TTCT - Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, giới doanh nghiệp đang trông đợi gói hỗ trợ tài chính từ chính phủ. Nhưng nếu không được thiết kế cẩn thận, gói hỗ trợ có thể không tìm đến đúng địa chỉ và đối tượng cần giải cứu. Ảnh: Technology Review Không phải doanh nghiệp nào chịu thiệt hại nặng bởi dịch bệnh cũng được chính phủ giải cứu. Đơn cử hãng hàng không có thị phần số 2 của Úc là Virgin Australia mới đây đã bị chính phủ liên bang bác đơn xin hỗ trợ 1,4 tỉ đôla. Giới phân tích tin rằng nếu không nhận được sự hỗ trợ tài chính lần này, Virgin Australia chỉ còn cách phá sản. Đó là lời cảnh báo cho các hãng hàng không nói riêng và các doanh nghiệp nói chung đừng quá ỷ lại vào các động thái giải cứu của chính phủ. Thực tế thì trước đó Chính phủ Úc đã ban hành chính sách hỗ trợ các hãng hàng không, nhưng không hướng đến một đối tượng cụ thể, mà áp dụng trên diện rộng, bao gồm giảm phí nhiên liệu, phí dịch vụ... với tổng giá trị hơn 1 tỉ đôla. Cũng có một lý do khác khiến các nhà chức trách do dự trong việc ứng cứu Virgin Australia: thực tế là từ trước COVID-19, hãng hàng không này đã kinh doanh thua lỗ rồi. Năm ngoái, hãng ghi nhận khoản lỗ trước thuế xấp xỉ 46 triệu đôla. Vì vậy, thay vì hỗ trợ doanh nghiệp này, chính phủ có thể dùng số tiền đó hỗ trợ các đối tượng khác hiệu quả hơn. Câu chuyện trong nước Câu chuyện giải cứu các doanh nghiệp mùa COVID-19 như thế nào cũng là vấn đề nóng hổi tại Việt Nam. Hàng loạt hiệp hội kinh doanh và các doanh nghiệp đã đồng loạt gửi đơn xin hỗ trợ tới Thủ tướng và các bộ ngành với tần suất ngày một lớn. Đi đầu làn sóng kêu cứu là lĩnh vực hàng không. Vietnam Airlines cho biết lỗ kinh doanh quý 1 của hãng lên đến con số kỷ lục 2.383 tỉ đồng. Còn Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thông báo doanh thu quý 1 chỉ ước đạt 4.064 tỉ đồng, giảm 832 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Thay mặt các hãng, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ sớm ban hành chính sách cấp bách “cứu” ngành hàng không trong mùa dịch. Thậm chí từ kỳ vọng vào hành động hỗ trợ của Chính phủ, giá nhiều cổ phiếu hàng không trên thị trường chứng khoán như HVN, VJC đã bật tăng trở lại những ngày vừa qua. Còn tập thể các chuỗi bán lẻ hàng đầu bao gồm Golden Gate, The Coffee House, Aka House, Dairy Queen, Otoke Chicken, Guardian, Coffee Club, nhà hàng Hoàng Yến, 30Shine, Thế Giới Di Động, Kids Plaza... cùng nhau gửi thư cầu cứu lên Thủ tướng và các bộ ngành. Đặc biệt trong nội dung yêu cầu, các nhà bán lẻ có điều khoản xin ngân sách hỗ trợ chi phí tiền lương 1,8 triệu đồng/tháng đối với người lao động bị sụt giảm thu nhập vì COVID-19. Kêu gọi giải cứu còn là các doanh nghiệp du lịch, giáo dục... Đáng chú ý, nhân mùa COVID-19, nhóm bất động sản thương mại cũng tranh thủ đòi quyền lợi, đơn cử như 63 dự án nhà ở tại TP.HCM gửi kiến nghị lên Thủ tướng để gỡ khó khâu pháp lý, cho phép các dự án được tiếp tục triển khai. Theo ông Đặng Hồng Anh - chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, những doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch lần này. Trong đó, khoảng 35% doanh nghiệp được hỏi cho biết chỉ cầm cự được 3 tháng, 38% doanh nghiệp cầm cự được 6 tháng, 13% doanh nghiệp cầm cự được 1 năm và 14% doanh nghiệp cầm cự được trên 1 năm. “Những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhà hàng, khách sạn, du lịch. Các đơn hàng đã đặt trước đều bị hoãn, hủy trong khi tiền thuê mặt bằng và các chi phí khác vẫn phải thanh toán theo hợp đồng” - ông Đặng Hồng Anh cho biết. Cần tầm nhìn dài hạn Tuy Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh tương đối tốt, nhưng di hại sẽ không nhỏ. Để giảm thiểu thiệt hại, hỗ trợ các doanh nghiệp đang ốm yếu, một gói hỗ trợ của Chính phủ là điều vô cùng cấp thiết. Nhưng chính sách hỗ trợ này cần được thiết kế và giám sát một cách khôn ngoan, hiệu quả. Dòng tiền ưu đãi cần hướng đến đối tượng thực sự có nhu cầu, có triển vọng phục hồi rõ ràng, đặc biệt cần tránh hiện tượng dàn trải, thiếu công bằng và bị một số nhà đầu tư trục lợi. Thực tế thì bài học này các nhà làm chính sách từng trải nghiệm, như chính sách giải cứu doanh nghiệp hồi khủng hoảng tài chính 2008-2009. Khi đó, Chính phủ đã ban hành một loạt chính sách nhằm ngăn chặn suy giảm, bao gồm hỗ trợ lãi suất 4% một năm cho các tổ chức, cá nhân vay vốn để sản xuất, kinh doanh; giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, 50% thuế VAT, miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng... Tổng số tiền Chính phủ dành cho các gói kích thích kinh tế khi đó vào khoảng 150.000 tỉ đồng. Nhưng bên cạnh các tác động tích cực, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hôi từng tổng kết rằng, gói giải cứu khi đó vẫn còn nhiều lỗ hổng, bị một số doanh nghiệp trục lợi. Đơn cử như chính sách hỗ trợ thuế còn mang nặng tính bình quân, chỉ tác động đến doanh nghiệp làm ăn có lãi. Hay chính sách giảm 50% thuế VAT đối với 19 nhóm mặt hàng có mục đích ban đầu là hỗ trợ đầu vào cho doanh nghiệp, từ đó doanh nghiệp thực hiện việc giảm giá để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Thực tế là người mua đã không được hưởng lợi gì vì doanh nghiệp không thực hiện giảm giá, dù đã được ưu đãi giảm thuế. Đặc biệt nhạy cảm là gói cho vay với lãi suất ưu đãi, vẫn còn nảy sinh hiện tượng một số doanh nghiệp không thật sự cần số vốn này nhưng vẫn được vay, sau đó chuyển sang cho vay lại kiếm lời hay chỉ gửi tiết kiệm ngân hàng. Việt Nam tất nhiên không phải là quốc gia duy nhất phải xử lý những bất cập của một gói giải cứu kinh tế lớn. Theo tạp chí The Economist, giữa bão suy thoái 2008, chính sách hỗ trợ của Chính phủ Mỹ cho các tập đoàn kinh tế thuộc dạng quá lớn không thể sụp đổ (too big too fail) khiến thu nhập của giới lãnh đạo một vài tập đoàn lại càng tăng mạnh, trong khi họ vẫn cắt giảm lương và sa thải nhân viên. Một báo cáo của Viện Nghiên cứu chính sách (Institute for Policy Studies) cho thấy tại 50 công ty Mỹ ghi nhận quy mô sa thải nhân viên lớn nhất từ lúc bắt đầu khủng hoảng đến đầu năm 2010, các CEO kiếm được trung bình gần 12 triệu đôla trong năm 2009, cao hơn 42% so với mức trung bình của các công ty S&P 500 trong cùng thời gian. Ngoài ra, một số tập đoàn lớn thực tế vẫn duy trì được hoạt động mà không cần chiếc phao cứu sinh, trong khi một lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại không thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Nên biết rằng, cộng đồng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ tạo ra khoảng 52% công ăn việc làm cho khu vực kinh tế tư nhân. Sự thiếu công bằng đó tiếp tục bị nghi ngại trong gói hỗ trợ khắc phục hậu quả đại dịch lần này ở Mỹ. Theo US News, nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ “giận dữ” với việc các công ty lớn có thể đang trục lợi từ chương trình Paycheck Protection Program (gói hỗ trợ cho vay để giúp doanh nghiệp giữ lại nhân viên) và cáo buộc các ngân hàng chịu trách nhiệm phân phối khoản vay này đang ưu tiên hơn cho những tập đoàn lớn. Kinh nghiệm quá khứ là bài học hữu ích để chính phủ các quốc gia thận trọng hơn trong việc thiết kế một gói hỗ trợ sao cho hiệu quả và công bằng. Gói kích thích lần này cũng cần hướng đến các mục tiêu dài hạn và bền vững hơn, chẳng hạn ưu tiên hỗ trợ cho ngành kinh tế xanh. Gói hỗ trợ cần gạt bớt đối tượng là các doanh nghiệp có tiền sử yếu kém về năng lực tài chính và phụ thuộc lớn vào đòn bẩy tài chính (vốn vay chiếm đến 70-80% tổng nguồn vốn) hay phát triển các sản phẩm không đáp ứng nhu cầu thực. Các lĩnh vực được lựa chọn giải cứu nên là những khu vực có độ lan tỏa nhanh, sử dụng nhiều lao động và có tiềm năng phát triển. Ở khía cạnh này, theo Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), ba lĩnh vực có độ lan tỏa nhanh là chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến hàng hóa tiêu dùng, và chế biến nguyên liệu phục vụ sản xuất - xuất khẩu. Chính phủ cho đến hôm nay đã nhanh chóng công bố hàng loạt biện pháp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp với quy mô hàng trăm nghìn tỉ đồng. Nhưng tất nhiên là đi cùng với đó, áp lực thâm hụt ngân sách cũng cần tính đến. Công ty chứng khoán BVSC cho rằng với quy mô gói hỗ trợ đi kèm gia tăng đầu tư công, ngân sách nhà nước sẽ chuyển từ thặng dư 97.000 tỉ đồng năm 2019 sang thâm hụt trong năm nay. Để bù đắp bội chi và thúc đẩy đầu tư, tỉ lệ nợ công/GDP của Việt Nam năm nay nhiều khả năng sẽ tăng trở lại lên quanh mức 60%, cao hơn 4 điểm phần trăm so với năm 2019. Việc sử dụng đồng tiền hỗ trợ như thế nào, do đó, sẽ là một câu chuyện không dễ cho các nhà làm chính sách.■ Tags: Phá sảnCOVID-19Vietnam AirlinesGói hỗ trợ kkinh tế
Tháng 2-2025 Quốc hội sẽ sửa một số luật để tinh gọn bộ máy THÀNH CHUNG 10/12/2024 Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, giữa tháng 2-2025 Trung ương họp và cuối tháng 2 sẽ họp Quốc hội bất thường để sửa một số luật liên quan tinh gọn bộ máy.
Bộ Nội vụ hướng dẫn việc sắp xếp, bố trí cán bộ khi tinh gọn tổ chức bộ máy THÀNH CHUNG 10/12/2024 Bộ Nội vụ đã có hướng dẫn về định hướng xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính.
Dinh tổng thống Syria hoang tàn sau khi ông al-Assad chạy ra nước ngoài LIÊN AN 10/12/2024 Dinh tổng thống, biểu tượng quyền lực suốt thời gian dài ở Syria, đã rơi vào cảnh hoang tàn chưa từng thấy sau khi Tổng thống Bashar al-Assad rời khỏi đất nước.
Tin tức thế giới 10-12: Israel chiếm đất Syria, Ai Cập lên án; Mỹ lên tiếng 'có lợi ích' ở Syria BÌNH AN 10/12/2024 Kế hoạch xây đại sứ quán mới của Trung Quốc tại Anh bị bác; Thái Lan bước đầu chặn được làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.