Hay là thiết kế lại giấc mơ?

CAM LY (SYRACUSE - NEW YORK) 18/12/2011 02:12 GMT+7

TTCT - 1. Hôm qua, một cô bạn của tôi lên Facebook than thở rằng bạn của cô ấy, một bậc “trung lưu điển hình” của Mỹ, vừa phải bán căn nhà dưới mức giá trị lúc mua, dọn vào một căn hộ cùng vợ và ba người con, với lý do là làm không đủ tiền để chi trả cho căn nhà cũ nữa. Nếu chịu khó ở căn hộ thì may ra còn có khả năng hằng năm đi nghỉ dưỡng ở đâu đó.

Phóng to
“Giấc mơ Mỹ” đang “tan vỡ” đối với nhiều gia đình, bắt đầu từ căn nhà phải cho thuê hoặc bán đi - Ảnh: flintexpats.com

(Với những ai không sống ở Mỹ, tôi xin phép giải thích sơ qua về những chi tiết của đoạn viết trên cho có ngọn ngành hơn. “Căn nhà” ở đây có nghĩa là một “single-family house”, nói nôm na theo kiểu VN là nhà riêng. “Căn hộ” tức là một cái “apartment”, VN ta cũng gọi là căn hộ.

“Bán nhà dưới mức giá trị” có lẽ không rõ ràng lắm - ở đây có ý là “shortsale”, theo hệ thống buôn bán bất động sản phức tạp của Mỹ là ngân hàng từng cho mượn tiền mua nhà giờ chấp nhận cho bán nhà với mức thấp hơn mức mua, và bỏ qua không đòi số tiền chênh lệch mà chủ nhà thiếu nợ ngân hàng. Còn “nghỉ dưỡng” ở đây có ý nói về “vacation” - một phần không thể thiếu của lối sống trung lưu Mỹ).

Cô bạn tôi kết luận cô ấy ngày càng mất niềm tin về cái gọi là “giấc mơ Mỹ”. Lý do: một viên chức trung lưu như bạn cô ấy dù chăm chỉ làm ăn, không còn khả năng đạt được mức sống như “giấc mơ Mỹ” vẫn hứa hẹn nữa.

Còn tôi thì hình dung bạn của cô bạn tôi, giống như hàng triệu người Mỹ khác đang bất mãn vì tan vỡ “giấc mơ Mỹ”, đang kêu ca vì mất đi những gì? Họ mất đi một căn nhà có diện tích tối thiểu 180-200m2, có vườn phía trước, sân chơi phía sau, có thể còn có cả một hồ bơi 7-10m, có garage để được hai chiếc xe hơi, 3-4 phòng ngủ và 2-3 phòng tắm, một nhà bếp, một phòng ăn, một phòng khách, một phòng dành cho gia đình và một tầng hầm to bằng diện tích sàn.

Từ nơi đó, họ sẽ phải chuyển vào một căn hộ có diện tích 120-150m2, thiếu vườn riêng, sân chơi riêng, hồ bơi riêng, thiếu garage ngay sát cửa ra vào, thiếu một phòng ngủ và một phòng tắm so với nhà cũ, thiếu luôn một phòng dành cho gia đình. Sân chơi và hồ bơi phải dùng chung với chừng 20 hộ xung quanh.

Đổi lấy cuộc sống “chật vật” ấy, hằng năm họ sẽ sắp xếp được một chuyến đi nghỉ cho cả gia đình, có lẽ là một chuyến đi biển nào đó trong vùng Caribê. Hoặc một chuyến đi Las Vegas. Hoặc một chuyến đi tàu trên đại dương.

Đến là khổ!

2. Theo Cục Thống kê Mỹ, năm 2010 có 46,2 triệu người Mỹ (chiếm 15,1% dân số) rơi vào tình trạng nghèo đói. Tuy nhiên, không thể dùng đến ngưỡng nghèo đói bần hàn như vẫn thường thấy ở nhiều phần còn lại của thế giới để nói chuyện về nước Mỹ, vì đó vốn là ngưỡng mà một người Mỹ nghèo trung bình không bao giờ chạm tới.

Hệ thống phúc lợi Mỹ, dù luôn bị người Mỹ phàn nàn là tệ hơn châu Âu hoặc Canada, tạo ra một lớp “lưới an toàn” cho người nghèo trong nước qua các bếp ăn miễn phí, nơi cư ngụ tạm thời miễn phí, trợ cấp giao thông miễn phí - ba thành phần căn bản của một cuộc sống tối thiểu.

Ngay cả ngưỡng “chật vật” (cái mà người Mỹ hay gọi là “struggle to make ends meet”), người Mỹ cũng không bao giờ chạm tới sự chật vật của nhiều vùng đất khác trên trái đất này. Một phóng sự về đói nghèo trên nước Mỹ của Hãng truyền hình NBC tuần rồi giới thiệu chân dung một gia đình Mỹ nghèo phải nhận trợ cấp lương thực (dưới hình thức “food stamps”).

Gia đình này sống trong một căn hộ có ít nhất hai phòng ngủ, đi xe hơi Dodge bóng lộn, đến sinh nhật con vẫn mua được một chiếc bánh kem to cả nhà ăn không hết. Nhưng họ vẫn than phiền là không có tiền mua sách cho con đọc. Họ rơi nước mắt tủi thân vì điều đó. Trả lời phỏng vấn của phóng viên, họ nói rằng khi sự nghèo đói bắt buộc họ phải lựa chọn từ chối một trong hai niềm vui của con (quà sinh nhật < sách) là đã chà đạp vào lòng tự trọng của con người.

3. Một giấc mơ mà trong đó con người không phải lựa chọn gạt bỏ bất kỳ một nhu cầu nào để ưu tiên cho một nhu cầu khác (thiết thực hơn), đó có phải là một giấc mơ lành mạnh hay không?

“Giấc mơ Mỹ” là lời hứa hẹn về cơ hội được sống trong tự do, công bằng và thịnh vượng. Nhưng “giấc mơ Mỹ” không có định mức cụ thể cho cả ba thành tố đó. Nói cách khác, mỗi người tự ấn định cho mình một kỳ vọng (và niềm tin vào những thứ mà họ xứng đáng được hưởng) khi “thiết kế” ra giấc mơ cho chính mình. Đôi khi, giấc mơ có tan vỡ hay không phụ thuộc vào chính thiết kế mang tính cá nhân đó.

Một cựu binh Mỹ mà tôi được dịp trò chuyện, thuộc thành phần trung lưu, cho biết ông quyết định không mua nhà, chỉ thuê căn hộ để sống, vì ông muốn dùng tiền cho con gái mình đi du lịch mỗi khi có dịp. Ông nói ngay cả đưa con đi một vùng cách nhà 20 phút, ông cũng gọi đó là đi du lịch (“travel”), là một dịp để học một điều gì đó mới mẻ hơn.

Con gái ông, năm nay chưa tròn 10 tuổi, được ông cho học hai ngoại ngữ, được tham dự trại hè ở châu Á, hằng ngày được đọc sách tư liệu cùng ông. Đưa con ra công viên công cộng, ngồi nhìn con thoăn thoắt leo trèo, ông bảo: “I think she’s gonna be ok” (“Tôi nghĩ con bé rồi sẽ ổn thôi”).

Năm 2006, trong một dịp đi công tác, tôi đến thành phố New Orleans - nơi một năm trước đó hứng chịu cơn bão Katrina khắc nghiệt. Cộng đồng người Việt sống tập trung ở vùng quận 9 của thành phố này là cộng đồng phục hồi nhanh nhất sau bão. Linh mục Nguyễn Thế Viễn của giáo xứ Mary Queen, người đứng đầu các hoạt động khôi phục cộng đồng người Việt, cho biết tự lực là phương châm hàng đầu của cộng đồng.

“So với những khó khăn thời kỳ mới tha hương, (Katrina) có là gì đâu! - ông nói - Điều gì tự làm được thì chúng tôi làm, chỉ biết kêu ca mà không biết tự thân vận động kỳ lắm!”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận