Khi thảm họa là cơ hội của hòa bình 

ĐỨC HOÀNG 14/05/2015 17:05 GMT+7

TTCT - Không ai mong muốn một thảm họa tự nhiên diễn ra. Nhưng khi nó đã xảy ra theo ý muốn của tạo hóa thì cách hành xử của các quốc gia với thảm họa ấy có thể biến nó thành một cơ hội của hòa bình.

Quân đội Israel tham gia cứu trợ các nạn nhân sóng thần Haiti năm 2011 - Ảnh: Wikimedia.org

Ngày 17-1-2002, núi lửa Nyiragongo tại Goma, CHDC Congo có đợt phun trào lớn. Đây là ngọn núi lửa nguy hiểm nhất tại châu Phi và trên thế giới nói chung, xét về tần suất hoạt động. Thành phố Goma bị chia làm ba bởi các dòng nham thạch. 120.000 người mất nhà cửa, 147 người chết vì khói và địa chấn.

Goma khi ấy đang là tâm điểm của chiến tranh Congo lần thứ hai - cuộc chiến tàn khốc nhất lịch sử châu Phi hiện đại, với sự tham gia của 9 quốc gia và 20 lực lượng vũ trang khác nhau. Cho tới năm 2008, thống kê về số người thiệt mạng trong cuộc chiến này lên tới 5,4 triệu người.

“Một miếng khi đói”

Nhưng vụ phun trào núi lửa Nyiragongo lại khởi đầu một chuỗi hoạt động ngoại giao không thường lệ: lực lượng RCD, những người đang kiểm soát thành phố Goma, mở cửa biên giới để nhận giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế. Trong số hàng hóa và nhân lực cứu trợ có sự đóng góp của Chính phủ CHDC Congo - tức đối thủ của RCD. Nhiều quốc gia châu Phi, tham chiến hoặc không tham chiến, cũng quyên góp cho Goma.

Tới ngày 6-2-2002, đúng 20 ngày sau khi thảm họa diễn ra, lực lượng du kích Mai-Mai, một bên tham chiến, liên hệ với Liên Hiệp Quốc đề nghị một thỏa thuận ngừng bắn và muốn tham gia quá trình hòa đàm cho Congo. Ngày 26-2, hơn một tháng sau thảm họa, cuộc đối thoại hòa bình liên Congo chính thức được bắt đầu tại Nam Phi. Tới tháng 8 năm đó, thỏa thuận hòa bình được ký kết. Năm 2003, chiến tranh Congo lần thứ hai kết thúc trên danh nghĩa.

Sẽ không thể kết luận rằng cuộc phun trào của núi lửa Nyiragongo là tác nhân trực tiếp cho việc chiến tranh kết thúc, bởi trên thực tế những xung đột vẫn còn dai dẳng trong cả thập kỷ sau. Nhưng rất nhiều học giả đã lưu tâm đến mối liên hệ giữa thảm họa tại Goma và những tín hiệu hòa bình ngay sau đó. Nhiều người cho rằng Goma là một ví dụ tiêu biểu cho khái niệm “ngoại giao thảm họa”.

Goma không phải lần duy nhất trong lịch sử những thảm họa tự nhiên trở thành cơ hội cho những động thái ngoại giao giữa xung đột. Trong các năm 2010-2011, những hoạt động cứu trợ đã trở thành phương thức “đối thoại” hiếm hoi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Tháng 5-2010, trên lãnh hải quốc tế, quân Israel tấn công một tàu Thổ Nhĩ Kỳ khi tàu này cố tiếp cận Dải Gaza (đang bị Israel phong tỏa). Chín người Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong vụ đó. Quan hệ hai nước trở nên căng thẳng. Nhưng cuối năm 2010, khi một trận cháy rừng lớn diễn ra ở phía bắc Israel, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn gửi lực lượng đến cứu trợ. Tháng 10-2011, một trận động đất diễn ra ở phía đông Thổ Nhĩ Kỳ. Lần này, tới lượt Israel gửi lực lượng giúp đỡ... 

Cơ hội và thử thách

Lúc gian khó mới hiểu lòng nhau - thảm họa tự nhiên được xem là cơ hội để các quốc gia thể hiện thái độ của họ với các vấn đề riêng và chung của thế giới. Giáo sư ngành ngoại giao Louise K. Comfort (ĐH Pittsburgh, Mỹ) trong một bài luận năm 2000 từng gọi thảm họa tự nhiên là “đại sứ của ngoại giao và thay đổi trong quan hệ quốc tế”. Trong đó, bà chỉ ra một ví dụ rằng bất chấp mối quan hệ đóng băng giữa Cuba và Mỹ, giới khoa học hai nước này vẫn phối hợp rất chặt chẽ để chia sẻ thông tin về bão tại vùng Caribê - mối đe dọa chung của hai nước. Theo L. Comfort, đó chính là một hình thức ngoại giao tích cực. Và có lẽ tới năm 2015 này, khi Cuba và Mỹ bình thường hóa quan hệ, quan điểm của Comfort đã được chứng minh phần nào. 

"Vị thế của một quốc gia không chỉ đến từ quy mô nền kinh tế hay quân đội mà còn ở cách họ đối mặt với các vấn đề của thế giới. Lập luận rằng “trong nước còn nhiều vấn đề” để từ chối thực hiện các hoạt động giúp đỡ bên ngoài sẽ là một logic đẩy khái niệm ngoại giao vào ngõ cụt." 

Sau khi trận động đất kinh hoàng tại Nepal diễn ra vào tháng 4-2015, trên truyền thông Việt Nam xuất hiện một số ý kiến cho rằng việc xã hội dồn năng lượng quan tâm đến năm người Việt mắc kẹt tại đất nước này là một “sự phiền hà”. Một số người thậm chí thắc mắc tại sao phải quyên góp cho Nepal khi trong nước còn nhiều vấn đề. Tuy nhiên, ngoài vấn đề nhân đạo, dường như nhiều người quên mất yếu tố ngoại giao: đó là lúc để Việt Nam thể hiện mức độ quan tâm đến các vấn đề chung của thế giới cũng như công dân của mình. Nhìn từ góc độ này, việc Việt Nam hỗ trợ nước Mỹ, một quốc gia giàu có hơn rất nhiều, trong thảm họa bão Katrina là một động thái tích cực.

Cần biết rằng thái độ của một quốc gia trong một thảm họa “chung” (gây được sự quan tâm rộng rãi của cả thế giới) như vụ động đất tại Nepal được đánh giá rất khắt khe. Hãy quay lại với bão Haiyan, cơn bão kinh hoàng đã quét qua Philippines năm 2013: thời điểm đó Trung Quốc bị chỉ trích vì sự giúp đỡ rất hạn chế, ngay cả khi so với những nước nghèo hơn. Trong số những người chỉ trích có cả Tổng thống Mỹ Obama.

Vị thế của một quốc gia không chỉ đến từ quy mô nền kinh tế hay quân đội mà còn ở cách họ đối mặt với các vấn đề của thế giới. Lập luận rằng “trong nước còn nhiều vấn đề” để từ chối thực hiện các hoạt động giúp đỡ bên ngoài sẽ là một logic đẩy khái niệm ngoại giao vào ngõ cụt.

Cuba có một khái niệm rất nổi tiếng là “ngoại giao y học”. Bất chấp lệnh cấm vận và một nền kinh tế nhiều thiếu thốn, nước này vẫn khẳng định được vai trò của một cường quốc y học bằng các sứ mệnh nhân đạo ở nước ngoài. Mỗi năm Cuba cử tới châu Phi hàng chục nghìn bác sĩ. Trong thập kỷ 1980 và 1990, các bác sĩ nước này cũng thực hiện hàng triệu cuộc phẫu thuật từ thiện tại các quốc gia Mỹ Latin.

Tuy nhiên, mọi cơ hội đều có hai mặt, người ta có thể từ chối nó đồng thời đẩy xung đột lên cao hơn. Năm 1999, Venezuela trải qua một trận lũ lụt kinh hoàng khiến 30.000 người thiệt mạng. Nhưng nước này quyết định từ chối các tàu chở hàng cứu trợ của Mỹ - một trong những nước đầu tiên có mặt.

Năm 2002-2003, khi diễn ra nạn đói kinh hoàng tại các quốc gia phía nam châu Phi, đe dọa sinh mạng của 30 triệu người tại khu vực này, nước Mỹ gửi đến một lượng lớn lương thực cứu trợ có nguồn gốc là thực phẩm biến đổi gen. Zimbabwe, Zambia và Mozambique thẳng thừng từ chối nhận. Tổng thống Zambia gọi thẳng thực phẩm biến đổi gen là “độc dược”, còn Mozambique bày tỏ lo ngại việc vận chuyển lương thực biến đổi gen qua lãnh thổ của họ sẽ làm hỏng các giống cây trồng tự nhiên trên nước này. Theo một nghĩa nào đó, nạn đói này cũng chính là một dạng “cơ hội” để các quốc gia bày tỏ thái độ với thực phẩm biến đổi gen - một vấn đề của an ninh lương thực toàn cầu. 

Từ quốc gia đến cộng đồng

Khi đã nói đến ngoại giao ở nghĩa rộng thì câu chuyện không chỉ là của các quốc gia. Trong một báo cáo của UNDP năm 2003 về Colombia có đoạn: “Những nhóm thù địch đầy bạo lực ở vùng Meta đã cùng chung sức giải quyết hậu quả của những cơn lũ. Đây không chỉ là nỗ lực để bảo vệ sinh mạng, mà còn tạo ra sự tin tưởng và trông cậy lẫn nhau”.

Trong một kịch bản gần tương tự, các nhóm yakuza (xã hội đen) của Nhật cũng đã âm thầm chuyển hàng cứu trợ đến các vùng bị ảnh hưởng bởi trận động đất - sóng thần năm 2011.

Ngoại giao trong thảm họa, hay nói cách khác, cơ hội của hòa bình và thay đổi sau thảm họa, có thể là của cộng đồng và cũng có thể là của mỗi cá nhân. Bất kỳ ai cũng hiểu được triết lý đằng sau câu chuyện này. Khi một điều không may ập đến, một chuỗi biến đổi diễn ra: sự kiên định, bền vững của chủ thể (người/quốc gia chịu thảm họa) giảm xuống; các đối tượng bên ngoài (người/quốc gia) có cơ hội thể hiện thái độ tích cực dễ dàng - không cần phải thực hiện các biện pháp ngoại giao phức tạp như thường lệ. Việc mỗi bên xử lý những điều kiện này ra sao, có giúp đỡ, thăm hỏi không, có tiếp nhận sự giúp đỡ không là thể hiện cao nhất của thái độ.

Việc quan sát những biến động của thế giới và thái độ của các quốc gia có thể trở thành bài học cuộc sống: đôi khi thời điểm những điều không may xảy đến, mở cửa biên giới và mở cửa nhà riêng khá giống nhau.          

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận