TTCT - Một trong những điều được chờ đợi nhất năm 2016 là việc chính thức ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được kỳ vọng là có lợi cho Việt Nam nhất trong 12 nước cùng tham gia. Tuy nhiên, cái lợi này không phải dễ đong đếm theo kiểu phát biểu của một quan chức ngành công thương rằng TPP sẽ tiết kiệm cho dệt may, da giày Việt Nam hơn tỉ USD tiền thuế vào Mỹ! Công nhân là đối tượng chịu tác động lớn nhất từ các hiệp định FTA -Hữu Khoa Đúng là dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ hiện chịu thuế cao, từ 17-20%, và một khi TPP có hiệu lực thì thuế suất này sẽ giảm về 0%. Nhưng thuế nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam vào Mỹ ai đóng? Có phải doanh nghiệp Việt Nam không? Không phải. Những phần chia bé bỏng Đây là loại thuế mà doanh nghiệp Mỹ - bên đi mua hàng từ Việt Nam - phải đóng. Khi thuế này giảm thì trước tiên doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ hưởng lợi. Sau đó họ sẽ phải giảm giá bán để thu hút người tiêu dùng nên người trực tiếp hưởng lợi nữa chính là... người tiêu dùng Mỹ. Có một phần nào đó họ phải chia bớt cho doanh nghiệp Việt Nam để khi đó mới tăng mua hàng từ Việt Nam và từ phần chia bớt này rơi rớt xuống cho công nhân - người trực tiếp may quần áo xuất khẩu, ắt không còn bao nhiêu cả. Rõ ràng cái lợi từ TPP đối với hàng may mặc không phải là doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm được 1,17 tỉ đôla tiền thuế, không hề có chuyện đó. Có chăng là hàng Việt Nam sẽ mang tính cạnh tranh tốt hơn trên đất Mỹ nhờ giá và nhờ đó cung sẽ tăng lên. Cung tăng thì sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho công nhân và cho nền kinh tế. Hiện nay hàng may mặc từ Việt Nam chỉ chiếm 9% thị trường Mỹ (so với 35% của hàng may mặc từ Trung Quốc). Theo một số dự báo, nếu có TPP thì xuất khẩu hàng may mặc và da giày của Việt Nam vào Mỹ mới đạt mức 165 tỉ đôla vào năm 2025 (không có TPP thì con số này chỉ còn 113 tỉ đôla). Nếu thị phần Việt Nam tăng mạnh, tính cạnh tranh sẽ dẫn tới thu nhập lẫn điều kiện làm việc cho công nhân Việt Nam được cải thiện. Đó mới chính là lợi ích đáng kỳ vọng nhất. Nhìn cách nào đó thì lợi ích của TPP đa số sẽ mang tính gián tiếp như thế và để “hiện thực hóa” các lợi ích này đòi hỏi phải có sự chủ động rất lớn từ phía Việt Nam. TPP cũng như các hiệp định thương mại tự do khác là một sự “tái phân công” lao động khi các nước đã phát triển như Mỹ thấy ôm các loại công việc lao động tay chân như làm hàng may mặc, da giày không có lợi bằng làm các công việc liên quan đến sáng tạo. Điều này đã diễn ra từ lâu, chẳng hạn Apple sản xuất chiếc iPhone ở Trung Quốc vì chi phí nhân công chỉ chiếm 1,8% trong khi phần lãi cho Apple chiếm đến 58% giá bán. Với các sản phẩm khác, bức tranh cũng tương tự, phần dành cho sản xuất chiếm tỉ trọng nhỏ, mà phần dành cho thiết kế, tiếp thị và hàng loạt dịch vụ liên quan mới chiếm phần lớn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, cách dàn xếp như thế vẫn chưa tối ưu vì chưa kiểm soát được một cách hiệu quả nhất việc các nước lo khâu sản xuất đối xử với công nhân (vừa bị dư luận người tiêu dùng lên án, vừa bị công nhân nước giàu phân bì khi bị mất việc) hay chuyện bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ chưa chặt chẽ (mà lợi nhuận lớn đến từ các khâu sáng tạo nếu không bảo vệ được bản quyền sẽ dễ dàng biến mất). Thế là ra đời hàng loạt hiệp định thương mại tự do mà TPP chỉ là hiệp định mới nhất. Trong đó, để đổi lại quyền được sản xuất hàng hóa sẽ được tiêu thụ ở các nước giàu hơn với thuế giảm hay miễn thuế, các nước nghèo hơn phải chấp nhận một số điều kiện, ngặt nghèo nhất là các quyền sở hữu trí tuệ (như bản quyền dược phẩm), sau đó là các ràng buộc về lao động (để các doanh nghiệp cạnh tranh trên sân chơi bình đẳng khi điều kiện đối xử với công nhân là như nhau). Có những ràng buộc mới nhìn qua tưởng sẽ áp dụng chung, bình đẳng cho mọi nước thành viên như khả năng các doanh nghiệp kiện nhà nước nếu có chính sách bất lợi cho việc kinh doanh so với cam kết ban đầu. Nhưng rõ ràng chuyện doanh nghiệp nước giàu kiện nhà nước nước nghèo thì nghe khả thi hơn nhiều cái khả năng ngược lại. Nhìn về câu chuyện phân công lao động Với Việt Nam thì câu chuyện thiệt hơn lại càng phức tạp hơn bởi một số nguyên nhân. Đầu tiên, với nhiều người, bảo vệ lợi ích của nông dân là yêu cầu cao nhất, chẳng hạn như Nhật, mặc dù chi phí để bảo vệ lợi ích này với Nhật là rất lớn. Đơn giản là nếu Nhật cho nhập khẩu gạo một cách tự do, giá gạo ở Nhật sẽ giảm rất mạnh, làm người tiêu dùng Nhật tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể. Nhưng chính phủ Nhật vẫn hạn chế nhập khẩu gạo để gián tiếp bảo hộ cho nền nông nghiệp Nhật, cho nông dân Nhật và vì thế nền kinh tế phải chịu thêm một khoản chi phí. Thế mà với một nước nông nghiệp như Việt Nam, nông dân hầu như không phải là một tiếng nói phải tính đến trên bàn đàm phán. Vì thế đã có nhiều bình luận cho rằng nông nghiệp và cụ thể là ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ chịu nhiều thiệt thòi nhất khi tham gia TPP. Thứ đến, ngay trong Việt Nam, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hiện đang lấn lướt khu vực kinh tế trong nước và chủ động tìm cách để hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định thương mại tự do, kể cả TPP. Tăng trưởng xuất khẩu đến từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực này hiện đang chiếm đến 2/3 xuất khẩu. Nói cách khác, lợi ích trực tiếp của TPP là thuế nhập khẩu giảm nhưng dường như chỉ có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tận dụng được lợi ích này để đẩy mạnh xuất khẩu. Trong khi đó doanh nghiệp trong nước lại “khai thác” hướng ngược lại - tận dụng thuế nhập khẩu giảm để đi mua hàng nước ngoài về bán, hưởng lãi dễ dàng hơn trước. Chẳng mấy chốc thị trường Việt Nam sẽ toàn là hàng nhập khẩu giá rẻ, càng đè bẹp sản xuất trong nước. Quay trở lại ngành dệt may, sôi nổi đón đầu cơ hội từ TPP cũng là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi triển khai các dự án sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành này. Cho nên dù TPP có du di cho Việt Nam tiếp tục sử dụng vải và nguyên phụ liệu từ các nước bên ngoài TPP trong vòng 5 năm nữa thì giới đầu tư nước ngoài đã lường trước hết để cách nào họ cũng hưởng lợi nhiều hơn. Công nhân và doanh nghiệp trong nước chỉ còn biết cặm cụi tiếp tục may, tiếp tục hưởng tỉ trọng lợi nhuận thấp nhất trong chuỗi cung ứng này. Như vậy để khỏi ảo tưởng về TPP, không những phải nhìn nó như một cách “tái phân công” lao động giữa các nước giàu nghèo như nói ở trên, nó cũng sẽ là sự “tiếp tục phân công” lao động giữa các thành phần kinh tế bên trong đất nước mà phần yếu vẫn đang nghiêng về các bên trong nước, kể cả doanh nghiệp, công nhân và nông dân.■ Tags: TPPẢo tưởng TPPLợi ích từ TPP
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Toàn cảnh thảm khốc Làng Nủ: Cha đi tìm con giữa tan hoang lũ quét 14/09/2024 Thảm khốc ấy ập đến khi người dân Làng Nủ còn đang ngủ. Lũ quét đi tất cả. Bao gia đình tan hoang, con mất mẹ, chồng mất vợ, tang thương bao trùm lấy ngồi làng nghèo giữa đại ngàn bao phủ.
Miền Bắc sắp mưa phủ rộng, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất TTXVN 14/09/2024 Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết chiều tối nay, khu vực Bắc Bộ có mưa với lượng mưa từ 5-15mm, có nơi trên 40mm.
Cảnh báo lũ trên sông Đồng Nai - La Ngà, người dân khu vực này cần chú ý LÊ PHAN 14/09/2024 Do mưa lớn ở đầu nguồn, nước trên hệ thống sông Đồng Nai - La Ngà đang lên, cơ quan khí tượng cảnh báo người dân cần chú ý.
Ngoài bánh chưng, mì tôm, có thể cứu trợ thực phẩm gì cho bà con vùng bão lũ? DƯƠNG LIỄU 14/09/2024 Ngoài đóng góp tiền, đồ dùng thiết yếu, những loại thực phẩm nào nên được mang đến cho người dân lúc này?