Du lịch châu Âu, chia sẻ hy vọng mùa đại dịch

LÊ MINH NGUYỄN (BỈ) 05/11/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Tháng 12 năm ngoái tôi được mời tham dự “hội chợ” du lịch cao cấp ILTM (International Luxury Travel Market - tạm dịch là Thị trường du lịch luxury quốc tế) ở Cannes (Pháp). Năm ngoái cũng là thời điểm đại dịch COVID-19 đang hoành hành ở châu Âu.

Sự kiện ILTM Cannes. Nguồn: International Luxury Travel Market (ILTM)

ILTM là một sự kiện thường niên cho việc tiếp thị và chào bán dịch vụ của ngành du lịch - khách sạn, dành riêng cho phân khúc deluxe cao cấp. Giá tham dự rất cao, khách rất hạn chế. 

Khách mời như công ty tôi thì mọi chi phí ăn ở đi lại đều do ban tổ chức đài thọ. Dĩ nhiên, tôi phải chạy bở hơi tai theo lịch trình làm việc mà đôi bên thỏa thuận.

Giây phút báo hiệu mùa ảm đạm

ILTM được tổ chức hằng năm vào tháng 12 tại Cannes, thành phố nghỉ mát xinh đẹp nổi tiếng ở French Riviera, trên bờ Địa Trung Hải của miền Nam nước Pháp. Liên hoan phim quốc tế Cannes với cành cọ vàng đình đám toàn cầu thế nào, thì ILTM - Cannes tại đây cũng ngang ngửa như thế trong ngành du lịch.

Thật khó để dịch chính xác “Luxury tourism” sang tiếng Việt. Là du lịch hạng sang ư? Không đúng hẳn. “Luxury tourism” là định nghĩa mới trong ngành du lịch quốc tế. Theo đó, “luxury” là một khái niệm không nhìn thấy được, không sờ mó được... 

Không cứ là resort hay khách sạn thật đẹp, phục vụ chu đáo đã được gọi là “luxury”. Có thể hiểu đại khái, dịch vụ “luxury tourism” đem lại những trải nghiệm mới mẻ nhưng lại gần gũi, khai thác được những niềm vui sâu kín của khách hàng mà chính họ đôi khi cũng không hay biết... 

Du lịch luxury và du lịch hạng sang chỉ giống nhau ở chỗ đắt tiền. Hiểu theo khái niệm này thì Việt Nam vẫn còn khoảng cách với du lịch luxury...

Một sự kiện du lịch “có số má” khác, mở rộng và quy mô hơn, là ITB Berlin (International Tourism Exchange - Berlin, tạm dịch là Giao dịch du lịch quốc tế) được tổ chức vào tháng 3 hằng năm tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Messe Berlin. 

Trên diện tích hơn 160.000m2, ITB gồm 12 tòa nhà rộng mênh mông, mỗi tòa nhà có vài sảnh rộng hơn cả nhiều hangar máy bay gộp lại với sự tham gia của cả trăm ngàn nhà kinh doanh, chuyên gia ngành du lịch. Giá vé vào cửa không dễ chịu gì.

Hằng năm, tôi cũng tham dự hội chợ này. Như thường lệ, tháng 3 năm ngoái cũng thế. Lịch trình làm việc đã được sắp xếp, vé máy bay từ Bỉ (nơi tôi làm việc) và khách sạn đã được đặt trước. 

Nhưng đại dịch COVID-19 đang bùng phát ở châu Âu làm thay đổi tất cả. Chính phủ liên bang Đức không can thiệp, được hay không được phép tổ chức, mà chỉ có thể khuyến cáo ban tổ chức phải chịu trách nhiệm nếu cả trăm ngàn khách du lịch quốc tế đến Berlin vào thời điểm đó làm lây lan dịch.

Hội chợ du lịch ITB Berlin 2020 bị hủy vào phút chót. Tôi bay về Việt Nam ngay sau đó để thu xếp chuyện nhà, và mắc kẹt luôn. 

Để rồi, chín tháng sau, tháng 12-2020 lại được mời tham dự sự kiện thường phiên ILTM ở Cannes, dĩ nhiên là online, chứ thời điểm đó làm sao nhúc nhích đi đâu được.

Khách sạn La Baraquette. Nguồn: LUX* Resorts & Hotels

Cannes online, những trải nghiệm không ngờ

Ở ILTM Cannes, các đối tác mà tôi gặp chủ yếu là những khách sạn và công ty lữ hành quốc tế. Công ty tôi đem khách hàng đến cho họ, và dĩ nhiên tôi phải tuyển chọn họ theo tiêu chuẩn riêng của công ty. Ngược lại, họ gặp tôi để xem “giò cẳng” coi có đáng chọn mặt gửi vàng không...

Đó là những khách chưa hề quen biết, giao tiếp rất trịnh trọng, rất chuẩn mực. Nhưng cũng là nhiều đối tác cùng trong giới với nhau cả mấy chục năm, nhẵn mặt nhau, biết rõ năng lực nhau, mà tôi gọi là “khách bè bạn”. Mỗi cuộc hẹn 15 phút, mỗi ngày chừng 20 cuộc hẹn, ba ngày miệt mài liên tục như thế, không bở hơi tai sao được.

Ăn diện dĩ nhiên cũng phải đúng điệu với... luxury, nhất là phái nữ. Chưng diện, y phục đều phải lịch sự kiểu cổ điển, đóng bộ suit từ đầu tới chân, đi giày cao gót... Thật là khổ sở cho tôi, kẻ về tới Việt Nam là sà ra vỉa hè... ăn vặt!

Ở Cannes online cũng thế, dù chưa có tiền lệ, nhưng giờ giấc cũng đúng boong. Khách chưa quen biết trịnh trọng, khách sáo bao giờ cũng phải là điều giữ kẽ, chán ngắt. Nhưng với khách bè bạn thì vui không tưởng.

Gặp nhau, dù chỉ qua màn hình laptop, như hai con chim bị nhốt trong lồng mừng rỡ tương phùng. Nói chuyện về công việc thì ít, tán nhảm thì nhiều... Hỏi thăm nhau tá lả như hai kẻ sống sót trở về dù còn trong mùa đại dịch.

Có bạn hỏi, điều gì sung sướng nhất khi gặp nhau online thế này. Tôi đáp ngay, không cần suy nghĩ, quên được cơn ác mộng mang giày cao gót! Cả hai phá lên cười. 

Thử tưởng tượng bạn đi bộ như jogging, chạy từ cuộc hẹn này sang cuộc hẹn khác suốt chín tiếng đồng hồ từ sáng sớm đến tối muộn với giày cao gót... 

Tôi hỏi lại, diện đồ gì. Bạn đáp, đồ... ngủ, bên ngoài khoác blazer trịnh trọng. Không cười thoải mái sao được. Họp online, hình ảnh chỉ hiển thị từ mặt tới ngực, tha hồ tận dụng sự thoải mái.

Ẩm thực trước đây cũng là cơn ác mộng không kém. Lịch làm việc khít rịt, ăn uống được phục vụ tận răng; nghỉ giải lao ở ILTM còn có caviar và champagne rót như suối nhưng mệt, nuốt làm sao nổi. Mỗi lần họp ở Cannes và Berlin, tôi đều thủ theo người thanh năng lượng (energy bar) nhâm nhi để lấy sức cày tiếp.

Bây giờ, với Cannes online vào 9-10 giờ đêm Việt Nam, tôi có thể ung dung thưởng thức tô mì gói vào break-time 15 phút quý báu. Ai chưa hề khổ đau, không thể biết hạnh phúc. Mì gói ngon biết chừng nào!

Một tình huống khác ở Cannes online: Tôi đang họp với khách bè bạn là giám đốc tiếp thị của một chuỗi khách sạn ở Đức, thì đột ngột xuất hiện trên màn hình thằng bé ba tuổi, con bạn tôi. Nó cất tiếng hát bài ca mới học được, và nhất định là phải trình diễn cho mọi người nghe!

Sự hài hước và sáng tạo của nhiều đồng nghiệp ngồi họp với nhau từ mọi nẻo trên thế giới đã giúp chúng tôi có những giây phút nhẹ nhõm, cảm động, kể cả những trận cười...

Một tập đoàn lừng lẫy, sắp khánh thành ở Croatia một resort phải nằm im vô thời hạn vì đại dịch. Bạn giám đốc kinh doanh của tập đoàn đã cho mọi người mãn nhãn với tour xem quá trình chuẩn bị mở cửa (soft-opening) khi resort đang... đóng cửa. 

Bạn đã thắp lên ngọn lửa hy vọng, dù le lói, không chỉ cho resort của bạn, mà cho các đồng nghiệp khắp địa cầu.

Cũng có những sáng tạo trong Cannes online rất lãng mạn. Một CEO trẻ, kế nghiệp khách sạn boutique nhỏ của cha mình ở đảo Sicily (Ý), ôm laptop ra cảng ngồi... họp, để mọi người có thể chiêm ngưỡng hoàng hôn nơi bãi biển. Khi đó Việt Nam đã là nửa đêm... Hoàng hôn Sicily đẹp như bản tình ca trên màn hình khi ngành du lịch đang rơi vào ảm đạm.

 
 Sự kiện ILTM Cannes. Nguồn: International Luxury Travel Market (ILTM)

Giữ hơi thở cho nhau

Từ tháng 3 năm ngoái, khi tôi còn ở Bỉ để chuẩn bị sang Berlin dự ITB, dịch đang hoành hành ở châu Âu. Mùa xuân 2020, số ca tử vong ở đây tăng nhanh do COVID-19 (tới tháng 12-2020 gần 600.000 ca). 

Không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các sự kiện và hội nghị du lịch đã được lên kế hoạch đều bị hủy bỏ hoặc hoãn. Chúng tôi thấy tương lai u ám. Công việc ngưng trệ, bao nhiêu dự án phải gác lại, văn phòng làm việc lờ đờ... 

Điều khác biệt nữa là, chốn công sở bây giờ không ai ôm, hôn hít nữa như tục lệ xưa nay. Bên Bỉ, hôn má chào nhau phải ba lần; dân Paris thì lên tới bốn bận! Mà bắt tay nhau xong cũng ngại, cứ phải lén lút đi rửa, sợ dính chưởng! Không rõ mình ngại cho đồng nghiệp hay sợ cho cái thân mình...

Tôi có chị bạn bên Pháp, là tiến sĩ triết học Sorbonne nhưng không đi dạy, chuyển qua làm du lịch, tháng 8 năm ngoái gọi điện rủ tôi tham gia dự án hỗ trợ các khách sạn mới thành lập qua nền tảng online. 

Bạn ấy học triết, nhưng không ngồi suy tư về hy vọng, mà tự thắp ngọn lửa hy vọng. Tôi gật đầu tham gia cho vui, hằng tuần í ới gọi nhau qua Skype. Vài tháng nay, không nghe tăm hơi gì nữa. Ngọn lửa lung linh đã tắt rồi chăng?

Cannes online cũng là một trong những nỗ lực thắp lên hy vọng giữa cơn tuyệt vọng. Một thành viên trong ban giám đốc của ILTM ngậm ngùi: “...Mặc dù biết sự kiện online không bao giờ có thể thay thế được sự thiết tha của chúng tôi trong việc gặp gỡ mọi người trong tương tác và chia sẻ, nhưng chúng tôi biết rằng ngay bây giờ điều quan trọng nhất là đặt mọi thứ vào trật tự cho năm 2021... Đây là một trong những quyết định khó khăn nhất trong đời tôi”.

Phiên bản ảo đầu tiên của ILTM Cannes được đặt tên rất kêu: ILTM World Tour, tuy nhiên không có gì nổi bật hơn về mặt chuyên môn nếu không nói là khá thất vọng. Dân trong nghề còn hài hước gọi nó một cách châm biếm: Virtual ILTM - bring your own champagne! (“Tự mang champagne theo mà uống nhé!”).

Dù sao, cũng cần châm chước cho nhà tổ chức, chỉ xoay xở trong một thời gian ngắn... Và quan trọng hơn cả, đây là một trong những nỗ lực vượt bậc của ngành du lịch toàn cầu để vẫn tiếp tục tồn tại, giữ hơi thở cho nhau khi đang thoi thóp.

Đối với tôi, sau hơn hai mươi năm trong nghề, đây là dấu ấn để đời. Hy vọng trong tuyệt vọng. Hy vọng không chỉ riêng mình, mà chia sẻ hy vọng với nhau, giữa đồng nghiệp với nhau. Tôi sẽ không quên Cannes online. Vâng, không thể nào quên... 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận