Dạy và học từ trong bếp

HUY THỌ 06/05/2021 01:15 GMT+7

TTCT - Thành công lớn nhất của hội thi “Đầu bếp trẻ” dành cho học sinh THPT ở TP.HCM sau 3 năm tổ chức là đã có rất nhiều học sinh biết vào bếp chia sẻ cùng ba mẹ

 
 Học sinh trường THPT Nguyễn Công Trứ bên bữa ăn dự thi. Ảnh: HT

Gần 4.000 học sinh THPT trên địa bàn TP.HCM đã trải qua vòng loại kéo dài trong ba tuần để chọn ra 360 em (120 đội, từ 51 trường) vào vòng chung kết hội thi “Đầu bếp trẻ” do Sở GD-ĐT tổ chức sáng 24-4 tại khu du lịch Văn Thánh. 

Mục tiêu hướng nghiệp cho học sinh của hội thi đã thành công với xác nhận của nhiều giáo viên về việc học trò mình chọn nghề bếp ngày càng nhiều, nhưng điều nổi bật ở hội thi này lại là câu chuyện giáo dục kỹ năng sống!

 Ngày xưa, trong trường dạy từ việc ủi áo quần trở đi. Vá áo cũng tỉ mỉ chọn sao cho mảnh vải vá hợp màu, đường kim mũi chỉ thẳng thớm. Nấu ăn thì không cần phải biết làm những món cao lương mỹ vị, nhưng phải đảm bảo cơm nóng canh sốt. Tôi không nghĩ đó là xưa cũ, mà đó là kỹ năng sống. Thời nay nếu có khác đi thì không chỉ chăm chăm bắt con gái học, con trai cũng cần phải học, để nhỏ thì phụ ba mẹ, lớn lên thì chia sẻ với vợ để giữ bếp ấm - nói cách khác là giữ hạnh phúc gia đình. 

- Nghệ nhân ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh

Nỗi lo thế hệ “nấu bếp bấm bấm”

“Sau ba năm làm giám khảo hội thi, cảm nhận của tôi về thành công lớn nhất là đã có rất nhiều học sinh biết vào bếp chia sẻ cùng ba mẹ” - nghệ nhân ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh gật đầu đồng tình.

Người phụ nữ Huế vừa đến tuổi cổ lai hi này nói rằng bà lo ngại về một thế hệ chỉ biết “nấu bếp bấm bấm” (đặt qua điện thoại), gọi đồ ăn mang đến tận nhà. “Khi ấy, bếp sẽ nguội lạnh. Mà bếp nguội thì mối dây liên kết các thành viên trong gia đình cũng khó mà giữ được bền vững” - bà nói. 

Trong những ngày đầu của đợt giãn cách toàn xã hội do dịch COVID-19 hồi năm ngoái, nhiều bà mẹ trẻ khi ở nhà rảnh rỗi đã xắn tay vào bếp, gây ra những tràng cười vô tận trên các trang mạng xã hội trên các nhóm như “ghét bếp”, “thù nấu ăn”… 

Dẫu có ít nhiều cường điệu để gây cười, nhưng những chuyện lập cập vụng về kiểu vẩy rổ rau sống làm rau bay tung tóe, nấu cơm ba tầng “trên sống, dưới khê, tứ bề nhão nhoét” hay cả gian bếp thành bãi chiến trường chỉ sau một lần nấu bữa tối… là không hiếm và có thật. 

Nhiều cô gái trẻ biện minh cho chuyện họ thiếu kỹ năng bếp núc bằng cách nói rằng giờ là thời của thức ăn giao tới tận nhà, cần gì nấu nướng cho mệt mỏi. Và vì thế, có cả một thế hệ “bấm bấm nấu bếp” cũng không có gì lạ.

Vì vậy, đề bài cho vòng chung kết hội thi đầu bếp dành cho học sinh PTTH TP.HCM 2021 khá khó xơi: các đội tự chuẩn bị sẵn món tráng miệng, các loại rau củ quả cùng gia vị, riêng nguyên liệu món chính thì do ban tổ chức cung cấp kiểu hên xui. 

Trước giờ thi tài, mỗi đội nhận từ ban tổ chức một thùng xốp niêm kín, về mở ra nhìn nguyên liệu trong đó mới quyết định thực hiện được món gì.

Đội vô địch đến từ Trường Nguyễn Công Trứ (trường có ba đội dự thi và đoạt giải nhất cùng hai giải 4) gồm ba thành viên, trong đó hai nữ là Đỗ Nguyễn Thúy An, Nguyễn Thị Hồng Yến và một nam cũng là đội trưởng Lương Trung Hiếu. Mở thùng xốp của ban tổ chức, cả ba cùng thở dài. Vì sở trường của cả ba đều là chế biến thịt gà, nhưng trong thùng xốp là sườn heo! 

“Bây giờ nhiều người tới lúc cho con đi du học mới giật mình thấy lỗ hổng lớn nhất của quý tử khi phải bươn chải một mình ở đất khách chính là thiếu kỹ năng sống, trong đó có chuyện bếp núc. Đâu phải em nào cũng đủ điều kiện ra ngoài ăn nhà hàng, nhưng bước vào bếp thì lúng túng, chả biết gì ngoài việc nấu mì tôm! Tôi có mở một lớp dạy nấu ăn cho trẻ em và cảm nhận được các bậc phụ huynh ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc trang bị cho con em mình những kỹ năng sống, mà cụ thể là biết vào bếp tự phục vụ mình"

- Nguyễn Hồ Tiếu Anh (giám đốc Công ty ẩm thực Ngon và Lành, thành viên ban giám khảo hội thi)

 
 Niềm vui của cô trò Trường Nguyễn Công Trứ với giải nhất. Ảnh: H.T.

Cú bẻ lái sáng tạo

Đội trưởng Hiếu nhanh chóng giao cho hai bạn nữ tập trung làm món salad rau củ, còn cậu đảm nhận món chính. “Ở nhà em từng làm món sườn non chua ngọt nhiều rồi, nhưng ở đây không đủ nguyên liệu để làm nước sốt nên em quyết định bẻ lái làm món sườn sốt mắm tắc” - Hiếu kể. Không ngờ cú bẻ lái sáng tạo ấy đã chinh phục được khẩu vị của các giám khảo toàn là nghệ nhân và những đầu bếp chính của các nhà hàng lớn, đưa đội của Hiếu đến ngôi quán quân.

Chị Dương Kim Lan, mẹ của Lương Trung Hiếu, kể rằng giấc mộng của con trai chị là trở thành một kỹ sư chế tạo máy chứ không phải đầu bếp. Chị có ba con, hai gái một trai, Hiếu - con giữa - đã được huấn luyện từ tấm bé chuyện bếp núc để phụ mẹ vì công việc tiếp viên hàng không khiến chị thường xuyên vắng nhà. “Với tôi, trai hay gái gì cũng phải biết làm bếp. 

Đó không chỉ là một phần của kỹ năng sống cần thiết cho các cháu mà còn là nơi mà tôi tiếp cận với con cái dễ nhất. Trong bếp, khi cùng nấu ăn với nhau, mẹ con sẽ dễ dàng nói chuyện, chia sẻ những gì thầm kín nhất. Vì vậy, không gian bếp là nơi mà tôi cho là môi trường giáo dục vô cùng quan trọng” - chị Lan nói.

 Nhà bếp là nơi mà tôi và các con chia sẻ được nhiều điều khi cùng nhau nấu ăn

chị Dương Kim Lan, mẹ của Lương Trung Hiếu

Tôi kiểm tra kỹ năng và kiến thức bếp núc của Hiếu bằng những câu hỏi ngắn: 

Con có bao giờ đi chợ hay siêu thị một mình không? Đáp: - Dạ thường xuyên, toàn là đi chợ gần nhà ở quận 12. 

Hỏi: - Con có biết chọn thức ăn tươi ngon không? Đáp: - Dạ biết chứ. Con nhớ mãi hồi năm lớp 6, ở lần đầu mẹ giao đi chợ, con mua một miếng thịt heo về, nó vừa dai vừa hôi. Mẹ đã giải thích cặn kẽ rằng đó là thịt heo già, không còn tươi. 

Từ đó, Hiếu biết chọn thịt bằng cách nhìn miếng thịt phải hồng hào, đẹp, da phải mỏng, mùi thơm. Con tôm ngon thì phải trong, mình chắc và nhất là đầu phải gắn chặt với thân thì mới tươi… Chàng trai tuổi 17 này giờ đã có công phu bếp núc khá thâm hậu.

 
 Sản phẩm bắt mắt của các học sinh Trường Việt Úc. Ảnh: H.T.

Không chỉ có Hiếu - nhà vô địch, tôi gặp ba chàng trai cao lớn đến từ Trường Lương Thế Vinh đang rất nhuần nhuyễn khi làm món cánh gà tẩm bột chiên giòn, ăn cùng salad trộn dầu giấm. Nhìn cách các em tỉa gọt những quả ớt chuông rất khéo léo là biết tất cả đều đã được chỉ dạy nấu ăn cẩn thận. Kết thúc hội thi, cả ba cậu Kiên, Nguyên và Lĩnh đều bảo: “Hôm nay tụi con hơi căng thẳng, nên làm không ngon bằng lúc ở nhà”.

Đặng Văn Cường, cậu học sinh lớp 12 Trường An Nghĩa (Cần Giờ), vừa khéo léo thực hiện món ức gà cuộn rau củ, vừa chia sẻ “Mục tiêu số 1 của con là vào ĐH Sư phạm để sau này làm thầy giáo, nhưng nếu không được thì con sẽ theo nghề đầu bếp”. 

Cô giáo Trần Thị Thu Thủy - người dẫn Cường và các bạn đi thi, thì còn kể chuyện Cường làm món mứt dừa để bán dịp tết.

Những cô gái từ Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai nhuần nhuyễn chế biến món spaghetti gà. “Nếu đề thi tự do thì con sẽ làm món Lasagna (mì lá) của Ý. Sở trường của con là món tây, ở nhà ai cũng khen” - một cô gái chia sẻ. ■

Phụ huynh đã thay đổi

Cô Lương Thị Tuyết Mai - 65 tuổi, dạy môn kỹ thuật từ năm 1977 và tuy đã nghỉ hưu 10 năm nhưng vẫn được mời thỉnh giảng ở Trường Lương Thế Vinh - nhận định: “Không thể phủ nhận là trong vài năm gần đây, kỹ năng sống của học sinh đã được cải thiện đáng kể. Nhà trường chú trọng hơn đến chuyện này, nhưng điều đáng ghi nhận là sự thay đổi về nhận thức của phụ huynh. Theo tôi, để có được những cô cậu học sinh - đầu bếp thú vị như 360 em có mặt tại vòng chung kết hội thi năm nay, công lao phụ huynh phải chiếm đến ít nhất là 60%. Nhà trường có nỗ lực đến mấy mà phụ huynh xem nhẹ thì cũng khó mà thành công”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận