Học thuyết đôminô: cái cớ?

HỮU NGHỊ 04/04/2004 02:04 GMT+7

TTCN - Có một thực tế hiển nhiên là cuộc chiến tranh Triều Tiên, bùng nổ năm 1950, đã khiến nổi lên một cách chính thức thuyết đôminô trên cơ sở cuộc xung đột giữa hai khối cộng sản và tư bản chủ nghĩa.

Phóng to
Lính Nhật bắt lính Pháp làm tù
TTCN - Có một thực tế hiển nhiên là cuộc chiến tranh Triều Tiên, bùng nổ năm 1950, đã khiến nổi lên một cách chính thức thuyết đôminô trên cơ sở cuộc xung đột giữa hai khối cộng sản và tư bản chủ nghĩa.

Thế nhưng, thực tế trên chỉ là bề nổi của một vấn đề lớn hơn: do Hoa Kỳ có một phía bờ biển nằm trên Thái Bình Dương nên nhu cầu quốc phòng buộc Mỹ phải “nắm” được bên kia bờ Thái Bình Dương, ngay từ thập niên 1940, khi Hoa Kỳ không còn có thể tiếp tục tự trói tay mình trong chủ thuyết “tự cô lập” của Monroe.

Hoa Kỳ và châu Á - Thái Bình Dương năm 2004

Trong cuộc điều trần hôm 26-6-2003 trước phân ban châu Á-Thái Bình Dương của Hạ viện Mỹ, trợ lý ngoại trưởng Peter Rodman đã tuyên bố: “Chúng ta bắt đầu với sự hợp tác an ninh mạnh mẽ với năm đồng minh qua các hiệp định an ninh với Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines cùng các đối tác thân cận như Singapore. An ninh và ổn định tại châu Á vẫn luôn là lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ do lẽ:
- Hơn 50% nền kinh tế thế giới và hơn phân nửa dân số thế giới đang sống tại châu Á.
- Giới kinh doanh Mỹ đang buôn bán hằng năm tại châu Á đến 500 tỉ USD.
- Nửa triệu công dân Hoa Kỳ đang sống, làm việc và học tập trong khu vực này.
- Châu Á là địa bàn của 4/7 quân đội mạnh nhất thế giới, trong số đó có cả sức mạnh nguyên tử.
- Có đến hơn 2 tá tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết...“.
(Nguồn: Hạ viện Hoa Kỳ)

Hoa Kỳ và châu Á - Thái Bình Dương những năm 1940

Lùi lại 60 năm trước sẽ thấy cũng cái nhìn đó, tuy có khác biệt về chi tiết.

Phóng to
Bích chương cô súy “Đại Đông Á thịnh vượng chung” của phát xít Nhật
Ngày 20-6-1940, toàn quyền Catroux bắt buộc phải đồng ý cho một phái bộ quân sự của Nhật Bản trú đóng tại biên giới Việt - Trung. Vào lúc đó, Nhật đang giao chiến mà không tuyên bố chiến tranh. Tướng Catroux, trong điện văn đề ngày 23-6-1940 gửi Chính phủ Pháp lúc đó đã chuyển từ Paris (bị Đức chiếm) xuống Vichy, đã giải thích rằng do lực lượng Pháp quá mỏng (chỉ 2 - 3 sư đoàn, lại không có không quân, phòng không, tàu ngầm... ) nên phải nhượng bộ Nhật.

Chính quyền Vichy cách chức Catroux, thay bằng phó đô đốc Jean Decoux, lúc đó đang là tư lệnh hạm đội Pháp tại Viễn Đông. 40 ngày sau, khi Catroux bàn giao chức vụ cho Decoux, tức vào ngày 30-8-1940, đến lượt chính quyền Vichy cũng đã đồng ý nhượng cho Nhật Bản một số cơ sở quân sự, đổi lại Nhật nhìn nhận chủ quyền của Pháp tại Đông Dương. Ngày 21-7 năm sau, thỏa thuận Darlan - Kato cho phép Nhật sử dụng các căn cứ quân sự, phi trường của Pháp trên toàn cõi Đông Dương, cũng như được thu gom lương thực và nguyên liệu tại chỗ. Đến tháng 11-1941, đã có đến 75.000 quân Nhật có mặt tại VN.
(Nguồn: QUID).

Tất nhiên, việc Nhật “ăn dầm nằm dề” tại Đông Dương thuộc Pháp không khiến Mỹ hài lòng. Việc chính phủ Vichy nhượng cho Nhật một số cơ sở quân sự vào năm 1940 đã khiến Mỹ lo ngại. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 23-9-1940 đã ra thông cáo báo chí với nội dung:
“Các sự kiện diễn biến nhanh đến nỗi tại Đông Dương không thể nắm được tình hình một cách cập nhật và chính xác. Tuy nhiên, dường như tình thế đang bị đảo lộn và diễn biến một cách ép buộc. Lập trường của Hoa Kỳ là không đồng ý và không đánh giá tốt những diễn biến cứ lặp đi lặp lại đó. Chính phủ Hoa Kỳ đã không bao giờ và dưới bất cứ hình thức nào tán thành việc Pháp nhượng bộ Nhật”.
(Nguồn: U. S. Department of State, Publication 1983, Peace and War: Unites States Foreign Policy, 1931-1941, tr. 571-572).

Tại sao Mỹ, từ bên kia Thái Bình Dương, lại “khó chịu” vì việc Pháp “mở cửa” Đông Dương cho Nhật ngay từ cuối năm 1940? Cần nhớ rằng mãi đến tháng 12-1941 Nhật mới tấn công Mỹ tại Trân Châu cảng. Tuyên bố của quyền ngoại trưởng Mỹ Sumner Welles về “sự hợp tác Nhật - Pháp tại Đông Dương” đề ngày 26-7-1941 sẽ giải thích phần nào lý do của những bực tức này:
“Cần nhắc lại rằng vào năm 1940, Chính phủ Nhật đã nhiều lần phát biểu không muốn thấy rối loạn lan ra khu vực Thái Bình Dương đặc biệt là tại Đông Ân thuộc Hà Lan (tức Indonesia) và Đông Dương thuộc Pháp. Mong muốn này cũng là của nhiều chính phủ khác, kể cả Hoa Kỳ. Chính phủ Hoa Kỳ đã từng tuyên bố rằng bất cứ sự thay đổi nào trong tình hình hiện tại ở các khu vực này bằng phương cách không hòa bình nào cũng sẽ gây thiệt hại cho an ninh và hòa bình của các khu vực Thái Bình Dương.

Tình hình bất hạnh hiện tại của chính phủ Vichy và chính quyền Pháp tại Đông Dương, tất nhiên, là dễ hiểu: họ không trong tư thế có thể đối kháng những áp lực nơi họ. Thế nhưng, không nghi ngờ gì về thái độ của chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ trước những hành vi xâm lược được tiến hành bằng cách sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực. Đối với Chính phủ Hoa Kỳ, không có cơ sở gì biện minh cho việc Chính phủ Nhật chiếm đóng Đông Dương hoặc thiết lập căn cứ ở đó mà lại bảo rằng để tự vệ”.

Các lý lẽ mà quyền ngoại trưởng Welles nêu ra rất “cao thượng”: hòa bình, an ninh khu vực... Thế nhưng, đoạn cuối của tuyên bố sẽ “đời thường” hơn:
“Chính phủ Hoa Kỳ chỉ có thể kết luận rằng hành động mà Nhật tiến hành là do giá trị của những căn cứ ở khu vực trong mưu đồ chinh phục các khu vực kế cận. Các hành động đó còn nhằm ngăn trở việc cung cấp các nguyên liệu thiết yếu như cao su, thiếc cho Hoa Kỳ, vốn là những mặt hàng cần thiết cho nền kinh tế bình thường của Hoa Kỳ và cho các chương trình quốc phòng của chúng ta.

Chính phủ và nhân dân đất nước này nhận thức đầy đủ rằng những diễn biến như thế chính là những vấn đề sinh tử đối với nền an ninh quốc gia của chúng ta”.
(Nguồn: Department of State Bulletin, 26-7-1941)

Tuyên bố này được đưa ra chỉ năm ngày sau khi có thỏa thuận Darlan - Kato. Có thể thấy ngay từ đầu những năm 1940, trong mắt của các nhà chiến lược ở Washington, một Đông Dương về tay Nhật sẽ đe dọa an ninh quốc phòng lẫn an ninh kinh tế của Mỹ. Tuyên bố trên của quyền ngoại trưởng Mỹ được công bố một ngày trước khi tổng thống Mỹ Roosevelt triệu đại sứ Nhật tại Washington vào Nhà Trắng. Cho đến nay sách sử và phim ảnh (các phim về trận Trân Châu cảng chẳng hạn) vẫn thường thuật lại rằng năm 1941 Mỹ và Nhật thương thuyết nhau liên tục cho đến ngày Nhật đột ngột tấn công Trân Châu cảng (7-12-1941).

Bản ghi nhớ dưới đây do quyền ngoại trưởng Welles ghi lại cuộc gặp này cho thấy khá rõ những ý muốn và tính toán của Mỹ. Nội dung các cuộc thương thuyết Mỹ - Nhật vào giờ thứ 23, trước trận Trân Châu cảng, thậm chí những chi tiết bất ngờ nhất, chưa từng thấy nhắc đến trong sách sử:
“Tổng thống nói rằng từ hơn hai năm qua Hoa Kỳ đã cho phép dầu hỏa từ Hoa Kỳ được xuất khẩu sang Nhật là do lẽ nếu như nguồn cung cấp này bị ngăn lại hoặc giảm đi, Nhật sẽ bị kích thích tràn xuống Đông Ấn thuộc Hà Lan (nay là Indonesia) để tự đảm bảo nguồn cung cấp dầu hỏa cho mình. Tổng thống nói tiếp rằng ngài đại sứ hẳn phải biết rằng miền Đông nước Mỹ hiện đang rất thiếu dầu hỏa, và rằng người dân Mỹ bình thường sẽ không tài nào hiểu được tại sao, trong khi họ phải dè sẻn tiêu thụ dầu hỏa, thì Hoa Kỳ lại cho phép tiếp tục cung cấp dầu hỏa cho Nhật vào lúc mà Nhật đang đeo đuổi một chính sách chinh phục bằng vũ lực phối hợp với chính sách chinh phục và cai trị thế giới của Hitler... Tổng thống nói rằng bất chấp những chỉ trích chống chính phủ và Bộ Ngoại giao, cho đến nay tổng thống vẫn cho phép chở dầu từ Mỹ sang Nhật.

Tổng thống nói tiếp rằng hành động mới của Nhật tại Đông Dương (tức thỏa thuận Darlan - Kato ngày 21-7-1941 chú thích của TTCN) đã gây ra một vấn đề nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ. Tổng thống nói rằng, cũng như tôi đã nói với đại sứ Nhật hôm qua, nếu chỉ cần cung cấp lương thực và nguyên liệu mà thôi từ Đông Dương thì Nhật vẫn có thể đạt được một thỏa thuận với Hoa Kỳ để được cung cấp một cách đồng đều so với bất cứ nước nào khác. Nếu Nhật tiến hành việc cung cấp đó từ Đông Dương một cách hòa bình, thì không những Nhật đã có được hằng hà sa số hàng hóa đó mà còn được cung cấp một cách an toàn tuyệt đối, không cần đến một cuộc chiếm đóng quân sự kèm theo”.

Những chi tiết “đổi chác” trong cuộc gặp trên cho thấy:
1- Từ trước Thế chiến thứ hai bùng nổ cho đến thời điểm tháng 7-1941, có vẻ như Mỹ đang “kính” Nhật, “sợ” Nhật... đến mức phải “nhịn” dầu để bán cho Nhật hầu giữ chân quân đội Thiên hoàng không cho tràn vào Đông Dương và Indonesia (mỏ dầu).
2- Đối với Mỹ, Đông Dương vào thời điểm đó đã là một vị trí chiến lược trong an ninh quốc phòng của Hoa Kỳ.
3- Do Đông Dương đã lỡ thuộc Pháp nên Mỹ đành chịu đứng ngoài, chưa nhảy vào được.
4- Mỹ không vào được thì không một nước nào khác có thể nhảy vào... (trong khi Pháp ở mẫu quốc và ở Đông Dương đang yếu đi vì bị Đức quốc xã chiếm đóng).
5- Nếu cần, Mỹ sẵn sàng trao đổi bằng vật chất để tránh việc bất cứ cường quốc nào nhảy vào.

Sự đổi chác này còn tiến xa đến mức Mỹ đã nghĩ đến một giải pháp cho Đông Dương mà không thông qua mẫu quốc của Đông Dương là Pháp:
“Tổng thống nói có thể đã là quá muộn rồi để đưa ra đề nghị này, song cho dù có muộn ông cũng vẫn cố không để lỡ cơ hội. Tổng thống tuyên bố nếu Chính phủ Nhật tự kiềm chế không chiếm đóng Đông Dương bằng quân sự, hoặc giả sử như đã bắt đầu chiếm đóng rồi, song nếu như Nhật rút quân ra, tổng thống có thể đảm bảo với Chính phủ Nhật rằng ông sẽ làm mọi việc trong quyền hạn của ông để đạt được từ phía các chính phủ Trung Quốc (lúc đó còn trong tay Quốc dân đảng), Anh, Hà Lan, và tất nhiên là cả Hoa Kỳ nữa, nếu như Nhật cũng cùng cam kết một bản tuyên cáo long trọng có giá trị ràng buộc rằng Đông Dương sẽ trở thành một quốc gia trung lập giống như kiểu Thụy Sĩ”.
(Nguồn: U. S. Department of State, Publication 1983, Peace and War: Unites States Foreign Policy, tr. 699-702).

Đọc lại hồ sơ trên càng có thể thấy:
1/ Ngay từ đầu Thế chiến thứ nhì, Mỹ đã muốn khư khư giữ Đông Dương làm của riêng như thế nào, tuy trong thực tế vẫn còn “chủ nhân” Pháp mà nay đã suy yếu và bị chiếm đóng.
2/ Mỹ đã muốn nhân tình cảnh Pháp đang bị mất nước ở chính quốc, để hất cẳng Pháp ra khỏi Đông Dương bằng cách bắt tay với các “chủ nhân” khác ở khu vực này và cả Nhật, mà không thông qua Pháp, nhằm đặt Đông Dương ra ngoài vòng tranh giành bằng một giải pháp gọi là “trung lập”.
3/ Giải pháp gọi là “trung lập” chỉ là một chiêu bài, một hư chiêu, mà mục đích chính là để ngăn không cho Nhật nhảy vào Đông Dương, hoặc đã vào rồi thì cũng dọn ra, tức đừng để Nhật biến Thái Bình Dương thành một trận tuyến thứ hai. Mọi chuyện sau đó sẽ tính sau, một khi đã rảnh tay ở mặt trận châu Âu với phát xít Đức.

Có thể khẳng định rằng ngay từ 1941, Mỹ đã muốn hất Pháp ra khỏi Đông Dương rồi, và cái gọi là “giải pháp trung lập” chẳng qua chỉ là để lấp liếm che đậy tình thế mà bản thân Mỹ chưa vào được Đông Dương nên muốn để trống chỗ. Cũng có thể hiểu rằng hứa hẹn “trung lập” này chỉ là một “đòn gió”, cầu âu xem họa may Nhật sẽ thay đổi thái độ.

Mọi giả đoán sẽ tan biến khi bản thông cáo chung về hợp tác quân sự Nhật - Pháp trong việc bảo vệ Đông Dương được công bố ngày 29-7-1941, tức ba ngày sau cuộc gặp giữa tổng thống Hoa Kỳ và đại sứ Nhật:
“Chính phủ đế chế Nhật Bản và Chính phủ Pháp... đã thỏa thuận các điều khoản sau:
1/ Hai chính phủ hứa sẽ hợp tác hỗ tương về quân sự trong việc cùng bảo vệ Đông Dương thuộc Pháp.
2/ Các biện pháp tiến hành sự hợp tác này sẽ được thỏa thuận riêng rẽ.
3/ Các điều khoản trên chỉ có giá trị cho đến khi nào tình hình còn hợp thời.
(Nguồn: Contemporary Japan, October, 1941)
Có thể thấy rằng Mỹ đã quan tâm sâu sắc đến Đông Dương ngay từ đầu những năm 1940, song chưa nhảy vào vì còn kẹt Pháp. Thế cho nên, cái gọi là “thuyết đôminô” - sợ rằng cộng sản sẽ lan theo “dây chuyền” chỉ là một cái cớ che đậy ý muốn nắm Đông Dương và châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.

--------------------------

Điện Biên Phủ & Hoa Kỳ: kỳ 2

Điện Biên Phủ & Hoa Kỳ: kỳ 1

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận