"Hoàng tử bé": Các chuyến đọc giữa những vì sao

ZÉT NGUYỄN 07/10/2023 06:42 GMT+7

TTCT - Độc giả của Saint-Exupéry, khi gặp Hoàng tử bé, cũng thoải mái làm các chuyến đọc giữa những vì sao.

Bích chương triển lãm Antoine de Saint-Exupery và Hoàng tử bé năm 2020.

Bích chương triển lãm Antoine de Saint-Exupery và Hoàng tử bé năm 2020.

Khi nghe nhận xét về mình "Ông là người ngoài hành tinh", Saint-Exupéry đáp lại, "Đúng thế, thỉnh thoảng tôi làm vài chuyến bách bộ giữa những vì sao". Và rồi độc giả của ông, khi gặp Hoàng tử bé, cũng thoải mái làm các chuyến đọc giữa những vì sao.

Năm 1950, bản dịch tác phẩm Hoàng tử bé sang tiếng Đức "Der Kleine Prinz" đầu tiên được xuất bản. Đó là một ấn bản bìa cứng, bìa áo của Nhà xuất bản Karl Rauch choàng chiếc đai đỏ tươi in dòng chữ: "Đây không phải là sách cho trẻ con. Đây là một lời mời thoát khỏi mọi cô đơn trần thế của một nhà thơ vĩ đại đưa chúng ta đến gần với giải pháp những bí ẩn lớn lao của thế giới này". 

Dòng dưới ghi rõ: "Giáo sư Martin Heidegger nói đó là tác phẩm yêu thích của mình". Những ai chưa biết khoan hãy choáng váng, vì còn có một câu trích dẫn nữa được cho cũng của Heidegger, về Hoàng tử bé: "một trong những cuốn sách vĩ đại nhất của triết học hiện sinh của thế kỷ này".

Chỉ bằng hai câu ngắn gọn, Heidegger đã thâu tóm toàn bộ các chủ đề, những thảo luận và tranh cãi miên viễn chung quanh chủ đề của tác phẩm Hoàng tử bé: có/không phải là sách trẻ con; nỗi cô đơn trần thế; bí ẩn lớn lao của thế giới; triết học hiện sinh. 

Tác phẩm ấy được sinh ra từ nỗi tuyệt vọng của một tác giả chịu đựng thân phận lưu vong cả thể xác lẫn tinh thần, bỏ chạy khỏi Pháp sau khi phát xít Đức chiếm Pháp, đến Mỹ định lưu lại dăm bữa để rồi phải ở lại hơn 2 năm, viết trong những năm khốc liệt của Thế chiến 2, trong nỗi đau đáu của người mang nợ không chiến đấu được với nước nhà. 

Cuốn sách được phát hành vào ngày 6- 4-1943 tại Mỹ. Giờ đây, 80 năm sau, nó được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất, bán chạy nhất, chỉ sau Kinh thánh. (Ngay cả trong tiếng Việt, nó cũng có nhiều bản dịch nhất).

Ấn bản đầu tiên của Hoàng tử bé, do Nhà xuất bản Reynal & Hitchcock phát hành tại New York (Mỹ) năm 1943. Ảnh trong bộ sưu tập của Jean-Marc Probst

Ấn bản đầu tiên của Hoàng tử bé, do Nhà xuất bản Reynal & Hitchcock phát hành tại New York (Mỹ) năm 1943. Ảnh trong bộ sưu tập của Jean-Marc Probst

Bằng cách nào một tác phẩm khi mới ra đời, dẫu tác giả đã nổi tiếng sẵn và tác phẩm trước đó của ông, Cõi người ta, được trao Giải thưởng lớn cho tiểu thuyết của Viện hàn lâm Pháp năm 1939, chỉ trụ lại được 1 tuần trong danh sách bán chạy của The New York Times, tác giả thì luôn bị các nhà phê bình coi là nổi tiếng mà không xứng với tầm, "nhà văn lớn mà không viết được tác phẩm nào lớn" (có lẽ trừ Bay đêm), "không có khả năng phân tích triết học một cách hệ thống", "những suy nghiệm thần thoại giả cầy"…, và 50 năm sau ngày xuất bản vẫn không có thạc sĩ hay tiến sĩ nào thèm làm luận văn, luận án, lại bán được tới 200 triệu bản?

Hoàng tử bé hẳn là một "tác phẩm mở" như cách Umberto Eco gọi, một văn bản chứa đựng vô số cách diễn giải, không phụ thuộc vào ý định của tác giả mà vào người đọc, không cố định mà lưu động tự tạo mới, không duy nhất mà vô số.

Saint-Exupéry, nhà quý tộc chết đói, một phi công bất tuân kỷ luật, một nhà văn tài hoa tin rằng "chỉ có một và duy nhất một vấn đề trên thế giới: phải làm sống lại chút ý nghĩa tâm linh..." đã chết một cách đầy bi kịch chỉ trong vòng hơn 1 năm sau khi Hoàng tử bé được xuất bản. 

Sự ra đi quá sớm, đột ngột, đầy bí ẩn, ở tuổi 44, như được dự báo trước trong chính Hoàng tử bé - người ngắm hoàng hôn 44 lần, vĩnh viễn đưa tên tuổi và tác phẩm của ông vào bí ẩn hào quang không bao giờ tắt, không bao giờ giải mã trọn của huyền thoại, gắn chặt tác giả với nhân vật mà ông sáng tạo.

Việc đồng nhất Saint-Exupéry người phi công-tác giả với người phi công bị rơi máy bay trong Hoàng tử bé trở thành một lối mòn trong tất cả các bài phê bình lẫn nghiên cứu. Trong suốt nhiều thập kỷ sau cái chết của ông, như nhà nghiên cứu Cristina Trinchero đã tóm gọn trong một tiểu luận xuất sắc (1), hết làn sóng này đến làn sóng kia một loạt tác phẩm bày ra những văn bản, hình ảnh, trích dẫn, vật thể, ký ức, lời chứng, để kết nối những sự kiện, nhân vật thuộc con người tiểu sử tác giả với những chi tiết xảy ra trong Hoàng tử bé.

Các nhà nghiên cứu truy lùng nguyên mẫu của các nhân vật Hoàng tử bé, con cừu, con cáo... Sự tìm kiếm lan từ con người tới cả địa danh: Núi lửa trong văn bản là núi lửa vùng quê vợ tác giả, sa mạc mà chiếc máy bay rơi xuống đích thị phải là sa mạc Libya nhiều năm trước Saint-Exupéry từng thoát cửa tử thần kỳ. 

Và sự đánh đồng thì đi xa tới mức: bông hồng trong Hoàng tử bé chính là người vợ Consuelo Suncín de Sandoval của tác giả, người được cho là khó chiều, đòi hỏi, kiêu kỳ và chính là người chịu trách nhiệm cho cái không khí bất thường hay thay đổi của câu chuyện, phản ánh mối quan hệ đầy những thăng trầm của hai vợ chồng.

Cách đọc dựa vào thông tin tiểu sử để đoán định ý nghĩa trong tác phẩm này trở thành chủ đạo và lấn át gần như toàn bộ các cách đọc khác. Bằng cách phóng chiếu những mối quan hệ cá nhân, dựa trên thư từ và những phát biểu của chính tác giả, nhiều nhà nghiên cứu đưa ra những luận giải nghe rất hợp lý: Hoàng tử bé như là một sự nuối tiếc mãnh liệt tuổi thơ của chính tác giả. Cuốn sách nghiên cứu công phu Saint-Exupéry: Một tiểu sử của Stacy Schiff càng củng cố cho cách đọc này hơn. 

Những người quen Saint-Exupéry đều biết ông coi tuổi thơ là thời vàng son, ông là thành viên câu lạc bộ "Những chàng trai không bao giờ lớn lên". Mất bố từ sớm, được mẹ và bà chăm sóc trong tình yêu vô điều kiện để sống trong một thế giới tuổi thơ màu nhiệm, dẫu khi đã 30, ông vẫn viết, "Cái thế giới ký ức tuổi thơ này với tôi sẽ luôn luôn thật một cách đầy tuyệt vọng hơn những thứ khác". Lớn lên, với ông, là đau đớn. Quả như Schiff khẳng định, "trưởng thành chính là lưu đày".

Được tiếp sức nhờ sự liên đới hữu hiệu với tiểu sử tác giả, sự đọc đối lập trẻ em - người lớn này là một trong những nhánh diễn giải mới, dần trở thành chủ lưu đến mức rơi vào lối mòn: lấy tuổi thơ và trẻ em là trọng tâm, với tất cả sự rực rỡ của trí tưởng tượng, với lời khẳng định trẻ con mới là người có khả năng hiểu rõ những gì là quý giá, còn người lớn thì khô cằn, thực dụng, mù lòa trước những điều cốt tử. Sự đối lập này tìm được đất để vẫy vùng cả từ lời đề từ đầy mùi mẫn dành cho người bạn lớn thời còn bé, tới những lời thoại hạ bệ người lớn, tới những bài học triết lý hiển ngôn mà Hoàng tử bé bày ra trước mắt độc giả.

Ảnh: YouTube/PeterHarringtonBooks

Ảnh: YouTube/PeterHarringtonBooks

Các cách đọc Hoàng tử bé, dẫu vậy, không chỉ sinh sôi nhờ sự nhất trí của hàng loạt diễn giải. Chính sự mâu thuẫn về một thứ mấu chốt, không đi đến được thống nhất mới là điều giúp ý nghĩa tác phẩm nảy nở liên tục: sự mơ hồ về thể loại.

Ngay từ những bài điểm sách đầu tiên, các nhà phê bình đã bối rối không biết xếp Hoàng tử bé vào tác phẩm văn học thiếu nhi hay người lớn, sự tranh cãi diễn ra bất tận đến tận bây giờ. Paul Jordan-Smith, trong bài điểm sách trên Los Angeles Times, khẳng định đây là một tác phẩm viết cho thiếu nhi, rồi trích dẫn Tân Ước rằng chúng ta không thể vào được nước thiên đàng nếu không trở thành trẻ con, rằng thứ văn chương khôn ngoan nhất là được viết cho trẻ con, những câu chuyện của Aesop và Hans Christian Andersen.

Nhưng nhiều nhà phê bình khác lại khăng khăng Hoàng tử bé dành cho người lớn. Nhà xuất bản ở Mỹ của Hoàng tử bé không những không đưa ra một lời rõ ràng cho phải lẽ mà còn tập trung quảng bá vào đúng điểm mờ thể loại này để bán sách. 

Một quảng cáo ấn bản tiếng Anh Hoàng tử bé ở Mỹ hồi 1943 viết: "Các nhà phê bình hoàn toàn nhất trí về Hoàng tử bé" với bức tranh Hoàng tử bé chỉ vào một khung có dòng chữ "100% nói đây không phải là sách cho thiếu nhi", bên dưới là dòng chữ "100% nói đây không phải là sách cho người lớn", dưới cùng là "99/100% nói đây là cuốn sách dành cho tôi".

Tận dụng sự mờ nhòe về thể loại, Hoàng tử bé hướng tới sự đồng điệu mà độc giả cảm thấy: nó đánh vào sự kỳ diệu trong khả năng giúp hóa thân của văn chương, nó bao phủ tất cả các lứa tuổi bởi nếu nó không dành cho một lứa tuổi nào, tức là nó dành cho tất cả. P.L. Travers, tác giả bộ sách Mary Poppins, đã tụng ca nó và không quan tâm đến việc nó viết cho ai, bởi với bà, ranh giới giữa trẻ con và người lớn "mang tính tưởng tượng chẳng kém gì đường xích đạo".

Một lực đẩy khác khiến các cách đọc Hoàng tử bé tiếp tục đâm cành rẽ nhánh: các ẩn dụ đầy rẫy trong tác phẩm. Ẩn dụ, với sự hoạt động tài tình của nó, không bao giờ chịu chấp nhận cách lý giải duy nhất. Các nghĩa để lý giải nó luôn vận động, nhờ thế những cách đọc mới không ngừng nảy sinh, thách thức cách đọc cũ, tìm mọi cách thiết lập ưu thế và không khỏi làm người đọc kinh ngạc.

Ảnh trong phim hoạt hình The Little Prince (2015).

Ảnh trong phim hoạt hình The Little Prince (2015).

Nhà văn Adam Gopnik đề xuất Hoàng tử bé như một truyện ngụ ngôn chiến tranh mà cảm xúc trung tâm là "sự cô lập, sợ hãi và không chắc chắn". Trước sự thua cuộc của Pháp và đất nước bị Đức chiếm đóng, "cảm thấy tủi hổ, bối rối và suy sụp, Saint-Exupéry đã sáng tạo nên câu chuyện ngụ ngôn về những ý tưởng trừu tượng và tình yêu cái cụ thể".

Ta không yêu tất cả các bông hồng, mà chỉ yêu một bông hồng, cái bông hồng ta đã làm quen, và ta phải có trách nhiệm với tình yêu của ta. Trái với những lời chê bai sự khó hiểu do tính trừu tượng của tác phẩm, Gopnik cho thấy cái trừu tượng chỉ làm nền để Saint-Exupéry phê phán, là cái khiến chúng ta không nhìn được cuộc đời như nó vốn thế.

Chính vì thế, đọc ngụ ngôn chiến tranh Hoàng tử bé cùng với "Cho Esmé - với Tình yêu và sự Bẩn thỉu", một truyện ngắn hậu chiến tuyệt tác của J. D. Salinger đem lại một hiệu ứng gần như thanh tẩy: đứng trước những sang chấn khôn kham (dù là của chiến tranh, của hoàn cảnh sống khốn khổ, của "Chúa ơi, đời là địa ngục") thì những lời nói của một đứa trẻ, đến từ một nơi xa xôi, trong trẻo, ấm áp, đầy tình thân, là cái duy nhất có thể khiến con người có thể được xoa dịu, được chợp mắt, trong giây lát. Các nhân vật của Salinger, hay Camus, hay chính độc giả, sẽ hoặc lần lượt, hoặc đồng thời, cùng có mặt trên sa mạc, đi tìm giếng nước, với Hoàng tử bé.

Sau 80 năm ra đời, Hoàng tử bé không chỉ đi qua sáu hành tinh. Nó phiêu lưu vào truyền thống từ Dante tới Defoe gồm các nhân vật bị lạc trong một thế giới xa lạ, hành trình của nhân vật chính là hành trình đi tìm căn cước và ý nghĩa cuộc đời. 

Nó song hành cùng Ulysses của thần thoại Hy Lạp trong chặng đường phiêu lưu thương nhớ quê nhà. Tác giả của nó, có lần được nhận xét, "Ông là người ngoài hành tinh", ông đáp lại, "Đúng thế, thỉnh thoảng tôi làm vài chuyến bách bộ giữa những vì sao".

Đến lượt mình, người đọc, khi gặp Hoàng tử bé, sẽ thoải mái làm các chuyến đọc giữa những vì sao. 

(1) Trinchero, C. (2017). "The Little Prince", a Timeless Classic. On the Critical Reception of Antoine de Saint-Exupéry's Novel. RiCOGNIZIONI. Rivista Di Lingue E Letterature Straniere E Culture Moderne, 4(7), 83-92.

Các nhà nghiên cứu đi tìm ý nghĩa không chỉ của bông hồng, mà còn cả một loạt các con vật và vật vô tri xuất hiện trong tác phẩm. Lấy cái khung là khía cạnh thần bí nằm ẩn sâu dưới các nhân vật và mô típ trong Hoàng tử bé khi đối sánh với các văn bản Kinh thánh, thần thoại Đông Tây, truyện cổ tích Trung Đông hay Địa Trung Hải, các nhà nghiên cứu cung cấp những cách luận giải khác về con rắn - con vật trong truyền thống đóng vai trò dẫn dụ và mang nhiều yếu tố tiêu cực, nhưng ở Hoàng tử bé thì vừa tượng trưng cho cái chết, cũng là sự tái sinh. Đọc dưới ánh sáng của tiểu luận "La terre et les rêveries du repos" của Gaston Bachelard thì "chất độc như là một giọt chết và cũng là một giọt sống" và trong Từ điển các biểu tượng, từ Ả Rập để chỉ "sự sống" và "con rắn" là một.

Bông hoa hồng, dưới cách đọc phân tâm học từ lý thuyết của Freud và Jung, có thể không phải là vợ hay người tình của Saint-Exupéry mà chính là người mẹ mà ông luôn mang mặc cảm Ơ đíp. Con trăn trong cách đọc phân tâm học chính là mẹ của tác giả, hay ở một nghĩa sâu hơn chính là cái vô thức đã bóp nghẹt cuộc đời và không cho con người phát triển. Thậm chí toàn bộ câu chuyện người phi công gặp Hoàng tử bé còn có thể coi là một giấc mơ, nơi gặp gỡ là sa mạc - biểu tượng của vô thức của người phi công. Nhà phân tâm học và thần học nổi tiếng Drewermann còn coi Hoàng tử bé phơi bày "một đứa trẻ bị tổn thương sâu sắc" chính là tác giả của nó.

Bài nghiên cứu về sự sáng tạo của Saint-Exupéry của Michel Quesnel chỉ ra một cách rất hữu ích cách giải mã sự khó hiểu của Hoàng tử bé. Theo ông, lý do nằm ở việc "toàn bộ tác phẩm nằm dưới một cách tiếp cận thuộc về thi ca: cấu trúc, logic, nó phục tùng một thứ năng lượng thi ca". "Chiếc mũ không phải chỉ là chiêm nghiệm về thời hiện tại, mà từ đó một thời, hay một kiểu "triết lý" chung chung có thể rút ra".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận