Khi sách... họp chợ

DUYÊN TRƯỜNG 11/11/2012 03:11 GMT+7

TTCT - Đối diện từng người đọc, sách làm nên một cuộc trò chuyện tay đôi, riêng tư và lặng lẽ… Nhưng khi cùng góp mặt trong một hội chợ cỡ như Frankfurt (Đức), sách biến thành cuộc trình diễn ngoạn mục.

Nó “trình chiếu” một không gian ý tưởng độc đáo của những người làm sách, bán sách, sống nhờ sách, sống vì sách trên khắp thế giới: từ tư duy đề tài, thiết kế mỹ thuật cho đến chiến lược kinh doanh, nghệ thuật tiếp thị…


ĐH Harvard trong hội sách - Ảnh: Duyên Trường

Hội chợ sách quốc tế Frankfurt được xem là hội chợ thường niên lớn nhất thế giới. Năm nay (10 đến 14-10-2012), hội chợ đếm được hơn 7.500 gian hàng lớn nhỏ khác nhau, hơn 3.200 sự kiện được tổ chức, với khoảng 110 quốc gia tham dự. 

Đó là các tập đoàn, các nhà xuất bản (NXB), ban tu thư các trường đại học (university press), các hiệp hội xuất bản / thư viện, các đại lý tác quyền, các công ty in ấn, các công ty du lịch / truyền thông, các tạp chí liên quan đến sách… Cả các tổ chức quốc tế có làm xuất bản như World Bank, UNESCO, EC (Cộng đồng châu Âu), OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế)… 

Và trái với lối suy nghĩ vốn có của dân ta, hội chợ này không phải để… bán sách, càng không phải là dịp để bán sách đại hạ giá. Đây là nơi giao dịch tác quyền về sách (kể cả sách điện tử, sách nói) với những người chào hàng thuộc lòng mỗi cuốn sách… từng centimet, và những nhà môi giới, đàm phán đủ mọi màu da, quốc tịch, ngôn ngữ…

Lớn và nhỏ

Hội chợ sách Frankfurt dĩ nhiên là rất lớn. Diện tích khoảng 169.000m2. Cả hội chợ có hơn mười khu (hall) có đánh số, bố trí theo vùng lãnh thổ hoặc theo lĩnh vực. Mỗi khu đều lớn đến mức nếu chúng ta đi ngắm nghía sách lần lượt từng gian hàng một, theo từng dãy có đánh số ABC, có khi cả ngày chưa hết một khu. Và không một ai trong năm ngày hội chợ có thể đủ sức đi “giáp một vòng” cho tất cả.

Mọi thứ đều có, từ sách đến những thứ đi kèm theo sách, những thứ từ sách mà ra hoặc liên quan đến sách, cho mọi đối tượng và đủ loại nhu cầu. Những tập đoàn xuất bản cỡ lớn như Hachette Livre (Pháp), McGraw-Hill (Mỹ), Random House (Đức), Wiley (Mỹ), Haiper Collins (Mỹ), Simon & Schuster (Mỹ)… đều có mặt. Những đại học lớn như Oxford, Harvard, Cambridge, Chicago… đều có mặt.

Nhưng không phải tất cả đều có quy mô lớn, đều hoành tráng như nhau. Cô nhân viên tại gian hàng 4m2 của Guthman Peterson (Đức) - một NXB “tổng hợp” - cho biết công ty của cô mỗi năm làm khoảng mười tựa sách, mỗi tựa chỉ khoảng 500 cuốn. 

Vì vậy bạn đừng ngạc nhiên nếu bắt gặp ở đây nhiều NXB với “sức chứa” chỉ vài nhân viên, mỗi năm làm ra chừng mười, mười lăm, hai mươi đầu sách mà vẫn sống khỏe!

Một nhà thơ đang đọc thơ trong chương trình giao lưu với bạn đọc nhân dịp ra mắt tập sách - Ảnh: Duyên Trường

Như NXB A1.Verlag chuyên làm sách văn học của các tác giả nước ngoài, chuyển ngữ tiếng Đức. Sách bán tại Đức, bán qua Áo (vì tiếng Đức và tiếng Áo gần nhau như anh em một nhà) và qua Thụy Sĩ (vì 2/3 người Thụy Sĩ dùng tiếng Đức).

Công ty có vỏn vẹn năm nhân viên, một năm kinh doanh mười đầu sách, mỗi tựa từ 3.000-20.000 bản. Hoặc như NXB Caroll & Brown chỉ có sách “Mẹ và con”. NXB Rich Dad “suốt đời” chỉ làm một bộ sách “Dạy con làm giàu” của Robert T. Kiyosaki và Sharon L. Lechter...

Xem ra thế giới hôm nay đủ chỗ cho mọi thị trường dù lớn nhỏ đến đâu. Điều quan trọng nhất là định vị cho được cái riêng của chính ta.

Có nhiều bảo tàng xuất bản sách và chỉ làm sách từ câu chuyện của bảo tàng. Royal Collection Trust (Anh) chuyên làm sách về những bộ sưu tập của nữ hoàng, từ kim cương đến trang phục, búp bê… hoặc mọi thứ liên quan đến hoàng gia nước Anh (lâu đài Winsor, cung điện Buckingham, nghi lễ cung đình…). 

Crécy Publishing (Manchester, Anh) theo đuổi những “ấn phẩm tốt nhất về phương tiện vận tải và quân sự của thế giới”: xe hơi, xe tăng, tên lửa, máy bay, tàu chiến… 

Còn nhà M. Moleiro (Tây Ban Nha) tập trung làm sách khổ lớn, giấy vàng, đóng gáy bằng tay, bìa cứng có khóa, in lại những trang sách chép tay thời Trung cổ có kèm hình ảnh nhiều màu sắc, có sơn son thếp vàng…

Có hẳn một dòng sách “giúp bạn hiểu biết và chăm sóc thú cưng” (chó, mèo, chuột, chim…). Hoặc những bộ sưu tập có thể “giúp bạn nấu ăn như một đầu bếp thượng hạng”. Và người ta dồn sức “thâm canh” đến cùng trên mảnh đất chuyên biệt đó.

Đại diện NXB Trẻ (phải) làm việc với Andrea Huntley, giám đốc WinterGarden Presse - Ảnh: Duyên Trường

Có thể bạn chưa biết

Thế giới hôm nay đủ chỗ cho mọi thị trường dù lớn nhỏ đến đâu. Điều quan trọng nhất là định vị cho được cái riêng của chính ta.

Chúng tôi gặp Andrea Huntley tại gian hàng của cô. Cô là người Mỹ, sinh và lớn lên ở New York. Cô lấy chồng người Anh và hiện sống ở London. Cô từng qua Việt Nam vào tháng 4-2012, và khoe đã từng ăn thịt rắn, uống tiết rắn ở Sài Gòn. 

Nhưng câu chuyện của cô thú vị ở chính ý tưởng kinh doanh. Andrea Huntley lập ra một NXB do cô làm giám đốc điều hành, mang tên WinterGarden Presse, với phương châm làm nên một “Home to the pen-named and anonymous”: cô chỉ làm sách nặc danh (giấu tên) hoặc với bút danh mà thôi.

“Có những điều riêng tư, cá nhân, hoặc gặp phải những vấn đề xã hội phức tạp, nhạy cảm khiến tác giả không muốn xuất hiện trước công chúng” - cô giải thích về lý do ra đời “ngôi nhà” của mình. 

NXB của cô chỉ mới lập được vài tháng, và cuốn sách đầu tiên là Mémoires de l’enfant terrible (tạm dịch: Ký ức về tuổi thơ dữ dội). Thật là một ý tưởng mới lạ.

Chinese Cubes (Trung văn lập phương) lại là một ý tưởng độc đáo khác. Tác giả Rex How đã lập nên Locus Publishing (trụ sở ở Đài Bắc, có chi nhánh tại New York và Bắc Kinh), được đánh giá là một trong những NXB sáng tạo nhất trong lĩnh vực dạy và học tiếng Hoa. Mỗi khối vuông (như con xúc xắc) là một chữ, một mặt là chữ giản thể, một mặt là chữ phồn thể, một mặt là phiên âm Pinying, một mặt dịch nghĩa sang tiếng Anh, mặt còn lại là mã AR.

Người học khi đưa mã AR của con chữ ấy cho webcam nhận diện, một phần mềm chuyên dụng trên máy tính sẽ tự động “giảng bài”: phát âm, dịch nghĩa, hướng dẫn cách viết, cách tạo ngữ, tạo câu… Bộ Starter Pack với 40 chữ, có thể “dạy” được hơn 2.500 ngữ và câu. 

Còn bộ Booster Pack có 160 chữ, có thể kết hợp tạo hơn 30.000 câu và ngữ. Tuy mới thành lập từ năm 2010, nhưng với khẩu hiệu “Ý tưởng mới, tiếp cận mới, kỹ thuật mới”, Chinese Cubes của Locus đã nhanh chóng tạo nên tiếng vang lớn.

Một ý tưởng làm sách khác: NXB Taschen (Đức) thực hiện một cuốn sách từ một nhật báo, tờ Bild Zeitung. Khổ sách bằng khổ tờ báo (lớn hơn khổ A3). Mỗi trang sách là trang nhất của một số báo tiêu biểu trong một tháng. Mỗi năm 12 trang, liên tục từ sau Thế chiến đến nay. Sách như một thứ kỷ yếu, vừa ghi chép một phần lịch sử đã qua, vừa tái hiện câu chuyện của một tờ báo.

Một chuyên gia của ProHelvetia (trái) đang làm việc với đối tác về chương trình Moving words - Ảnh: Duyên Trường

Con chữ chạy - Văn hóa chảy

Cũng từ trong hội sách, một nỗ lực được nhận diện: nhiều tổ chức phi lợi nhuận tìm cách gây ảnh hưởng về văn hóa hoặc quảng bá văn hóa của đất nước ra bên ngoài bằng con đường của sách, chủ yếu là văn học. Và đó chính là vấn đề rất đáng cho chúng ta phải suy nghĩ.

Litprom là một tổ chức của Đức, chuyên tổ chức dịch văn chương của các nước Á, Phi và Mỹ Latin sang tiếng Đức. Litprom sẽ hỗ trợ tài chính cho dịch giả bản ngữ, tổ chức đưa dịch giả sang thăm Đức và tổ chức các hoạt động giới thiệu sách cho độc giả của Đức. 

Phần lớn ngân sách là từ tài trợ của chính phủ. Còn JLPP (Japanese Literature Publishing Project) là một sáng kiến của Ủy ban Văn hóa Nhật Bản.

Nhằm mục đích quảng bá văn học Nhật bản đương đại, tổ chức này chọn sẵn một số tác phẩm của sáu nhà văn, nhà thơ Nhật (trong đó có một nữ) và dịch sẵn ra các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha. Dự án sẽ hỗ trợ một NXB nào đó tại một nước khác bằng cách mua sách tặng các thư viện, nếu NXB ấy đồng ý in ấn và phát hành một hoặc vài tựa trong các tác phẩm này.

Một trong những cách làm bài bản khác là chương trình “Moving words” (tạm dịch: Từ ngữ chuyển động) của ProHelvetia (Thụy Sĩ). Đó là chương trình chuyển ngữ của “một đất nước, bốn ngôn ngữ, bốn dòng văn học” (vì Thụy Sĩ dùng đến bốn thứ tiếng: Đức 65% dân số, Pháp 18%, Ý 12% và Romansch 1%). 

Chương trình khuyến khích các dịch giả nước khác chọn dịch các tác phẩm văn chương, kịch nghệ, điện ảnh, âm nhạc… của Thụy Sĩ.

Chương trình sẽ hỗ trợ tài chính cho dịch giả, và hỗ trợ các NXB 50% chi phí tác quyền nếu chọn xuất bản các sách dành cho thiếu nhi. Thủ tục đều làm qua mạng. Tuy tài chính của chương trình do chính phủ cung cấp nhưng ProHelvetia hoàn toàn có quyền quyết định việc chọn lựa dịch giả và NXB đối tác.

Những cách làm này càng cho thấy các dịch giả như là một đại sứ văn hóa của các quốc gia, càng có vai trò to lớn như thế nào trong thời đại của “thế giới phẳng” hôm nay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận