất thì các bên cũng có chung một điểm - đó là Đức sẽ vượt qua cuộc suy thoái trong năm nay. 

Thời thắt lưng buộc bụng

Mỗi cuộc suy thoái đều đi kèm với tổn thương của cuộc sống thịnh vượng. Giá trị của hàng hóa và dịch vụ bị giảm. Tất cả mọi người và doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng không ít thì nhiều, bất hạnh nhất là những người lao động mất công ăn việc làm và những công ty chết chìm trong khủng hoảng.

Nhìn chung, kinh tế suy thoái nghĩa là có ít tiền trong ví hơn. Các cuộc đấu tranh phân phối trở nên khốc liệt hơn và rốt cuộc có thể dẫn đến căng thẳng xã hội và chính trị. Suy thoái gây bất ổn mọi bề.

Nhưng suy thoái cũng có tác động tích cực. Các công ty kém cạnh tranh hơn sẽ biến khỏi thị trường, nhường chỗ cho các tên tuổi mới, sáng tạo hơn, hiệu quả hơn trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Suy thoái có thể giúp tăng tiềm năng của một nền kinh tế và do đó làm tăng sự thịnh vượng của người dân, điều đó đã được lịch sử chứng minh qua vô vàn cuộc suy thoái.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận