Hong Kong: Có một cuộc bỏ phiếu khác

CHIÊU VĂN 14/09/2019 22:09 GMT+7

TTCT - Một trong những vấn đề gai góc nhất giữa những người biểu tình ở Hong Kong hiện giờ và chính quyền khu tự trị này là quy chế bầu cử trưởng đặc khu. Các cử tri muốn trực tiếp được lựa chọn người đứng đầu khu hành chính, trong khi thực tế hiện nay, đó là một cuộc “hiệp thương” thường cho ra kết quả là một trưởng đặc khu có quan điểm mềm mỏng hơn với chính quyền trung ương. Nhưng còn có một cuộc bầu cử khác vẫn đang âm thầm diễn ra ở đô thị một thời là trung tâm tài chính - thương mại của cả châu Á.

Ảnh: scmp.com
Ảnh: scmp.com

Trong khoảng ba tháng trở lại đây, khi tình hình Hong Kong bắt đầu trở nên lộn xộn và căng thẳng, các công ty tư vấn di cư bỗng nhiên ăn nên làm ra. Báo Singapore The Straits Times dẫn lời các chuyên gia tư vấn viết hồi tháng 6: “Những người trẻ [ở Hong Kong] quan tâm hơn tới các điểm đến châu Á như Đài Loan, Malaysia và Thái Lan, trái với xu hướng trước đó là nhiều người nhắm tới Canada và Úc, nhờ vào chi phí di cư thấp và triển vọng công ăn việc làm ở gần quê nhà hơn”.

Bỏ phiếu bằng chân

Một hội thảo di cư sang các nước Đông Nam Á của Công ty tư vấn Golden Emperor Properties hồi cuối tháng 6 đã thu hút 1.000 người tham dự, so với chỉ khoảng 100 người trong các hội thảo trước đó. “Đây là lần đầu tiên có nhiều người như thế tham dự hội thảo của chúng tôi, và chúng tôi chưa bao giờ thấy nhiều người trẻ như vậy” - giám đốc điều hành Golden Emperor Properties, Terence Chan, nói với Straits Times.

Từ lâu, một số đại gia Hong Kong đã bắt đầu chuyển tài sản ra nước ngoài giữa những quan ngại về tình hình chính trị. “Trước kia nhiều người sẽ không nghĩ tới Đông Nam Á... nhưng một người đùa với tôi rằng nếu trước kia ông nghĩ vùng đấy không ổn định lắm về chính trị, thì giờ Hong Kong còn bất ổn hơn” - cũng lời Chan.

Với người trẻ Hong Kong, Đông Nam Á là điểm đến lý tưởng khi họ không có quá nhiều tiền nhưng vẫn muốn tìm một “lối thoát”. Ngay cả với khó khăn là quy chế thường trú nhân ở các nước Đông Nam Á này không dễ có được, nhiều người vẫn hài lòng với thị thực dài hạn, bởi họ “không muốn cắt đứt hoàn toàn với Hong Kong”.

Edward, một sinh viên ngành công nghệ thông tin sống ở Đài Bắc, sắp kết thúc khóa học của mình, nhưng anh không có ý định trở lại Hong Kong. Chàng sinh viên 23 tuổi nói với AFP vào cuối tháng 6 rằng anh đang nghĩ cách chuyển sang Úc trong vài năm tới.

Đài Loan sẽ là phương án B của anh, nơi có quy chế nhập tịch cho các sinh viên tốt nghiệp ở đây với thủ tục kéo dài khoảng 3 năm. “Trong trường tôi mỗi năm số sinh viên từ Hong Kong lại tăng thêm” - Edward nói.

Khó có thông tin chính xác về số người Hong Kong đã di cư hẳn, vì chính quyền không theo dõi số liệu đó, nhưng chắc chắn nhiều người có điều kiện hơn đã ra đi ngay từ sau khi vùng lãnh thổ được chuyển giao cho Trung Quốc vào năm 1997, lúc đó chủ yếu là sang Anh, Canada, Mỹ và Úc.

John Hu, một chuyên gia tư vấn di cư, nói có ba giai đoạn cơ bản của việc di cư hàng loạt: những người khá giả nhất ra đi sau khi Hong Kong được chuyển giao, tiếp tới là sau những cuộc biểu tình của phong trào mang dù xuống phố năm 2014, và giờ là “làn sóng thứ ba”. “Tỉ lệ đăng ký của chúng tôi tăng gần 50%” sau khi dự luật dẫn độ gây tranh cãi - nay đã phải rút lại - được thông qua hồi tháng 2-2019, theo lời Hu nói với AFP.

YouTube và Facebook giờ đều có các video hướng dẫn thủ tục di cư khỏi Hong Kong, trong khi một cuộc thăm dò ở Đại học Trung văn Hong Kong năm 2018 cho thấy 1/3 số người trả lời - bao gồm 1/2 những người có trình độ đại học - nói họ sẽ ra đi nếu có cơ hội. Po Fung, một nhà phê bình phim đã ngoài 50, chuyển hẳn tới Đài Loan năm 2018 và nói ông không có gì phải nuối tiếc.

Po hiện điều hành một nhà sách chủ đề phim ảnh ở Đài Bắc, và có giấy phép cư trú dài hạn qua một chương trình di cư yêu cầu khoản đầu tư 6 triệu Đài tệ (192.000 USD), theo AFP. “Tôi không thích tình hình chính trị ở Hong Kong...” - Po nói. “Nhưng cũng có cả các yếu tố kinh tế nữa”, với việc Đài Loan có chi phí sinh hoạt rẻ hơn nhiều để ông sống khi đã về hưu.

Giống như với Po, chính trị chỉ là một phần của bức tranh lớn với nhiều người Hong Kong. Nhiều người nói họ muốn ra đi vì cần không gian sống rộng hơn, ngoài dân chủ và tự do. Thành phố đất chật người đông này khét tiếng vì giá bất động sản đắt đỏ.

Trong một bài báo năm 2016, tờ báo địa phương South China Morning Post đã giật tít thật dài: “Ta có thể mua được gì với khoản tiền trả cho một căn hộ ở Hong Kong: một tòa lâu đài ở Ý, một căn hộ với tầm nhìn ra bến cảng ở Sydney, và một căn nhà mặt tiền ở trung tâm Dublin”.

Theo đó, dữ liệu từ Trung tâm Định giá tài sản thành phố cho thấy một căn hộ trung bình (1-2 phòng ngủ) ở khu Cửu Long có giá 4,34 triệu HKD (550.000 USD), với giá 1m2 trung bình là gần 16.000 USD; trong khi mức lương trung bình của cử nhân vừa tốt nghiệp đại học chỉ là 14.000 HKD (gần 1.800 USD) mỗi tháng.

Có dân số 7,4 triệu người, nhưng không gian sống trung bình đầu người của thành phố này chỉ là không đầy 15m2. Điều đó đồng nghĩa để có một căn hộ chật hẹp, nhiều người sẽ phải làm việc quần quật và mắc nợ cả đời.

Làn sóng các doanh nghiệp

Dễ hiểu là những gì ảnh hưởng tới đời sống người dân cũng sẽ ảnh hưởng tới việc làm ăn của các doanh nghiệp. Hãng tin Úc ABC News dẫn lời Hiệp hội Quản trị bán lẻ Hong Kong (HKRMA) cho biết vào tháng 6 và tuần đầu tiên tháng 7 năm nay, doanh số bán lẻ đã sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái, và dự kiến sẽ giảm ở mức hai con số trong năm 2019, vì những cuộc biểu tình, bất ổn chính trị, và thực tế là nhiều cửa hàng phải đóng cửa.

“Những cuộc biểu tình đã ảnh hưởng tới đời sống thường nhật của người dân Hong Kong và môi trường kinh doanh của chúng tôi” - HKRMA nói vào giữa tháng 7. “HKRMA hối thúc chính quyền xử lý nhanh tình huống này để trở lại với cuộc sống bình thường sớm nhất có thể”.

Cuộc thương chiến Trung - Mỹ và giá nhà cửa tiếp tục tăng cao cũng ảnh hưởng tới các doanh nghiệp bán lẻ. Những người biểu tình thì nhắm sự tức giận của họ cả vào các công ty mà họ cáo buộc câu kết với chính quyền để trục lợi, chẳng hạn như hãng bất động sản Sun Hung Kai và đài truyền hình nổi tiếng TVB.

Một lĩnh vực chủ lực khác của nền kinh tế Hong Kong cũng đang sa sút là vận tải biển. Báo cáo của một ủy ban chuyên trách của chính quyền đặc khu năm 2018 từng khuyến cáo Hong Kong phải giảm một nửa thuế đánh trên lợi nhuận của doanh nghiệp và cung cấp các khoản vay giá rẻ cho các hãng vận tải biển nếu muốn tiếp tục cạnh tranh với đối thủ lớn của họ trong lĩnh vực này ở khu vực: Singapore.

Theo Hãng Clarksons Research, cuối năm 2018, Singapore xếp thứ 9 về tổng lưu lượng vận tải biển - 41,2 triệu tấn, so với Hong Kong đứng thứ 12 - 27,3 triệu tấn. Đáng nói hơn, các doanh nghiệp Singapore sở hữu 48% lưu lượng hàng hóa ra vào cảng thị này, trong khi con số đó ở Hong Kong chỉ là 24%. Số liệu năm nay chưa có, nhưng với tình hình hiện giờ và cuộc thương chiến Trung - Mỹ đã tới hồi khốc liệt, Hong Kong nhiều khả năng sẽ còn sa sút hơn nữa.

Sabrina Chao Sih-ming - chủ tịch điều hành Hãng vận tải biển Wah Kwong, kiêm chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Hong Kong - nói bà đã phải chứng kiến cuộc “ra đi hàng loạt” của các chủ tàu lẫn lao động tay nghề cao khỏi Hong Kong thời gian qua. “Trong 20 năm qua, phần lớn chủ tàu đã bỏ đi để tới Singapore.

Theo chân họ là các định chế hỗ trợ tài chính vận tải biển, các hãng thương mại và người môi giới” - bà Chao nói với SCMP. “Cùng nhau, những người đó đã chuyển trọng tâm ngành này từ Hong Kong sang Singapore”. Trong khi hiệp hội của bà Chao giờ còn lại 203 thành viên, thì Hiệp hội Vận tải biển Singapore hiện có hơn 470 thành viên.

Cứ như thế, những cuộc bỏ phiếu bằng chân sẽ còn tiếp tục ở Hong Kong, cả với từng cá nhân và những doanh nghiệp, nếu người dân ở khu tự trị này còn thấy lo lắng về tương lai, cả chính trị và kinh tế, của vùng đất.■

“Chảy máu” nhân tài

Anh và Đài Loan, những nền kinh tế có lịch sử và truyền thống văn hóa gần gũi với Hong Kong, đang coi cuộc di cư ra khỏi đặc khu này là một cơ hội lớn. Ở Anh đã có những tiếng nói ủng hộ nước này mở cửa hơn cho người Hong Kong.

“Chúng ta có thể mở rộng cửa với những gương mặt sáng láng nhất của vùng lãnh thổ nhỏ này, trao cho họ tấm vé đứng ở hàng đầu của dòng người nhập cư [vào Anh]” - tờ The Sun mới đây viết. “Khi rời Liên minh châu Âu, chúng ta sẽ có cơ hội xây dựng một hệ thống nhập cư phù hợp với thế kỷ 21... Ngay cả trước đó, chúng ta có thể gửi đi tín hiệu rằng nước Anh vẫn là nơi chào đón những người muốn tới với một xã hội tự do”.

Khoảng 50 nghị sĩ Anh cũng ủng hộ một đề xuất tìm hiểu các cách thức chào đón thêm di dân từ Hong Kong. Có khoảng 170.000 người Hong Kong có hộ chiếu “lãnh thổ hải ngoại của Anh” còn hạn tới cuối năm 2018, và nhiều người đã gia hạn.

Đài Loan, hòn đảo đang đau đầu vì tình trạng già hóa dân số, cũng có những chính sách lôi kéo di dân từ Hong Kong. Cao Hùng, thành phố lớn thứ hai ở Đài Loan, đã mở một chương trình quyết liệt với mục tiêu thu hút 30.000 người Hong Kong có trình độ và khả năng tài chính cao trong 10 năm tới.

Chương trình đầu tư định cư của Đài Loan cũng đã được hạ ngưỡng đầu tư từ 6 triệu xuống còn 5 triệu Đài tệ (192.000 USD xuống 160.000 USD). Một cuộc điều tra vào năm 2018 của công ty dữ liệu Mỹ Wealth-X cho thấy Hong Kong hiện có hơn 10.000 cư dân thuộc loại “siêu giàu” với tài sản trên 30 triệu USD, tức là còn nhiều hơn số người siêu giàu ở New York.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận