Để không trở thành thuộc địa về trí tuệ

(SULAK SIVARAKSA) 12/08/2012 20:08 GMT+7

TTCT - Thuật ngữ "phát triển bền vững" chính thức xuất hiện đầu tiên vào năm 1980 trong ấn phẩm Chiến lược bảo tồn thế giới (do Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên quốc tế công bố).

Đến nay đã có rất nhiều quốc gia, các tổ chức - định chế thế giới đã phát triển thuật ngữ này và luôn lấy "mục tiêu phát triển bền vững" để xây dựng chiến lược phát triển cho mình.

Phóng to

Đọc tác phẩm Minh triết của sự bền vững (*) của Sulak Sivaraksa - nhà trí thức, nhà phê bình xã hội thẳng thắn, nổi bật người Thái Lan - độc giả sẽ có cơ hội nhìn nhận sự "bền vững" dưới góc độ "kinh tế Phật giáo" vô cùng tinh tế và sẽ "giật mình" với thực tế đang chạm phải hằng ngày.

Từ cuộc "khủng hoảng - thiên sứ" Thái Lan

“Sự hứa hẹn của chủ nghĩa tư bản là mang lại giải thoát qua sự tăng trưởng kinh tế mãi mãi... là điên rồ. Không gì có thể tăng trưởng mãi. Có những giới hạn. Trước khi chúng ta xâm hại một cách không thể nào quy hồi chất liệu của đất mẹ, chúng ta cần đổi hướng và xây dựng một tương lai dựa trên trí tuệ và từ bi”

Sulak Sivaraksa đã không ngần ngại gọi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1997-1998, vốn bắt đầu từ Thái Lan - xứ sở của ông - là "một thiên sứ để khuyến khích chúng ta tìm những giải pháp giao thế cho sự toàn cầu hóa về kinh tế". Ông gọi sự toàn cầu hóa về thực chất phải gọi là chủ nghĩa bảo căn thị trường tự do (free-market fundamentalism), là một tôn giáo ma quỷ áp đặt những giá trị vật chất lên các nước đang phát triển cũng như các nước công nghiệp hóa, thúc đẩy các cá nhân ra sức kiếm tiền nhiều hơn và chẳng bao giờ chấm dứt tham lam và bất an.

Ông không ngần ngại khi chỉ trích việc tạo dựng nên các tổ chức tài chính thế giới như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế... là những "thiết chế và công cụ đã mang lại sự bất bình đẳng gia tăng về sự giàu có, cũng như sự xuống cấp của cảnh quan và sự suy đồi về văn hóa".

Sulak đã dẫn chứng chính ngay thực tế đang diễn ra trên đất nước Thái Lan: "Nhân dân nước tôi, mặc dù chẳng bao giờ bị làm thuộc địa về mặt chính trị, vẫn bị làm thuộc địa về mặt trí tuệ; và như thế bị tha hóa khỏi cội rễ Phật giáo của họ. Vương quốc Phật giáo Xiêm ngày nay có nhiều gái điếm hơn nhà sư. Các nông dân đã di cư ra các khu ổ chuột ở thành thị, nếu còn, là những lao công trên mảnh đất mà trước đây họ từng làm chủ. Bangkok, đã có thời là một đô thị đẹp đẽ, bây giờ bị ô nhiễm và xấu xí".

Tới những "khoảng tối" của toàn cầu hóa

Mặt trái của toàn cầu hóa, của chủ nghĩa tiêu thụ hiện đại được Sulak mô tả khoảng 50 trang sách, nhưng gần như đã phơi bày hết tất cả vấn nạn. Từ việc xói mòn nền văn hóa đến xuống cấp hệ thống giáo dục. Từ việc hình thành những nhóm nhỏ người trở nên giàu sụ đến sự bần cùng và tha hóa của số đông người dân còn lại trong xã hội.

Làm gì để làm chậm lại quá trình phân hóa giàu nghèo khốc liệt? Những nhóm xã hội dễ bị tổn thương nhất, cần gì để "trụ vững" trước làn sóng "công nghiệp hóa, hiện đại hóa"? Lối thoát nào cho những quốc gia châu Á, vốn nền tảng kinh tế dựa chủ yếu vào nông nghiệp?... Rất nhiều câu hỏi được đặt ra, và trong tác phẩm của mình Sulak Sivaraksa đã đưa ra các giải pháp mang tính thực thi cao và không quá khó cho mỗi quốc gia.

Lâu nay, phần lớn sách nghiên cứu về kinh tế đều xuất phát từ các học giả Âu - Mỹ. Và các mô hình, học thuyết phát triển kinh tế này của Âu - Mỹ cũng gần như được nhiều quốc gia tham khảo, áp dụng cho chiến lược quốc gia mình. Điều đó, theo Sulak, là vô cùng tai hại và rất dễ đưa quốc gia mình đến chỗ lệ thuộc, bán rẻ tài nguyên đất nước, làm giàu cho các tập đoàn, quốc gia Âu - Mỹ.

Các quốc gia Âu - Mỹ này luôn cổ vũ cho xu thế toàn cầu hóa, lôi kéo các nước đang phát triển vào các định chế, tổ chức kinh tế mang tính toàn cầu để... "bóc lột" theo mô hình "thực dân mới". Rõ ràng đây là những đánh động cần thiết cho những ai quan tâm đến sự phát triển bền vững của một quốc gia.

Một cuốn sách rất mỏng, nội dung trọng tâm chưa đầy 150 trang giấy, nhưng càng đọc càng nhận ra nhiều "khoảng tối" của quá trình toàn cầu hóa. Và qua cuốn sách cũng sẽ nhận ra được đâu là "minh triết cho sự bền vững", không phải dành cho một quốc gia mà cho cả bản thân mỗi con người.

NGỌC LỮ

__________

(*): Sách Minh triết của sự bền vững - Kinh tế Phật giáo cho thế kỷ XXI của Sulak Sivaraksa - Nguyễn Tiến Văn dịch. Sách do Công ty CP văn hóa Thiện Trí Thức liên kết với NXB Tri Thức xuất bản tháng 7-2012.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận