Hà Tĩnh cồn cào sống qua lũ

VĂN ĐỊNH 24/10/2010 04:10 GMT+7

TTCT - Liên tiếp những trận lũ kinh hoàng quét ngang miền Trung. Con số đếm những sinh mạng mất mát ngày một tăng. Những nóc nhà, xóm làng bị lũ dập, lũ vùi không biết khi nào gượng dậy được. Người dân miền Trung khi nào thôi sống chết trong lũ, thôi đói nghèo vì lũ đây?

Phóng to
Hai người đàn ông chới với trong dòng nước lũ. Những phụ nữ đang cố gắng cứu họ (ảnh chụp ở huyện Hương Khê) - Ảnh: Văn Định

Đầu tháng 10, tin mưa lũ về huyện Hương Khê, Vũ Quang chưa tan thì đêm 16-10, cả 12 huyện thị Hà Tĩnh lại chìm trong biển nước. Người dân Hà Tĩnh kêu lớn: chưa khi mô lũ lớn thế này, “đại hồng thủy” mất thôi.

Nghèo triền miên vì lũ

Năm 2007, người dân Hương Khê run lẩy bẩy khi chứng kiến đỉnh lũ lịch sử. Những người mất con, góa phụ vẫn nhớ như in cảnh tang tóc năm đó. Thế mà đêm 3-10, họ một lần nữa sống trong nỗi sợ cực độ ấy. Sáng tinh mơ, tin nguy cơ vỡ hồ thủy điện Hố Hô dội đến trên đầu hơn 70.000 người dân Hương Khê. Họ nhốn nháo, bồng bế dắt díu nhau chạy lên núi. Mãi đến hơn 23g, nghe tin nước rút mọi người mới thở ra nhẹ nhõm.

Thủy điện Hố Hô không vỡ nhưng Hương Khê vẫn lũ lớn, Vũ Quang ảnh hưởng rất nặng do sự điều tiết nước lũ tắc trách. Lúc ấy, cả huyện Hương Khê có 17 xã ngập sâu và chia cắt do nước lũ, hơn 6,6 vạn dân bị ngập trong khi một số xã thông báo nước lũ đang lên, “mưa xuống nữa là nguy mất. Hàng trăm người dân đang kêu cứu trong đêm mưa lũ” - ông Lê Trần Sáng, phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê, lúc ấy lo lắng nói.

Những ngày mưa lũ đầu tháng 10, chúng tôi đã ngược xuôi sông Ngàn Sâu không biết bao nhiêu lần, chứng kiến những ngôi nhà chìm trong nước lũ và những ngôi làng tan hoang khi nước lũ rút. Và cả cảnh đám tang cô giáo Trần Thị Hoa, xã Hương Thủy (huyện Hương Khê) trong lũ. Hậu quả mà mưa lũ để lại cho người dân nghèo đã vượt ra ngoài sức tưởng tượng của họ.

Có nhà bị nước lũ cuốn trôi sạch, có nhà như nhà chị Nguyễn Thị Lan, ở xóm 12, xã Hương Thủy chỉ còn lại những chiếc cột chỏng chơ giữa trời. Chồng đi làm ăn xa, chị chỉ còn biết bồng con chôn chân đứng nhìn mà nghẹn ngào: “Trôi hết rồi chú ơi!”. Dân Hương Khê lại bắt đầu chạy ăn từng bữa. Những cánh đồng lúa sau cơn lũ bị phủ kín một màu đất bạc. Một thời kỳ khó khăn chồng chất nữa đang hiển hiện khắp nơi quanh làng...

Đêm 16-10, khi chúng tôi chứng kiến lũ ở huyện Hương Sơn lên nhanh, hàng nghìn ngôi nhà chìm dần trong biển nước thì nhận tin báo lũ ở Hương Khê đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2007. Cả 22 xã chìm nghỉm, Hương Khê bị cô lập hoàn toàn. Ở Vũ Quang khi đó nước lũ cũng chia cắt, cô lập 12/12 xã, thị trấn. Trong đêm mưa lũ mịt mù, tôi quyết định đi xe máy một mình từ huyện Hương Sơn sang Vũ Quang.

Con đường mòn Hồ Chí Minh - được xem là huyết mạch duy nhất ứng cứu Vũ Quang - nước đã mấp mé. Cứ một, hai cây số lại thấy cảnh từng đoàn người dắt díu nhau chạy lũ... Tinh mơ, cả Vũ Quang, Hương Khê là một biển nước khổng lồ, người Hà Tĩnh nhìn nhau: “Nước như ri sao mà không nghèo, sao mà không khổ được!”. N

hững câu bàng hoàng không chỉ ở miệng dân chạy lũ, qua điện thoại, ông Bùi Lê Bắc, chánh văn phòng Ban phòng chống bão lụt Hà Tĩnh, lo âu: “Trăm năm qua mới có một cơn lũ thế này, mà chưa biết khi nào kết. Số người chết tăng lên từng giờ. Chưa bao giờ toàn tỉnh Hà Tĩnh lại bị lũ cô lập như thế này!”.

Phóng to
Băng giữa nước lũ để lấy ổ trứng gà cứu đói (ảnh chụp ở xã Đức Hương ngày 17-10) - Ảnh: Văn Định

Trắng xóa tầm nhìn

Lũ sau chồng lũ trước. Hơn 83.500 nhà dân ở Hà Tĩnh chìm sâu trong nước. Những tiếng kêu cứu, kêu đói vọng lên từ những nóc nhà mấp mé nước lụt. Ông Nguyễn Hồng Quân - chủ tịch UBND xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê - nói trong nước mắt: “Ở đây giờ người lớn, trẻ con, người già cơm không có ăn, nước không có uống, nhiều người ướt sũng cả ngày, lạnh lắm. Đói khổ rồi!”.

Người dân bỏ nhà lánh nạn. Cuộc sống màn trời chiếu đất. Nhiều người trên mình chỉ còn lại một bộ áo quần đen sì do nhuộm nước lũ. Những đứa trẻ, ông bà già đói lả người. Những người liều mạng cố di chuyển trên mặt lũ đầy những lỗ xoáy nước bằng những chiếc thuyền ba ván chới với. Đầu mùa lũ, chúng tôi về xã Phương Mỹ hai lần đã thấy dân nơi đây bơ phờ, xơ xác.

Cho đến cơn lũ lịch sử này, Phương Mỹ - rốn lũ Hà Tĩnh - nước đã nhấn chìm hết thảy, trắng xóa tầm nhìn. Nghe ông chủ tịch UBND xã đếm con số nhà trôi, số nhà chìm hàng trăm mà tái tê lòng. Trận lũ trước, nhà anh Hồ Văn Khá nước đến chạn. Cơn lũ này, nhà anh biến mất dưới mặt nước.

Anh Khá vô vọng nhìn biển nước đang bồng bềnh trên mái nhà của mình: “Sao mưa lũ cứ bám riết lấy người dân chúng tôi rứa, chú ơi? Trận lũ trước có cái gì trong nhà gần như trôi hết. Lũ này cả nhà tôi chỉ kịp chống thuyền lánh nạn. Chạy lũ đêm hôm ai cũng đói, cũng khát, cũng lạnh quá!”.

Lũ vẫn chưa chịu rút. Con số thiệt hại về mưa lũ chưa tính được. Số người chết vẫn chưa dừng khi ngày nào Ban chỉ huy phòng chống bão lụt Hà Tĩnh cũng nhận thêm tin dữ từ các huyện báo về. Trận lũ khốc liệt này hằn thêm một vết sẹo sâu trên da thịt dân Hà Tĩnh, chắc sẽ lưu truyền mãi đến đời con, đời cháu.

Phóng to
Trong lũ, việc cứu người già và trẻ em đặt lên hàng đầu - Ảnh: Văn Định

Dự báo cho từng vùng là rất quan trọng

Mưa lũ miền Trung năm nay mới ở giai đoạn đầu nhưng đã có cường độ cực lớn. Việc hai trận lũ diễn ra liên tiếp chỉ cách nhau hơn một tuần là điều hiếm thấy, mưa to đến hơn 1.000mm trong mấy ngày như vậy cũng là điều hi hữu.

Đặc trưng khí hậu miền Trung ở thời điểm này là gió mùa đông bắc bắt đầu hoạt động, kết hợp với rãnh thấp dải hội tụ nhiệt đới kéo dài từ đông sang tây gây mưa to, chúng ta đã biết trước. Có điều lượng mưa lớn đến thế thì không thể lường trước được.

Đợt mưa lũ này ở miền Trung có thể nằm trong một pha dao động trong chu kỳ dao động của khí hậu. Những pha dao động khí hậu kiểu này có thể xảy ra khoảng các năm, hàng chục năm hay hàng trăm năm một lần. Điều này có thể gắn với một hiện tượng cụ thể. Tuy nhiên ở thời điểm này, những ý kiến gắn hiện trạng mưa lũ miền Trung với hiện tượng La Nina là kết luận hơi sớm.

Có một điều mà Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia đã phản ánh là họ chỉ có thể dự báo cho quy mô cả nước. Trên diện rộng, Đài Khí tượng thủy văn trung ương có thể dự báo về lượng mưa lớn và cảnh báo tình trạng lũ dâng trên mạng lưới các sông lớn khi có mưa to. Nhưng mạng lưới sông nhỏ thì không thể bao quát hết được. Chính vì vậy, việc dự báo lũ dâng ở các nhánh sông nhỏ là nhiệm vụ quan trọng của các trung tâm địa phương và khu vực.

Việc dự báo thời tiết cho từng vùng rất quan trọng. Tại miền Trung, ta có ba đài khu vực ở Nghệ An (trung tâm Bắc Trung bộ), Đà Nẵng (trung tâm Trung Trung bộ), Nha Trang (trung tâm Nam Trung bộ). Dưới đài khu vực có các trung tâm dự báo khí tượng, thủy văn tỉnh. Nhất thiết phải nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo cho đội ngũ cán bộ ở đây.

Người dân cần có thông tin để chủ động phán đoán tình hình thời tiết và có ý thức di dời ngay khi có lũ. Trong những đợt mưa lũ vừa qua, có nhiều người dân đã từ chối sơ tán vì muốn ở lại trông coi tài sản, gây ra những mất mát đáng tiếc.

__________

Nửa tháng, Quảng Bình qua hai trận lũ. 46 người chết trong đợt lũ đầu, 7 người chết trong đợt lũ sau. Thiệt hại nặng nề. Nhưng người Quảng Bình đang gượng dậy như từng gượng dậy sau bão, lũ suốt bao năm qua.

Phóng to
Học sinh ở xã Hưng Trạch (Quảng Bình) vừa nhận được cặp sách mới - Ảnh: Lam Giang

Lũ ập về, ngay cả nơi nhiều năm qua ít khi bị lũ lụt là TP Đồng Hới cũng mất 5 người vì lũ. Đến ngày 18-10, những đợt mưa tầm tã vẫn chưa dứt.

Không ai buông xuôi

Sau lũ, phủ khắp xã Hương Hóa, huyện miền núi Tuyên Hóa là một cảnh tượng xác xơ. Trong bùn lầy ngập ngụa, người dân giúp nhau dựng lại nhà, vun lại từng gốc cây, lo tính vụ mùa tới. Chị Trần Thị Điệp, dù mới bị mất chồng trong lũ, đã ra vườn xới lại những luống rau khoai tơ tướp vì nước lũ. “Rồi cả nhà cũng phải ăn, phải sống, chẳng lẽ ngồi ngó mà không mần ăn răng được” - chị nói nhỏ. Xã Hương Hóa có năm người đàn ông chết trong lũ, và sẽ có năm người phụ nữ từ nay phải làm trụ cột cho những đứa con bám víu.

Xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch bị kẹp giữa hai nhánh của dòng sông Gianh. Lũ lụt tơi bời hơn nửa tháng qua. Mỗi khi chạy lũ, việc đầu tiên của bà con là đưa trâu, bò lên... tầng cao của trụ sở UBND xã. Cơ nghiệp nhà nông chỉ có vậy làm giàu. Nước rút đến đâu lại đưa trâu, bò về nhà đến đấy. Ông Nguyễn Yên cố tìm cắt những nhúm cỏ mới nổi loi thoi trên mặt nước cho trâu ăn, mặt lá còn bám đầy bùn đỏ.

Ông nói: “Hết lũ thì chuẩn bị mần vụ đông xuân kiếm hạt ló (thóc) mà ăn. Lũ mần răng cuốn trôi hết đất đai của bầy tui đi được”. Bà Trần Thị Liên, đi tránh lũ về, ngồi thẫn thờ trước đống gỗ ván xiêu vẹo một hồi rồi cũng dậy lụi cụi dọn dẹp cùng mấy anh bộ đội đến giúp. “Biết mần răng được nữa, lũ lụt khi mô không khổ, nhưng dân bầy tui lần hồi rồi cũng qua” - bà nói.

Ở rốn lũ Tân Hóa, huyện Minh Hóa, ông Cao Văn Lục, chủ tịch UBND xã, cho biết trước lũ số hộ nghèo ở xã gần 5%, ngày mai sẽ là 90%. Xã bị thiệt hại hơn 30 tỉ đồng. Hầu hết gia súc, gia cầm bị chết, 145ha hoa màu chưa thu hoạch mất trắng. Lương thực, thực phẩm dự trữ của người dân không còn lại chút gì. Toàn xã đang sống nhờ vào tấm lòng sẻ chia, đùm bọc của đồng bào cả nước.

“Bà con sẽ phải ăn bằng lương thực cứu trợ ít nhất 8-9 tháng tới, nhưng không ai buông xuôi. Vẫn phải vừa dựng lại nhà để ở, vừa chuẩn bị giống để sản xuất ngay khi bước vô thời vụ đông xuân tới” - ông Lục nói.

Mở sách ra sau lũ

Sau lũ, không chỉ lo cái ăn cái ở, Quảng Bình còn lo ngay chuyện học hành. Ở các trường học, ngoài thanh niên tình nguyện còn hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn 42 (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình) ngày đêm bám trụ giúp dọn dẹp. Bùn cơn lũ trước chưa dọn hết, bùn cơn lũ sau đã ngập ngụa.

Ông Trương Minh Thu, hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS xã Hưng Trạch, cho biết: “Khó khăn thế nào các em cũng phải được đến trường. Địa phương, nhà trường sẽ cố gắng bằng cách và lực của riêng mình. Chúng tôi đã nhận được hỗ trợ từ nhiều nơi cho các em về sách vở và đồ dùng học tập”.

Tại xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, chị Hoàng Thị Đào, một thanh niên tình nguyện, không ngơi tay chùi rửa bàn ghế, dọn bùn trong các lớp học. “Cả đoàn 20 người đang làm cật lực cho các em được đến trường học sớm để đuổi kịp chương trình”.

Lũ rút, gian nan đọng lại. Ông Nguyễn Hữu Hoài, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, lo lắng: “Quỹ dự phòng của tỉnh trước hai trận lũ có gần 30 tỉ đồng, nay đã chi hết, không còn một đồng nào. Giờ trông vào số tiền 100 tỉ đồng Chính phủ vừa cấp để khắc phục hậu quả. Cấp thiết nhất là khôi phục sản xuất, ổn định nơi ở cho bà con. Tỉnh sẽ huy động mọi nguồn lực để giúp dân”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận