Hồn nghề trên khuôn kiếng

TIẾN TRÌNH 27/11/2018 19:11 GMT+7

TTCT - Nét màu trên những bức tranh kiếng từng đi vào tiềm thức của nhiều thế hệ người Nam Bộ đang được đánh thức bởi những người thợ canh cánh giữ vẹn hồn nghề.

Trong khi nhiều nơi dùng máy móc in ấn, thì người thợ vẽ tranh kiếng ở xóm tranh Bà Vệ vẫn kiên trì với những nét vẽ tay. Ảnh: TIẾN TRÌNH
Trong khi nhiều nơi dùng máy móc in ấn, thì người thợ vẽ tranh kiếng ở xóm tranh Bà Vệ vẫn kiên trì với những nét vẽ tay. Ảnh: TIẾN TRÌNH

Chiều muộn. Người đàn ông tóc muối tiêu ngồi vắt áo trên chiếc bàn cũ được kê ven con lộ chạy về chợ Bà Vệ (ấp Long Tân, xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, An Giang). Bên chai rượu trắng, ông chẳng buồn đếm xỉa tới ai.

Chòm xóm nói Hai Mọn (Nguyễn Ngọc Mọn, 67 tuổi) đâm nghiện rượu hay sao ấy, suốt ngày cứ thơ thẩn ra vào. Vậy mà có ai hỏi về tranh kiếng, ông bỏ ngay chai rượu, hoạt bát đến xởi lởi, giọng vồn vã: “Tui dễ gì bỏ nghề. Vẽ tới đâu bán hết tới đó. Người ta đặt mấy bức tranh treo tết này mà tui chưa làm xong kia kìa”.

Xóm nghề rực rỡ

Ở miền Tây có một xóm cù lao từng gắn liền với xuất xứ của loại tranh đã có thời phổ biến bậc nhất này. Xóm tranh Bà Vệ một thời trên bờ đèn sáng, dưới bến ghe xếp hàng chờ đợi. Đó là những năm hưng thịnh nhất của xóm nghề. Tám Vinh (em ông Mọn) nói rằng tranh kiếng trước giờ được bán theo kiểu giang hồ sông nước.

Những chuyến ghe chở tranh đi khắp sông rạch, xóm làng... Rằng, ba ông ngày trước là người đầu tiên nhen nhóm nghề tranh kiếng để từ đó nhiều gia đình cũng nối theo. Rồi cả xóm cùng làm nghề vẽ tranh kiếng.

Tám Vinh kể vào trào Pháp thuộc, gia đình ông đã theo đoàn người tản cư từ Bình Minh (Vĩnh Long) đến vùng cù lao Ông Chưởng tránh họa chiến tranh. Mang theo nghề vẽ, ba ông, ông Nguyễn Thành Châu (Hai Ơn), hay tìm đến tiệm bán đồ trang trí Vĩnh Phong của ông Tư Chung ở Mỹ Luông để mua giấy “bồi” (loại giấy đen) và mực, nước sơn về vẽ tranh sơn thủy, tranh cửu huyền thất tổ để bán. Không ngờ, ông vẽ đẹp đến mức nghe tiếng, người dân gần xa đến đặt tranh không kịp vẽ.

Đến một hôm, thấy ông Hai Ơn ra mua sơn, ông Tư Chung gợi ý rằng ông mới mua về lô kiếng dùng để đóng tủ trưng. Nhưng tay nghề của ông Hai Ơn mà vẽ lên kiếng thì đẹp hơn trên giấy. Nghe lời, ông Hai Ơn mua kiếng về, bắt đầu vẽ những bức tranh “song môn” (treo cửa ra vào).

Những bức tranh rồng phụng hay từ tuồng tích Thoại Khanh - Châu Tuấn, Nàng Út ống tre, Phạm Công - Cúc Hoa, Lâm Sanh - Xuân Nương, Thạch Sanh - Lý Thông... mà ông đi coi gánh hát về nhớ vẽ lại đã tạo nên cơn sốt trong vùng. Người ta tới coi, thấy tranh đẹp thì tranh nhau mua. Ban đầu vẽ tới đâu, ông Hai Ơn phải chở đi gửi bán tới đó. Sau đó, thương lái ở Định Tường tìm đến mua mão tranh của ông để bán khắp miệt vườn (lưu vực sông Tiền), miệt ruộng (ven lưu vực sông Hậu).

Những thương lái uy tín như Chín Chưởng, Bảy Pha, Tư Nén, Thanh Việt, Khả Năng, Sinh Phát... đưa ghe bầu đến đậu kín một đoạn kênh Trà Và. Một mình không sao làm xuể, ông Hai Ơn nhận thêm người dạy nghề “thí công”, vừa học nghề vừa vẽ thuê cho ông. Từ đó, nhiều người ở các gia đình lân cận, ở bên kia sông ông Chưởng... đã được truyền dạy nghề vẽ tranh kiếng rồi ra mở tiệm, bán cho các ghe lái chở đi khắp nơi.

Hai Mọn nói thời điểm đông nhất ở xứ Bà Vệ có trên 60 gia đình làm nghề vẽ tranh kiếng. Trong đó, xưởng tranh gia đình ông vẫn lớn nhất xóm, với trên 30 thợ vẽ làm việc ngày đêm. Mỗi ghe chỉ được lấy 20 bộ một lần, bán hết về lấy tiếp. Để kịp có tranh giao, các thợ vẽ phải làm việc ngày đêm. Ban đầu thắp đèn măngsông, sau mua được máy phát điện để thợ làm việc. “Hồi đó, mùa chập tết này dễ gì ngủ. Cả xóm này sáng trưng đèn, vui tưng bừng...” - Hai Mọn nhớ.

Tám Vinh là con út trong nhà. Khi nghề tranh kiếng phát triển, ba ông muốn cho người con cưng phải học cao, nên cấm con theo nghề vẽ. Tám Vinh kể ông phải mang giấy chui xuống sàn nhà để tập vẽ. Đến khi ba ông phát hiện thì ông đã biết vẽ như một người thợ mới vào nghề.

“Vẽ tranh kiếng khó gấp nhiều lần tranh khác. Vì thợ phải vẽ ngược. Phải vẽ bằng viết tách (ngòi được làm từ lông gà)... vẽ được một bức tranh là mình vui sướng vô cùng. Anh em tui đam mê nghề của ba. Nên khi ông mất, tui phải giữ nghề cho bằng được” - Tám Vinh tâm sự.

Xóm nghề tranh kiếng Bà Vệ hưng thịnh nhất là những năm đầu thập niên 1990. Tranh kiếng từ Bà Vệ len từ thành thị tới các xóm rừng. Thương lái chở tranh đi các nơi bán chịu, đến mùa thu hoạch lúa mới lấy tiền. Khi lượng tranh ở các gia đình trở nên bão hòa, cũng là lúc lượng tranh từ đây được ra đời nhiều nhất.

Ghe lái từ chuyện chờ trực để được mua tranh ngày trước, thì sau này họ được tạo điều kiện hết mình để ghe lái mang tranh đi bán, phổ biến nhất là bán thiếu thời gian dài. Có khi cả năm sau khi bán tranh, xưởng tranh mới hỏi chuyện tiền nong. Đến đầu những năm 2000, hàng loạt ghe lái tranh bể nợ. Hàng loạt xưởng tranh kiếng ở Bà Vệ đóng cửa.

Ông Thanh Hòa đã cải tiến nhiều mẫu mã để tranh kiếng phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Ảnh: TIẾN TRÌNH
Ông Thanh Hòa đã cải tiến nhiều mẫu mã để tranh kiếng phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Ảnh: TIẾN TRÌNH

Trách nhiệm giữ nghề

Xóm nghề từ chỗ sung túc đã trở nên đìu hiu. Thợ vẽ tranh bỏ nghề đi tìm kế khác sinh cơ, vài gia đình còn bám với nghề tranh kiếng cũng phải chuyển sang làm tranh thờ, ghép hình thờ... Riêng anh em nhà Hai Mọn, Tám Vinh, Hai Huệ vẫn bám trụ với nghề vẽ tranh kiếng. Tám Vinh nói không có nhiều thương lái như xưa, vẽ được bao nhiêu tranh thì ông lại chất lên chiếc Honda 67 rồi chạy khắp xóm làng, ngõ hẻm rao bán, đủ kiếm cơm lấp đổi qua ngày.

Đưa chúng tôi coi bộ tranh kiếng do ba ông vẽ cách nay 40 năm, Tám Vinh trầm giọng: “Ông già cứ dặn đi dặn lại là đừng bỏ nghề. Những lúc kinh tế khó khăn, thấy tui chạy long nhong ngoài đường, bạn bè, dòng họ đến kêu tui làm việc khác nhẹ nhàng, thu nhập lại tốt hơn. Nhưng nhớ lại lời ba tui nên dù vất vả mấy tui cũng giữ nghề. May là thời buổi in ấn, người ta vẫn thích tìm mua những bức tranh kiếng vẽ tay. Tranh vẽ tay có những hồn cốt riêng mà in ấn không sao có được”.

Nếu anh em ông Mọn, ông Vinh quyết chịu kham khó với tranh kiếng vẽ tay để giữ những nét nguyên thủy của nghề, thì hàng xóm ông lại có người nghĩ khác. Đó là vợ chồng anh Thanh Hòa - chị Tám.

Chị Tám cha mất sớm, theo mẹ chạy giặc đến xứ cù lao rồi bén duyên với nghề vẽ tranh kiếng. Anh Hòa cũng người địa phương nhưng ban đầu không mặn mà với nghề tranh. Lấy nhau, anh Hòa đi bộ đội. Xuất ngũ, anh lên Sài Gòn học y, chị Tám bỏ nghề, theo chồng may vá. Nhưng do hay ốm yếu, vợ chồng anh đưa nhau về quê.

Anh Hòa bàn với vợ thiết kế những khuôn ảnh thờ. Gần như lập tức, các khuôn ảnh kiếng được bán rất chạy. Vợ chồng anh bàn với nhau quay lại với nghề tranh kiếng. Vẫn với những tích xưa, tích cũ nhưng mang phong cách tươi mới, được nhiều người đón nhận... Anh Hòa củng cố lại mối quan hệ với các lái ghe, xây dựng thêm hệ thống bán hàng trên bờ...

Đến nay, xưởng tranh kiếng của gia đình anh làm không đủ bán. Anh Hòa tin rằng trào lưu chơi tranh kiếng đang trở lại. Nhiều người trẻ ở tận Sài Gòn tìm đến anh nhờ vẽ bức tranh theo ý họ; một vị lãnh đạo tỉnh mang bộ tranh được vẽ từ năm 1959 nhờ anh sửa lại những nét sơn phai. Với ông, bức tranh còn có ý nghĩa thiêng liêng, là nếp nhà được thế hệ trước lưu truyền cho con cháu.■

Vợ chồng ông Thanh Hòa với bức tranh kiếng đã hoàn thành, chuẩn bị giao cho khách. Ảnh: TIẾN TRÌNH
Vợ chồng ông Thanh Hòa với bức tranh kiếng đã hoàn thành, chuẩn bị giao cho khách. Ảnh: TIẾN TRÌNH

Ông Nguyễn Hữu Hiệp

(nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nam Bộ):

Bảo tồn để duy trì giá trị văn hóa

Nghề vẽ tranh trên kiếng (kính) xuất hiện chừng thế kỷ nay ở huyện cù lao Chợ Mới (An Giang), đây cũng là một trong ba nơi đầu tiên hình thành những làng nghề tranh kiếng tại Nam Bộ. Xưa tranh được tạo hình với nhiều vật liệu khác nhau, được người dân ưa chuộng sử dụng. Phổ biến nhất là bộ tranh kiếng thờ cửu huyền thất tổ thường đặt phía trên sau bàn thờ gia tiên.

Còn các bức tranh vẽ về phong cảnh, từ truyện cổ tích hoặc truyền thuyết, về sinh hoạt cộng đồng, tranh về sinh hoạt tín ngưỡng với các vị Phật, tiên thánh và tranh chữ, tranh tĩnh vật... cũng thường được trang trí trong nhà các gia đình. Một ngôi nhà bề thế nếu gắn tranh kiếng cảm thấy trở nên sáng đẹp, đầm ấm và trang nghiêm hẳn lên.

Nhiều bức tranh có ý nghĩa giáo dục đạo lý làm người, nhắc nhở việc tu thân, hướng thiện, sống hòa thuận, hiếu thảo. Tranh kiếng còn đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh..., dần trở thành một nét văn hóa dân gian đặc trưng ở Nam Bộ.

Tuy nhiên do giá trị nghệ thuật không cao, bị cạnh tranh bởi nhiều loại tranh đa dạng khác có giá trị hơn nên tranh kiếng không còn được ưa chuộng, từ đó nghề này mai một. Việc phát triển, khôi phục phát triển lại làng nghề này xem ra rất khó, nhưng cũng cần phải bảo tồn nghề làm tranh kiếng để duy trì giá trị văn hóa một thời của cư dân vùng sông nước. Đ.VỊNH (ghi)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận