TTCT - Từ ý tưởng đầu tiên về một cuộc thi hát giữa các nước vừa để thử nghiệm khả năng truyền thanh truyền hình xuyên quốc gia, vừa là công cụ kết nối châu Âu, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, lý tưởng chính trị..., đến nay Eurovision đã trở thành một vũ đài của những đấu tranh xã hội và chính trị. Nữ ca sĩ Ukraine Mariya Yaremchuck được chú ý nhiều tại Eurovision 2014 vì tình hình chính trị bất ổn ở Ukraine - Ảnh: photos.newknd.com Cuộc thi đầu tiên được tổ chức năm 1956 tại Lugano, Thụy Sĩ, với sự tham gia của bảy nước, được truyền qua sóng phát thanh. Tới những năm đầu thập niên 1960 thì Eurovision có đại diện 16 quốc gia tranh tài. Cùng với sự phát triển của thành viên, các vấn đề phức tạp cũng nảy sinh. Năm 1963, đôi song ca Đan Mạch Grethe và Joergen Ingmann thắng giải do Na Uy tính nhầm điểm nên có dư luận cho rằng Na Uy cố tình ăn gian (Na Uy từng là một phần của Vương quốc Đan Mạch - Na Uy trong hơn 400 năm). Eurovision 1964 tổ chức tại Copenhagen thì bị dọa đánh bom, và sau khi đại diện Thụy Sĩ vừa hát xong thì có một người nhảy lên sân khấu giơ biểu ngữ đả đảo hai nhà độc tài Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là Franco và Salazar. Năm 1969, Áo từ chối tham gia để phản đối chế độ độc tài Tây Ban Nha và Eurovision có tới bốn quốc gia thắng giải do đồng điểm khiến Liên minh phát thanh truyền hình châu Âu (EBU) phải thay đổi cách chấm điểm để giám khảo từng quốc gia không biết điểm của nhau. Eurovision 1973 có sự tham dự gây tranh cãi của Israel. Do dư âm của vụ khủng bố tại Thế vận hội Munich mà đêm chung kết tổ chức ở Luxembourg diễn ra trong sự căng thẳng, đại diện Israel phải mặc áo giáp chống đạn khi biểu diễn. Tứ ca ABBA thắng giải năm 1974 với Waterloo, nhưng gây ồn ào nhất là Si của ca sĩ nổi tiếng Ý Gigliola Cinquetti, bị đài truyền hình Ý kiểm duyệt với lý do nội dung bài hát có thể ảnh hưởng tới việc trưng cầu ý dân về luật ly hôn! Sang thập niên 1990, Eurovision có thêm sự tham dự của các nước Trung Âu và Đông Âu. Các quốc gia này rất chịu khó đầu tư cho các tiết mục biểu diễn nhằm mục đích quảng bá hình ảnh đất nước nhưng hay có chuyện chấm điểm rộng cho những nước “bạn bè” để tăng cường tình hữu nghị. Sự đoàn kết giữa các nước Đông Âu và thuộc Liên bang Xô viết cũ trong cuộc thi hẳn còn do tâm lý muốn vượt lên trên những nước Tây và Bắc Âu giàu mạnh hơn. Và cũng nhờ vậy mà từ năm 2002 các nước Latvia, Ukraine, Serbia, Nga, Azerbaijan đã đoạt giải. Tháng 6-2012, EBU đưa ra một quy định mới là những nước tham gia Eurovision phải có thái độ tôn trọng quyền dân chủ, tự do báo chí và nhân quyền, nếu không sẽ bị loại. Eurovision 2014 với khẩu hiệu “Join us” (Hãy tham gia với chúng tôi), có sự tham gia của 37 quốc gia, con số thấp nhất từ năm 2004. 32/37 ca khúc được trình bày bằng tiếng Anh. Các giọng ca từ Hà Lan, Albania, Na Uy, Ukraine, Nga, Thụy Điển… được đánh giá cao. Ca sĩ nước chủ nhà Basim (21 tuổi) cũng gây chú ý vì đây là lần đầu tiên Đan Mạch do một người gốc nhập cư đại diện (Basim sinh ra và lớn lên tại Đan Mạch nhưng cha mẹ là người Morocco). Chuyện cả Nga và Ukraine - hai nước đang xung đột sau việc Crimea sáp nhập vào Nga - cùng có đại diện tham dự cũng gây ít nhiều tò mò. Tờ Independent đã gọi Eurovision 2014 là trận chiến Ukraine - Nga trên... sàn diễn. Theo đó, Nga muốn giới thiệu một hình ảnh “mềm” hơn qua việc chọn cặp đôi song sinh Tolmachevy với gương mặt thánh thiện 17 tuổi trong tiết mục Shine. Tuy nhiên cặp đôi này đã bị huýt sáo: mặc dù bài hát kêu gọi “thế giới hãy gửi chút lòng thương” nhưng có những đoạn mà người ta cho rằng “ám chỉ việc Nga đưa quân vào Ukraine”: “Sống bên bờ vực, bên cạnh tội ác, chỉ một bước là vượt qua lằn ranh”. Ngược lại, ca sĩ Ukraine Mariya Yaremchuck thì bị huýt sáo bởi những khán thính giả ủng hộ Nga. Bài hát của cô Tick - Tock có câu: “Em tin mình đã yêu từ lần đầu gặp anh”, mà họ cho là ám chỉ Ukraine khi nhận được “món quà Crimea từ tổng bí thư Nikita Khrushchev”! Tags: Âm nhạc
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Tin tức sáng 22-11: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu TUỔI TRẺ ONLINE 22/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu; Quốc hội thảo luận 2 dự luật thuế quan trọng; Năm 2025, ngành y tế TP.HCM ưu tiên nâng cấp và xây mới ba bệnh viện xuống cấp...