TTCT - Dị ứng thức ăn là một phản ứng phức tạp và còn nhiều bí ẩn mà các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu. Dị ứng thực phẩm xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng quá mức với protein trong thức ăn - nghĩa là cơ thể xác định protein đó là có hại và sinh ra phản ứng tự bảo vệ, bao gồm sản xuất kháng thể globulin miễn dịch (IgE), giải phóng chất histamin, có tác dụng giãn mạch máu, ngứa da, phản xạ ho, hắt hơi… hoặc nôn mửa, đi ngoài nhằm loại bỏ mối đe dọa khỏi cơ thể.Ca trực mới đây chúng tôi tiếp nhận một nam thanh niên 17 tuổi, sau khi ăn giá bể xào - món đặc sản của Hải Phòng - cùng bạn bè khoảng 2 giờ thì xuất hiện cảm giác khó thở, tức ngực, da toàn thân nổi mẩn đỏ, sưng phồng vùng môi, mắt và hai tai. Người bệnh tự uống thuốc chống dị ứng tại nhà nhưng không đỡ và nhập khoa cấp cứu. Sau khi được xử trí theo hướng sốc phản vệ thì may mắn mọi triệu chứng đã thuyên giảm.Dị ứng thực phẩm được xếp vào nhóm ưu tiên trong cấp cứu ban đầu. "Thủ phạm" thường gặp còn có nhộng, tằm, hải sản... Dị ứng thực phẩm gia tăngTheo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, dị ứng thực phẩm ảnh hưởng đến khoảng 15 triệu người Mỹ, gây ra khoảng 30.000 ca cấp cứu và 150 - 200 ca tử vong mỗi năm và có sự khác biệt ở từng giới tính, nhóm tuổi, chủng tộc.Dị ứng thường xảy ra ở nữ giới, đặc biệt trong giai đoạn sinh đẻ bởi lúc này hệ miễn dịch hoạt động mạnh. Ngoài ra còn do yếu tố nội tiết, thói quen ăn uống và hành vi đặc trưng của giới tính. Ví dụ, phụ nữ dễ bị dị ứng với trái cây, quả mọng trong khi nam giới dễ bị dị ứng với đậu phộng (lạc) hơn.Ngoài ra, một cuộc khảo sát với gần 80.000 người Mỹ vào năm (2015 - 2016) do Trung tâm nghiên cứu dị ứng thực phẩm và hen suyễn của Đại học Northwestern tiến hành cho thấy: dị ứng thực phẩm có sự khác biệt ở trẻ em và người lớn. Ví dụ, trẻ em có tỉ lệ dị ứng với sữa bò và các sản phẩm từ sữa bò nhiều hơn người lớn, trong khi người lớn bị dị ứng với cua, tôm, trai với tỉ lệ gấp đôi trẻ em.Viết trên The Guardian, Bee Wilson - nhà báo ẩm thực và tác giả nhiều quyển sách về khoa học ăn uống - gọi việc dị ứng thực phẩm đang gia tăng là "một trong những bí ẩn lớn nhất trong thời đại chúng ta". Trước mắt, giới khoa học đã đưa ra một số cơ chế và giả thuyết để giải mã bí ẩn này.Đầu tiên, dị ứng có yếu tố di truyền. Một số người có cơ địa dị ứng thường có người thân (bố mẹ, anh chị em ruột) có tiền sử dị ứng. Bệnh nhân ở đầu bài cho biết có chị gái cũng bị dị ứng với món giá bể.Một nghiên cứu với 75 cặp song sinh, công bố trên Pubmed từ năm 2000 cho thấy: 64% cặp song sinh cùng trứng, có cùng di truyền và cùng bị dị ứng với đậu phộng; trong khi chỉ có 7% cặp song sinh khác trứng, bị dị ứng chung. Dựa trên cơ sở này, người bệnh được khai thác tiền sử dị ứng của người thân, làm căn cứ giúp bác sĩ dự đoán nguy cơ dị ứng thuốc.Ngoài ra, cơ chế quan trọng là do hệ miễn dịch "nhầm lẫn" giữa protein trong thức ăn với tác nhân gây hại. Ví dụ các loài động vật có vỏ (tôm, cua…) có đặc tính sinh học tương tự với protein của mạt bụi - con côn trùng nhỏ bé, có họ hàng gần với ve và nhện, sống trong bụi nhà. Mạt bụi gây ra phản ứng dị ứng một cách mạnh mẽ và liên tục, khiến cơ thể nhận định động vật chân đốt là mối đe dọa."Nếu bạn đặt một con tôm và một con mạt bụi mặt đối mặt, chúng trông khá giống nhau. Cơ của chúng được tạo thành từ các protein giống nhau. Một khi hệ thống miễn dịch của bạn bắt đầu phản ứng với bọ ve, nó có thể phát hiện cùng một hợp chất, được cho là nguy hiểm ở tôm" - giáo sư Christopher Warren, Đại học Northwestern (Mỹ), nói với The Washington Post.Các nguyên nhân gây dị ứng phổ biếnVới trẻ em, sữa bò là tác nhân gây dị ứng thường gặp trong những năm đầu đời. Protein trong sữa bò có lẽ là loại protein ngoại lai đầu tiên mà trẻ ăn với số lượng lớn. Lúc này, hệ thống miễn dịch nhầm lẫn chúng với mầm bệnh có hại và gây ra phản ứng. Cơ chế này tương tự với dị ứng trứng, các loại hạt, lúa mì…Do tính chất protein tương tự nhau mà dị ứng thường xuất hiện theo nhóm thực phẩm. Ví dụ, nếu đã dị ứng với đậu phộng thì nhiều khả năng dị ứng với các loại hạt cây khác (hạt điều, quả óc chó), khiến cho danh sách thực phẩm dị ứng gia tăng.Dị ứng thực phẩm gia tăng còn liên quan đến sự thay đổi đáng kể trong chế độ ăn của con người: nhiều thực phẩm chế biến sẵn, ít trái cây và rau quả hơn, ít chất xơ hơn…, với cách chế biến (chiên, nướng, xào) khác nhau, gây mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, dẫn đến hệ miễn dịch suy giảm và dễ "nhầm" thức ăn với tác nhân gây hại khác.Ngoài ra, một giả thuyết phổ biến là "giả thuyết vệ sinh": ý tưởng cho rằng chúng ta lớn lên trong một môi trường "quá sạch sẽ", điều này có thể khiến hệ thống miễn dịch trở nên nhạy cảm do ít tiếp xúc với vi trùng.Còn một giả thuyết nữa là thời gian ở trong nhà nhiều khiến chúng ta mất đi lượng vitamin D từ ánh sáng mặt trời (vitamin D dường như có tác dụng bảo vệ chống lại dị ứng). Tuy nhiên, cần có những nghiên cứu quy mô lớn để kiểm định các giả thiết này.Đi tìm giải phápTình trạng dị ứng thực phẩm gia tăng dẫn đến một xu hướng trớ trêu: nhãn thực phẩm giờ phải nói rõ những thứ chúng không chứa (không gluten, không có lactose, không có đậu phộng), thay vì nêu bật thành phần như trước.Dị ứng thực phẩm làm hạn chế nguồn dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể, bởi những thực phẩm tốt cho sức khỏe hầu hết có thể gây độc cho người bị dị ứng, ngay cả với số lượng nhỏ, từ hạt vừng đến quả óc chó, cá đến các loại hải sản, đậu Hà Lan đến lúa mì, sữa, trứng… và danh sách này ngày càng dài hơn.Năm 2000, Hiệp hội Nhi khoa Mỹ đưa ra khuyến nghị cho các bậc cha mẹ: tránh cho trẻ tiếp xúc với đậu phộng hoặc các sản phẩm từ đậu phộng cho đến khi trẻ 3 tuổi. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra điều ngược lại.Một công trình mang tính bước ngoặt công bố trên tập san The New England Journal of Medicine năm 2015 cho rằng việc duy trì sử dụng đậu phộng bắt đầu trong 11 tháng đầu đời ở những trẻ có nguy cơ cao, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ nhi khoa, có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa sự phát triển của bệnh dị ứng với đậu phộng trong tương lai.Gần 10 năm sau, một nghiên cứu đăng trên NEJM Evidence cuối tháng 5-2024 tiếp tục khuyến nghị: thường xuyên cho trẻ ăn các sản phẩm có đậu phộng từ khi còn nhỏ đến 5 tuổi giúp giảm 71% tỉ lệ dị ứng đậu phộng ở tuổi thiếu niên. Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ cho biết kết quả "cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng có thể ngăn ngừa lâu dài dị ứng đậu phộng thông qua tiêu thụ sớm chất gây dị ứng".Nhiều người mong mỏi sẽ có thêm các phát hiện tương tự với các tình trạng dị ứng khác, nhất là cha mẹ có con bị dị ứng thức ăn. Họ luôn mang tâm trạng lo lắng, bởi mối nguy hiểm có thể đến từ việc uống một ngụm sữa hay cắn một cái kẹo. Chính những đứa trẻ bị dị ứng cảm thấy khác biệt, khó hòa đồng trong môi trường sống khác.Trong khi chờ đợi, người bị dị ứng cần phải kiểm tra kỹ lưỡng thành phần trên nhãn sản phẩm trước khi sử dụng. Đây là cách giúp người bệnh "chung sống" với chứng dị ứng thức ăn an toàn, hiệu quả và lâu dài. Cần lưu ý, dị ứng thực phẩm có thể bị "nhầm lẫn" với các tình trạng khác có liên quan đến thức ăn như không dung nạp thực phẩm hay ngộ độc.Bệnh không dung nạp thực phẩm xảy ra do cơ thể không tiêu hóa hoặc chuyển hóa được một thành phần do thiếu hụt enzyme hoặc chất vận chuyển. Điển hình, thiếu enzyme lactase - có tác dụng phân hủy đường lactose trong sữa và các sản phẩm từ sữa, gây ra bệnh không dung nạp đường lactose, thường gặp ở trẻ nhỏ. Do đó, sữa không được hấp thụ ở ruột non và lượng dư thừa sẽ đến ruột già, bị vi khuẩn đường ruột lên men, tạo ra các loại khí, gây đầy hơi, đau bụng và tiêu chảy. Khi thay đổi bằng khẩu phần ăn nhỏ hơn (ví dụ: ½ cốc sữa) hoặc sản phẩm không chứa lactose (ví dụ: sữa, sữa chua hoặc phô mai có ít lactose hoặc không có lactose) thì cơ thể vẫn dung nạp tốt.Còn ngộ độc thực phẩm xảy ra do thức ăn có chứa vi khuẩn, chất độc vi sinh vật hoặc tác nhân hóa học. Điểm khác biệt là dị ứng thường khởi phát nhanh chóng, trong thời gian ngắn và các triệu chứng (nổi mề đay, phù mạch, ngứa, tức ngực, khó thở…) lặp lại với mỗi lần ăn. Ngược lại, ngộ độc thực phẩm có thể khởi phát nhanh hoặc chậm, với cùng một loại thực phẩm đã ăn trước đó, thì các triệu chứng (nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng…) có thể xảy ra hoặc không. Bút tiêm có chứa Epinephrine là phương pháp điều trị hiệu quả tốt nhất nếu bị sốc phản vệ. Ảnh: VerywellHealthDị ứng nguy hiểm nhất là khi phản ứng của cơ thể dẫn tới sốc phản vệ, gây nguy hiểm đến tính mạng. Năm 2021, nước Anh chấn động khi bé Benedict Blythe, 5 tuổi, gục xuống khi đang ở trường và đến hôm sau thì mất ở bệnh viện. Nguyên nhân tử vong được xác định là sốc phản vệ, nhưng tới nay vẫn chưa rõ điều gì đã dẫn tới phản ứng đó. Blythe bị hen suyễn và dị ứng với nhiều thứ - sữa, trứng, các loại hạt, mè, đậu nành, đậu xanh và kiwi. Sau cái chết của con, mẹ bé đã lập quỹ Benedict Blythe Foundation và liên tục tranh đấu để các trường học có thể bảo vệ học sinh tốt hơn trong chuyện dị ứng thực phẩm. Tags: Dị ứng thực phẩmDị ứngDị ứng đậu phộngDị ứng hải sản
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.